3 anh em ruột người huyện Kỳ Sơn cùng chết thảm dưới hầm vàng trái phép. Điều đáng nói, hầm vàng này do vợ của một đội trưởng trong lực lượng công an làm chủ, hoạt động trái phép chỉ cách trung tâm huyện chưa đầy 2 km suốt nhiều năm trời mà chính quyền như “không hề hay biết”.
Trong căn nhà sàn tuềnh toàng nằm góc cuối bản Sao Va (xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), ông Cụt Phó Quyền (68 tuổi), ngồi trầm ngâm khi nhớ lại những cậu con trai. Kể từ sau cái chết của các con 3 năm trước, căn nhà ông Quyền cũng vắng tiếng cười.
Những năm trước đây, thanh niên ở bản đồng bào Khơ mú này đổ xô vào Quảng Nam làm vàng. 3 cậu con trai của ông Quyền là Cụt Hải Sơn (34 tuổi), Cụt Phó Pheng (31 tuổi) và Cụt Văn Ngọ (19 tuổi) cũng không ngoại lệ. Trong đó, Sơn và Pheng đã lập gia đình. Ngày chia tay lên đường, Sơn còn dặn 4 con “ở nhà chơi ngoan, bố sẽ cố gắng kiếm tiền gửi về mua gạo”. Nhưng chỉ vài tháng, cả gia đình như chết đứng khi nhận được tin dữ.
Vào Quảng Nam, 3 anh em Sơn làm việc tại một hầm vàng trái phép thuộc thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Hầm vàng này nằm cách trung tâm huyện chưa đầy 2 km, do bà Văn Thị Hoài Thương làm chủ hoạt động suốt nhiều năm, người dân liên tục phản ánh nhưng chính quyền không có một động thái nào. Bà Thương chính là vợ của Đội trưởng CSGT Công an huyện Nam Giang.
Trung tuần tháng 4/2016, khi 3 anh em Sơn và 4 phu vàng cùng quê Kỳ Sơn khác dùng mìn để khai thác thì xảy ra ngạt khí. Lo sợ vụ việc bại lộ, chủ hầm vàng không trình báo để cứu hộ kịp thời mà giấu nhẹm, đồng thời sắm lễ để cúng bái “thánh thần”. Mãi đến khi đã gần hết hy vọng, họ mới báo cáo. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt, 4 phu vàng, trong đó có 3 anh em Sơn đã tử vong. Làm vàng trái phép khiến 4 người chết, nhưng bà Thương sau đó cũng chỉ nhận án phạt 30 tháng tù…
Vụ ngạt khí khiến 3 anh em Sơn tử vong là một trong hàng loạt sự cố gây chết người ở các bãi vàng trái phép tại đây trong vài năm qua. Tuy nhiên, không phải vụ việc nào cũng bị phát giác. Thông thường trước khi tuyển vào làm việc, các chủ bãi vàng đã thỏa thuận với gia đình để trong trường hợp gặp tai nạn, họ sẽ âm thầm mang thi thể về quê, đồng thời hỗ trợ người thân phu vàng một ít tiền nhằm “bịt miệng”.
Ốc Văn Thiêm (26 tuổi, quê huyện Tương Dương, Nghệ An) là một trong hàng trăm phu vàng ở bãi vàng Thành Mỹ 1 (huyện Nam Giang, Quảng Nam). Bãi vàng trái phép này tồn tại hơn 40 năm nay ngay giữa vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Một ngày tháng 7/2016, vì tranh giành lãnh địa, Thiêm dùng dao chém liên tiếp khiến 1 phu vàng khác nguy kịch. Những vụ việc như của Thiêm ở cái bãi vàng này dường như là “chuyện thường ngày”, khi mà nhà chức trách không thể kiểm soát nổi. Theo tìm hiểu của phóng viên, trong số hàng trăm “vàng tặc” đang làm việc ở đây, có không ít người đến từ Nghệ An.
Khi chúng tôi có mặt ở Quảng Nam để thực hiện loạt phóng sự này, tại đây xảy ra 1 vụ tai nạn khiến 1 phu vàng tử vong. Theo đó, chiều 18/5, trong quá trình khai thác, anh Trịnh Ngọc Phước (49 tuổi), bị rơi xuống hầm sâu gãy cổ… Bãi vàng Thành Mỹ 1 cũng chỉ là một trong hàng loạt bãi vàng trái phép khác đang tồn tại ở Quảng Nam. Nếu như ở các bãi vàng được cấp phép, chính quyền địa phương đã gặp khó vì tình trạng sử dụng lao động trái phép, bóc lột công nhân hay ô nhiễm môi trường… thì ở những bãi vàng khai thác lậu này tình trạng còn tồi tệ hơn.
“Ở trong đó tệ nạn gì cũng có. Từ ma túy đến mại dâm”, ông Đinh Văn Hồng – Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh nói. Theo ông Hồng, đối với bãi vàng Thành Mỹ 1, cơ quan chức năng đã tổ chức hàng trăm đợt truy quét, nhưng khi lực lượng truy quét rút đi, vài ngày sau các phu vàng đã quay trở lại làm việc. Để có mặt ở bãi vàng này, chúng tôi phải cuốc bộ hơn 4 tiếng đường rừng mới tiếp cận được. Từ trên cao nhìn xuống, vùng lõi khu bảo tồn này như một công trường, đất đá ngổn ngang.
Ở đây, có khoảng 30 miệng hầm, vật dụng để chống đỡ chủ yếu là gỗ được xẻ thành phách rất sơ sài, tạm bợ, nguy cơ sập hầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Qua hàng chục năm đào bới, hệ thống đường hầm ở khu vực này nếu gộp lại có chiều dài lên đến hàng chục km. Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán, khi chúng tôi có mặt tại đây, không hề có một bóng dáng phu vàng nào. “Chỉ cần thấy động, các phu vàng nhanh chóng bỏ trốn. Họ chạy vào hầm sâu, không thể tìm thấy được”, ông Đinh Văn Hồng lý giải.
Trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An, Đại tá Nguyễn Đức Dũng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian qua tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo liên quan đến các hoạt động ở bãi vàng. “Chúng tôi thường tổ chức các đợt truy quét và lên kế hoạch hết sức bí mất. Vì các bãi vàng này có đội ngũ chuyên thám thính dò thông tin động thái của cơ quan chức năng, nếu phát hiện ra “có động” là lập tức bỏ trốn hết”, Đại tá Dũng nói và cho rằng, để giải quyết các vấn đề đang tồn tại ở bãi vàng, trước tiên cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước, quản lý cư trú, nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương.
Chúng tôi cũng gặp, trao đổi tình hình với ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam. Ông cũng vừa có chuyến kiểm tra tại các bãi vàng và phát hiện nhiều bất cập như tình trạng ô nhiễm môi trường, sử dụng lao động. “Sau kiểm tra tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp phải xử lý những vấn đề ô nhiêm môi trường trong tháng 6 này, nếu vẫn chưa đạt yêu cầu thì sẽ phải dừng hoạt động”, ông Thanh nói.
Về vấn đề sử dụng lao động ở bãi vàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, còn nhiều bất cập. Các bãi vàng ở sâu trong rừng, chủ bãi vàng chỉ đạo quản lý ra, vào hết sức khắt khe, rất khó khăn trong kiểm tra, xử lý, vì vậy ở đó thường xảy ra việc sử dụng lao động không đúng quy định. Tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp địa phương để kiểm tra đột xuất. “Chỉ đạo là chỉ đạo như thế nhưng trên thực tế khác. Ở ngoài bãi vàng thường có chốt cảnh giới, mình mà đi vào là họ bỏ trốn hết. Nhưng dù sao cũng phải vào kiểm tra để doanh nghiệp sợ, để hạn chế tình trạng đó, nhưng phát hiện quả tang hay không là một vấn đề”, ông Thanh thừa nhận.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, hàng năm, tổ công tác liên ngành của huyện đều tiến hành kiểm tra lao động tại các doanh nghiệp khai thác vàng. “Tuy việc kiểm soát tuyển dụng lao động, địa phương gặp nhiều khó khăn vì công ty trực tiếp đi tuyển dụng nên địa phương không nắm được. Số lượng công nhân cần được tuyển dụng trong công ty thì đúng là huyện không thể kiểm soát được, mà chỉ có thể nắm trên đăng ký ở xã. Khi anh em vào kiểm tra, những trường hợp không đăng ký họ giấu đi thì mình cũng không thể biết được”.
Trước việc lao động từ Nghệ An vào Phước Sơn làm việc thông qua những kẻ “săn đầu người”, ông Hà cho hay, hiện việc tuyển dụng lao động của các công ty chủ yếu là tự túc để liên hệ mà không thông qua địa phương. “Thanh niên địa phương không làm phu vàng được mà chủ yếu là lao động ở phía Bắc. Các doanh nghiệp đi tuyển dụng, huyện không thể nắm được do họ trực tiếp làm việc với các gia đình. Quá trình đi tuyển người, huyện cũng không thể kiểm soát”, ông Hà nói. Về phương pháp kiểm soát lao động, ông Hà đề nghị các địa phương khi có thông tin người của công ty vàng đến tuyển dụng lao động cần có thông tin lại với chính quyền huyện Phước Sơn, nơi có các công ty vàng đóng chân để có phối hợp, trao đổi…