Huyện Yên Thành hiện có hơn 335 ha cam, trong đó gần 290 ha cho khai thác, sản lượng bình quân mỗi năm đạt gần 6.000 tấn. Những năm gần đây, “cam Yên Thành” là thương hiệu được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến và ưa chuộng, với chất lượng được đánh giá cao.
Tại xã Đồng Thành, có trại cam của gia đình ông Trương Văn Biên ở xóm Đồng Trung với diện tích 5ha, trồng 2.400 cây cam Xã Đoài lòng vàng và một số ít cam Vân Du. “Cam là loại cây trồng rất khó tính, dễ bị sâu bệnh gây hại, trong khi vốn đầu tư rất cao, phải đến năm thứ 4 mới cho thu hoạch vụ đầu. Thế nên, tôi đã nhờ chuyên gia từ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh hại”, ông Biên cho hay.
Ngoài chăm sóc theo quy trình VietGAP, ông Biên còn ngâm ủ, pha chế thuốc trừ sâu sinh học từ ớt cay, tỏi, gừng… thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhờ quy trình chăm sóc chuẩn, đầu tư thâm canh tốt, trại cam đã bước sang năm thứ 9 của gia đình ông đang phát triển rất tốt, vụ cam năm 2023 năng suất cam đạt bình quân 25 tấn/ha.
Có lợi thế là kỹ sư nông nghiệp, nên trước khi bắt tay vào đầu tư trồng 2 ha cam tại xóm Đồng Trung, xã Đồng Thành (Yên Thành), ông Nguyễn Đình Ân tìm hiểu rất kỹ quy trình canh tác bền vững loại cây trồng “khó tính” này. “Nhiều vườn cam bị thoái hóa sớm do không làm đúng quy trình, phòng trừ sâu bệnh không triệt để, đồng thời lạm dụng quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật phổ rộng tưới vào gốc làm rễ cam bị mất nấm bảo vệ, dễ bị các loại nấm bệnh tấn công gây thối rễ vàng lá”, ông Ân chia sẻ.
Theo ông Ân, cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất cam VietGAP, sử dụng nhiều phân hữu cơ, bón phân chuồng hoai càng nhiều càng tốt để cải tạo bộ rễ, cho đến từng chi tiết nhỏ trong đầu tư chăm sóc cũng được ông chú ý thực hiện, ví như không dọn quá sạch thảm thực vật trong vườn cam để tránh nấm và tuyến trùng trong đất tập trung gây hại vào rễ cam làm cho cam nhanh hỏng, hay gốc cam không trồng sâu quá làm rễ cây cam bị thối dẫn đến cam thoái hoá rất nhanh…
Đến nay, vườn cam của gia đình ông Ân đã 7 năm tuổi, đã năm thứ 3 cho thu hoạch và đang rất sung sức, hầu như không có các loại sâu bệnh hại. Với năng suất đạt 25- 26 tấn/ha, mức giá bán tại vườn bình quân 35.000- 40.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mùa cam năm nay gia đình ông sẽ có thu nhập trên nửa tỷ đồng. Ông Ân cho biết, với đà này, vườn cam sẽ có thể cho khai thác hiệu quả đến năm thứ 13- 14.
