Cây cam Vinh: SOS – Kỳ 1: Thực trạng đáng báo động

Trở lại “thủ phủ cam Vinh” ở huyện Quỳ Hợp vào những ngày đầu năm, không còn hình ảnh bạt ngàn cam trĩu quả như trước. Hoạt động buôn bán náo nhiệt, sầm uất hay cảnh người, xe đến tham quan, trải nghiệm các vườn cam giờ vắng bóng; thay vào đó là những đồi mía, ngô trải dài, thỉnh thoảng bắt gặp một vài gốc quýt PQ đang bắt đầu cho quả. Thật khó để tưởng tượng khi đây từng là vùng trồng cam Vinh lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Nếu trước đây, “thủ phủ cam Vinh” tại huyện Quỳ Hợp có gần 3.000 ha cam thì hiện chỉ còn hơn 200 ha, tập trung tại các xã Minh Hợp, Nghĩa Xuân, diện tích giảm đến 90%. Bà con đã chuyển sang trồng mía, ngô, các loại hoa màu, đậu, sắn…

Những gốc cam bị chặt bỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp khi không còn mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Quang An
Những gốc cam bị chặt bỏ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp khi không còn mang lại hiệu quả kinh tế. Ảnh: Quang An

Ghé thăm một ít vườn cam còn sót lại trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, những gốc cam cằn cỗi, không được chăm sóc, quả xanh, quả vàng đan xen, chi chít những vết bị côn trùng cắn, nếm thử có vị chua. Cam rụng đầy gốc, nhưng chủ vườn không buồn thu dọn, cách đó không xa, một số gốc cam đã khô do bị chặt bỏ lâu ngày…

Anh Nguyễn Đình Phong – một trong số ít hộ dân vẫn còn giữ được vườn cam ở xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp cho biết: “Nhà tôi trồng cam hàng chục năm nay, lúc cao điểm có đến gần 500 gốc. Bây giờ phải chặt bỏ, chỉ còn lại tầm 100 gốc. Cam không đạt năng suất, chất lượng nữa, càng đầu tư thêm càng lỗ. Hết năm nay, có lẽ tôi cũng chuyển hẳn sang trồng cây khác. Đó là một quyết định rất khó khăn vì cam là loại cây trồng đã gắn bó, làm giàu, nhưng vẫn buộc phải chấp nhận và thích ứng”.

Xóm Minh Hồ trồng nhiều cam nhất tại xã Minh Hợp. Trước đây, trên địa bàn có hàng trăm hộ dân trồng cam; nhà nhiều 2-3 ha, ít thì vài trăm m2. Tuy nhiên, hiện tại, có đến 90% diện tích cam đã chuyển sang loại cây trồng khác. Nhớ lại thời vàng son, Xóm trưởng Ngô Văn Hiến không khỏi bùi ngùi: “Từ năm 2018 trở về trước, năm nào cam cũng bội thu, mỗi ha cho 20 – 30 tấn quả, thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, và có thể nói chưa từng có cây trồng nào mang lại hiệu quả kinh tế cao đến thế. Lúc đó, việc người dân kiếm tiền tỷ từ trồng cam ở vùng này không phải là hiếm”.

Diện tích cam của ông Ngô Văn Hiến xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp giờ đã trồng toàn bộ mía. Ảnh: Quang An
Diện tích cam của ông Ngô Văn Hiến xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp giờ đã trồng toàn bộ mía. Ảnh: Quang An

Thời cao điểm, xã Minh Hợp có đến 1.700 ha cam Xã Đoài, chiếm trên 50% diện tích cam của huyện Quỳ Hợp. Thế nhưng, đến nay, toàn xã chỉ còn khoảng 160 ha cây có múi, trong đó, có 40 ha cam. Bà Đinh Thị Kim Châu – Chủ tịch UBND xã cho biết: Diện tích còn lại chủ yếu là cam kém chất lượng, bà con để vậy chứ không chăm sóc nữa, rồi dần dần cũng sẽ bị chặt bỏ mà thôi. Phải đến năm 2030, may ra vùng cam mới có khả năng phục hồi trở lại”.

Không chỉ tại huyện Quỳ Hợp mà các vùng cam khác trên địa bàn tỉnh như Con Cuông, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ,…những năm trở lại đây diện tích cam bị sâu bệnh, thoái hóa ngày càng nhiều, buộc phải chặt bỏ. Theo thống kê của huyện Nghĩa Đàn, khoảng 5 năm trở về trước, toàn huyện có trên 1.000 ha cam; đến cuối năm 2023 chỉ còn 117 ha. Ông Lâm Văn Thắng – Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Bà con chuyển sang trồng cây ăn quả khác, trong đó, nhiều nhất là ổi (khoảng 450 ha), số còn lại trồng mía, quýt PQ, ngô… Dù thu nhập không thể bằng cây cam, tuy nhiên, đây là việc làm cần thiết để luân canh nhằm làm mới đất cũng như diệt trừ mầm bệnh”.

