Kiên quyết “3 không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thời gian qua, cán bộ và nhân dân nói chung rất quan tâm, tin tưởng vào việc Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh được thành lập. Quanh vấn đề này, đồng chí Hồ Lê Ngọc – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh đã dành thời gian có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An.

P.V: Thưa đồng chí, việc thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua nhận được sự đồng tình ủng hộ của xã hội. Hầu hết, cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu về sự cần thiết thành lập ban Chỉ đạo tỉnh. Qua Báo Nghệ An, đồng chí có thể làm rõ vấn đề này?

Đồng chí Hồ Lê Ngọc: Có 4 căn cứ để thấy việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là hết sức cần thiết.

Căn cứ thứ nhất, xuất phát từ những thành công của mô hình tổ chức, kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Qua các phương tiện truyền thông, bất kỳ ai đều cũng có thể thấy từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo thì công tác PCTN, tiêu cực được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Nạn tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) diễn ra từ ngày 4 - 10/5/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh: VOV
Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) diễn ra từ ngày 4 - 10/5/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ảnh: VOV

Căn cứ thứ hai, là xuất phát từ thực trạng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh ủy, thành ủy và kết quả PCTN, tiêu cực tại các địa phương. Nói như vậy, không có nghĩa các tỉnh ủy, thành ủy trên cả nước chưa quan tâm đến công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực; kết quả thực hiện công tác này tại các địa phương còn kém hiệu quả. Mà ngược lại, khẳng định rằng từ khi thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, các tỉnh ủy, thành ủy, trong đó có Tỉnh ủy Nghệ An, đã quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực, giúp công tác này đi vào nền nếp, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN, tiêu cực tại một số địa phương, Bộ, Ngành vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ các cơ quan, đơn vị còn yếu; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là “tham nhũng vặt” trong hoạt động dịch vụ hành chính công chưa được đẩy lùi; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa cao. Tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực, địa bàn vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Phân tích những tồn tại, hạn chế có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do chưa có cơ quan tham mưu, chỉ đạo đủ mạnh để phối hợp đồng bộ, thống nhất và phát huy vai trò, trách nhiệm của các Cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ PCTN, tiêu cực ở địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị quán triệt việc thành lập Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 8/8/2022. Ảnh: T.D
Toàn cảnh Hội nghị quán triệt việc thành lập Ban chỉ đạo tỉnh Nghệ An về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngày 8/8/2022. Ảnh: T.D

Căn cứ thứ ba, đó là xuất phát từ nhu cầu thực tế của các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực. Một ví dụ đủ để minh chứng, đó là khi Trung ương xây dựng Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, quá trình lấy ý kiến góp ý, hoàn thiện dự thảo Đề án, không chỉ các Ban, Bộ, Ngành Trung ương mà tất cả 63/63 Tỉnh ủy, Thành ủy trên cả nước đều đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

Căn cứ thứ tư, đó là yêu cầu nhiệm vụ công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới. Giai đoạn vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo nhiều chủ trương, giải pháp mới, đột phá về PCTN, tiêu cực. Nhất là gắn PCTN với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tăng cường kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực; kiện toàn tổ chức bộ máy nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng PCTN, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương, cơ sở… Từ đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới phải được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương mới có thể hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Vì vậy, việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, tiêu cực thời gian qua; nâng cao hiệu quả công tác PCTN, tiêu cực trong thời gian tới.

P.V: Vậy chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Ban Chỉ đạo tỉnh là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Lê Ngọc: Về chức năng, Ban Chỉ đạo tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập, chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Chỉ đạo Trung ương trong việc chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh. Về phạm vi, Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở địa phương; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có 9 nhiệm vụ, có thể phân thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất, gồm những nhiệm vụ bảo đảm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; các kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương nói chung và kết luận, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương liên quan đến công tác PCTN, tiêu cực ở địa phương nói riêng được triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời.

Nhóm thứ hai, là những nhiệm vụ được kế thừa từ những kinh nghiệm quý, bài học hay trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương để đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực tại địa phương. Cụ thể như nhiệm vụ chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong PCTN, tiêu cực theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng và cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thanh tra, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra ở địa phương. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy và cấp ủy viên, đảng viên có thẩm quyền trong xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng, tiêu cực và xử lý thông tin về vụ việc tham nhũng, tiêu cực do các cá nhân, tổ chức phát hiện, cung cấp, kiến nghị…

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Hội nghị giao ban khối Nội chính; Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Viện KSND phát biểu tại Hội nghị giao ban khối Nội chính.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban chỉ đạo tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì Hội nghị giao ban khối Nội chính; Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Viện KSND phát biểu tại Hội nghị giao ban khối Nội chính.

Ở nhóm thứ ba, gồm những nhiệm vụ tập trung cho công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình hoạt động thực tiễn của Ban Chỉ đạo. Trong công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; cũng như các kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kỷ luật, xử lý các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, tiêu cực…

P.V: Thực tiễn cho thấy phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Vậy quan điểm của Ban Chỉ đạo tỉnh đối với những vụ việc phức tạp, nhạy cảm như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Lê Ngọc: Quan điểm của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đó là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai”. Tại Hội nghị quán triệt việc thành lập Ban chỉ đạo tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được tổ chức ngày 8/8/2022, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh có bài phát biểu rất quan trọng. Trong bài phát biểu, có đến hai lần đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc đến chỉ đạo này của đồng chí Tổng Bí thư. Có thể khẳng định, lời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai” là kim chỉ nam để Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong PCTN, tiêu cực. Có thực hiện nghiêm chỉ đạo này của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì mới tiếp tục tạo được bước chuyển mới trong nhận thức, hành động của cấp ủy, lãnh đạo, cán bộ, đảng viên đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; mới góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.

Công an huyện Anh Sơn ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Duyên, công chức tài chính - kế toán xã Khai Sơn; Công an huyện Quỳnh Lưu khởi tố 2 bị can là cán bộ địa chính các xã ở huyện Quỳnh Lưu về tội 'Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản'; Lực lượng chức năng huyện Nghi Lộc đọc lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Đình Hải - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong sai phạm về bồi thường hỗ trợ tái định cư. Ảnh: CTV
Công an huyện Anh Sơn ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Duyên, công chức tài chính - kế toán xã Khai Sơn; Công an huyện Quỳnh Lưu khởi tố 2 bị can là cán bộ địa chính các xã ở huyện Quỳnh Lưu về tội 'Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản'; Lực lượng chức năng huyện Nghi Lộc đọc lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Đình Hải - nguyên Chủ tịch UBND xã Nghi Phong sai phạm về bồi thường hỗ trợ tái định cư. Ảnh: CTV

P.V: Có một nội dung được báo chí hết sức quan tâm, mong muốn đồng chí làm rõ. Đó là Ban Chỉ đạo tỉnh đã có định hướng như thế nào để phát huy vai trò của các cơ quan báo chí truyền thông trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thưa đồng chí?

Đồng chí Hồ Lê Ngọc: Ngày 17/8 vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức phiên họp thứ 22 để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022. Trong những nhiệm vụ trọng tâm được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra trong bài phát biểu kết luận phiên họp này, có đề cập và chỉ đạo phải phát huy vai trò của báo chí, truyền thông. Cụ thể đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Báo chí không chỉ tuyên truyền, giáo dục mà còn tích cực đấu tranh, góp phần răn đe, ngăn chặn những hành vi tham nhũng tiêu cực”. Qua phát biểu này của đồng chí Tổng Bí thư, ta có thể thấy rõ vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực như thế nào.

Với Tỉnh ủy, từ trước khi thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh, cũng đã đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông. Thấy rằng báo chí, truyền thông đã và đang tham gia rất tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, tinh thần, ý thức, đạo đức, xây dựng liêm chính, chống tha hóa, biến chất trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; bên cạnh đó, góp phần tích cực trong việc phát hiện, đưa ra ánh sáng nhiều những vụ việc tham nhũng, tiêu cực.

Bìa một số bài viết về những vụ việc nổi cộm ở các dự án Khu đô thị Minh Khang, Cụm dân cư Trường Sơn… trên Báo Nghệ An.
Bìa một số bài viết về những vụ việc nổi cộm ở các dự án Khu đô thị Minh Khang, Cụm dân cư Trường Sơn… trên Báo Nghệ An.

Vì vậy, ngay sau khi thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì xác định việc phát huy vai trò của báo chí là một nhiệm vụ rất quan trọng. Để phát huy được vai trò của báo chí, Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan cung cấp thông tin, công khai cho báo chí theo quy định. Đây là một nhiệm vụ rất cần thiết, sẽ khắc phục được tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác; đồng thời, sẽ phát huy được vai trò báo chí trong định hướng dư luận để người dân hiểu rõ hơn quyết tâm phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước và của tỉnh, góp phần củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bên cạnh đó, cung cấp cho báo chí thông tin về những tấm gương người tốt, việc tốt để lan tỏa, qua đó, động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực hơn nữa tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực…

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!