Nghệ An là địa phương có bề dày truyền thống cách mạng, đặc biệt ngay từ ngày đầu Đảng mới thành lập, trên mảnh đất Nghệ Tĩnh đã nổ ra cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 – 1931), thể hiện rõ tinh thần quật khởi, sức mạnh của liên minh công – nông đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp thực hiện chính sách khủng bố một cách ráo riết, nhiều đồng chí đảng viên hy sinh và bị bắt. Để đảm bảo lực lượng và duy trì cơ sở cách mạng, Xứ ủy Trung kỳ chủ trương mở rộng phạm vi hoạt động lên các huyện miền núi Nghệ An gây dựng phong trào. Lúc đó, những người cộng sản đã băng rừng, vượt suối, giác ngộ những thanh niên dân tộc có tinh thần yêu nước đứng vào hàng ngũ của Đảng, lập nên Chi bộ Đảng Môn Sơn đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ. Chi bộ vừa ra đời đã bắt tay ngay vào công tác lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng: in ấn tài liệu tuyên truyền, thành lập tổ chức Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ để tập hợp, giác ngộ tinh thần đấu tranh của nhân dân, từng bước tạo sự lan tỏa của phong trào trên khắp các bản, làng miền Tây xứ Nghệ. Chi bộ Đảng ra đời đã nhóm lên ngọn lửa cách mạng trong đồng bào các dân tộc thiểu số, từ đó, phong trào cách mạng ở miền Tây xứ Nghệ ngày càng phát triển, góp phần cùng với phong trào đấu tranh cách mạng của cả nước giành được nhiều thắng lợi quan trọng…
Nhớ lại những tháng ngày sôi nổi tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng, đảng viên lão thành Ngô Xuân Lan, năm nay đã 95 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng, nguyên Trưởng Khoa Triết học, Trường chính trị Trần Phú Nghệ Tĩnh cho biết: “Ở vào những thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, trước những khó khăn chồng chất, đảng viên là những chiến sỹ tiên phong, luôn luôn đi đầu trong các phong trào, sẵn sàng nhận gian khổ, khó khăn, kể cả phải hy sinh tính mạng của mình vì cách mạng, vì nhân dân. Họ được đồng bào tuyệt đối tin tưởng. Chính tinh thần đấu tranh và sự hy sinh bất khuất của những đảng viên – chiến sỹ cộng sản kiên trung đã góp phần xây đắp nên truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương xứ Nghệ anh hùng”.
Còn với những người thuộc thế hệ sau như ông Vi Văn Tụ – Phó Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn (Con Cuông) thì bày tỏ: Thực tiễn đã cho thấy, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, sự gương mẫu xông pha trên mọi mặt trận của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cuộc sống của nhân dân Môn Sơn nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nơi miền Tây xứ Nghệ nói chung đang từng ngày đổi mới. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương Cây Đa – Cồn Chùa – nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” đầu tiên của miền Tây xứ Nghệ, hiện nay, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng mà trực tiếp là các chi bộ ở cơ sở, đồng bào các dân tộc đang ngày đêm thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, để Môn Sơn mãi mãi xứng danh vùng đất cách mạng, nơi “giữ lửa” truyền thống.
Đề cập đến vai trò của các chi bộ Đảng, ngay từ năm 1953, trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ”, “các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”. Người cũng thường xuyên nhắc nhở phải chăm lo củng cố chi bộ giống như việc “muốn làm nhà cho tốt phải xây nền cho vững”. Ngày 30/01/1961, nói chuyện tại Hội nghị phổ biến nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ III về kế hoạch Nhà nước năm 1961, Người chỉ rõ: “Thực tế cho thấy chỗ nào chi bộ tốt, công việc trôi chảy; chỗ nào chi bộ yếu, công việc xộc xệch”. Tháng 4/1966, tại Hội nghị tổng kết 3 năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”, Người khẳng định: “Đối với Đảng ta, xây dựng chi bộ cho tốt, cho vững mạnh là một việc vô cùng quan trọng”.
Nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”, đảng viên lão thành Ngô Xuân Lan chia sẻ, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của chi bộ, coi chi bộ là tế bào, là cơ sở của Đảng, là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở; là nơi giáo dục và rèn luyện đảng viên; thực hiện phê bình và tự phê bình, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, giúp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; là sợi dây liên hệ, gắn bó Đảng với quần chúng nhân dân, làm tốt vai trò của Đảng.
Thực tiễn trải qua chặng đường hơn 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã chứng minh, mọi hoạt động của chi bộ nhằm đảm bảo cho đường lối, chủ trương của Đảng được quán triệt và thực hiện một cách có hiệu quả ở cơ sở; đồng thời góp phần vào việc bổ sung, hoàn chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đảng viên là những người có trách nhiệm góp phần xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; đồng thời có trách nhiệm tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách đó với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ của nhân dân. Do vậy, xây dựng chi bộ tốt, đội ngũ đảng viên tốt là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng; làm cơ sở, nền tảng xây dựng Đảng ta xứng đáng với trọng trách là Đảng cầm quyền, là lực lượng chính trị duy nhất giữ vai trò lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Cùng với sự phát triển của sự nghiệp cách mạng, tuyệt đại đa số đảng viên của Đảng được rèn luyện, thử thách trong trường kỳ cách mạng gian khổ, tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu và con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ.
Tuy nhiên, một nguy cơ đã và đang nảy sinh, như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”. Và mới đây, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục nêu: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên, chưa bị đẩy lùi”.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An khóa XVIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, phần hạn chế, khuyết điểm cũng chỉ rõ: “Công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong các loại hình doanh nghiệp, vùng đặc thù còn khó khăn. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng còn yếu”.
Đồng chí Hồ Đăng Tài – Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Trong nhiều năm qua, nhất là sau khi thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng chi bộ, phát triển đảng viên trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, các chi bộ đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng; đa số cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống, phục vụ nhân dân, qua đó, góp phần củng cố được niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, hoạt động của các chi bộ, nhất là chi bộ ở khối dân cư đang còn nhiều khó khăn, bất cập; việc kiện toàn, củng cố chi bộ ở một số nơi chưa được cấp ủy cơ sở quan tâm chỉ đạo kịp thời; số khối, xóm vùng giáo chưa có chi bộ, chưa có đảng viên còn nhiều; số đảng viên là người có đạo được kết nạp hàng năm ngày càng giảm; số chi bộ có đảng viên ở độ tuổi cao, già yếu được miễn sinh hoạt đang có chiều hướng gia tăng, trong lúc nguồn phát triển đảng viên hạn chế, dẫn đến nhiều khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ.
Đặc biệt, do thiếu vai trò lãnh đạo của Đảng, nên nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và hoạt động của các tổ chức, đoàn thể nhân dân ở những khối, xóm chưa có chi bộ gặp nhiều khó khăn, hạn chế hơn so với những nơi khác có cùng điều kiện; có nơi còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch lợi dụng làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư.
Từ nguy cơ mất vai trò lãnh đạo của Đảng ở những nơi không có đảng viên, không có chi bộ, nên việc xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên là nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án 01 “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 – 2020”.
Căn cứ vào tình hình trên địa bàn, Nghệ An cũng đã ban hành nhiều giải pháp nhằm phát triển, củng cố và nâng cao chất lượng, vai trò của các chi bộ, như: Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVII) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011-2015”; Đề án số 5155-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014-2020”; Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; ngày 15/8/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An có Quyết định số 3062 – QĐ/TU thành lập 5 tổ nghiên cứu chuyên sâu các loại hình chi bộ trên địa bàn tỉnh gồm: Chi bộ trong các doanh nghiệp, chi bộ trong các đơn vị sự nghiệp, chi bộ trong lực lượng vũ trang, chi bộ trong các cơ quan và chi bộ trong các xã, phường, thị trấn do 5 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn…
(Còn nữa)