Là công trình trọng điểm quốc gia, Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, dành nhiều ưu đãi để đôn đốc tiến độ. Thế nhưng khi khởi công, dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ở Nghệ An công tác giải phóng mặt bằng đã gặp “nút thắt” lớn.
Ở Nghệ An, Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua thị xã Hoàng Mai và các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Tất cả các địa phương nói trên đều gặp các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư.
Tại thị xã Hoàng Mai, dự án đi qua 2 xã là Quỳnh Vinh và Quỳnh Trang, trong đó xã Quỳnh Vinh là điểm đầu tiên mà đường cao tốc Bắc – Nam đi vào địa phận tỉnh Nghệ An. Với chiều dài 4,9km, dự án trực tiếp ảnh hưởng đến hơn 900 hộ dân xã Quỳnh Vinh, trong đó có 132 hộ dân ở xóm 7 bị ảnh hưởng đến nhà ở và đất vườn, buộc phải di dời, giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo xã Quỳnh Vinh cho biết, thời gian đầu việc giải phóng mặt bằng gặp vô vàn khó khăn, nhất là người dân không đồng tình với khung giá đền bù của Nhà nước so với giá đất thị trường. “Chúng tôi đi đến đâu cũng bị người dân xúc phạm, chửi bới. Tuy nhiên, bằng sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ thị xã đến xã, giải thích, vận động nên nhân dân đã lắng nghe, đồng tình. Tuy nhiên, đến thời điểm này (5/4) vẫn còn 3 hộ chưa chịu di dời dù đã nhận tiền đền bù, trong đó có 1 hộ tái định cư tại chỗ, 2 hộ đòi hỏi thêm quyền lợi chưa phù hợp với thực tế” – Ông Vũ Lê Hùng – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Vinh cho biết.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn huyện Diễn Châu có tổng chiều dài 26,69 km, đi qua 12 xã, chia làm hai dự án thành phần: đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu có chiều dài 15,34 km/9 xã; đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt có chiều dài 11,35 km/4 xã, trong đó xã Diễn Cát thuộc 2 đoạn. Toàn tuyến qua địa bàn huyện Diễn Châu có 24,09km đi qua đất nông nghiệp và 2,6km đi qua khu dân cư. Tổng diện tích phải GPMB là 259,43ha; có 2.509 hộ dân bị ảnh hưởng, bao gồm 2.274 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp, 38 hộ đất vườn và 197 hộ đất ở.
Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Phan Xuân Vinh cho biết: Khó khăn lớn nhất của địa phương là đoạn qua xã Diễn Đoài có 3km, 17 hộ bị ảnh hưởng đất nông nghiệp, ban đầu các hộ không thống nhất phương án bồi thường GPMB. Huyện đã lên phương án cưỡng chế, tuy nhiên sau quá trình tuyên truyền vận động, các hộ đã nhận tiền, đồng ý di dời. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai, dự án có điều chỉnh, bổ sung so với ban đầu nên phải thu hồi thêm diện tích nên gây khó khăn cho công tác GPMB của địa phương.
Còn tại huyện Hưng Nguyên, dự án có chiều dài 25,88km, đi qua 11 xã và 1 thị trấn (sau khi sáp nhập còn 9 xã, 1 thị trấn). Trong đó, qua đất nông nghiệp 23,48km (90,5%); qua khu dân cư 2,40km (9,5%). Có 211 hộ bị ảnh hưởng đất ở, 163 hộ phải tái định cư. Huyện Hưng Nguyên cũng là địa phương phải quy hoạch khu tái định cư nhiều nhất với 12 khu, ngoài ra còn 2 khu mồ mả. Đến nay huyện đã triển khai xây dựng 12/12 vị trí tái định cư và tổ chức giao đất cho các hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Hải – Trưởng ban Giải phóng mặt bằng huyện Hưng Nguyên cho biết: Khó khăn của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng là có 9 hộ dân không thuộc diện giải phóng mặt bằng của dự án đường bộ cao tốc, nhưng bị cô lập hoàn toàn khi dự án hoàn thành. Việc tiến hành công tác thu hồi đất ở, đền bù, tái định cư cho các hộ dân này cũng gặp một số vướng mắc.
Trong quá trình triển khai dự án cũng nảy sinh những vấn đề không lường trước được. Chẳng hạn như tại xã Hưng Nghĩa (Hưng Nguyên) có 1 hộ dân thuộc diện di dời nhà ở. Điều đáng nói, nhà của hộ dân này là ngôi nhà gỗ được gia đình cho biết đầu tư xây dựng nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác đền bù đối với loại tài sản này chưa có trong khung giá đền bù. Hội đồng định giá đền bù 300 triệu đồng. Hộ dân nói trên không đồng tình di dời dẫn đến khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Để giải quyết bất cập này, huyện Hưng Nguyên và các phòng, ban đã làm việc với hộ dân, rà soát tài sản, mời đơn vị tư vấn lập dự toán theo phương châm cái gì di dời được thì di dời cho người dân và cái gì không di dời được thì đền bù cho dân. Hiện nay, hộ dân này cơ bản thống nhất giá đền bù là 800 triệu đồng và yêu cầu trong quá trình di dời với sự hỗ trợ của địa phương nếu vật chất, tài sản nào hỏng thì được đền bù bổ sung.
