“Lan tỏa được niềm vui sống”

P.V: Chào bác, được biết bác là người trải qua cuộc chiến với nhiều đau thương mất mát, bác có thể hồi tưởng về những năm tháng đó được không?

Thương binh Nguyễn Thanh Luyện: Tôi gia nhập quân ngũ khi vừa tròn đôi mươi. Tôi đi lính mà như đi hội, khí thế bừng bừng. Chỉ kịp nắm tay mẹ già và nói con đi rồi sẽ về vẹn nguyên. Thế là phơi phới lên đường. Nhập ngũ với khí thế đó, nên chúng tôi chỉ cần được ăn no để đánh giặc chứ tuyệt nhiên không nghĩ đến gian khó, hay việc sống chết cận kề. Thế nên, đối với tôi, những ngày quân ngũ ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa từ năm 1967- 1972 thực sự là những ngày không thể quên.

P.V: Vậy có phải chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa là nơi bác không muốn nghĩ đến, bởi đó là nguồn cơn của việc sau này bác phát hiện ra mình bị di chứng chất độc da cam/dioxin?

Thương binh Nguyễn Thanh Luyện: Thực tế khi Mỹ rải chất độc hóa học tại địa bàn Ba De, Gio Linh nơi đơn vị tôi đóng quân, tôi đã cảm nhận được chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề khi hít thở ăn nguồn nước ở đây. Bởi sáng ra thức dậy chúng tôi đã thấy cánh rừng trước mắt cháy sém, nước dưới suối bốc mùi hăng hắc. Thế nhưng, biết tránh đi đâu bây giờ. Thế là cũng không nghĩ ngợi gì nữa chỉ tập trung vào những kỷ luật quân sự đánh chắc, thắng chắc để được bình an, trở về quê hương.

Không như các đồng đội còn sống sót trở về, người khung xe đạp, người búp bê Nga cho con gái, tôi chỉ về quê với cái ba lô trống không, và niềm vui phơi phới đất nước đã hòa bình, từ bây giờ chỉ lo lắng làm ăn, xây dựng.

Thế rồi tôi lấy vợ và mong chờ đứa con đầu lòng. Cháu sinh năm 1978 là con gái rất xinh xắn, đáng yêu, thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, khi chỉ vài tháng tuổi đã thấy có biểu hiện bất thường. Thế rồi cháu lên 3, lên 5 mà cũng không nói, không nghe được, không nhận thức được gì, cho thì ăn, không thích thì phá phách đồ đạc. Biết là có vấn đề, chúng tôi đã đưa cháu đi khám và nhận được kết quả não cháu chỉ nhỏ bằng 61% của người bình thường, trí tuệ không thể phát triển. Từ đó tôi mới hồi tưởng tới cánh rừng chết chóc năm xưa, đến mùi thuốc sâu nồng nặc và nghĩ ngay mình đã nhiễm chất độc da cam chết người và di truyền sang cho con gái mình.

Thời gian trôi đi, cháu thứ 2 ra đời là cháu trai, với niềm vui khôn xiết và những hy vọng khấp khởi về một đứa con lành lặn. Thế nhưng, cháu càng lớn càng giống chị nó khi trí tuệ không bình thường, lại hay đập phá lung tung, chỉ cần trái ý là cháu nó lại đánh người. May mắn là đứa con gái út được lành lặn, không như hai anh, chị của nó.

Bây giờ cháu trai may mắn lấy được vợ thì không ngờ đứa cháu nội là con gái đầu lòng của nó bụ bẫm xinh xắn là thế, cũng suy giảm trí tuệ như o và cha nó. Cháu đã 7 tuổi mà không nói, không nghe được, không biết gì. Tất cả là do ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin đó.

P.V: Cuộc sống với muôn vàn khó khăn, gian khổ khi các con không thể tự chăm sóc bản thân như người bình thường, đời sống kinh tếlại khó khăn khi phải thuốc thang chạy chữa cho những đứa con tật nguyền, bác và bác gái đã phải xoay xở như thế nào?

Thương binh Nguyễn Thanh Luyện: Bản thân cũng là người nhiễm chất độc da cam nên sức khỏe tôi ngày càng suy yếu, cộng với vết thương chiến tranh nên làm việc gì cũng khó khăn. Thế nhưng, vì con cái, vì những hy vọng luôn được nhen nhóm nên tôi luôn bảo vợ phải cố gắng vươn lên bằng chính đôi bàn tay của mình.

Ngoài đồng lương hưu ít ỏi để dành thuốc thang cho các con, tôi và vợ đã may mắn có thêm được nghề xây dựng để thêm thắt cho cuộc sống. Ban đầu tôi chỉ định đi theo tổ phụ hồ của vợ, rồi dắt theo đứa con trai bị tật dạy những công việc giản đơn, cốt để cháu đỡ buồn chân, buồn tay, đỡ phá phách và đánh người ta. Thế nhưng, làm được một thời gian tôi đam mê công việc này và đặt câu hỏi tại sao mình không đứng ra thầu một công đoạn nào đó, vừa có thêm thu nhập lại vừa giúp được những người khác có việc làm. Thế rồi tôi bắt đầu học để đứng thầu bê tông, một công đoạn mà hầu như công trình nhà ở dân dụng hay công trình giao thông nào cũng cần.

P.V: Vậy thưa bác, để có thể nhận thầu được những công trình to nhỏ thì trước hết ông chủ thầu phải có được uy tín về nghề. Bác đã tạo dựng được điều đó như thế nào?

