Thực tiễn cho thấy, để đưa chính sách pháp luật đến gần hơn với người dân vùng biên giới, đi liền với cơ chế, chính sách, cần phát huy vai trò của người đứng đầu ở các ngành, các địa phương thuộc phạm vi đề án. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng nhân tố nòng cốt cho công tác tuyên truyền ở cơ sở.
Đến với xã biên giới Môn Sơn (Con Cuông), nơi có hơn 80% là đồng bào dân tộc Thái sinh sống, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là sự năng động của cán bộ nữ. Cả xã có 11/14 bản có bí thư hoặc trưởng bản là nữ, trong đó 4 bản có nữ bí thư kiêm trưởng bản.
Tuy nhiên, các phong trào, hoạt động đều rất sôi động. Trong đó, phải kể đến hoạt động của 3 CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới Quốc gia” (gọi tắt là CLB phụ nữ bảo vệ biên giới) do Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh – cán bộ vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Môn Sơn) đề xuất, vận động thành lập.
Chị Hà Thị Dung – Chủ nhiệm CLB “Phụ nữ bảo vệ biên giới” bản Bắc Sơn – bản đầu tiên xây dựng mô hình với 35 thành viên cho biết: Nhờ tham gia câu lạc bộ mà chị em đã được hiểu thêm rất nhiều kiến thức về pháp luật. Nhất là những quy định về bảo vệ biên giới Quốc gia, quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ an ninh biên giới; phòng, chống buôn bán người; các chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, phụ nữ nói riêng trên mọi lĩnh vực…
Mỗi lần sinh hoạt còn là dịp để chị em giao lưu văn hóa, văn nghệ với các điệu múa, cồng chiêng rộn rã.
Tham gia Câu lạc bộ “Phụ nữ bảo vệ biên giới”, các chị em từng bước trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong gia đình, dòng họ, xóm giềng.
Nhờ vậy, những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cứ thế theo bước chân và sự nhiệt tình của chị em lan tỏa khắp các bản, làng. Từ hiệu quả ở bản Bắc Sơn, đã có thêm 2 câu lạc bộ nữa được thành lập tại bản Nam Sơn và Làng Yên.
Đến nay, cả 3 câu lạc bộ tại xã Môn Sơn đều đang hoạt động tích cực. “Kết quả này là nhờ sự nhiệt tình của các nhân tố nòng cốt là các bí thư, trưởng bản là nữ, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. Cán bộ nào phong trào ấy, có cán bộ tốt thì mô hình sẽ phát huy hiệu quả” – Thiếu tá Nguyễn Thị Trần Thanh khẳng định.
Ở huyện miền núi Kỳ Sơn, “thủ lĩnh’’ Hội LHPN huyện Vũ Thị Huyền cũng là một trong những cán bộ tâm huyết, hỗ trợ các hội cơ sở hoạt động có hiệu quả. Chị và các cộng sự đã thành lập Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh biên giới” bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy với hơn 30 thành viên. CLB này phối hợp với Đồn Biên phòng Na Loi tổ chức các hoạt động tuyên truyền hiệu quả với nội dung hấp dẫn. “Xưa nay phụ nữ Mông thường chỉ quanh quẩn với nương rẫy, họ ít có cơ hội để tham gia các hoạt động đoàn thể. Từ khi mô hình CLB này được triển khai, chị em trong xã có thêm một “sân chơi” bổ ích. Đồng thời chị em cũng tích cực phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và bộ đội biên phòng giữ gìn an ninh trên địa bàn. 3 năm nay xã Đoọc Mạy được cấp trên đánh giá cao về an ninh, trật tự, giữ yên biên giới có đóng góp của lực lượng phụ nữ ”, ông Già Chồng Nênh – Bí thư Đảng ủy xã Đoọc Mạy vui vẻ cho biết.
Đến nay, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 5 CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới” ở các xã Tà Cạ, Nậm Càn, Na Ngoi, Na Loi, Đoọc Mạy hoạt động có hiệu quả nhờ nhân tố “nòng cốt” là những cán bộ nhiệt tình, trách nhiệm “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’’ ở cơ sở.
Theo ông Lê Bá Thiệu – Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phụ thuộc rất lớn vào vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Nơi nào người đứng đầu quan tâm thì các chương trình, mô hình, đề án được thực hiện có hiệu quả.
Ví như tại thị xã Cửa Lò, những năm gần đây đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, trong triển khai tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo được làn gió mới, thu hút sự quan tâm của người dân. Nổi bật là hoạt động của CLB “Thời sự – Pháp luật” tại 7/7 phường, xã do đích thân Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy phường làm chủ nhiệm.
Theo ông Cao Anh Hùng – Trưởng phòng Tư pháp thị xã Cửa Lò: Đây là một hình thức sinh hoạt pháp luật cộng đồng do Ban Tuyên giáo Thị ủy phối hợp với phòng Tư pháp thị xã và các địa phương xây dựng.
Định kỳ 3 tháng, các CLB sinh hoạt một lần, ngoài tổ chức tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, các hoạt động thi tìm hiểu pháp luật, hái hoa dân chủ, các chương trình giao lưu sân khấu hóa, hoạt cảnh tình huống… liên quan đến các chính sách pháp luật của Nhà nước, các thông tin mang tính thời sự diễn ra trên địa bàn.
Ban Chủ nhiệm các CLB còn chủ động phối hợp với các chuyên gia trên các lĩnh vực tổ chức các buổi tư vấn, hỗ trợ pháp lý, trao đổi tình huống pháp luật cụ thể, mang tính liên hệ thực tiễn cao đảm bảo hành trang kiến thức pháp lý cần thiết cho sự tham gia vào hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật của người dân.
