Sáng ngày 5/4, Báo Nghệ An tiếp tục nhận được thông tin vụ phá rừng tại địa bàn xã Châu Bính. Lần này, người báo tin cho biết: “Sáng ngày 4/4, xã Châu Bính, Kiểm lâm, Công an đã vào hiện trường kiểm tra. Họ xác định hơn 7.000m2 rừng đã bị phát trắng…”. Xác minh, tin báo chính xác.
Có mặt ở Quỳ Châu sáng ngày 6/4, được biết điểm rừng bị phá là thung Túm Lụm, thuộc bản Luồng Lạnh, xã Châu Bính (sát khu vực Phá Đáy). Thung Túm Lụm không quá xa trung tâm xã Châu Bính, nhưng để đến được khá vất vả. Từ trụ sở xã Châu Bính ngược vào bản Nông Trang, ngang qua nghĩa trang xã đến khu vực trường bắn với chiều dài khoảng 2km. Tại đây, Vũ Hồng Quân, kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm Châu Thắng, phụ trách địa bàn xã Châu Bính cho biết: “Vượt qua eo núi sau trường bắn này là đến nơi…”. Theo lối mòn quanh co, có những đoạn dốc có những hàng cọc và vết trượt, là những dấu hiệu của việc kéo cây gỗ từ trong ra. Ở khu vực này, phát hiện một số gốc cây gỗ bị cắt một thời gian chưa lâu. Chỉ vào những thân, cành vương vãi quanh đó hỏi: Đây là loại cây gì? Được trả lời: “Đây là cây xoan. Cũng là loại xoan dân thường trồng nhưng mọc trong rừng. Loại này có vân khá đẹp, có thể xẻ làm ván ốp trần nhà. Có lẽ vì thế các đối tượng đã cắt những đoạn thân lớn đưa đi…”.
Tiếp tục vượt qua một số khe đá hẹp, khúc khuỷu chỉ lọt một người đi thì đến được thung Túm Lụm. Thung nằm gọn giữa bốn bề lèn đá. Từ chân lèn ngược lên có không ít cây gỗ um tùm. Nhưng trong lòng thung, gần như mọi cây cối đều đã bị đốn ngã rạp, trở thành vùng trắng. Xuống thung, xen lẫn những cây chuối rừng bị đốn hạ, có không ít những cây gỗ, đường kính khoảng 20 – 30cm nằm ngổn ngang. Cá biệt có một vài cây có đường kính gốc gần 50cm, thân đã bị cắt khúc với chiều dài hơn 2m. Hiện trạng gốc cây còn ứa nhựa, một số thân cành vẫn còn những tán lá chưa kịp héo, thể hiện rừng bị phá trong thời gian chưa lâu. Trong thung, có một chiếc lán gỗ nhỏ lợp bạt. Ở lán có một số bát ăn, điếu hút thuốc lào, trà, những hòn đá kê dựng bếp nấu… là dấu hiệu cho thấy hành vi phá rừng là có tổ chức, và không chỉ một vài cá nhân thực hiện.
Kiểm lâm viên Vũ Hồng Quân cho biết, ngày 31/3 thì nhận được thông tin ở thung Túm Lụm có đối tượng phá rừng. 14h cùng ngày, xã Châu Bính đã tổ chức tổ công tác tiến hành kiểm tra. Khi tổ công tác vào thung, các đối tượng phát hiện nên đã vượt lèn bỏ chạy. Tổ công tác không kịp truy bắt nên chưa phát hiện được đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, kiểm tra một số đồ vật tại lán thì có một chiếc can đựng nước có đánh dấu chữ “Huy Bắc” nên tổ công tác đã thu giữ, bàn giao cho Công an xã để điều tra, phát hiện đối tượng thực hiện hành vi phá rừng. “Đây là rừng sản xuất có trạng thái là rừng gỗ núi đá nghèo kiệt thuộc khoảng 3 và khoảnh 4, tiểu khu 171, do cộng đồng thôn bản Luồng Lạnh quản lý. Tổ công tác xác định diện tích rừng bị phá là 7.800m2, trong đó có 95 cây gỗ bị đốn hạ…”.
