Lan tỏa tình yêu biên giới, biển đảo

Đến Trường THCS Tào Sơn, ai cũng ấn tượng bởi cụm cột mốc biên giới và chủ quyền biển đảo Trường Sa được xây dựng trang trọng với kết cấu bằng bê tông, cốt thép bền vững đặt ngay trong khuôn viên ngay cạnh cổng trường. Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Hữu Hải – Hiệu trưởng nhà trường: “Trường hiện có 317 học sinh, khi Hội Cựu chiến binh xã đặt vấn đề xây dựng cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo tại trường, BGH chúng tôi nhất trí cao vì đó là mô hình trực quan góp phần tuyên truyền, giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước của các em học sinh. Từ đó, phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức, trách nhiệm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” để bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới thiêng liêng của Tổ quốc”.

Công trình được Hội CCB xã Tào Sơn triển khai trong vòng 1 tháng và bàn giao đúng ngày 19/5, từ nguồn kinh phí do hội viên Hội CCB đóng góp. Tại lễ khánh thành và bàn giao, Hội CCB xã cũng đã lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống, giới thiệu cho các em học sinh về ý nghĩa cột mốc, bia chủ quyền biên giới, biển đảo, công tác bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia, phân giới cắm mốc… Nhiều học sinh ở Trường THCS Tào Sơn bày tỏ niềm vui khi mô hình cột mốc biên giới và chủ quyền biển, đảo được xây dựng tại sân trường. Bởi trước đây, các em chỉ biết đến Trường Sa, đến cột mốc biên giới qua sách vở, báo đài nhưng giờ đây mỗi khi nhìn thấy cụm mô hình ở sân trường, là một lần nhắc nhở các em ý thức, trách nhiệm bảo vệ biên giới, biển, đảo quê hương; từ đó nâng cao ý thức học tập, rèn luyện để sau này phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Còn tại Trường THCS Cẩm Sơn, cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển, đảo Trường Sa được đặt ở vị trí trung tâm, xung quanh là những bồn hoa rực rỡ không chỉ làm cho cảnh quan sân trường đẹp hơn, mà còn là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của nhà trường, cũng là địa chỉ đỏ để thầy, cô giáo lồng ghép giáo dục truyền thống cho các em học sinh một cách sinh động và thực tế.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường hiện có 342 học sinh, chia làm 9 lớp. Năm nào vào ngày đầu năm học, trường cũng xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh bằng nhiều hình thức, trong đó có việc phối hợp với Hội CCB xã nói chuyện truyền thống nhân các ngày lễ lớn. Năm nay, Hội CCB xã hỗ trợ xây dựng cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo trong khuôn viên là rất thiết thực, bởi sẽ giúp các em học sinh có cái nhìn trực quan. Từ đó, chủ động tìm hiểu sâu các thông tin liên quan đến biên giới, biển, đảo và thể hiện qua việc làm cụ thể trong môi trường giáo dục, cuộc sống thường ngày. Cách làm này cũng giúp hạn chế sự khô khan, cứng nhắc trong việc cung cấp kiến thức lịch sử, địa lý… cho học sinh”.

“Cụm mô hình được xây dựng từ nguồn xã hội hóa với kinh phí hơn 43 triệu đồng, được khởi công vào tháng 7 và khánh thành vào tháng 9/2021, trước lễ khai giảng năm học mới của học sinh Trường THCS Cẩm Sơn như một món quà giúp các em bước vào năm học hứng khởi hơn sau thời gian nghỉ hè và nghỉ dịch Covid-19”, ông Võ Trọng Hoàn – Chủ tịch Hội CCB xã Cẩm Sơn cho biết thêm.

Cụm công trình trực quan mang tính bền vững này cũng đã tác động tích cực đến nhận thức, tình cảm của thế hệ trẻ trên địa bàn. Em Trương Yến Nhi – Học sinh lớp 7C, Trường THCS Cẩm Sơn bày tỏ: “Ngày trở lại trường, chúng em khá bất ngờ và thích thú khi nhìn thấy mô hình “cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo” ngay trong khuôn viên trường. Quan sát mô hình cùng với những thông tin được tiếp nhận qua những buổi nói chuyện truyền thống của các bác Cựu chiến binh, những lời giảng của thầy, cô giáo giúp chúng em dễ dàng hình dung và hiểu rõ hơn về ý nghĩa mốc biên giới quốc gia, về chủ quyền biển, đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn chủ quyền biên giới, hải đảo”.

Ý tưởng xây dựng mô hình “cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo” đặt tại các Trường THCS khởi phát từ ông Nguyễn Đình Sơn – Chủ tịch Hội CCB huyện Anh Sơn. Người cựu chiến binh luôn trăn trở với công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cho hay: Sau khi nhận được sự đồng ý lãnh đạo huyện, sự thống nhất cao trong BTV, BCH Hội CCB huyện và sự thống nhất phối hợp của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, đầu năm 2021, Hội CCB huyện Anh Sơn đã đăng ký xây dựng mô hình dân vận khéo với công trình “cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo” phát động tới 21 cơ sở hội.