Theo lãnh đạo các phường trên địa bàn thị xã Cửa Lò thì để duy trì đều đặn việc sinh hoạt theo quy chế câu lạc bộ một cách có hiệu quả là không hề dễ dàng. Ngoài nỗ lực của Ban Chủ nhiệm trong đổi mới nội dung, cách thức sinh hoạt còn cần sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp.
Tương tự, tại xã biển Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), dù tất bật với những chuyến bám biển dài ngày hay mải miết với công việc mưu sinh “trên bến, dưới thuyền” thì người dân trên địa bàn vẫn thường xuyên được cập nhật thông tin về các chủ trương, chính sách mới, các hoạt động diễn ra trên địa bàn thông qua trang web riêng của địa phương; kênh facebook của các hội, đoàn thể hoặc qua tuyên truyền lưu động đến tận từng tàu thuyền, từng cụm xóm…
Đó là cách mà Đảng ủy, chính quyền xã đã triển khai để đưa chủ trương, chính sách pháp luật đến gần hơn với người dân. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền lưu động trực tiếp tại các địa bàn trọng điểm như tại Khu Công nghiệp Đông Hồi cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm.
Mỗi buổi tuyên truyền lưu động đều có sử dụng trình chiếu PowerPoint, nội dung ngắn ngọn, kèm hình ảnh, video, lồng ghép các trò chơi, các câu hỏi liên quan để người dân dễ nhớ dễ hiểu.
Ông Hồ Sỹ Hoàng – Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lập cho hay: Xã luôn xác định việc cập nhật, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách mới, thông tin chính thống đến với người dân thông qua các kênh khác nhau là rất quan trọng để tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Khu vực biên giới của tỉnh Nghệ An có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH và quốc phòng, an ninh. Trong khi đó công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nội dung, hình thức tuyên truyền còn xơ cứng, nhiều mô hình hoạt động không hiệu quả. Tại một số nơi, người đứng đầu chưa thật sự quan tâm đến công tác này, còn “ khoán trắng” cho lực lượng BĐBP đóng chân trên địa bàn và ngành Tư pháp. Mặt khác, nguồn kinh phí eo hẹp, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật tuy “đông nhưng chưa mạnh”, chủ yếu kiêm nhiệm nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Trao đổi bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn huyện Diễn Châu, Trưởng phòng Tư pháp Hoàng Thị Xuyên chia sẻ, điều đầu tiên mà các cán bộ tư pháp cơ sở băn khoăn là những chính sách xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa được triển khai rộng rãi và thu hút được nguồn lực tham gia hỗ trợ, tài trợ.
Một khó khăn khác, đó là kinh phí hoạt động cũng như tổ chức các hoạt động liên quan công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa hầu như không đáp ứng yêu cầu. Ví như đối với 1 phòng tư pháp cấp huyện, kinh phí hoạt động 1 năm khoảng 20 triệu đồng. “Nếu muốn tổ chức hoạt động liên quan chuyên môn như tập huấn, hội thi phải xin kinh phí từ UBND huyện. Lãnh đạo huyện có quan tâm, nhưng do ngân sách eo hẹp nên việc tổ chức các hoạt động thuộc lĩnh vực tư pháp cũng bị hạn chế nhiều” – bà Hoàng Thị Xuyên cho hay.
Ở cấp xã, nhiều cán bộ tư pháp cũng bày tỏ “Muốn thành lập được đội dự thi báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật bài bản, có chất lượng cần đến hàng chục triệu đồng, điều đó là quá sức với nguồn kinh phí của xã, nên nhiều khi “lực bất tòng tâm”.
Về nhân sự, ghi nhận tại nhiều địa phương là tình trạng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên được tham gia tập huấn chủ yếu nghiêng về kiến thức pháp luật mà ít được bồi dưỡng nâng cao kỹ năng tuyên truyền, nhất là tuyên truyền miệng. Bên cạnh đó, thành viên của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động này. Khối lượng văn bản pháp luật phải tuyên truyền lớn và rộng, trong khi nguồn lực hạn chế nên chủ yếu mới tập trung tuyên truyền các văn bản pháp luật mới.
Mặt khác, các tủ sách pháp luật ở các địa bàn 2 tuyến biên giới (bộ và biển) hàng năm vẫn được đầu tư nhưng hiệu quả thấp. Theo ông Vy Hoàng Hà – Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Quỳ Hợp: “Tình trạng tủ sách bị bỏ quên, không có người đến mượn hay tìm đọc là có thật. Lý do là hiện nay mọi thông tin cần tìm hiểu đều đã được thực hiện thông qua internet, vừa nhanh, vừa chính xác. Bên cạnh đó, nhiều đầu sách pháp luật mới mua bổ sung nhưng chưa được bao lâu thì luật đó đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế nên sách không thể cập nhật kịp thực tế”.
Do vậy, đối với người dân tuyến biên giới, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa thì hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất vẫn là sân khấu hóa, tuyên truyền bằng người thực, việc thực hoặc phát huy hệ thống truyền thanh cơ sở. Mặt khác, cần phải quan tâm đến chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật ở cơ sở.
Đây chính là những “cầu nối”, góp phần quan trọng vào việc truyền tải các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Nhiều vấn đề bức xúc hay các vụ việc nổi cộm ở cơ sở được giải quyết thỏa đáng, thấu tình, đạt lý và tạo được sự đồng thuận cao cũng có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ này.