Xã Đồng Thành hiện có gần 100 hộ trồng cam, tổng diện tích gần 120 ha, trong đó hơn 60ha cam đang cho thu hoạch, năng suất đạt bình quân trong khoảng 15- 25 tấn/ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 1.000 tấn. Nếu cuối năm 2020, HTX cam Đồng Thành có 7 hộ có vườn cam được chứng nhận VietGAP, thì đến nay đã tăng lên hơn 20 hộ. Ông Phan Văn Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX cam Đồng Thành, cho biết: Hơn 80 ha cam của HTX đều được công nhận sản xuất theo quy trình VietGAP, năm 2022 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao. Hiện tại, giá bán cam Đồng Thành thường cao hơn nhiều nơi khác, bình quân từ 40.000- 45.000 đồng/kg, thương lái trong huyện, ở TP.Vinh và các địa phương khác đặt lấy tận vườn, nhiều thời điểm không đủ cam để bán. Nhìn chung, sản phẩm cam Đồng Thành đã khẳng định được thương hiệu và được chứng nhận là cam sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Tại các vườn cam VietGAP của HTX cam Đồng Thành đều đảm bảo nghiêm ngặt ngay từ nguồn đất không bị vượt quá mức dư lượng độc tố, thuốc bảo vệ thực vật; quy trình chăm bón đúng, nhất là chăm bón thâm canh hữu cơ để tăng sức đề kháng của cam. Thuốc bảo vệ thực vật đều có nguồn gốc xuất xứ, trong danh mục được phép sử dụng cho cây cam, thuốc trừ cỏ tuyệt đối không sử dụng.
“Bà con còn giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ưu tiên các loại thuốc sinh học, tự ngâm từ các loại nguyên liệu tự nhiên sẵn có như tỏi, ớt, riềng, sả. Tuy tốn công hơn nhưng về lâu dài, đất không bị hư, thoái hoá, cây cam khoẻ, bền và cho năng suất, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Phan Văn Bảo – Chủ tịch Hội đồng quản trị của HTX cam Đồng Thành cho hay. Nhờ những biện pháp đó, cam Đồng Thành phát triển tốt, bền vững, hầu như không có hiện tượng thoái hoá sớm như nhiều nơi khác.
Tại huyện Thanh Chương, cam hiện là một trong những loại cây trồng chủ lực, đem lại giá trị và thu nhập cao cho người dân. Đến nay, huyện Thanh Chương có 430 ha cam. Nhiều năm qua, sản phẩm “cam Tổng đội” ở Thanh Thủy được người tiêu dùng gần xa biết đến và ưa chuộng. Sản xuất VietGAP, hữu cơ là hướng đi được huyện này rất quan tâm trong những năm gần đây. Đến nay, trên địa bàn đã có 10 ha cam của HTX cam Thanh Đức được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; trên các vùng cam của huyện, nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng như sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh, xử lý ra hoa trái vụ, bọc quả, sản xuất VietGAP, GlobalGAP…
Trên cơ sở phấn đấu đến năm 2026 có 10 – 15 ha cam hữu cơ tại xã Thanh Đức và Thanh Thủy, huyện Thanh Chương đặt mục tiêu phát triển 50 ha cam hữu cơ vào năm 2030, trong đó 35 ha chuyển đổi và 15 ha trồng mới hoàn toàn. Ông Phạm Bá Nga – Giám đốc HTX cam Thanh Đức, chia sẻ: Mặc dù đòi hỏi chi phí cao, nhân công lớn trong khi hiệu quả thời gian đầu lại giảm làm người dân hoang mang; nhưng sau mấy năm thực hiện, hiệu quả đã tăng, doanh thu sản xuất cam hữu cơ đạt khoảng 480 triệu đồng/năm, trong khi 1 ha cam truyền thống đạt 360 triệu đồng/năm…
Trong phát triển cây cam, ngay từ đầu huyện Yên Thành đã xác định rõ quan điểm làm đến đâu chắc đến đó, kiên quyết không chạy theo diện tích. Từ kết quả phân tích chất đất, huyện quy hoạch vùng cụ thể, bám sát để quản lý diện tích mở rộng, khuyến cáo người dân về những vùng trồng được hay không nên trồng cam, tránh phát triển nóng và ồ ạt mà chỉ phát triển trên những vùng có điều kiện chất đất phù hợp, đáp ứng về điều kiện thâm canh, để vừa quản lý được diện tích, vừa quản lý được quy trình kỹ thuật.
Cùng với xác định rõ vùng trồng và tập trung chỉ đạo không để xảy ra tình trạng trồng tràn lan, tự phát, huyện cũng đẩy mạnh các giải pháp nhằm để người trồng cam thực sự áp dụng quy trình chăm sóc đúng để vừa nâng cao năng suất, chất lượng, vừa phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho biết: Huyện phối hợp Viện Bảo vệ thực vật Trung ương và các cơ quan liên quan xây dựng các vườn cam sạch bệnh, các mô hình phòng trừ sâu bệnh tốt, tổ chức hội thảo trực tiếp tại các vườn cam để người dân nắm bắt được về nhận biết dấu hiệu, nguyên lý, biện pháp phòng trừ sâu bệnh để áp dụng vào quy trình chăm sóc của mình; đặc biệt tuyên truyền tránh tình trạng tận dụng, bắt cam cho thu hoạch sớm khi chưa hoàn toàn đến tuổi cho thu hoạch, làm ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây, phá hoại vườn cam, rút ngắn tuổi thọ của cây cam. Hàng tháng đều tổ chức kiểm tra, đánh giá và hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên cam.
Tại huyện Thanh Chương, theo trao đổi của ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện, có được kết quả khả quan từ phát triển cây cam trên địa bàn, là nhờ huyện sớm rút ra bài học, kiên quyết chuyển từ “phát triển nóng” sang phương thức phát triển “chậm mà chắc”. Trước đây, bà con chủ yếu sử dụng các loại phân vô cơ, thúc đẩy cam phát triển rất nhanh, tuy nhiên qua một thời gian đã cho thấy những tác động ngược, không những không mang lại hiệu quả tốt mà còn làm cây dễ nhiễm sâu bệnh hại, giảm tuổi thọ cam, nhanh thoái hoá.
Không phát triển ồ ạt, chỉ tập trung sản xuất ở những vùng có điều kiện phù hợp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần theo hướng chăm sóc hữu cơ để tăng độ phì nhiêu cho đất, phục hồi lại “sức khoẻ” cho cây cam – là giải pháp được huyện Thanh Chương tập trung thực hiện, và hướng đi đó đã đem lại hiệu quả rất khả quan…
Trở lại với thực trạng phá bỏ cây cam ở các vùng trọng điểm như Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn…, thì cuối năm 2020, sau khi có kết luận về tình trạng đất đai, bệnh xuất hiện trên cam,Viện Bảo vệ thực vật Trung ương đã khuyến cáo huyện Quỳ Hợp không nên trồng cam mới trong thời gian tới, đồng thời luân canh cây trồng, cải tạo đất và tăng cường chế phẩm sinh học phòng chống nấm và tuyến trùng gây hại trên cam. Sau khi có thông báo của cơ quan chuyên môn, huyện Quỳ Hợp đã chỉ đạo các địa phương dừng mở rộng diện tích trồng cam, những khu vực đã nhiễm bệnh nặng thì chặt bỏ để trồng cây trồng mới. Đây là điều bắt buộc phải làm, dù rất xót, để tương lai có thể có những vườn cam phát triển bền vững và chất lượng.
Theo ông Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, việc rút ra bài học từ những vùng cam đã bị chặt bỏ cũng như kinh nghiệm từ những địa phương đang phát triển tốt cây cam, là điều mà các địa phương cần đồng hành cùng ngành nông nghiệp nghiêm túc nhìn nhận, từ đó thực hiện đúng các giải pháp phù hợp.
“Hiện nay, vùng cam Phủ Quỳ, chủ yếu ở Nghĩa Đàn và Quỳ Hợp đã dịch chuyển sang các huyện Anh Sơn, Thanh Chương và Yên Thành. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thoái hóa cả một vùng cam rộng lớn của tỉnh, vì sao ở những địa phương như Yên Thành, Thanh Chương và một số ít nơi khác, cây cam vẫn phát triển tốt, cho thu nhập cao để từ đó đưa ra một quy hoạch chuẩn, quy trình chăm sóc, đầu tư thâm canh chuẩn”, ông Phùng Thành Vinh nhấn mạnh.