Trong những năm qua, du lịch đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong khi đó, mặc dù có tiềm năng nhưng việc phát triển và xây dựng thương hiệu du lịch Nghệ An thì vẫn đang còn những khó khăn. Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Trần Thị Thủy – giảng viên Bộ môn Du lịch và Quản lý văn hóa – Trường Đại học Vinh về vấn đề này.
Phát huy lợi thế của ngành du lịch
PV: Thưa chị, du lịch được xem là “ngành công nghiệp không khói”. Chị có thể nói rõ hơn về khái niệm này?
Tiến sỹ Trần Thị Thủy: Du lịch là một ngành dịch vụ nhưng “ngành công nghiệp không khói” được xem như một tên gọi không chính thức của ngành du lịch vì người ta muốn nói đến ba vấn đề phương thức sản xuất, lợi nhuận và những tác động tích cực của du lịch đối với môi trường. Về phương thức sản xuất, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, nó ra đời và hoạt động dựa trên sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác.
Giống như một ngành công nghiệp, ngành du lịch cũng vận hành theo một quy trình, có các bộ phận phối hợp tạo thành một dây chuyền sản xuất khép kín, liên hoàn. Bên cạnh đó, lợi nhuận mà ngành du lịch mang lại không thua kém các ngành công nghiệp. Cuối cùng, nếu du lịch phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm thì sẽ hạn chế được những tác động làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, đó chính là đặc điểm “không khói” của ngành du lịch. Nhờ những ưu điểm như vậy, ngành du lịch đã và đang nắm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng.
PV: Vậy theo chị tiềm năng của du lịch Việt Nam nói chung, Nghệ An hiện nay là gì?
Tiến sỹ Trần Thị Thủy: Việt Nam là quốc gia có tiềm năng du lịch về cả tự nhiên và văn hóa.
Về tự nhiên, Việt Nam có thế mạnh về sự đa dạng của địa hình, địa hình có sự tương phản cao. Khí hậu vừa là điều kiện phát triển vừa là tài nguyên du lịch, nhiều nơi như Sapa, Tam Đảo, Mẫu Sơn, Bà Nà, Đà Lạt, khí hậu chính là một trong những yếu tố hấp dẫn du khách. Chúng ta có hệ thống các vườn Quốc gia, các khu bảo tồn thiên nhiên đảm bảo đa dạng của thế giới động thực vật, là một trong những tài nguyên du lịch nổi bật. Việt Nam tự hào có hơn 125 bãi biển và là một trong số ít các nước sở hữu những vịnh đẹp nhất trên thế giới. Ngoài ra, Việt Nam còn có những nguồn suối khoáng nóng, rất thích hợp để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, chữa bệnh. Như vậy, xét về tiềm năng du lịch tự nhiên, Việt Nam có thế mạnh về các yếu tố địa hình, khí hậu, nguồn nước và thế giới động thực vật.
Về tiềm năng du lịch văn hóa, Việt Nam có hơn 3.000 cảnh quan và di tích lịch sử được liệt kê là di sản quốc gia. Nhiều di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, lễ hội, ẩm thực, trang phục, nhà ở, các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đó chính là tiềm năng du lịch lớn lao mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Cùng với cả nước thì Nghệ An cũng được đánh giá là một tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch bởi chúng ta có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, bờ biển dài tới 82km với nhiều bãi tắm đẹp, trải dài.
Bên cạnh đó, khu dự trữ sinh quyển phía Tây Nghệ An là một trong 6 vùng lớn nhất thế giới có rừng nguyên sinh và nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống. Trong những năm gần đây, miền núi Nghệ An với nhiều hang động, thác nước, cảnh quan núi rừng nguyên sinh đang được xem là một điểm đến lý thú, đặc biệt hấp dẫn với những người thích khám phá.
Nghệ An cũng là tỉnh có bề dày trầm tích văn hóa với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng, trong đó gần 1/4 di tích đã được xếp hạng. Đây cũng là địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số, có nền văn hóa đậm đà bản sắc. Nếu quan tâm đến Nghệ An chúng ta cũng thấy gần đây những người làm du lịch của tỉnh cũng khá nhạy bén với nhiều điểm đến mới đã được hình thành, phát triển, bắt kịp xu hướng của đông đảo du khách. Có thể kể tới, đảo chè Thanh Chương, thung lũng hoa tam giác mạch, cánh đồng hoa hướng dương tại huyện Nghĩa Đàn, du lịch cộng đồng miền Tây xứ Nghệ…
Hướng đến sự thẩm mỹ
PV: Trong hơn một năm trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xu hướng đi du lịch nội địa khá phát triển và mở rộng đến nhiều đối tượng. Tuy nhiên, như chị đã phân tích, Nghệ An có rất nhiều tiềm năng phát triển nhưng dường như vẫn đang nằm ngoài bản đồ du lịch. Vì sao lại có sự khác biệt này?