Quá trình triển khai, các cấp hội CCB trên địa bàn đã nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà trường. Đến nay, các cấp Hội CCB huyện Anh Sơn đã xây dựng được cụm mô hình ở 17/21 xã, thị trấn với tổng kinh phí hơn 380 triệu đồng. Có 2 đơn vị chuẩn bị bàn giao là Hùng Sơn và Vĩnh Sơn, 2 đơn vị đang vận động là Thạch Sơn, Tam Sơn. Công trình được xây dựng bằng bê tông cốt thép, trong đó cột mốc biên giới cao 2m và bia chủ quyền biển đảo cao 4m, với tổng diện tích khoảng 16m². Trên cột mốc chủ quyền biển đảo Trường Sa có ghi đầy đủ thông tin về kinh độ, vĩ độ đặt kèm dòng chữ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Bình quân mỗi cụm mô hình được xây dựng khoảng 30 triệu đồng/ 1 hạng mục, có những đơn vị xấp xỉ 43 triệu đồng có lát đá hoa. Nguồn kinh phí chủ yếu được xã hội hóa từ sự ủng hộ của xấp xỉ gần 80 nghìn hội viên Hội CCB trên địa bàn.

Theo lãnh đạo Hội CCB huyện Anh Sơn: Tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ là 1 trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội cựu chiến binh. Bởi vậy, trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hằng năm, vào các dịp như 30/4, 2/9, 27/7, 22/12, các cấp hội CCB trên địa bàn huyện đều phối hợp với các địa phương, các nhà trường tổ chức các hoạt động như tọa đàm nói chuyện truyền thống, cùng học sinh tham quan, trải nghiệm tại các đơn vị quân đội, các địa chỉ đỏ…

“Việc xây dựng cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo cũng nhằm thực hiện sáng tạo, sinh động hơn công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, để biên giới và hải đảo trở nên gần gũi hơn với các em. Qua đó, góp phần lan tỏa tình yêu và ý thức bảo vệ chủ quyền cho các thế hệ học sinh.

Tại lễ khánh thành và bàn giao cụm mô hình cột mốc, nhiều đơn vị đã tổ chức hoạt động giới thiệu cho học sinh cách nhận biết và xác định vùng nội thủy, đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982; cơ sở pháp lý và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như ý nghĩa của cột mốc đánh dấu chủ quyền, các số hiệu trên cột mốc, phân tích cột mốc đơn, cột mốc đôi… Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ cũng là đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền vững mạnh”, ông Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.

Cách làm sáng tạo, mang nhiều ý nghĩa nhân văn này đã được các cơ sở hội hưởng ứng nhiệt tình. Điển hình như ở xã Lạng Sơn, trong vòng 2 tháng, đã hoàn thành xong cụm mô hình và được các đơn vị bạn đến tham quan, học tập. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hải – Chủ tịch Hội CCB xã Lạng Sơn thì mô hình trên địa bàn không đặt tại Trường THCS như các địa phương khác mà đặt tại khu vực gần Đài liệt sỹ và gần đình Cẩm Vọng tạo thành một cụm địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.

Học sinh Trường THCS Tào Sơn nghe nói chuyện truyền thống ở cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo.
Học sinh Trường THCS Tào Sơn nghe nói chuyện truyền thống ở cụm mô hình cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo.

Bên cạnh công tác giáo dục truyền thống, hằng năm, các cấp hội CCB trên địa bàn huyện Anh Sơn, trong đó có nhiều hội viên đang trực tiếp tham gia công tác ở cấp xã và thôn, xóm đã làm tốt công tác phối hợp với các tổ chức đoàn thể bồi dưỡng, kết nạp đoàn viên, thanh niên ưu tú vào Đảng. Trong năm 2021, đã bồi dưỡng kết nạp được 12 đoàn viên ưu tú vào Đảng. Điển hình như xã Lạng Sơn, hiện có 81 CCB tham gia công tác từ tổ trưởng tổ tự quản đến trưởng thôn, bí thư chi bộ… Năm 2021, Hội CCB xã Lạng Sơn đã phối hợp tham gia bồi dưỡng kết nạp 4 quần chúng ưu tú vào Đảng, trong đó có 1 hội viên CCB, 3 ĐVTN…

Cùng với các hoạt động giáo dục truyền thống, cụm mô hình “cột mốc biên giới và bia chủ quyền biển đảo” mà các cấp Hội CCB huyện Anh Sơn đã và đang phối hợp với các nhà trường, cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai sẽ góp phần vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống lịch sử, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Từ đó, tạo cho các em thêm động lực và quyết tâm thi đua rèn đức, luyện tài, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.