Mang giấc mơ đổi đời, nhiều người đổ xô vào bãi vàng làm việc đã phải nằm lại nơi rừng sâu này. Rải rác ở cái xứ vàng này có những khu mộ vài chục ngôi quanh năm heo hút, nhiều ngôi mộ thậm chí chẳng biết tên, quê quán. Ở đó họ gọi là nghĩa địa phu vàng.
“Phước Sơn gạo trước nước trong – Ai đi đến đó không mong ngày về”, là 2 câu vè mà các phu vàng ở Quảng Nam chế lại, để nói lên sự tàn khốc, “nay sống mai chết” ở các bãi vàng.
Ở cuối sân bay Khâm Đức – một sân bay quân sự bỏ hoang từ thời chiến tranh, là những dãy mộ cỏ cây mọc lút đầu. Đó là những ngôi mộ của các phu vàng xấu số. Họ đến từ khắp mọi miền cả nước, đặc biệt là những tỉnh phía Bắc như Nghệ An. Ở khu vực này, người dân địa phương vẫn thường gọi với cái tên “nghĩa địa phu vàng”. “Hồi xưa ở đây nhiều mộ như thế này lắm. Nhưng bây giờ phần thì lâu ngày không được người ta quan tâm, đã không còn nhìn thấy, phần thì được người thân cất bốc hết rồi”, ông L.V.T, một chủ bãi vàng lớn ở Phước Sơn nói.
Dẫn chúng tôi ra nghĩa địa, ông T không quên mang những bó hương, hoa quả để thắp cho những “đồng nghiệp” vắn số. Ở giữa nghĩa địa, có 3 ngôi mộ được dọn dẹp khá sạch sẽ, không giống với những ngôi mộ lạnh lẽo khác. Đó là những ngôi mộ do chính ông T cất bốc từ bãi vàng ra cách đây không lâu. “Họ thiêng lắm. Mình thi thoảng lại ra đây làm lễ, dọn dẹp cho họ”, ông T nói.
Trong số 3 ngôi mộ này, có một ngôi không xác định tên tuổi. 2 ngôi còn lại là của một đôi nam nữ, chỉ biết tên là Thùy Linh và Văn Cảnh mà chẳng còn thông tin nào khác. Họ cùng mất vào tháng 10/1996. Ngày đó, khi cả 3 đang làm việc tại một bãi vàng ở xã Phước Kim thì xảy ra sạt lở núi, cả 3 bị vùi lấp. Không biết quê quán, người thân, sau khi tìm thấy thi thể, những phu vàng xấu số được chôn ngay tại bãi. Mãi đến gần đây, khi vào tiếp quản bãi vàng này để khai thác, ông T mới thuê người cất bốc ra thị trấn.
“Nhiều năm qua, tôi vẫn mong muốn tìm người thân để đưa họ về nhưng không có kết quả. Có lẽ người thân của họ đến bây giờ vẫn nghĩ, những người này có thể đang làm ăn xa đâu đó, vì mãi lo “cơm áo gạo tiền” mà không về thăm quê”, ông T ngậm ngùi.
Đó chỉ là 3 trong số hàng trăm ngôi mộ không người thân ở cái xứ vàng này. Và cái “nghĩa địa phu vàng” ở sân bay Khâm Đức cũng chỉ là một trong hàng chục khu vực chuyên để chôn cất phu vàng khác ở Phước Sơn. Trong suốt hàng chục năm qua, dòng người đổ xô đến Phước Sơn với hy vọng được đổi đời. Nhưng cuối cùng, đành phải nằm lại nơi rừng sâu nước thẳm. Không được may mắn như 3 ngôi mộ được ông T chăm sóc, ở các nghĩa địa phu vàng trên khắp huyện Phước Sơn này, phần lớn chúng đều chung một cảnh hoang lạnh, cỏ cây mọc lút.
Sống ngay cạnh nghĩa địa, lại là một phu vàng với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Thanh Hiệp (55 tuổi) kể rằng, những năm thập niên 90, người chết ở đây nhiều vô kể. Phần lớn trong số này đến từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… Người chết bị sốt rét, có người bị sập hầm, sạt lở núi vùi lấp, có người lại nghiện ngập, HIV. Đặc biệt là những cái chết sau các cuộc chiến đẫm máu vì tranh giành lãnh địa làm vàng.