Hỏi Vũ Hồng Quân: Hiện nay Công an xã đã có những thông tin gì về đối tượng vi phạm? “Như tôi nắm được thì Công an xã cũng đã điều tra được một số thông tin, nhiều khả năng có đối tượng thuê người phá rừng thung Túm Lụm. Vừa qua, Hạt Kiểm lâm và UBND xã cũng đã tiếp tục vào hiện trường xác định lại hiện trường, lập hồ sơ vụ việc này để chuyển cơ quan công an…” – kiểm lân viên Vũ Hồng Quân trả lời.
Sáng ngày 4/4, Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu và UBND xã Châu Bính có vào thung Túm Lụm để kiểm tra hiện trường. Theo biên bản được lập ngày 4/4, vụ phá rừng là tại lô 16 khoảnh 4 và lô 3 khoảnh 3 tiểu khu 171, thuộc địa phận Bản Luồng Lạnh, xã Châu Bính. Rừng bị phá là rừng sản xuất, có trạng thái là rừng núi đá nghèo kiệt, trữ lượng 19,599m3/ha. Qua đo đếm, khu vực rừng bị chặt phá có 95 cây gỗ bị đốn hạ; trữ lượng rừng/diện tích chặt phá là 15,287m3; trữ lượng cây rừng bị thiệt hại/diện tích chặt phá là 7,196m3; chưa phát hiện đối tượng vi phạm.
Là người vào hiện trường kiểm tra ngày 4/4, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quỳ Châu Hoàng Đăng Phúc nói rằng vụ việc phá rừng Túm Lụm có những dấu hiệu khác thường, không như các vụ việc phá rừng khác trên địa bàn. Sự khác thường như ông Hoàng Đăng Phúc giải thích, đường vào thung Túm Lụm nhỏ hẹp, qua nhiều khe đá gấp khúc, ngoằn nghèo nên không thể đưa được cây gỗ ra ngoài. Vì vậy, khó có thể khẳng định đây là vụ phá rừng để lấy gỗ. Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng rừng trong thung Túm Lụm được Nhà nước giao cho công đồng thôn bản Luồng Lạnh. Nên kết luận phá rừng với mục tiêu trồng keo cũng không có cơ sở. Vì vậy, ông Hoàng Đăng Phúc trao đổi: “Hạt đang chỉ đạo cán bộ Trạm kiểm lâm Châu Thắng phối hợp với Công an xã Châu Bính truy tìm thủ phạm, bên cạnh đó, đã chuyển hồ sơ ban đầu sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện để điều tra làm rõ vụ việc này…”.
Cuối tháng 3/2022, cũng ở xã Châu Bính, tại lô 16, khoảnh 14, tiểu khu 158 xảy ra vụ việc phá rừng với diện tích bị phá gần 2.000m2. Vụ việc này, đến nay chưa xác định được đối tượng vi phạm. Hỏi ông Hoàng Đăng Phúc có chuyển hồ sơ sang Công an huyện để điều tra vụ việc này hay không thì được trả lời: “Do diện tích rừng tự nhiên bị phá dưới 5.000m2, trữ lượng gỗ bị đốn hạ dưới 10m3, dưới mức khởi tố vụ án hình sự nên Hạt chưa chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an. Tuy nhiên, vụ việc này cũng đang được cán bộ của Hạt và Công an xã Châu Bính tập trung xác minh làm rõ đối tượng vi phạm…”.
Kết nối với Công an huyện Quỳ Châu để hỏi Cơ quan cảnh sát điều tra đã tiếp nhận hồ sơ vụ việc phá rừng thung Túm Lụm từ Hạt Kiểm lâm hay chưa? Thượng tá Vy Xuân Thủy – Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳ Châu cho biết chiều ngày 7/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện nhận được hồ sơ Hạt Kiểm lâm chuyển sang. Thượng tá Vy Xuân Thủy nói: “Trên cơ sở hồ sơ của Hạt Kiểm lâm, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tập trung điều tra, xác minh đối tượng đã thực hiện hành vi hủy hoại rừng…”.