Huyện Hưng Nguyên còn có 42 ngôi mộ, mặc dù các hộ dân đã nhận tiền bồi thường GPMB, tuy nhiên do phong tục tập quán, nên việc di dời một số ngôi mộ còn chậm. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng phản ánh, các cơ quan chức năng đã chậm trễ trong hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật như: điện, nước tại khu tái định cư nên ảnh hưởng đến việc xây nhà ở mới của người dân.
Là địa phương có chiều dài cao tốc Bắc – Nam đi qua ngắn nhất so với các địa phương trong tỉnh, chỉ với 3,77km nhưng huyện Yên Thành lại là địa phương gặp khó khăn, phức tạp nhất về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng bởi rất nhiều hộ làm nhà vi phạm trên đất nông nghiệp đất cho thuê làm trang trại, gia trại, đất trên đê Vách Bắc. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Thanh Hà cho biết: Triển khai thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam huyện Yên Thành có 408 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 382 hộ ảnh hưởng đất nông nghiệp, 18 hộ đất ở và đất vườn, 8 hộ có đất và nhà xây dựng trên hành lang kênh Vách Bắc.
Khó khăn nhất trong công tác GPMB của địa phương là có rất nhiều hộ dân làm nhà trên đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 và đất cho thuê làm trang trại gia trại. Phần lớn các hộ dân này hoàn cảnh khó khăn, họ đã làm nhà ở trên đất nông nghiệp từ những năm 1995, và khu vực này trước đây là vùng “sình lầy, xa, xấu”. Có 17 hộ đã làm nhà trên đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64, trong đó 8 hộ không có nhà ở và đất ở nơi khác nhưng lại không thuộc diện hộ nghèo để được hưởng các chính sách bổ sung khi Nhà nước triển khai giải phóng mặt bằng. Nếu tháo dỡ nhà ở, 8 hộ dân với 32 nhân khẩu chỉ có nước ra đường dựng lều.
Để giải quyết vấn đề này, huyện đề nghị tỉnh và các ngành tạo điều kiện cho các hộ được mua đất định giá không thông qua đấu giá tại khu tái định cư. Nhưng lúc này lại nảy sinh bất cập, tiền bồi thường tài sản đối với các hộ dân nhiều nhất cũng chỉ hơn 100 triệu đồng, nhưng để mua được một lô đất theo chính sách định giá tại khu tái định cư phải mất khoảng 500 triệu đồng. Để giải quyết bất cập này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã gợi ý cho huyện tìm một khu vực đất đai có giá trị tương đương với vị trí cũ của 8 hộ dân để bà con có cơ hội được di dời về nơi ở mới, trả lại mặt bằng cho dự án.
Ngoài ra là thời gian đầu tiến hành giải phóng mặt bằng, người dân huyện Yên Thành nơi có dự án đi qua không đồng tình với giá tiền đền bù trên đất nông nghiệp. Bà con cho rằng, cùng trên một khu vực với các điều kiện tương tự nhưng người dân các xã giáp ranh ở huyện Diễn Châu được đền bù đất nông nghiệp cao hơn 5.000 đồng/m2. Khó khăn nữa là có 8 hộ dân có đất nhờ mua bán trái thẩm quyền trên kênh Vách Bắc (nhưng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), trong đó có 4 hộ làm nhà kiên cố. Qua quá trình vận động, các hộ đã đồng ý nhận tiền. Ngoài ra, địa phương có 17 ngôi mộ phải di dời, trong đó có 2 ngôi mới chôn cất. Sau khi được tuyên truyền, vận động người dân đã di dời.
Trao đổi thêm về những vướng mắc liên quan đến Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua Nghệ An, ông Hoàng Quốc Việt – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: Các khó khăn liên quan đến công tác bồi thường GPMB tập trung ở các vấn đề như: Về thủ tục pháp lý của dự án thuộc thẩm quyền của Trung ương. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, dự án phải được Chính phủ thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (khoảng 33,66 ha), Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thủ tục Báo cáo đánh giá tác động môi trường, do đó sẽ ảnh hưởng đến tiến độ bồi thường GPMB của dự án.
Về xác định nguồn gốc, loại đất: Do đối tượng bị ảnh hưởng khác nhau (liên quan tổ chức, hộ gia đình, cá nhân) và hồ sơ đất đai lưu trữ qua các thời kỳ không đầy đủ nên việc xác định nguồn gốc đất, loại đất, chủ sử dụng đất mất nhiều thời gian, kéo dài thời gian lập hồ sơ bồi thường GPMB.
Về xây dựng các khu tái định cư, theo quy định của Luật Đất đai, việc xây dựng khu tái định cư phục vụ công tác bồi thường GPMB phải được triển khai trước khi thu hồi đất. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các địa phương chưa chủ động được việc bố trí, xây dựng khu tái định cư, thậm chí một số địa phương đã triển khai xong các bước từ thu hồi đất đến chi trả tiền cho dân nhưng người dân chưa có đất tái định cư để xây dựng nhà.
Ngoài ra tồn tại nhiều bất cập về cơ chế, chính sách như chênh lệch về giá đất nông nghiệp giữa các khu vực giáp ranh, một số tình huống phát sinh trên thực tiễn liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, chính sách tái định cư nhưng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành…
(Còn tiếp)