Kỳ cuối: Cần giải pháp căn cơ

Ngày đầu tháng 6, anh Vi Văn Trung, cán bộ địa chính xã Hữu Lập huyện Kỳ Sơn đã đưa phóng viên đi khắp các bản vùng cao của quê hương mình. Chỉ cho chúng tôi thấy những bể lắng nhỏ được xây dựng bằng bê tông để chứa những mạch nước rỉ từ đá núi nay đã khô cạn, Trung buồn bã nói rằng, trước đây các mạch này luôn đầy nước. Việc xây bể là vừa để cho bà con nhân dân dễ múc, vừa đảm bảo an toàn cho đường đi. Bây giờ thì hết rồi, toàn xã khô khát cả…!

Không phải đến tận bây giờ những bản vùng cao của Hữu Lập như Chà Lắm, Noọng Ó mới thiếu nước. Tình cảnh khốn khó này bắt đầu từ cách đây hơn 10 năm. Theo Trung, cái gì cũng có nhân, quả cả. Rừng Hữu Lập không giữ được. Mùa mưa đến, nước chưa kịp ngấm vào đất đá thì chảy tuột từ đồi núi xuống khe suối cả. Tình trạng thiếu nước sẽ còn kéo dài ngay cả khi xã đầu tư xây dựng các công trình nước cho dân. Rừng ở thượng nguồn các khe suối không giữ, người dân còn chăn thả trâu bò trên đó thì tất cả đều vô nghĩa.

Không riêng gì Hữu Lập mới đốt nương làm rẫy, di canh di cư mà đây đã là tập quán, cách thức sản xuất lâu đời của người dân vùng cao nói chung và ở Kỳ Sơn nói riêng. Ở mùa khô này, đứng từ điểm cao của cổng trời Mường Lống nhìn về huyện Kỳ Sơn cho đến Tương Dương đâu đâu cũng thấy những ánh lửa, đám khói nghi ngút bốc lên từ các sườn đồi… Rừng cạn kiệt, không giữ được nước là nguyên nhân chính của tình trạng thiếu nước sinh hoạt bên cạnh các nguyên nhân khác như biến đổi khí hậu, công trình nước sạch đầu tư đã xuống cấp, huyện thiếu những hồ đập dự trữ nước. Và đặc biệt là nguyên nhân đến từ các dự án thủy điện.

Tại Kỳ Sơn, hàng loạt bản làng phải lâm vào cảnh khô khát chỉ vì nằm trong dự án quy hoạch thủy điện. Nhưng hơn 10 năm, thủy điện không thấy khởi công, còn người dân muốn đầu tư hệ thống cấp nước cũng không được. Nhiều người đã phải bỏ làng, tha hương cầu thực. Với hệ thống thủy điện chằng chịt, vào mùa khô, vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư vẫn không chịu xả nước, bất chấp hạ du đang cạn kiệt. Đi học các huyện miền Tây Nghệ An vào mùa này, không khó để bắt gặp hình ảnh những dòng sông trơ đáy, phía trên đó là những đập thủy điện sừng sững, lạnh lùng chặn dòng nước. Chính vì thế, người dân địa phương vẫn cay đăng khi gọi đó là “những dòng sông chết”.

Ông Sầm Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong, huyện Quế Phong cho hay, từ khi nhà máy thủy điện Sao Va được xây dựng, thì nguồn nước phục vụ sản xuất, nguồn nước sinh hoạt của người dân xã cũng dần cạn kiệt. Như trước đây người dân chỉ cần đào giếng 7m là có nước ngầm để ăn uống, sinh hoạt thì nay đào hơn 10m cũng chưa thấy. Có nơi thậm chí phải khoan sâu hơn 100 mét. Sự thay đổi về nguồn nước ngầm ở Tiền Phong ở hai thời điểm trước và sau khi có thủy điện là rất rõ rệt.

Trong khi đó, ở miền xuôi, sự xâm nhập mặn triều cường là nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, còn có nguyên nhân như nguồn nước bị ô nhiễm bởi các hoạt động sản xuất kinh tế như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (trừ sâu, trừ cỏ), nước xả thải sinh hoạt, nước thải các khu chăn nuôi, sự kém ý thức của người dân trong vất rác bừa bãi.

Trước tình trạng khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản chỉ đạo gửi tới các sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, trái với sự quan tâm của tỉnh thì nhiều địa phương lại tỏ ra thờ ơ với vấn đề bức bách này. Cụ thể, từ tháng 7/2019, để triển khai công văn của UBND tỉnh về việc quản lý, bàn giao công trình cấp nước tập trung, liên sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, đôn đốc UBND các huyện, thành, thị báo cáo về thực trạng quản lý các công trình này. Tuy nhiên, sau đó chỉ có vỏn vẹn 7 huyện là Qùy Châu, Tương Dương, Đô Lương, Thanh Chương, Diễn Châu, Quế Phong và Nghi Lộc có báo cáo.

Đến đầu tháng 3, khi 2 sở này làm tờ trình về việc bàn giao công trình cấp nước đợt 1, vẫn còn 10 huyện chưa có báo cáo. Chính vì thế, các sở đã phải đề nghị UBND tỉnh nhắc nhở, đôn đốc các huyện vì chưa nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của tỉnh. Đồng thời, một lần nữa yêu cầu các huyện thực hiện việc báo cáo trước ngày 28/3, gửi về Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài chính. Nhưng đến nay, theo lãnh đạo trung tâm này, 10 huyện kia vẫn chưa có báo cáo. Đơn vị vẫn đang phải đốc thúc. Các huyện này gồm Tân Kỳ, Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Yên Thành, Quỳ Hợp.

Trong khi đó, việc quản lý các công trình cấp nước tập trung đang cho thấy rất nhiều bất cập. Toàn tỉnh có hơn 500 công trình cấp nước thì có gần một nửa đang hoạt động kém hiệu quả và không còn hoạt động.

Ông Phạm Duy Kỷ – Giám đốc Trung tâm nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: nguyên nhân hàng loạt nhà máy phải ngừng hoạt động là do số hộ sử dụng nước thấp so với thiết kế nên thu không đủ chi tiền điện, tiền công quản lý vận hành, sữa chữa, bảo dưỡng. Cùng với đó là sự quản lý lỏng lẻo, dẫn đến việc bị hư hại nhanh chóng. Ông Kỷ cho rằng, để giải quyết vấn đề thiếu nước sạch, trước mắt cần phải khảo sát kỹ càng trước khi đầu tư các dự án cấp nước sinh hoạt để đảm bảo nguồn nước đạt chất lượng, khảo sát về nhu cầu người dân, tránh tình trạng xây xong bỏ đó. Đồng thời, phải bàn giao cụ thể cho từng đơn vị, gắn trách nhiệm nhằm quản lý, sử dụng các dự án tốt hơn. Ngoài ra, chính quyền cũng cần phải đề nghị các hồ thủy điện bỏ qua lợi ích kinh tế, ưu tiên con người để xả nước, phục vụ cấp nước sinh hoạt trong điều kiện mực nước hạ thấp.Các công ty thủy nông cần tăng cường thời gian bơm nước, ưu tiên nguồn nước trước hết phục vụ sinh hoạt, đời sống dân sinh

Tuy nhiên, theo ông Kỷ, cơ quan chức năng cũng cần phải tính đến những giải pháp căn cơ, lâu dài. “Cần phải tăng cường tuyên truyền bảo vệ rừng, tăng độ che phủ rừng để giữ nước đầu nguồn. Đảm bảo môi trường ở vùng khai thác khoáng sản, không để các doanh nghiệp xả thải ra môi trường. Đây là những biện pháp căn cơ, lâu dài để đảm bảo nguồn nước. Không giữ rừng, không bảo vệ rừng thì hạn hán, thiếu nước sẽ ngày càng khốc liệt. Nếu không bảo vệ được nguồn nước, dù xây bao nhiêu công trình cấp nước cũng không đủ”, ông Kỷ nói và cho rằng, bên cạnh đó cần tăng cường tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức, cùng chung tay bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt.