Xã Tân Phú từng là vùng trọng điểm về cam Vinh trên địa bàn huyện Tân Kỳ, có Tổ sản xuất cam Sông Con nổi tiếng, với diện tích 25,5 ha. Thế nhưng, nay chỉ còn 1 hộ dân duy trì vườn cam 1 ha, với hy vọng phục dựng lại đặc sản cam Vinh trên đất Tân Kỳ; đó là hộ anh Ngô Anh Đức.
“Khoảng 10 năm trước, Tổ sản xuất cam Sông Con có 21 hộ tham gia, những năm đầu cây cam mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2019-2020, cam bắt đầu nhiễm bệnh, rụng hàng loạt, dần dần bà con không trụ được nữa nên chặt bỏ hết, gia đình tôi cũng đã chặt đi một số cây. Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm trồng lại cam bằng các kiến thức, kinh nghiệm học hỏi các vùng cam khác và qua sách, báo”, anh Ngô Anh Đức nói.
Theo nhận định của anh Đức, có những thiếu sót trong quá trình chăm sóc cam trước đây của tổ hợp tác dẫn đến việc cam sớm bị thoái hóa. Thời điểm cam bị nhiễm bệnh, bà con không biết cách xử lý, và khi cam là sản phẩm chủ lực, đầu tư lớn, khiến bà con hoang mang, đi mua thuốc bảo vệ thực vật đại trà để diệt sâu bệnh. Việc lạm dụng thuốc khiến chất đất cả vùng cam hàng chục ha bị hư hại, cam kém phát triển, dịch bệnh không xử lý triệt để được… Rút kinh nghiệm sâu sắc sau thất bại đó, năm 2021, sau khi chặt bỏ hoàn toàn lứa cam cũ, gia đình anh Đức đã trồng 400 gốc cam mới, điều khác biệt là anh Đức không trồng trên diện tích cũ mà trồng trên vùng đất mới, tránh xa vùng đất nhiễm bệnh. Năm nay, khi cam nhiễm bệnh, anh Đức cũng hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thay vào đó sử dụng các chế phẩm sinh học an toàn hơn, dùng màn, bao để bọc cam, tránh côn trùng đốt. Với vùng đất mới, phương pháp chăm sóc mới, hiện nay, vườn cam của anh Đức sinh trưởng tốt, đã cho thu hoạch những lứa quả bói đầu tiên và năng suất đảm bảo.
Tuy nhiên, anh Đức cũng rất băn khoăn, vì hiện nay chưa có phân bón chuyên dùng cho cây cam; người trồng cam phải tự mua các loại phân bón khác nhau để bón, khó lựa chọn được các sản phẩm chất lượng tốt. Về thuốc bảo vệ thực vật thì quá đa dạng, một đối tượng sâu bệnh hại có hàng chục hoạt chất có thể phòng trừ; mỗi hoạt chất lại có nhiều công ty, nhãn hàng sản xuất. Hầu như người dân khi mua thuốc bảo vệ thực vật chỉ nói loại dịch bệnh và bên bán hàng tư vấn, cung cấp thuốc, nên không tránh khỏi việc sử dụng nhiều loại thuốc, thuốc không đặc trị hay thuốc chưa đảm bảo chất lượng.
Mong muốn phục hồi cây cam cũng là tâm tư, nguyện vọng của bà con xóm Minh Hồ, xã Minh Hợp – vùng nổi tiếng nhất về cam Vinh trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trước đây. Tiếc nuối, trăn trở, mong muốn quay lại trồng cam, tuy nhiên, để tránh đi theo “vết xe đổ” phải phá bỏ vườn cam, người dân rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Ông Ngô Văn Hiến – Xóm trưởng xóm Minh Hồ cho biết: “Nếu xác định trồng lại cam, chúng tôi mong muốn những diện tích trồng cam hiện đã chuyển sang mía và ngô sẽ được khử sạch mầm bệnh hoàn toàn, lấy mẫu đất để xét nghiệm, nghiên cứu đảm bảo an toàn để bà con yên tâm xuống giống. Thứ hai, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu lựa chọn các loại giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng, phù hợp với sản xuất cam; đồng thời, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng và kiểm soát chặt chẽ về chất lượng các loại vật tư nông nghiệp trên địa bàn”, ông Hiến bày tỏ.
Đại diện Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành ở huyện Quỳ Hợp cho biết: Những năm qua, diện tích cam của công ty ngày càng bị thu hẹp, từ 1.000 ha thời cao điểm, thì nay chỉ còn vài chục ha cam và quýt PQ. Những vườn cam còn lại cũng đang suy thoái dần, dự báo người dân sẽ phá bỏ trong thời gian tới. Hiện công ty cũng đã đình chỉ, ngừng phát triển cây có múi để luân canh cây trồng khác.
Theo trao đổi của ông Lê Viết Minh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Xuân Thành, việc các vườn cam bị xóa sổ là điều rất đáng tiếc; tuy nhiên, đó cũng là điều bắt buộc phải làm để diệt trừ mầm bệnh, tạo điều kiện cho việc hồi sinh cam trong thời gian sớm nhất. Công ty xác định, thời điểm trồng lại cam sẽ là sau năm 2030… Để việc trồng lại cam đạt hiệu quả cao nhất thì các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần có sự đồng hành, hỗ trợ người dân, đơn vị trồng cam. Trong đó, điều mong mỏi nhất là hình thành được trung tâm giống cam chất lượng, đảm bảo uy tín, chấp nhận giá cao, không để người dân mua, bán giống cam trôi nổi như hiện nay. Bởi việc chọn được giống cam chất lượng đã giúp ăn chắc được 50% sự sinh trưởng và phát triển cam sau khi xuống giống.
“Rất mong các cấp, ngành nghiên cứu, quy hoạch lại vùng trồng cam đảm bảo đúng chỉ dẫn địa lý và có sự giám sát chặt chẽ, không khuyến khích trồng cam ở những vùng không phù hợp. Đơn cử như công ty chúng tôi trước đây có 1.000 ha cam, nhưng thực tế khu vực đủ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước…đảm bảo cho sản xuất cam chỉ khoảng 300-400 ha. Việc trồng cam ồ ạt vượt quy hoạch, trồng trên đất không phù hợp nên năng suất, chất lượng cam bị sụt giảm là điều dễ hiểu…”, ông Lê Viết Minh nhấn mạnh.
Trước thực trạng suy thoái của cây cam như hiện nay, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiến hành điều tra và đưa ra các giải pháp kỹ thuật nhằm cứu các vùng cam của tỉnh.
Ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Chính xác hiện toàn tỉnh có 1.820 ha cam, trong đó, bị suy thoái hơn 943 ha. Như vậy, còn khoảng hơn 877 ha chưa bị suy thoái, chiếm 48,19%; trước hết, phải chăm sóc tốt cho diện tích này, trong đó, những vườn cam từ 1-7 năm tuổi cần được tỉnh và các huyện trích ngân sách hỗ trợ, đầu tư thâm canh để khai thác lâu dài, bền vững. Đối với 943 ha cam đã suy thoái cần rà soát, phân loại đến tận từng vườn hộ; đối với 361 ha cam suy thoái nặng, phải phá bỏ càng sớm càng tốt để hạn chế lây lan dịch bệnh, đặc biệt là bệnh greening; đối với gần 500 ha cam suy thoái mức độ trung bình cần đánh giá, xác định khả năng đầu tư, chăm sóc; những hộ dân có khả năng đầu tư thâm canh tốt thì tiến hành cải tạo, phục hồi, còn không thì xem xét phá bỏ toàn vườn hoặc các cây suy thoái nặng. Trong diện tích cam còn lại có gần 90 ha cam bị suy thoái nhẹ, bà con nên đầu tư thâm canh để cải tạo, phục hồi, tuy nhiên, những vườn suy thoái do giống bị thoái hóa hoặc bệnh greening thì không cải tạo phục hồi mà phải xem xét có thể phá bỏ.
“Các địa phương cũng cần xây dựng định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích cam đã phá bỏ, đặc biệt là đối với những vùng có kế hoạch, định hướng tái canh cây cam, thì cần có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng mà vẫn giữ đất tốt để tái canh lại cây cam”, ông Nguyễn Tiến Đức nhấn mạnh thêm.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp – ông Quán Vi Giang cho biết: Giải pháp khả thi nhất đối với vùng cam Quỳ Hợp hiện nay là các địa phương tiến hành cải tạo đất trồng cam lâu năm bằng các biện pháp luân canh cây trồng để đất được nghỉ ngơi, có thể diệt trừ sâu bệnh. Huyện sẽ quy hoạch lại từng vùng cam với các điều kiện đạt chuẩn về đất đai, nguồn nước, khí hậu…; đồng thời, yêu cầu các địa phương giữ vững quy hoạch, không ồ ạt mở rộng diện tích. Ngoài ra, trước thời điểm trồng lại cam (có thể là trong 4-5 năm nữa), địa phương sẽ tổng kiểm tra, xét nghiệm, lấy mẫu kỹ càng chất đất, nước, môi trường để chắc chắn rằng cam sẽ sinh trưởng và phát triển tốt khi xuống giống…
Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chúng ta sẽ chỉ trồng mới cam trên những mô hình thí nghiệm hoặc trồng mới, trồng lại có sự hướng dẫn kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn. Ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp các địa phương tăng cường quản lý tốt việc thực hiện quy hoạch sản xuất, nhất là tại cấp xã, công khai phổ biến quy hoạch đến tận cấp xã để giúp người dân nắm bắt được thông tin quy hoạch để nghiêm túc thực hiện; trường hợp tự ý trồng ngoài quy hoạch sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ, cấp xã có quyền yêu cầu phá bỏ. Đối với vùng đất trồng cây ăn quả có múi đã phá bỏ thì phải sau 3-5 năm luân canh cây trồng khác thì mới trồng lại cam. Đồng thời, tăng cường các giải pháp quản lý, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm đảm bảo về số lượng, chất lượng nguồn cây giống, vật tư đầu vào cho sản xuất cam.
Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật cho trồng mới, tái canh cây cam phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Nghệ An. Xây dựng quy trình quản lý dinh dưỡng và phòng trừ bệnh tổng hợp trên cây cam một cách cụ thể và chi tiết, từ đó hướng dẫn, tổ chức đào tạo tập huấn cho người nông dân các quy trình kỹ thuật xây dựng vườn cam năng suất, chất lượng và bền vững.
Rõ ràng, thời điểm này, Nghệ An đang phải “làm” lại vùng cam nguyên liệu hầu như từ đầu; trong đó, chú trọng đảm bảo quỹ đất sạch bệnh gần như hoàn toàn; có nguồn cây giống sạch và quy trình canh tác chặt chẽ, khoa học để người trồng cam yên tâm canh tác.
Tỉnh sẽ khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong tất cả các khâu từ giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ; tăng cường xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho cam Vinh.