Khát vọng mới trên miền đá trắng

7 sản phẩm đặc sản của huyện Quỳ Hợp đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: Trứng gà Luật Hồng, quýt Nghệ HT-01, chuối tiêu hồng sấy lạnh Hasafood, bột chè Matcha Hasafood, chuối sấy giòn và mít sấy gòn Hasafood, chè sông Dinh, cam Vinh Tấn Thanh. Những sản phẩm này đều có chất lượng cao, trong đó còn có những sản phẩm mang yếu tố độc, lạ.

Như với quả trứng gà của HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Quỳ Hợp, tôi đã rất tò mò muốn biết vì sao lại đạt chuẩn 3 sao OCOP. Được trả lời, đây là loại trứng an toàn sinh học. Chủ nhân của sản phẩm này, anh Nguyễn Văn Luật (SN 1990) đã diễn giải chi tiết rằng, khi vợ chồng anh nuôi gà lấy trứng thì đơn giản chỉ mong muốn có một nghề để làm kinh tế gia đình. Nhưng càng làm thì càng đam mê, bỏ nhiều công lao, tâm huyết để theo đuổi sản xuất ra quả trứng sạch đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Vợ anh, chị Trần Thị Thúy Hồng từng học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên ngành chăn nuôi thú y. Với những kiến thức học được, chị Hồng sử dụng chế phẩm men vi sinh ủ trong thức ăn để gia tăng vi lợi khuẩn; bên cạnh đó, cho ăn thêm cỏ, rau muống, chuối… để tăng chất xơ. Vì vậy, vẫn là những con gà ri nhưng cho ra những quả trứng có nhiều lòng đỏ, thơm ngon, an toàn.

Nguyễn Văn Luật với những quả trứng gà an toàn sinh học; Những quả trứng gà an toàn sinh học của HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Quỳ Hợp.
Nguyễn Văn Luật với những quả trứng gà an toàn sinh học; Những quả trứng gà an toàn sinh học của HTX dịch vụ nông nghiệp thị trấn Quỳ Hợp.

Cùng với sử dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn, để phòng bệnh cho gà, anh Luật và vợ còn kỳ công ngồi bóc hàng tạ tