Kỳ cuối: Nói không với dự án thủy điện mới

Mặc dù đã đi vào hoạt động được gần 10 năm, sắp hoàn vốn nhưng thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ đến nay vẫn còn hàng loạt “tồn tại” chưa giải quyết xong, đặc biệt là trong công tác đền bù. Tại nhiều diễn đàn, lãnh đạo tỉnh đề nghị các cấp, ngành cần kiên quyết nói không với dự án thủy điện mới.

Kể từ khi Thủy điện Bản Ang đi vào hoạt động, trong nhà ông Lương Xuân Hương (60 tuổi, xã Xá Lượng, Tương Dương), luôn có sẵn 2 sợi dây thừng dài hơn 100 mét. Người đàn ông làm nghề chài lưới dưới sông Nậm Nơn này nói rằng, những sợi dây được ông mua từ vài năm trước, sau một trận lũ lớn. “Lúc đó thủy điện xả nước, nhà rung bần bật. Không chỉ có nhà tôi sắm dây thừng, ở đây hầu như ai cũng có”, ông kể.

Nhà ông Hương nằm cách chân đập Thủy điện Bản Ang chừng hơn 50 mét. Mỗi lần thủy điện xả, nước đổ ầm ầm theo hướng vào nhà. Nhưng bờ kè chỉ được làm đơn sơ, thậm chí có lần nước chảy tràn vào nhà, cây cối ngã nghiêng. Sợ nhà bị cuốn trôi, ông đành phải sắm dây thừng để chằng néo. Nhiều người quá hoảng sợ, thậm chí phải tháo dỡ nhà, chờ nước rút để dựng lại, trong đó có con rể ông Hương sống cạnh đó.

“Vợ chồng nó tháo dỡ nhà xong thì không có tiền để thuê người dựng lại. Giờ phải đi làm thuê trong miền Nam, không biết bao giờ mới đủ tiền để dựng lại nhà”, ông Hương nói, hướng ánh mắt xa xăm về đập thủy điện sừng sững sau hiên nhà.

Cũng như ông Hương, hàng chục hộ dân khác ở bản Ang vẫn luôn thấp thỏm mỗi lần thủy điện xả lũ. Nhà những hộ này nằm đúng hướng dòng chảy từ thủy điện đổ xuống. Phía sau nhà của những hộ dân này là một bờ kè bằng bê tông. Tuy nhiên, theo người dân, bờ kè này quá ngắn và sơ sài, không đủ để ngăn dòng nước mỗi khi thủy điện xả lũ. Đỉnh điểm là tháng 8 năm ngoái, bờ kè này không thể ngăn nổi nước lũ đã cuốn trôi tài sản của người dân ở đây sau khi thủy điện xả nước.

Mới đây, sau cuộc làm việc với huyện Tương Dương và các sở, ngành liên quan, chủ đầu tư thủy điện này đã đồng ý gia cố bờ kè này. Tuy nhiên, mùa mưa bão đã đến, đến thời điểm hiện tại, khu vực này vẫn chưa được triển khai hạng mục này, trong khi người dân đang thấp thỏm từng ngày. Mới đây nhất, ngày 4/8, Thủy điện Bản Ang thậm chí xả nước nhưng chỉ thông báo cho người dân biết trước 30 phút, khiến người dân càng hoang mang, lo lắng. Trong khi đó, theo quy định mỗi lần thủy điện xả nước phải báo trước 4 giờ.

Nhưng vấn đề ở bản Ang chỉ là một trong hàng loạt bất cập cũng như hệ lụy của thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đặc biệt là với Thủy điện Bản Vẽ – thủy điện lớn nhất Bắc Trung bộ. Thủy điện này đi vào hoạt động từ năm 2010, theo một lãnh đạo huyện Tương Dương thì chỉ còn khoảng vài năm nữa, dự án sẽ hoàn vốn. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn hàng loạt tồn tại chưa được giải quyết, đặc biệt là công tác bồi thường. Trong đó, có thể kể đến như chế độ hỗ trợ sản xuất cho 312 hộ hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại các khu TĐC tập trung được Nhà nước giao đất nông nghiệp bằng hình thức đất đổi đất, gồm 4 bản: Văng Môn, xã Nga My; Khe Quỳnh và bản Chon xã Xiêng My; bản Cà Moong, xã Lượng Minh. Tổng số tiền hỗ trợ khoản này là gần 5 tỷ đồng nhưng nhiều lần làm việc, chủ đầu tư vẫn chưa chịu chi.

Về hỗ trợ khuyến nông cho các hộ dân thuộc diện tái định cư, Hội đồng BT-GPMB đã trình chủ đầu tư từ lâu với tổng kinh phí là 273 triệu đồng. Nhưng đến nay chủ đầu tư chưa có ý kiến thỏa thuận, nên chưa có kinh phí để triển khai thực hiện. Đối với chế độ hỗ trợ sửa chữa nhà ở tái định cư do chủ đầu tư xây dựng cho nhân dân: Hội đồng BT-GPMB đã hoàn thiện công tác lập hồ sơ chế độ hỗ trợ khắc phục sửa chữa nhà dân TĐC và các công trình công cộng do chủ đầu tư xây dựng: Nội dung này đã được Chính phủ đồng ý tại Thông báo 143/TB-VPCP, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được kinh phí để chi trả cho người dân, với tổng kinh phí hỗ trợ là 2,53 tỷ đồng.