Thời điểm đó, ở Phước Sơn như một lãnh địa chỉ hành xử theo luật rừng. Đây cũng là “điểm đến lý tưởng” cho những băng nhóm tội phạm, những kẻ trốn truy nã, sẵn sàng bắn giết nhau. “Đừng chết ở Phước Sơn” vì thế trở thành những câu dặn dò nhau trước khi tìm lên đây với giấc mộng đổi đời của những phu vàng. Tuy nhiên, mặc dù chịu cảnh hoang lạnh, nhưng những ngôi mộ ở nghĩa địa phu vàng vẫn thuộc trường hợp may mắn. Bởi có nhiều người sau khi chết, được ngôn ngay trong rừng hoặc thậm chí ven đường.
Có những người cả đời họ chỉ đeo đuổi theo một nghề duy nhất – đào vàng. Trong số đó, người thành công chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại là những mảnh đời lầm lũi, bất hạnh, đói rách. Có những phận người cả cuộc đời ly hương mong đổi đời để trở về quê, thế nhưng mọi cố gắng của họ như “mò kim đáy bể”. Đến khi chết, thân xác được chôn vội ven đường.
Dọc đường vào bãi vàng xã Phước Hiệp, chúng tôi thi thoảng lại bắt gặp những am thờ, ụ đất nổi lên ven đường với chi chít chân hương. Đó là những nhánh hương của các phu vàng ra vào khu vực này, mặc dù họ chẳng biết những ngôi mộ đó có từ bao giờ và của ai?
Không có một cơ quan nào thống kê được bao nhiêu đã chết ở các bãi vàng. Bởi sau những vụ chết chóc, các chủ bãi thường giấu nhẹm. Theo nhà chức trách tỉnh Quảng Nam, trong 5 năm gần đây có 27 vụ tử vong ở các bãi vàng. Tuy nhiên đây chỉ là thống kê “trên giấy tờ”. Bởi không phải vụ chết chóc nào cũng được báo cáo. Phần lớn bị các chủ bãi giấu.
“Thông thường nếu phu vàng chết mà biết được địa chỉ ở quê thì các chủ bãi sẽ thuê xe thồ chở thi thể ra thị trấn, rồi đưa lên xe về quê. Tuy nhiên, không phải chủ bãi nào cũng tốt như vậy”, ông Hiệp nói. Vì sợ chính quyền phát hiện, sau mỗi vụ sập hầm, hay đâm chém, những thi thể xấu số được xe ôm chở ra ngay trong đêm. Vì đường sá đi lại khó khăn, có những khi không chạy ra được tới thị trấn xe đã hỏng, tài xế đành phải chôn họ ngay vệ đường…
Vào bãi vàng với giấc mơ đổi đời, trong số hàng nghìn người, cũng có một vài trường hợp “đổi đời thật”. Họ nhanh chóng phất lên, trở thành những đại gia giàu có vì trúng những mỏ đầy vàng. Tuy nhiên, cuộc sống của những đại gia đó cũng dần đi vào bi kịch. Q. Ê Đê là một trong số đó.
Ê Đê là dân Bắc nhưng từ nhỏ sống ở Tây Nguyên với người Ê Đê nên được gọi là Q. Ê Đê. Những năm 90, giới làm vàng và giới đại gia trong và ngoài tỉnh không ai không biết đến. Họ biết đến người này ngoài sự giàu có nhờ làm vàng còn nổi tiếng bởi độ ăn chơi. Những năm đó, khi cuộc sống của người dân còn khó khăn thì mỗi lần đi chơi, người này có đệ tử đem theo cả valy tiền để chi trả. Có tiền nên có nhiều mối quan hệ, thời điểm đó các bãi vàng lớn ở Quảng Nam đều do Q. Ê Đê nắm giữ. Nhưng rồi, từ đồng tiền nảy sinh những cám dỗ khác. Rượu chè, ma túy, phụ nữ đã dần cướp đi sức khỏe của người đàn ông này. Q. Ê Đê lâm vào con đường nghiện ngập kéo dài cả chục năm qua và ông này qua đời cách đây chưa được 2 năm…
Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 10 công ty được cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản vàng với số lượng lên đến gần 20 mỏ. Trong đó, tập trung chủ yếu ở một số xã của huyện Phước Sơn như Phước Hiệp, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Đức, Phước Hòa… Chưa kể đến hàng trăm điểm khai thác trái phép khác nằm rải rác ở nhiều huyện miền núi như khu vực mỏ Bồng Miêu. Với chừng ấy mỏ vàng, số lượng phu vàng làm việc ở Quảng Nam ước tính lên đến hàng nghìn người. Trong đó, có rất nhiều người đến từ các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An. Việc đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi cho những phu vàng nơi đây là câu chuyện dài, mà trong đó cần nhất sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và chính quyền sở tại.