Công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay được Đảng ta lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội; góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Những kết quả này chính là những bài học quý về lý luận và thực tiễn càng cho thấy đường lối đúng đắn của Đảng đã tạo nên quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của toàn dân.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm suy thoái đạo đức, lối sống của không ít cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ. Vì vậy, Đảng ta khẳng định tham nhũng là: “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, chống “giặc nội xâm” luôn là “cuộc chiến” khó khăn bởi ranh giới giữa đối tượng xử lý nhiều khi bện chặt trong các mối quan hệ xã hội đa dạng, khó bóc tách và hành vi tham nhũng chủ yếu do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, diễn ra trong nội bộ. Bởi vậy, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”, “Đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng, không nóng vội, không chủ quan; phải có kế hoạch cụ thể, có bước đi vững chắc; sử dụng nhiều biện pháp, trong đó lấy giáo dục làm cơ sở, lấy pháp chế làm đảm bảo”…
Với những quan điểm đó, Đảng ta đã ban hành rất nhiều chỉ thị, nghị quyết để lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chưa bao giờ quyết tâm chính trị trong cuộc chiến này lại cao như hiện nay. Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người cầm trịch, thổi ngọn lửa “công cuộc đốt lò, nhóm củi” luôn nhất quán giữa nói và làm, giữa chỉ đạo và hành động, thận trọng nhưng kiên quyết, kịp thời nhưng chắc chắn, răn đe để giáo dục, phòng ngừa… đã tạo được kỳ vọng và sự tin tưởng của mọi tầng lớp nhân dân về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng ta.
Đây là nội dung tiên quyết để chuyển hóa đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng thành hiện thực.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm và chủ trương của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng và với quyết tâm chính trị cao, công tác phòng, chống tham nhũng ở Nghệ An tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả.
Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; Tái thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy với chức năng là cơ quan tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng; Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội…
Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí với thực hiện Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tuy nhiên, hiện nay tham nhũng, lãng phí với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, lãng phí chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội… Những tình trạng này đang là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quá trình không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; nhằm làm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. Chỉnh đốn Đảng là để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, làm cho Đảng mạnh lên, xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vì vậy xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngoài việc phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng thì phải có hình thức xử lý kịp thời, chính xác, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng… đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 diễn ra vào ngày 12/12/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật, kỷ luật một vài người để cứu muôn người”. Rõ ràng, để Đảng lớn mạnh, để Đảng vững niềm tin trong nhân dân, cũng giống như cây, muốn xanh tốt, vững chãi phải “Chặt cành sâu mục để cứu cây” – Đau nhưng phải làm!”.
Nhìn lại kết quả thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng, Trung ương đã nhận định, công tác xây dựng Ðảng đã đạt được kết quả toàn diện, trong đó nổi bật là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng “trên nóng dưới lạnh”… Một số địa phương đã chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận đồng tình, đánh giá cao. Con số 127 vụ án, 91 vụ việc tham nhũng được chỉ đạo xử lý, 72 vụ án/637 bị cáo bị xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm 54 vụ án/481 bị cáo trong nhiệm kỳ 2015-2020 với những mức án rất nghiêm khắc khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Mới đây, hàng loạt vụ án trọng điểm đã được tiếp tục đưa ra ánh sáng. Trong số những người bị khởi tố, bắt tạm giam không ít người là lãnh đạo cấp cao, cấp tỉnh, thành, cấp sở, doanh nghiệp lớn.
Tại Nghệ An, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, trong 05 năm qua (2015-2020), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai 11 cuộc kiểm tra, 03 cuộc giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng. Chỉ tính trong 06 tháng đầu năm 2021 với sự tham mưu sâu sát, kịp thời, Ban Nội chính đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành 04 Kế hoạch và chỉ đạo xử lý 22 vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm; nắm tình hình 5 vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng thuộc diện Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; UBND tỉnh đã ban hành 03 kế hoạch và 05 công văn để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng năm 2021; chỉ đạo thực hiện kiểm soát thu nhập lần đầu và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Thanh tra Tỉnh đã thực hiện 69 cuộc thanh tra công vụ, thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cấp, các ngành trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và PCTN tại 95 đơn vị. Qua thanh tra kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với 91 tổ chức và 409 cá nhân sai phạm. Với công an Nghệ An trong 9 tháng đầu năm 2021, cơ quan đã thụ lý điều tra: 10 vụ, 32 bị can phạm tội về tham nhũng, thu hồi được 2,3 tỷ đồng.
Sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị nên trong 06 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác đối với 118 lượt cán bộ, 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện công khai bản kê khai tài sản, thu nhập. 06 tháng đầu năm, qua các hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra và công tác kiểm tra, giám sát của Đảng không phát hiện vụ việc tham nhũng. Qua hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện 02 vụ việc có dấu hiệu tội phạm chuyển cơ quan điều tra. Công tác giải quyết, khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa phát hiện vụ việc tham nhũng. Kết quả tài sản tham nhũng được thu hồi 1.898 tỷ đồng.
Bên cạnh sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, công tác phòng, chống tham nhũng ở Nghệ An cũng được tiến hành không có vùng cấm, không có ngoại lệ” bao gồm cả các tập thể, các cá nhân sai phạm đều bị xử lý nghiêm khắc.
Những bản án, những khung hình phạt đối với những sai phạm về tham nhũng trong thời gian qua của tỉnh cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan chức năng ở Nghệ An trong công tác phòng, chống tham nhũng với quyết tâm “xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, bất kể người đó là ai, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Tuy nhiên trong thời gian qua, mặc dù những vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng đã được các cơ quan chức năng điều tra, xử lý, đưa ra ánh sáng nhưng trong quá trình thực thi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập đó là:
Tội phạm tham nhũng là nhóm tội phạm có tỷ lệ ẩn cao. Các vụ việc, vụ án về tham nhũng, chức vụ có đặc thù riêng về đối tượng đấu tranh và phương thức thủ đoạn phạm tội. Do đó, quá trình đấu tranh với loại tội phạm này đòi hỏi nhiều thời gian xác minh, điều tra, xử lý, cần họp bàn, xin ý kiến của cấp ủy địa phương, thống nhất quan điểm giữa các cơ quan tư pháp. Việc xác định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ hiện nay cũng là một vấn đề còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản. Năng lực, trình độ, kỹ năng nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh về đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ trong các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ… Đặc biệt thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế đi lại, tiếp xúc, gây khó khăn quá trình điều tra, xác minh, ảnh hưởng đến thời hạn xác minh vụ việc xử lý vi phạm hành chính, thời hạn giải quyết tin báo, thời hạn điều tra vụ án…
Thực trạng trên là rào cản rất lớn đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Nghệ An nói riêng và của cả nước nói chung.
Ðánh giá 10 nhiệm vụ xây dựng Ðảng nhiệm kỳ qua với nhiều thành tựu nổi bật cùng những hạn chế, khuyết điểm tồn tại, Trung ương đã xác định, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ. Do đó, “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” vẫn được coi là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và là một trong ba khâu đột phá về xây dựng Ðảng.
Theo chủ trương của Đại hội Đảng lần thứ XIII và tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian tới sẽ quyết liệt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa, không ngừng, không nghỉ thậm chí ngày càng quyết liệt hơn. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý “tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng nói riêng và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Do đó, công tác phòng, chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật hình sự đối với những người vi phạm, bất kể đó là ai và đặc biệt phải xây dựng được các cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng…”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng sử dụng hình ảnh “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, pháp luật” để nhấn mạnh việc cấp thiết phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Những vụ việc vi phạm gần đây cho thấy, một khi cán bộ được đặt vào vị trí có nhiều quyền lực, nhiều bổng lộc, nếu không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ dễ dẫn tới có các hành vi tự tung, tự tác, tham ô, tham nhũng, hống hách, ngạo mạn và trượt dài vào lối sống suy thoái, biến chất… Những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa qua cho thấy, nhiều cán bộ, đảng viên đã lợi dụng quyền hạn của mình để vun vén cá nhân, lạm quyền, thu lợi bất chính, thậm chí để vợ, chồng, con cái, người thân nhúng tay, can thiệp, điều hành “ghế” quyền lực của mình.
Theo báo cáo tại phiên họp thứ 20 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội vào ngày 5/8/2021 trong 6 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 180 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập; khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can về các tội tham nhũng đồng thời đưa ra xét xử kịp thời 4 vụ án trọng điểm…
Những con số này một lần nữa đặt ra vấn đề kiểm soát quyền lực “đem quyền lực nhốt trong lồng cơ chế”- tức phải đưa ra những cơ chế, biện pháp để bảo đảm một cá nhân khi được giao nắm giữ các chức vụ, vị trí trong bộ máy Đảng, Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội phải hoạt động đúng theo khuôn khổ. Một khi chức vụ, vị trí càng lớn, quyền lực càng nhiều mà không có cơ chế kiểm soát thì cá nhân đó rất dễ sai phạm. Bởi vậy, kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “ tư duy nhiệm kỳ”để cá nhân không thể tham nhũng.
Cùng với cơ chế kiểm soát quyền lực, Đảng ta cũng xác định cần xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung (không muốn tham nhũng); Cơ chế xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, có cơ chế giải quyết, xử lý nhanh các tài liệu liên quan đến tham nhũng, bảo đảm lợi ích chính đáng của những chủ thể liên quan và xã hội (không dám tham nhũng); Cơ chế cải cách chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức yên tâm công tác (không cần tham nhũng).
Tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, đó là thực trạng nguy hiểm từng được khẳng định rõ trong các Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII cho đến nay, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai. Dù cán bộ đương chức hay về hưu, nếu có sai phạm đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, sự thượng tôn pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Đó chính là điểm nhấn trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thành tựu đó được đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Nghệ An, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xác định:
“Tập trung và coi trọng cả phòng và chống; phòng là thường xuyên, lâu dài, chống thì quyết liệt, nghiêm minh. Kết hợp cả phòng và chống chứ không tuyệt đối hóa một loại hoạt động nào cả. Trong đó để phòng tốt thì đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và áp dụng quy chế trong công tác của từng cơ quan, đơn vị nhằm kiểm soát chặt chẽ hành vi của cán bộ, công chức; bên cạnh đó công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, chế độ chính sách để người dân và doanh nghiệp biết. Đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực mang tính chủ quan của người thực hiện công vụ. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên đề, theo kế hoạch để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh vi phạm. Quán triệt và thực hiện phương châm phòng ngừa, giải quyết sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn đặc biệt ở những lĩnh vực, địa bàn mà công tác quản lý nhà nước không sâu sát được. Đồng thời tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nêu gương đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng.
Để chống tốt cần triển khai thường xuyên, quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng như thanh tra, kiểm tra, các cơ quan tố tụng với nhau, kịp thời cho ý kiến để chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc, dư luận quan tâm. Phát huy các cơ chế kiểm soát quyền lực (giữa cơ quan Đảng, cơ quan hành chính và cơ quan tư pháp) để các cơ quan này thực hiện trách nhiệm tốt hơn, khách quan hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn. Coi trọng vai trò giám sát, phản ánh của các cơ quan dân cử (HĐND) và Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể quần chúng. Làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, có cơ chế để lắng nghe, nắm bắt kịp thời các phản ánh của nhân dân, của doanh nghiệp. Khi xảy ra vụ việc tiêu cực thì phải kiên quyết, xử lý, theo dõi, chỉ đạo đến cùng, không được để xảy ra tình trạng nửa vời, làm theo kiểu xoa dịu dư luận cho qua chuyện…” – đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết.
Với quan điểm và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và sự ủng hộ, tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực của tỉnh Nghệ An trong thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bồi đắp thêm niềm tin của nhân dân với Đảng./.