Thương binh Nguyễn Thanh Luyện: Tôi là người ham học hỏi lại được tiếng ở trong khu Xí nghiệp 6 thì rõ ràng thời đó là có thương hiệu rồi. Khi có ý định nhận thầu bê tông, bản thân vợ chồng cũng đã phải trang bị những kiến thức về nghề. Vợ tôi là “dân xây dựng”, dù con cái tật nguyền nhưng bà không nề hà công việc lớn, nhỏ nào để có thêm đồng thu nhập thuốc men chạy chữa cho con. Và tôi học được ở vợ mình cái nghề này khi hằng ngày theo bà hết công trình này đến công trình khác. Có lẽ vì thế người ta thương rồi giao cho một vài công trình nhỏ, sau thấy làm tốt thì giới thiệu cho bạn bè, người quen, thế là tôi có việc đều đều.

Cái thời những năm 90 của thế kỷ trước, đi làm thầu bê tông nó vất vả vô cùng khi phải làm vào tinh mơ sáng, cả vợ chồng đều phải chong đèn đi từ 3 giờ, có khi công trình chỉ vài chục cây số, có khi đi lên tận các huyện Tương Dương, Con Cuông, nhưng có việc là không nề hà. Thế rồi, làm sao để dỗ dành hai đứa con dại ngờ, dại nghệch kia không phá, chịu ở nhà cho là đã cả một quá trình. Nói thật làm sao để chúng ăn được no, chúng uống được thuốc để không lên cơn đã phải sắp xếp vô cùng vất vả, và chúng tôi phải thường xuyên nhốt chúng trong nhà để chúng khỏi đi lung tung, phá lung tung.

P.V: Vậy thưa bác, khó khăn là thế bác đã phải sắp xếp thế nào để vẹn cả đôi đường?

Thương binh Nguyễn Thanh Luyện: Không cố không được, mình không đi làm thì con làm gì có ăn, bệnh không có thuốc uống. Tôi và vợ vẫn hy vọng y học tiến bộ sẽ giúp con tôi được thuyên giảm. Thế là đứa con trai tôi lớn dần lên cháu cũng biết trộn hồ, biết điều khiển máy tời khi không lên cơn. Tôi và vợ đã dìu con đi qua những chặng đường gian khó như thế vừa để cháu được ra ngoài tiếp xúc, vừa đi làm với bố mẹ để sau này nhỡ đâu bố mẹ trăm tuổi còn có được cái ăn, còn có chỗ dựa cho chị gái ốm hơn nó.

Thế là những kế hoạch để con ở nhà cũng được lên chi tiết. Ví dụ, sáng mai đi đổ bê tông thì hôm nay chúng tôi phải chuẩn bị gửi con cho hàng xóm, rồi đứa bé út lành lặn thì cho chị nó và anh nó ăn cơm, cho uống thuốc, canh chừng không để anh chị ra ngoài… Dù vất vả, dù có lúc về nhà đã thấy tanh bành, hai đứa con ngờ nghệch trốn đi đâu không tìm được, phải huy động cả xóm chong đèn tìm khắp nơi, lại có khi nghe đâu đó báo con mình nó đánh người ta bươu đầu, lại đi lạy lục, xin xỏ…

Có những ngày vợ tôi tiều tụy tưởng chừng không lết được ra khỏi giường, tôi thì lại bị vết thương tái phát hoành hành đau không ngủ được. Nhưng có việc là phải làm, làm để có tiền nhưng cũng để tạo dựng cả uy tín, và để anh em trong tổ của mình có đồng tiền thu nhập. Bởi một ngày không có việc là một ngày họ đối diện với đói ăn, thiếu thốn.

P.V: Thế rồi, những ngày tháng khó khăn nhất cũng đi qua, giờ đây dường như bác đã quá quen với nỗi buồn, sự khó khăn này, và xem đó là một phần của cuộc sống mình, từ đó để phấn đấu cho những ngày mai?

Thương binh Nguyễn Thanh Luyện: Đúng vậy, con trai tật nguyền của tôi cũng đã có một tổ ấm gia đình, con dâu đã biết né những trận nổi điên của chồng để chung sống hòa thuận. Dù đứa cháu nội cũng bị thiểu năng trí tuệ không biết gì nhưng vẫn đi, đứng được. Và hơn hết bây giờ tôi và vợ vẫn còn đi nhận được công trình khi gia đình đã kịp sắm được 2 máy trộn bê tông có giá trị, đảm bảo được tiến độ và uy tín cho những gia chủ khó tính, những công trình đòi hỏi kỹ thuật cao nhất. Thế là sau này tôi vẫn có tích trữ cho con dâu, con trai bị thiểu năng trí tuệ và cả cô con gái tật nguyền nay đã 43 tuổi.

Tôi chỉ muốn nói rằng, hoàn cảnh của tôi cũng chưa phải là khó khăn bi đát khi so với đồng đội tôi ngày ấy,có nhiều người, tất cả các con phải chịu di chứng nặng nề từ chất độc da cam, chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc người khác.

Tôi cũng không phải quá khó khăn khi tự mình gây dựng được kinh tế, đủ để lo thuốc thang cho con, để cất được ngôi nhà nhỏ cùng với sự hỗ trợ của đồng đội. Và hơn hết tôi nghĩ rằng, dù những khó khăn vẫn ở đó nhưng nếu biết kiên cường bước qua nó, nhìn nó bằng sự lạc quan thì ắt sẽ có những hy vọng mới. Và điều quan trọng là mình luôn lan tỏa được niềm vui sống”.

P.V: Xin cảm ơn bác về cuộc trò chuyện này!