Tại huyện Con Cuông, diện tích cam cũng đã giảm đến 50%, từ 447 ha nay chỉ còn 227 ha, nằm rải rác ở các xã Yên Khê, Bồng Khê, Chi Khê và Trang trại cam Thiên Sơn ở xã Môn Sơn. Huyện Con Cuông cũng đang khuyến cáo bà con luân canh sang cây trồng khác, chỉ trồng lại cam sau chu kỳ 4-5 năm. Đối với các hộ dân, đơn vị tiếp tục trồng cam thì huyện chỉ khuyến khích các hộ, doanh nghiệp, hợp tác xã có điều kiện, có kỹ thuật… mà không khuyến khích đại trà.

Nhiều gốc cam bệnh khiến người dân phải chặt bỏ, cam bị thoái hoá rụng đầy gốc những mùa vừa qua Ảnh: Quang An
Nhiều gốc cam bệnh khiến người dân phải chặt bỏ, cam bị thoái hoá rụng đầy gốc những mùa vừa qua Ảnh: Quang An

Trước sự thoái trào đặc sản cam Vinh, nhiều người không khỏi xót xa. Chính quyền các địa phương và người dân trồng cam cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến vùng cam này dần bị xóa sổ.

Cụ thể, giai đoạn 2017 – 2019, một số vườn cam trên địa bàn huyện Quỳ Hợp bắt đầu xuất hiện tình trạng quả cam bị thối, rụng. Thời điểm đó, có nhiều đợt mưa bão, nên đa số người dân cho rằng do ngập úng gây nên cam rụng. Tuy nhiên, sau đó không chỉ riêng vùng trũng thấp, mà cây cam được trồng ở những vùng cao ráo hơn cũng “đổ bệnh”. Trên địa bàn, dần dần, việc chặt bỏ cam lan rộng, như một hệ quả tất yếu sau chuỗi thời gian cam không còn mang lại hiệu quả kinh tế như trước. Những vườn cam ít ỏi còn sót lại, người dân cũng bỏ mặc, không còn mặn mà chăm sóc.

Cam Quỳ Hợp rụng nhiều, người dân phải đổ ra đường. Ảnh: Quang An
Cam Quỳ Hợp rụng nhiều, người dân phải đổ ra đường. Ảnh: Quang An

Một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến thất bại ở vùng cam Phủ Quỳ, đó là người dân đã ồ ạt trồng cam vượt quá quy hoạch. Thời điểm cam được mùa, được giá, bà con đua nhau chặt bỏ cây trồng khác để trồng cam. Đơn cử như xã Minh Hợp (Quỳ Hợp) có trên 600 ha đất đủ điều kiện để trồng cam, nhưng vào những năm cao điểm, diện tích trồng cam thực tế đã gấp 3 lần, lên đến gần 1.700 ha. Cam được trồng tự phát theo kinh nghiệm, không theo quy trình thống nhất; nhiều vườn hộ trồng cam không phù hợp với yêu cầu về thổ nhưỡng của cây cam; các diện tích già cỗi, nhiễm sâu bệnh hại nặng xen kẽ với diện tích trồng mới… làm cho sâu bệnh lây lan, khó kiểm soát, dẫn đến những diện tích cam mới bị tàn lụi phải phá bỏ, diện tích suy thoái tăng nhanh.

Cam trồng tràn lan, tự phát đã kéo theo nhiều hệ lụy cả về vùng trồng, giống, đầu tư chăm sóc… Theo ông Nguyễn Tiến Đức – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thì một nguyên nhân đầu tiên ảnh hưởng đến chất lượng vườn cam là chất lượng giống cam trồng ban đầu không bảo đảm, và một phần giống bị suy thoái. Khảo sát của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy, khoảng hơn 60% cây giống cam trên địa bàn tỉnh được mua tại các cơ sở thuộc cơ quan chuyên môn, tuy nhiên, khi giao hàng không có chứng nhận cây sạch bệnh hay các hồ sơ pháp lý khác; khoảng gần 20% mua giống trôi nổi trên thị trường và gần 20% giống được người dân chọn cây tốt ở các vườn lấy mắt ghép hoặc chiết cành. Trên toàn vùng không có cây giống đầu dòng hay vườn cây mẹ, các cơ sở sản xuất cây giống tư nhân chủ yếu sử dụng mắt ghép từ các vườn cây đã có hiện tượng suy thoái, nhiễm dịch hại; vì vậy, cây giống kém, không đồng nhất về chất lượng cũng như độ thuần về giống, không thể truy nguyên nguồn gốc, chất lượng giống, sau trồng từ 3 -5 năm, cây cam bắt đầu có hiện tượng vàng lá, thối rễ…

