Làm thế nào để điều trị cứng khớp gối hiệu quả?

Cứng khớp gối là một trong những loại bệnh rất dễ gặp phải, nhiều người do chủ quan nên không điều trị kịp thời dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn. Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An đã kết hợp giữa uống thuốc và vật lý trị liệu để điều trị rất hiệu quả, nhiều người bệnh đã hồi phục hoàn toàn chỉ sau 1 thời gian ngắn điều trị.

Cứng khớp gối thường xuất hiện vào những thời điểm sau ngủ dậy buổi sáng hoặc đầu chiều, bệnh nhân sẽ không thể lập tức đứng dậy ngay vì khớp gối không thể duỗi ra bình thường, vận động trở nên gượng gạo và kém linh hoạt. Ðồng thời những cơn đau tại khớp gối cũng xuất hiện đi kèm nhưng đau ở hạn mức bình thường, không quá dữ dội. Một số người bệnh sẽ thấy sưng gối nhẹ, một số nóng đỏ, có thể kèm sốt nhẹ, người mệt mỏi. Người bệnh sẽ ngồi nghỉ ngơi và xoa nắn khớp gối, tùy tình trạng mỗi người mà thời gian cứng khớp gối sẽ khoảng 15 – 30 phút hoặc lâu hơn. Tùy nguyên nhân bệnh cứng khớp gối có thể xuất hiện ở một bên hay cả hai bên chân.

Ông Nguyễn Văn Hiệp (Nghĩa Xuân – Quỳ Hợp) năm nay 65 tuổi cho biết: Thời gian đầu ngủ dậy, chân tay không cử động được, nhất là về mùa đông, lạnh, hầu như các khớp sưng tấy, đỏ, gây đau nhức, khó chịu ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, lao động. Sau 1 tuần điều trị tại bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An, các khớp của ông đã mềm hơn, buổi sáng không bị co cứng nữa. Chân tay cử động dễ dàng hơn.

Còn với bà Hoàng Thị Nga (Diễn Hạnh – Diễn Châu) cho biết: Sau khi bị tai nạn xe máy, phải bó bột chân hơn 2 tháng. Sau khi tháo bột, các khớp ngón chân không hề cử động được do bó bột lâu ngày. Để hồi phục, bà đã chọn Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu. Chỉ sau một  thời gian ngắn, các ngón chân, khớp chân của bà đã cử động bình thường.

Thạc sỹ, bác sỹ Thái Thị Xuân – Giám đốc bệnh viện cho biết: Cứng khớp gối là biểu hiện của một số loại bệnh lý và chấn thương ngoài nhất định gây nên. Cụ thể như người thường xuyên để khớp gối chịu áp lực và vận động mạnh (người béo phì, người phải lao động nặng chân tay, vận động viên điền kinh, nhảy cao, nhảy xa, tennis, cầu lông). Người lười vận động, thường xuyên cố định một vị trí, một tư thế, điển hình là giới văn phòng. Những người có chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu canxi, hoặc phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh có thể cũng hấp thu canxi kém hơn rất nhiều. Ðiều này khiến cho bệnh cứng khớp đến sớm và có những biểu hiện mạnh. Hoặc sau những tai nạn gãy xương, trật khớp gối khiến cho khớp gối phải bó bột cố định trong một thời gian dài, chân sẽ không được vận động trong khoảng thời gian đó. Sau khi tháo bột, hầu hết các bệnh nhân đều mắc phải chứng cứng khớp gối, teo cơ. Chân và khớp bất động quá lâu khiến cho dây chằng, các mô mềm bị xơ hóa, mất đàn hồi, đồng thời những tổn thương xương khớp do tai nạn cũng gây tụ máu trong khớp, từ đó mô xơ quanh khớp sẽ dày hơn gây nên cứng khớp gối. Ðây là hiện tượng rất thường gặp, hầu hết các bệnh nhân đều dần hồi phục và có thể đi lại bình thường sau một khoảng thời gian tập luyện phục hồi chức năng.

Ở bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An, số lượng bệnh nhân nhập viện do cứng khớp gối ngày càng tăng, nhất là vào mùa đông hoặc khi thời tiết giao mùa.

Trao đổi với giáo sư TS Cao Minh Châu – Chủ nhiệm bộ môn phục hồi chức năng Đại học Y Hà Nội – Giám đốc Trung tâm PHCN Bệnh viện Bạch Mai, Phó Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam – người trực tiếp hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện PHCN Nghệ An, được biết: Có ba hướng điều trị và kết hợp với nhau, nhưng về tổng quan, bệnh nhân cần kết hợp giữa việc dùng thuốc, tập luyện vật lý trị liệu phục hồi chức năng là khả quan nhất trong điều trị cứng khớp gối.

Người bệnh có thể dùng các loại thuốc như: Thuốc có hàm lượng acid hyaluronic cao có thể giúp cải thiện chức năng sụn khớp, bôi trơn sụn khớp và tăng cường dịch khớp khá hiệu quả. Thuốc Ðông y có tác dụng thông kinh, bổ huyết, bồi bổ xương khớp, tác động đến căn nguyên gây bệnh để điều trị từ gốc, hiệu quả chậm nhưng lâu dài, phòng bệnh tái phát. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chườm nóng hoặc chườm lạnh tùy dạng nguyên nhân bệnh. Xoa bóp làm mềm các mô và tăng kích thích lưu thông máu. Kết hợp với các bài tập vận động khớp gối nhẹ nhàng rồi tăng dần cường độ, thời gian luyện tập như đi lên xuống cầu thang, đạp xe, đứng lên ngồi xuống tại chỗ……

Để hiệu quả hơn trong điều trị, người bệnh sẽ sử dụng các phương pháp vật lý trị liệu. Ðây là phương pháp gần như bắt buộc trong điều trị cứng khớp gối. Việc tập luyện hằng ngày và áp dụng các biện pháp trị liệu vật lý sẽ đẩy nhanh tốc độ hồi phục cho khớp, lấy lại đàn hồi cho dây chằng và tăng linh hoạt cho sụn.

Để hỗ trợ cho việc điều trị, người bệnh cần phải có lối sống lành mạnh: nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục phù hợp, ăn uống đúng cách để kiểm soát tốt cân nặng.

Đặc biệt nên bổ sung các thức ăn giàu canxi, vitamin D, collagen (một thành phần của sụn khớp) để giúp khung xương vững chắc và các khớp dẻo dai linh hoạt hơn. Nếu bữa ăn không đáp ứng đủ hàm lượng các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, người cao tuổi có thể bổ sung 2 – 3 ly sữa mỗi ngày, lưu ý chọn sữa trong công thức có chứa hàm lượng cân đối của các dưỡng chất trên.

Cần khám sức khoẻ định kỳ, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, người gầy cần tăng cường ăn nhiều bữa, chú trọng các thực phẩm như thịt heo, thịt gia cầm (gà, vịt, bò) cá biển, tôm, cua, sò; lúa mì, lúa mạch; bổ sung thêm vitamin D, B, K, folic acid, calcium, sắt có chứa trong các loại rau; dùng các loại dầu chứa acid béo omega 3 như: dầu đậu nành, dầu hạnh nhân, dầu ô-liu…

Cứng khớp tưởng chừng như là bệnh thông thường, tuy nhiên, không nên chủ quan với triệu chứng này vì nó có thể dẫn đến hủy hoại khớp và làm cho người bệnh bị tàn phế suốt đời nếu không được chữa trị đúng cách, kịp thời.