Tiến sỹ Trần Thị Thủy: Dịch Covid-19 bùng phát đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, trong đó du lịch là một trong những lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, du lịch nội địa lại có bước tăng trưởng khá và xu hướng du lịch nội địa khá phát triển và mở rộng đến nhiều đối tượng nhờ vào việc Việt Nam chúng ta đã có những nỗ lực vượt bậc để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động du lịch nội địa, triển khai Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nói riêng về du lịch Nghệ An, dù không có trường hợp bị lây nhiễm, nhưng Covid – 19 cũng đã tác động tiêu cực đến ngành du lịch. Lượng khách đến Nghệ An sau khi dịch bệnh bùng phát là rất thấp, nhiều chương trình tham quan du lịch của khách du lịch Nghệ An đến Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… bị hủy, các doanh nghiệp du lịch phải ngừng hoạt động, lao động du lịch không có việc làm… Để khắc phục hậu quả, Nghệ An đã phát động Chương trình kích cầu du lịch “Nghệ An – Điểm đến an toàn và khác biệt” cùng với nhiều giải pháp xúc tiến được tiến hành…
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng du lịch Nghệ An vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có. Dù có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, không thua kém các tỉnh bạn nhưng Nghệ An có những bất lợi nhất định khi so sánh với các tỉnh có tài nguyên tương đồng như các điểm đến phân tán, không tập trung. Nếu là với một khách du lịch khi đến Nghệ An, tôi nghĩ rằng nhiều người giống như tôi sẽ thấy Nghệ An là một tỉnh rất tiềm năng về văn hóa, cảnh quan. Tuy nhiên, nếu hỏi đã hài lòng hoàn toàn chưa, chắc chắn là còn những phân vân. Dịch vụ du lịch về cơ bản chưa đáp chưa đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân, các dịch vụ còn nghèo nàn.
Nghệ An vẫn còn nhiều việc để làm du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng. Chẳng hạn, hiện nay tại các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp tại một số địa phương có những homestay rất đẹp và cách quảng bá của họ trên các trang mạng xã hội rất cuốn hút và thu hút người xem. Chúng ta đừng nghĩ homestay đơn giản chỉ là dịch vụ lưu trú nhà dân và người dân ở thế nào thì khách ở vậy. Ngày nay, homestay cũng phải có một cái tên thật hay, một nơi lưu trú mà khách thoải mái khi ngủ, và khi thức dậy thì được chiêm ngưỡng một không gian thật đẹp. Nhà có thể được lợp mái tranh nhưng bên trong vẫn có điều hòa nhiệt độ để đáp ứng nhu cầu tối đa nhu cầu chính đáng của du khách…
PV: Tôi đã đọc một bài viết của một người làm trong mảng lữ hành về du lịch Nghệ An. Một bài viết khá đơn giản nhưng chỉ ra những cách làm du lịch hiệu quả và không cần phải “đao to búa lớn”, không nhất thiết phải tốn nhiều tiền. Chị có đồng ý với quan điểm này.
Tiến sỹ Trần Thị Thủy: Về vấn đề này, hiện nay có những cách làm du lịch không nhất thiết phải chi phí đầu tư lớn nhưng lại có sức thu hút du khách. Về loại hình có thể kể tới sự phát triển của các farmstay (du lịch nông trại); về hình thức lưu trú có thể nhắc tới các bungalow hấp dẫn khách du lịch với lối kiến trúc độc đáo riêng biệt trong những căn nhà bằng gỗ; Về tiểu tiết có thể kể tới những cái lồng đèn được tạo nên bằng vật liệu tre nứa, những cách trang trí nhà cửa gần gũi với thiên nhiên, những mâm ẩm thực đậm chất truyền thống… Đó chính là những cách làm không “đao to búa lớn” nhưng muốn thành công nhất định phải hướng tới sự thẩm mỹ. Một chuyến đi đầy thẩm mỹ là điều mà ngày nay người ta thường nói tới.
PV: Nói đến du lịch là phải hướng đến sự phát triển du lịch bền vững. Vậy, trong tương lai, để du lịch Nghệ An phát triển, theo chị chúng ta cần những giải pháp gì cả về cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng… Hiện, chị và các cộng sự cũng có khá nhiều dự án về du lịch, chị hãy chia sẻ thêm về mục đích của các dự án này?.
Tiến sỹ Trần Thị Thủy: Xác định được vai trò quan trọng của ngành du lịch, trong thời gian vừa qua các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đã có những cơ chế, chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành, ví dụ như đầu tư nguồn vốn, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, hợp tác phát triển, xây dựng sản phẩm du lịch… Với tư cách của một người làm công tác đào tạo nhân lực du lịch, thời gian qua chúng tôi đã có những nỗ lực để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đặc biệt, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận các chuẩn đầu ra, từ việc chủ yếu cung cấp kiến thức chuyển sang vừa cung cấp kiến thức, vừa phát triển kỹ năng và rèn luyện thái độ, đạo đức nghề nghiệp. Chúng tôi chú trọng tổ chức nhiều hoạt động rèn nghề hàng năm để trau dồi kỹ năng cho sinh viên. Việc xây dựng hoàn thiện và đưa vào hoạt động Trung tâm thực hành du lịch đã giúp cho người học có cơ hội thực hành, thực tế nghề nghiệp của mình.
Đặc biệt, trong năm qua, để công tác đào tạo gắn với thực tế sử dụng lao động, chúng tôi đã có sự kết hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài địa bàn tỉnh. Chính các nhà tuyển dụng đã tham gia vào quá trình xây dựng chương trình nhằm đẩy mạnh đào tạo gắn với thực tiễn, đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hiện nay, chúng tôi cũng đã và đang tham gia thực hiện một số dự án về du lịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các đề tài, dự án đã được triển khai như: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo ở miền Tây Nghệ An; dự án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An; dự án du lịch nông nghiệp… Tôi cũng rất tin tưởng vào những dự án này. Tuy nhiên, để thành công hơn tôi chờ đợi sự tham gia sâu rộng hơn từ phía các tổ chức, các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn và có kinh nghiệm làm du lịch, họ có thể tư vấn, đặt hàng, bồi dưỡng cho người dân cách làm du lịch, cách giữ chân du khách và góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm du lịch.
PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!