Cam Quỳ Hợp kém chất lượng bị chặt bỏ. Ảnh: Quang An
Cam Quỳ Hợp kém chất lượng bị chặt bỏ. Ảnh: Quang An

Theo nhận định của các chuyên gia về bảo vệ thực vật, việc suy thoái cam trên địa bàn tỉnh hiện nay còn có nguyên nhân lớn từ dịch bệnh. Trong đó, các bệnh liên quan đến di truyền hoặc lây lan qua giống như bệnh greening, vàng lá, thối rễ, bệnh tàn lụi được xem là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy thoái vùng cam. Đây là các bệnh nguy hiểm, rất khó phòng trừ và là nguyên nhân dẫn đến cây cam kém phát triển, giảm năng suất và chất lượng. Theo điều tra, trên cây cam xuất hiện 46 loài sâu, nhện hại và 36 loài thiên địch. Trong đó, ruồi đục quả, ngài chích quả, sâu vẽ bùa, nhện đỏ là các loài gây hại chính. Bên cạnh đó, có 11 loài bệnh hại, trong đó, bệnh vàng lá, thối rễ, bệnh vàng lá greening và bệnh thối nâu hại quả là 3 loại bệnh gây hại phổ biến nhất.

Qua khảo sát thực tế, người trồng cam chưa có nhiều kiến thức về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cam, hầu như tự học hỏi, theo kinh nghiệm các vườn đã trồng trước; đặc biệt, hầu như chưa có kiến thức chuyên sâu. Một số vườn cam quy mô lớn, chủ vườn nắm vững kỹ thuật hoặc thuê chuyên gia kỹ thuật, nhưng tỷ lệ này rất ít. “Phần lớn người trồng cam lạm dụng thuốc hóa học với rất nhiều lần phun, tưới (khoảng 15 -20 lần/năm) mà chưa quan tâm đến sử dụng các chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học. Lạm dụng, sử dụng không đúng cách đã tiêu diệt các vi sinh vật có ích trong đất và thiên địch, nhưng không có biện pháp để tái tạo lại hệ sinh vật có lợi, ngoài ra, việc sử dụng nhiều phân bón vô cơ, phân qua lá và sử dụng thuốc diệt cỏ thời kỳ đầu mà ít sử dụng phân hữu cơ đã làm đất ngày càng thiếu mùn và trơ hóa”, ông Nguyễn Tiến Đức cho hay.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Vinh Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hợp: Do cam là cây trồng cho thu nhập chính, nên khi thấy có triệu chứng cây bệnh, bà con đều bối rối, tâm lý chỉ muốn diệt trừ cho nhanh mà không để tâm đến loại thuốc, nguồn gốc xuất xứ, phun thuốc không theo khuyến cáo mà chủ yếu dựa vào nhận định cá nhân. Điều đó làm cho những vườn cam bị bệnh vừa không diệt trừ được sâu bệnh, càng khiến cam bị giảm sức đề kháng, sinh trưởng kém, héo úa, quả rụng càng nhiều, đất ngày càng xấu.

Cam Vinh từng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Quang An
Cam Vinh từng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Ảnh: Quang An

Vài năm gần đây, giá cam xuống thấp kéo theo không có lợi nhuận trong đầu tư sản xuất, trong khi cây cam yêu cầu về dinh dưỡng cao, có nhiều dịch bệnh gây hại cần phòng trừ, là “cây nhà giàu” cần đầu tư lớn để mang lại năng suất, chất lượng cao; nên nếu không hoặc ít đầu tư cây cam sẽ xuống cấp và suy thoái nghiêm trọng. Vì thế, khi người trồng cam không có khả năng đầu tư thâm canh hoặc đầu tư thâm canh ít cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến suy thoái cam. Tính đến năm 2018, tổng diện tích cam của Nghệ An đạt trên 5.046 ha và giảm dần qua các năm, từ năm 2019 đến nay chỉ còn 1.650 ha. Một số huyện như Quỳ Hợp giảm từ 2.400 ha xuống còn 105 ha, Nghĩa Đàn 1.200 ha xuống còn 179 ha…

Điều đáng ngại, ở hầu hết các địa phương, kể cả cam giai đoạn kiến thiết cơ bản đều xuất hiện các biểu hiện thoái hóa, trong khi đó, đối với cây cam, phải sau 12 tuổi mới bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa. Đến nay, diện tích cam bị suy thoái lên tới hơn 943 ha, chiếm gần 45% trên tổng số hơn 1.650 ha cam hiện có.