Chi bộ bản Nga My trước năm 2017 được xếp vào diện có nguy cơ tái trắng với vỏn vẹn chỉ có 4 đảng viên (1 người đi làm ăn xa). Nguyên Bí thư Chi bộ bản Nga My – đồng chí Hoàng Viết Xanh, khi đó đã 75 tuổi, sức khỏe kém, không biết đi xe đạp, 2 đảng viên còn lại còn trẻ, chưa có kinh nghiệm nên hoạt động của chi bộ rất khó khăn. Đồng chí Võ Anh Tuấn – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu (thời điểm đó được huyện tăng cường về làm Bí thư Đảng ủy xã Châu Nga) cho biết: Đảng ủy xã đã làm việc trực tiếp với Chi bộ bản Nga My (hiện tại đã sáp nhập với bản Nga Sơn và đổi tên thành bản Mưn) để kiện toàn lại chi ủy, trẻ hóa nhân sự, đưa đảng viên trẻ Vi Văn Dấu, lúc đó là Bí thư chi đoàn lên làm Bí thư chi bộ; đồng thời tăng cường 8 đảng viên là công chức xã xuống sinh hoạt chi bộ tại bản Nga My để “cầm tay chỉ việc’’.
Nhớ lại thời điểm đó, đảng viên Vi Văn Dấu – hiện là Phó Bí thư chi bộ, Trưởng bản Mưn cho hay: Lúc đó tôi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nên còn lúng túng lắm. Đích thân đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã trực tiếp xuống chỉ đạo, hướng dẫn từ cách điều hành, xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đảng viên đến việc ra nghị quyết, chỉ đạo thực hiện nghị quyết, bồi dưỡng kết nạp đảng viên nên mọi việc dần đi vào quy lát. “Từ kinh nghiệm ở Chi bộ bản Nga My và cách làm ở Châu Nga, chúng tôi đã triển khai ra toàn huyện. Trước khi thực hiện Đề án 01 của Tỉnh ủy, huyện Quỳ Châu có 3 chi bộ thuộc diện nguy cơ tái trắng, hiện nay không còn chi bộ nào có dưới 5 đảng viên tại chỗ”, đồng chí Võ Anh Tuấn – Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳ Châu cho hay.
Nói về công tác phát triển và củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở vùng rẻo cao, đồng chí Lỳ Bá Thái – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Đối với huyện biên giới như Kỳ Sơn, để xây dựng chi bộ mạnh, thứ nhất là cần tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, trưởng các dòng họ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thứ hai, là tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ. Nếu không đồng thuận thì dù cá nhân có năng lực cũng không phát huy được vai trò “hạt nhân” của chi bộ, không tạo được hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh đó, một chi bộ mạnh còn phải biết cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của đảng đến với quần chúng, để người dân thấy được, hiểu được và làm theo một cách thiết thực nhất. “Ví dụ như đối với việc thực hiện Chỉ thị 05, nếu nói theo lý thuyết thì rất nhiều người sẽ thấy mơ hồ, không hiểu. Huyện Kỳ Sơn đã cụ thể hóa bằng việc ban hành Chỉ thị 17 về cán bộ, đảng viên giúp hộ nghèo. Mỗi người tùy theo khả năng của mình để giúp người nghèo (có thể giúp vật chất, con giống, ngày công…). Qua đó để nhân dân thấy được vai trò của cán bộ, đảng viên, thấy được chính sách của Đảng luôn quan tâm đến dân, vì dân’’- đồng chí Lỳ Bá Thái chia sẻ.
Còn ở huyện vùng biển Quỳnh Lưu, để củng cố chi bộ ở các vùng đặc thù, hàng năm, Huyện ủy đều mở lớp tập huấn công tác Đảng cho các chi bộ, đồng thời theo dõi, chỉ đạo sát sao; trích kinh phí hỗ trợ các chi bộ vùng giáo; xây dựng các mô hình ở các xóm giáo… Đồng chí Lê Xuân Kiên – Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Quỳnh Lưu cho biết: Sau khi củng cố, vai trò của các chi bộ vùng đặc thù được thể hiện rõ và hoạt động hiệu quả hơn. Cán bộ cốt cán tham gia các cuộc họp chi bộ mở rộng tích cực; qua đó giúp hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là các chi đoàn, chi hội hoạt động tương đối tốt.
Để tiếp tục củng cố tổ chức cơ sở Đảng, Văn kiện Đại hội XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm giáo dục, quản lý, rèn luyện, kiểm tra, giám sát đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, sinh hoạt của chi bộ”.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu quyết tâm: “Tiếp tục củng cố tổ chức Đảng, nhất là vùng đặc thù và trong các loại hình doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt có tư duy đổi mới, khát vọng phát triển, dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thách thức”.
Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (ngày 9/3/2021), đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khoá XII) về xây dựng Đảng, giữ vững bản chất cách mạng trong sáng của Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh”.
Chỉ thị 51-CT/TW, ngày 21/1/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII đã chỉ rõ: “Kết nạp đảng viên là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng cũng như trong quá trình phát triển, hoạt động lãnh đạo của Đảng, nhằm tăng thêm sức chiến đấu và bảo đảm sự kế thừa, phát triển của Đảng”.
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh: “Coi trọng công tác phát triển đảng viên, bảo đảm số lượng, chất lượng. Phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những thanh niên ưu tú trưởng thành trong phong trào lao động, học tập, trong lực lượng vũ trang, tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên. Sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách ra khỏi Đảng”. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng căn dặn: “Nếu Đảng ta không biết chọn lọc, kết nạp, đề bạt đồng chí mới thì đâu có như ngày nay”.
Thấm nhuần lợi dạy của Bác, là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ, Đảng bộ xã Môn Sơn (Con Cuông) luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, phát triển Đảng. Sau 5 năm thực hiện Đề án 01, Đảng bộ xã Môn Sơn đã phát hiện, bồi dưỡng 60 quần chúng ưu tú học cảm tình Đảng, trong đó, có 11 người là con em tộc người Đan Lai. Toàn đảng bộ kết nạp thêm được 55 đảng viên mới.
Nói về cách tuyên truyền, vận động quần chúng vào Đảng, đồng chí Vi Văn Tụ – Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho rằng: Trước hết cần giúp quần chúng hiểu rõ: Vào Đảng thì đảng viên luôn là những người được nắm bắt các chính sách, chủ trương của Đảng đầu tiên, được học tập, bồi dưỡng thường xuyên về bản lĩnh, lập trường chính trị, rèn dũa, trau dồi nhân cách, đạo đức. Thứ nữa, muốn theo “nghiệp” cán bộ, phục vụ nhân dân thì trước hết phải vào Đảng. Bên cạnh đó, khi vào Đảng nếu có dấu hiệu vi phạm, hay biểu hiện suy thoái thì thông qua sinh hoạt chi bộ hàng tháng sẽ được nhắc nhở kịp thời để soi mình, sửa mình… – Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn cho hay.
Còn đối với các tổ chức cơ sở Đảng ở vùng đồng bào có đạo, theo đồng chí Trần Văn Sao – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Văn (Nghi Lộc), thì bên cạnh những giải pháp về mặt tổ chức, con người để củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù như: Lựa chọn cán bộ để điều động về sinh hoạt tại các xóm vùng giáo. Mỗi đảng viên khi về với nhân dân phải là người thực sự gương mẫu, có lý luận, có kinh nghiệm trong vận động quần chúng, xây dựng phong trào ở cơ sở bằng những việc làm thực để mang lại hiệu quả, sản phẩm thực chứng minh, thuyết phục được cho người dân; qua đó củng cố vai trò của chi bộ, cũng là củng cố, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng (TP. Vinh) có diện tích chưa đầy 1 km2, nhưng có đến 585 hộ dân với trên 2.000 khẩu. Đảng viên bao gồm cả đương chức và nghỉ hưu trên địa bàn với gần 250 đồng chí. Đảng viên sinh hoạt trong chi bộ là 46 người, trong đó, có 13 đảng viên miễn sinh hoạt. Với đặc điểm một chi bộ ở khu vực đô thị, đảng viên chủ yếu là cán bộ nghỉ hưu, dân cư nhiều thành phần, Chi bộ khối Trung Hợp đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, cũng như thể hiện rõ vai trò lãnh đạo ở cơ sở. Bên cạnh tổ chức sinh hoạt “đủ, đúng, đều kỳ” theo quy định, Bí thư chi bộ là đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh – nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh còn lập nhóm Zalo của chi bộ để kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, hoạt động tới cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, cũng như không ít khu dân cư vùng đô thị, ở khối Trung Hợp cũng có những khó khăn. Bởi “chân đèn thường tối ở gốc”, có những gia đình một năm đi du lịch 7 – 8 nước, hàng xóm lại chẳng mấy khi gặp nhau nên không tránh khỏi “gần mặt không gần lòng, gần lòng mà không gần mặt” – đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh chia sẻ.
Bên cạnh đó, trên địa bàn khối có 6 nhà chung cư, là nơi sinh sống của hàng trăm hộ dân, trong đó có những chung cư chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng, chưa có ban quản trị… nên việc phát huy vai trò của chi bộ cũng là một phép tính khó. Đây là những vấn đề mà thời gian tới Chi bộ khối Trung Hợp, phường Hưng Dũng (TP. Vinh) sẽ tập trung khắc phục để gắn kết thêm “tình làng, nghĩa xóm”. Nhìn rộng hơn, có một thực tiễn, nhất là ở khu vực dân cư đô thị, là đảng viên khi nghỉ hưu, gia đình ở thường xuyên nơi này nhưng giấy tờ lại đăng ký ở nơi khác; từ đó dẫn đến không chuyển sinh hoạt Đảng hay sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể về nơi cư trú thường xuyên, mà chuyển hồ sơ về theo địa chỉ đăng ký nên mặc dù sinh sống trên địa bàn nhưng chi bộ cũng không nắm bắt được.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Hồ Cảnh, để khắc phục vấn đề trên, Tỉnh ủy nên có công văn yêu cầu các tổ chức Đảng, đặc biệt là trong ngành Quân đội, Công an, các sở, ban, ngành khi làm thủ tục nghỉ hưu cho cán bộ, đồng thời chuyển sinh hoạt Đảng về nơi ở thường xuyên của đảng viên đó. Mặt khác, cũng cần thực hiện nghiêm hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về đánh giá, nhận xét cán bộ, đảng viên trước khi bổ nhiệm là phải lấy ý kiến nơi ở thực tế của cán bộ để nâng cao mối liên hệ giữa đảng viên đương chức với chi bộ, khối.
Bên cạnh đó, để tránh việc sinh hoạt chi bộ mang tính chất hình thức, dẫn đến mất đi tính chiến đấu, phê bình trong Đảng, theo đảng viên lão thành Ngô Xuân Lan (xã Hưng Đông, TP. Vinh), trong sinh hoạt chi bộ phải có nội dung thiết thực, chi ủy chuẩn bị phần đánh giá tình hình và phương hướng hành động, có những gợi mở để đảng viên trong chi bộ dễ bề góp ý, thảo luận sôi nổi, bàn luận và đi đến nhất trí; tránh tình trạng chi ủy chuẩn bị “một chiều”, còn “chi bộ dễ dàng nhất trí cao”.
Trao đổi về những hạn chế, bất cập còn tồn tại trong các tổ chức Đảng ở cơ sở, đồng chí Hồ Đăng Tài – Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến tổ chức cơ sở Đảng còn yếu kém là do việc định hướng nội dung sinh hoạt của cấp ủy cơ sở đối với chi bộ chưa thường xuyên nên một số chi bộ sinh hoạt có tính chất chiếu lệ, hoạt động chưa bám sát dân; còn đơn giản trong sinh hoạt, nội dung nghèo, không phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Một số cấp ủy khi thành lập chi bộ tăng cường, chi bộ sinh hoạt ghép còn chủ quan, hình thức; khi phân công đảng viên tăng cường chưa chú trọng đến yếu tố địa bàn công tác, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc nên hiệu quả còn hạn chế, nhiều đảng viên không phát huy được vai trò trong việc phát hiện, bồi dưỡng tạo nguồn phát triển Đảng.
Bên cạnh đó, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ thị, đề án, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng tuy đã có chuyển biến nhưng chưa quyết liệt; chưa tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm và giải quyết kịp thời những vấn đề mới phát sinh về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở”.
Do đó, để củng cố tổ chức cơ sở Đảng, cần tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ theo tinh thần Chỉ thị số 10 -CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Hướng dẫn số 12 -HD/BTCTW, ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương “một số vấn đề nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Trong đó, đặc biệt phát huy vai trò đội ngũ đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn khi tham gia sinh hoạt tại các chi bộ khối dân cư; gắn tránh nhiệm trong việc xây dựng chi bộ và phát triển đảng viên mới và coi đây là tiêu chí đánh giá xếp loại cán bộ, công chức hàng năm.
Định kỳ hàng năm, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo cấp dưới rà soát, thống kê số lượng đảng viên cao tuổi, đảng viên được miễn sinh hoạt, đảng viên đi làm ăn xa, chi bộ có số lượng đảng viên ít tại các xóm, trường học… để làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phát triển đảng viên; lấy kết quả công tác phát triển đảng viên là một trong những tiêu chí quan trọng để xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên. Bởi như sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc của Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết của Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng”. Do vậy, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không thể tách rời việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, nhất là người đứng đầu.