Sau cơn lũ dữ tháng 9/2018, với tôi, những bản Xốp Mạt, Lạ, Minh Phương, Bản Vẽ…, những con sông Nậm Mộ, Nậm Nơn, những khe Chóng, khe Ò, rồi cả mọi tuyến đường đến với các thủy điện Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố đã trở nên quen thuộc đến ám ảnh. Vùi đầu vào công việc thì thôi, nhưng hễ đọc hay nghe đâu đó vài thông tin về thủy điện, thì những liên quan cơn lũ dữ lại ùa về. Đó là chiếc cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua khe Chóng bị đứt tung, những tuyến đường giao thông lở loác, những khóm dân cư chỉ còn lại nền đất, gạch ngói vụn; những túp lều tạm bợ liêu xiêu trên sườn núi…; và những ánh mắt thẫn thờ, bàng bạc của người già, người trẻ.
Có lẽ vì thế ngược Tương Dương dịp này, niềm mong nhìn thấy cuộc sống tốt đẹp hơn đã đến với đồng bào lại thôi thúc tôi trở vào vùng lũ. Rồi thật đáng buồn bởi chỉ được thấy vẫn chưa có nhiều thay đổi. Tuyến đường 543B qua Xá Lượng, Lượng Minh để đến với Nhà máy thủy điện Bản Vẽ đã được sửa sang bề mặt; đã có cầu tạm bắc qua khe Chóng; những đổ nát, hoang tàn ngày nào đã được thu dọn… Nhưng những lều, lán tạm bợ chấp chới bên bờ dòng Nậm Nơn, hoặc trên những triền dốc của các hộ dân mất nhà dựng lên thì vẫn còn nguyên ở đó. Và những gia đình đồng bào đã từng gặp như gia đình chị Vi Thị Hải, bà Lô Thị Túc, bà Lô Thị Chích, ông Lô Văn Thành… thì vẫn tá túc tại đây với một mong mỏi “cấp trên giao cho nền đất mới để dựng nhà”.
Dừng chân tại ngôi nhà tạm của ông Lô Văn Thành dựng trước trạm xá xã Lượng Minh, hỏi vợ ông là bà Lương Thị Thiết rằng gia đình chuẩn bị được gì để đón Tết chưa? Người phụ nữ dân tộc Thái lớn tuổi đang lúi húi thêu khăn ngước nhìn khách lạ, rồi trả lời: “Cũng có một vài thứ rồi…”. Là nói vậy nhưng sau đó bà lại cúi xuống tấm khăn lẩm bẩm: “Nhà cửa vẫn tạm bợ như thế này thì Tết nhất cái gì…”. Hỏi về chuyện khi nào sẽ được chuyển về nơi ở mới, bà Thiết cho biết ở Lượng Minh, huyện đã san 2 khu vực đất cho dân dựng nhà. Nhưng cả hai khu vực này đều chưa hoàn chỉnh. Một khu còn thiếu hệ thống nước sạch; còn một khu thì mới chỉ san nền, chưa có các hệ thống điện, nước. “Có mười mấy hộ dân đã được bốc thăm nền đất. Nhưng vẫn phải chờ vì mọi thứ đều đang dở dang. Nếu bây giờ mà chuyển lên thì cũng không biết phải sống như thế nào cả…” – bà Thiết nói.
Trong các hộ dân phải gánh chịu mất mát do cơn lũ dữ, những hộ dân ở khe Chóng, khe Ò có “may mắn” hơn. Bởi đã có 14/20 hộ được chuyển về nơi ở mới, là một khu tái định cư thuộc địa giới bản Cò Pháo, xã Yên Na. Nhưng dẫu vậy, cuộc sống vẫn đầy rẫy những khó khăn chất chồng. Ở đây, mỗi gia đình được giao xấp xỉ 200m2 đất. Do nền đất là đá núi nên phần diện tích sau khi dựng nhà còn lại rất khó để trồng trọt thêm được cây rau; trong khi nơi ở mới cách xa nơi ở cũ, họ cũng chưa định hình được sẽ làm công việc gì để có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Ở đây ngoại trừ hệ thống đường ống dẫn nước sinh hoạt đã được huyện đầu tư thì không có gì thêm cả. Đến điện sinh hoạt vẫn đang phải xin đấu nối vào đường điện kinh doanh nên dân phải chịu giá rất cao, đến mức “về đêm chỉ dám sử ánh sáng điện để ăn cơm. Sau bữa ăn thì tắt ngay, nếu không tốn kém lắm…”.
Ở đây, tôi gặp lại bà Vi Thị Mai, hộ gia đình ở khe Chóng bị trôi mất nhà ngay sau đợt lũ đầu. Cùng với chồng là ông Lương Khăm Phanh, bà Vi Thị Mai đã dựng lại được một ngôi nhà gỗ, làm được một mảnh vườn nhỏ. Ánh mắt của bà tuy không còn thất thần như ngày cơn lũ dữ tuôn ra từ cửa đập cuốn trôi nhà, nhưng giọng nói thì vẫn đượm nỗi buồn. Bà nói rằng không dám đòi hỏi, mà chỉ mong gửi gắm nhà báo phản ánh với cấp trên, những mất mát của bà trong cơn lũ dữ có được xem xét hỗ trợ. “Tôi không dám đòi đền bù mà chỉ muốn hỏi có được hỗ trợ gì không. Ngày ấy lũ về nhanh quá. Lũ đã cuốn trôi nhà cùng tất cả tài sản, vật dụng của gia đình…” – bà Vi Thị Mai thổ lộ.
Băn khoăn về cảnh sống của những người dân vùng lũ, các cán bộ có trách nhiệm của huyện Tương Dương nói rằng đã cố gắng hết sức rồi. Cái hết sức như các cán bộ này nói, là ‘tay trắng” nhưng đã phấn đấu hoàn thành công tác san lấp mặt bằng của 5 khu tái định cư (2 tại xã Lượng Minh, 1 ở xã Yên Na, 2 tại xã Xá Lượng); trong đó, một khu tái định cư ở xã Yên Na nhân dân đã vào ở, một khu tái định cư ở xã Lượng Minh cơ bản hoàn thành hạ tầng, dự kiến đầu năm mới dân sẽ vào ở. “Huyện không có kinh phí, trong khi việc hỗ trợ ổn định cuộc sống dân cư sau lũ 2018 từ các thủy điện thì chưa được giải quyết”.
Đưa cho tôi một tập tài liệu dày, anh Nguyễn Phùng Hùng – Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương trao đổi: “Trong này có đầy đủ những thông tin về những tồn đọng chưa được giải quyết. Cũng đã có những đơn vị thủy điện như Bản Vẽ đã nỗ lực cùng hợp tác với huyện để giải quyết dứt điểm tồn tại. Nhưng họ không có quyền quyết định…”.