Còn về chi trả chế độ hỗ trợ san nền cho 3 bản khó khăn vùng lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, địa phương cũng đã trình chủ đầu tư từ lâu, với tổng kinh phí là hơn 2,3 tỷ đồng, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa chuyển kinh phí để chi trả cho người dân.

Đặc biệt là công tác di dân TĐC Thủy điện Bản Vẽ đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Đến thời điểm hiện nay, còn 7 hộ dân ở bản Chà Coong, xã Hữu Dương (cũ) vẫn chưa di dời về khu TĐC ở Thanh Chương. Mặc dù các chế độ đã nhận 100% và đã có 5/7 hộ đã chuyển khẩu về khu TĐC tại huyện Thanh Chương.

Tương tự Thủy điện Bản Vẽ, ở Thủy điện Khe Bố, nhiều chính sách của người dân như hỗ trợ khuyến nông, mặc dù Hội đồng BT-GPMB đã có văn bản thỏa thuận từ lâu, nhưng đến nay chủ đầu tư chưa có ý kiến nên chưa triển khai thực hiện được. Còn tại Thủy điện Nậm Nơn, khi xây dựng chỉ di dời 2 hộ, nhưng từ sau khi tích nước, hàng loạt nhà dân bị cuốn trôi vì thủy điện. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư không chịu trách nhiệm đền bù hay di dời mà chỉ “hỗ trợ” một phần….

Trong khi tích nước, xả lũ gây thiệt hại tài sản rất nặng nề cho người dân thì sau đó, việc đền bù lại diễn ra chậm chạp, thậm chí nhiều thủy điện còn kỳ kèo, trốn tránh trách nhiệm. Ông Phan Đức Sơn – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho hay, phần lớn đơn thư, khiếu nại của huyện này đều liên quan đến thủy điện “Một tháng tôi tiếp dân 2 lần, và phần lớn đều thắc mắc về công tác bồi thường liên quan đến thủy điện, trong khi vấn đề này lại không thuộc thẩm quyền của huyện. Với riêng Thủy điện Khe Bố, tôi làm việc 2 lần và đưa ra 26 nội dung lớn nhỏ để giải quyết, có thời hạn giao đầy đủ cho thủy điện và cơ quan liên quan nhưng chậm vẫn hoàn chậm”, ông Sơn nói.

Còn ông Nguyễn Đình Hùng – Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho hay, ở địa phương này, các hội nghị tiếp xúc cử tri có đến 80% ý kiến liên quan đến các vấn đề thủy điện. Hàng năm, qua tiếp nhận và giải quyết đơn thư có đến 2/3 đơn thư của công dân liên quan đến các dự án thủy điện. “Nhiều ý kiến cho rằng, thủy điện đang làm cho cuộc sống của người dân nghèo đi, chứ không phải làm giàu cho người dân. Đây là vấn đề đáng quan tâm trong việc xem xét các dự án thủy điện”, ông Hùng nói.

Tại phiên họp HĐND vừa diễn ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông cho hay, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc nhiều lần và quan điểm là kiên quyết nói không với phát triển mới các dự án thủy điện. Thường trực Tỉnh ủy cũng yêu cầu gắt gao nhà máy thủy điện, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan phải có trách nhiệm với thiệt hại của bà con sau các đợt lũ. “Qua kiểm tra thì các thủy điện xả lũ đều đúng quy trình. Nhưng tại sao đúng quy trình lại gây thiệt hại lớn đến như vậy. Điều đó cho thấy vấn đề nó nằm ở cái quy trình”, đồng chí Nguyễn Văn Thông nói. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn với thủy điện. Phải có biện pháp mạnh, dựa trên trách nhiệm pháp lý để yêu cầu thủy điện chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra.

Trong khi đó, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc Công an tỉnh cho biết, đơn vị đã huy động “một lực lượng chưa từng có” để điều tra các sai phạm của thủy điện nhằm “gõ cái gậy vào tất cả các cơ quan, ban, ngành nào có trách nhiệm trong việc thẩm định, chỉ đạo xây dựng nhà máy thủy điện để lại hậu quả”. Đồng thời, tướng Cầu cũng đề nghị, các cấp, các ngành cũng như người dân cần đồng lòng nói không với các dự án thủy điện mới.

Có thể nói, không ai phủ nhận những đóng góp của thủy điện đối với nền kinh tế, nhưng chủ đầu tư các thủy điện cần phải có ý thức, trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng, cũng như đảm bảo đời sống cho người dân. Đây cũng là vấn đề tiên quyết của mọi dự án, không riêng gì thủy điện./.