Như mô tả ở trên, thung Túm Lụm không quá xa trung tâm xã Châu Bính, đường vào gần với bản Nông Trang có không ít hộ dân đang sinh sống và sản xuất canh tác. Bởi vậy, dù chưa xác định được đối tượng thực hiện hành vi phá rừng cũng như mục đích phá rừng, nhưng khẳng định việc phát hiện là quá chậm trễ, không thể không xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tin về vụ việc này và bày tỏ băn khoăn với Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu Vương Quang Minh trong ngày 6/4/2022. Theo ông Vương Quang Minh, Huyện ủy Quỳ Châu nhìn nhận công tác bảo vệ rừng trên địa bàn vẫn còn nhiều những khó khăn. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có thêm những dấu hiệu phức tạp. Chính vì vậy, ngày 3/3, Huyện ủy đã ban hành Công văn số 266-CV/HU chỉ đạo tăng cường những biện pháp cấp bách để bảo vệ rừng. Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các đảng bộ, chi bộ trực thuộc tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nơi nào để xẩy ra phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chủ rừng phải chịu trách nhiệm trước sai phạm. Đồng thời giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy tăng cường kiểm tra dấu hiệu vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra vi phạm pháp luật về lâm nghiệp nghiêm trọng, hoặc vi phạm trong thời gian dài nhưng không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả…
Về phía UBND huyện Quỳ Châu, cũng xác định trong thời gian gần đây, nhất là giai đoạn sau Tết Nguyên đán cho đến nay, tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng tự nhiên trái pháp luật để lấy đất trồng rừng có chiều hướng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Cụ thể tại bản Cướm (Diên Lãm), bản Tà Lạnh (Châu Hạnh), bản Chiềng Nong, Chàng Piu (Châu Thuận), bản Nông Trang (Châu Bính), bản Khun (Châu Hội) và xã Châu Nga đã xảy ra các vụ việc phá rừng. Dẫn đến rừng tự nhiên bị mất và suy kiệt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái.
Vì vậy, UBND huyện Quỳ Châu đã tăng cường thêm một số biện pháp mạnh để răn đe những đối tượng manh nha chặt phá rừng tự nhiên trái phép. Một trong những biện pháp đang được thực hiện là chỉ đạo các ban, ngành cấp xã liên quan rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ đối với các vụ phá rừng trái pháp luật của các hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất theo Nghị định 163/1999/ NĐ-CP của Chính phủ; giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp theo Quyết định 4213/QĐ-UBND ngày 20/9/2018 của UBND tỉnh mà tự ý chuyển nhượng, chuyển đổi rừng bất hợp pháp, hoặc tự ý phát, đốt rừng tự nhiên do lấy đất trồng rừng hoặc để rừng bị khai thác, chặt phá, bị cháy thì tiến hành lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời đề xuất Chủ tịch UBND huyện thu hồi giấy chứng nhận QSD đất lâm nghiệp, sử dụng rừng theo hướng dẫn tại Công văn số 4952/UBND-NN ngày 05/7/2017 của UBND tỉnh và theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, ông Nguyễn Thanh Hoài trao đổi: Sau khi được Nhà nước giao đất, giao giấy chứng nhận QSD đất và sử dụng rừng thì người dân có tâm lý mong muốn phát đi một ít để trồng rừng nguyên liệu, phát triển kinh tế. Vì tâm lý đó nên đã dẫn đến những hành vi phá rừng để chuyển đổi rừng trái pháp luật. Xác định nguyên nhân chính yếu là vậy nên huyện Quỳ Châu đang tăng cường thêm các biện pháp để công tác bảo vệ rừng được tốt hơn. Đối với vụ phá rừng mới xảy ra trên địa bàn xã Châu Bính, UBND huyện Quỳ Châu sẽ chỉ đạo đẩy nhanh công tác điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm cũng như mục đích hủy hoại rừng để xử lý theo quy định của pháp luật…