Quả vậy, ngày 13/4/2019, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 143/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về việc giải quyết các vấn đề sau lũ năm 2018, các tồn tại vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án thủy điện Bản Vẽ. Thì đến ngày 18/9/2019, Tập đoàn Điện lực mới tổ chức buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An; ngày 23/9/2019, mới có Thông báo số 371/TB-TB-EVN thông báo kết luận cuộc họp của Phó Tổng giám đốc Nguyễn Tài Anh với nội dung: Các nội dung đề nghị của UBND tỉnh theo báo cáo tại cuộc họp về hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống sau tái định cư thủy điện Bản Vẽ là cần thiết, tuy nhiên các nội dung này nằm ngoài các quy định về bồi thường hỗ trợ của nhà nước quy định đối với thủy điện Bản Vẽ và không có trong tổng mức đầu tư được phê duyệt; thiệt hại của người dân do ảnh hưởng sau lũ năm 2018 tuy thuộc hạ du thủy điện Bản Vẽ, nhưng toàn bộ người dân ảnh hưởng thuộc hồ thủy điện Nậm Nơn, Khe Bố và thủy điện Chi Khê. Để có cơ sở giải quyết hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân sau tái định cư thủy điện Bản Vẽ và giảm bớt khó khăn của người dân do ảnh hưởng bão lũ năm 2018, EVN thống nhất một số nội dung kiến nghị của UBND tỉnh Nghệ An để báo cáo Hội đồng thành viên EVN, Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo và phê duyệt cho chủ đầu tư hỗ trợ bằng nguồn vốn dự phòng của dự án. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư thủy điện Bản Vẽ khẩn trương thực hiện các nội dung: phối hợp với địa phương rà soát lại các giá trị hỗ trợ đã được thống nhất…
Ngày 1/10/2019, Ban QLDA Thủy điện 2 có Văn bản số 57/ATDD2-QLDA về việc giải quyết các vấn đề sau lũ năm 2018, các tồn tại, vướng mắc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thủy điện Bản Vẽ gửi UBND huyện Tương Dương. Tại đây thông tin về Thông báo số 371/TB-EVN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đề nghị UBND huyện Tương Dương căn cứ vào điều kiện, nhu cầu thực tế và các quy định hiện hành của nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng công trình, tiến hành rà soát, tính toán lập quy mô khối lượng và sơ bộ tổng mức đầu tư các hạng mục công trình để Ban QLDA thủy điện 2 xem xét, thống nhất trình cấp thẩm quyền. Ngày 7/11/2019, UBND huyện Tương Dương có Tờ trình số 204/TTr-UBND về việc đề nghị hỗ trợ kinh phí cho nhân dân bị ảnh hưởng dự án thủy điện Bản Vẽ trên địa bàn huyện Tương Dương gửi lên UBND tỉnh, Tập đoàn Điện lực, Tổng công ty Phát điện 1 và Ban QLDA thủy điện 2. Ngày 11/11/2019, Công ty thủy điện Bản Vẽ có Báo cáo số 352/BC-TĐBV báo cáo việc phối hợp với địa phương giải quyết các vấn đề sau lũ 2018, các tồn tại, vướng mắc công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án thủy điện Bản Vẽ gửi đến Tổng công ty Phát điện 1. Trong đó thể hiện sau rà soát, tính toán, phần kinh phí hỗ trợ để xây dựng khu tái định cư tại Bản Vẽ để di dời 19 hộ khe Ò, khe Chóng ra khỏi vùng sạt lở được 5,272 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư xây dựng khu tái định cư để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ngập lụt, sạt lở tại bản Minh Phương, Xốp Mạt được hơn 1,1 tỷ đồng; di dời khẩn cấp 34 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở tại xã Lượng Minh được hơn 1,76 tỷ đồng.
Trưởng phòng Nguyễn Phùng Hùng cho biết, sau khi Công ty thủy điện Bản Vẽ có báo cáo, ngày 13/11/2019, Tổng công ty Phát điện I có báo cáo gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Từ đó đến nay, thì chưa có thông tin gì thêm nữa. Buồn bã, anh Hùng trao đổi: “Tổng kinh phí hỗ trợ sau rà soát gần 25 tỷ đồng. Trong đó hỗ trợ sau lũ 2018 chỉ gần 3 tỷ đồng,cho các hạng mục điện và nước sinh hoạt ở hai điểm tái định cư tại xã Xá Lượng. Nhưng đã hai tháng rồi mà chưa có thông tin gì thêm…”.
* * * * *
Dõi theo những hoạt động trên xứ núi Tương Dương, tôi biết trong ngày 13 – 14/1/2020, Công ty Thủy điện Bản Vẽ tổ chức thăm tặng quà cho các hộ nghèo. Đây là việc làm ý nghĩa trong dịp Tết cổ truyền, sẽ động viên khích lệ người nghèo có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Nhưng nghĩ cái cần thiết hơn đối với người dân trong thời khắc này, là một mái nhà. Năm 2019, họ đã phải đón năm mới trong những lều, lán tạm bợ. Nay họ lại thêm một cái Tết không trong một ngôi nhà đúng nghĩa. Để người dân chờ đến bao giờ?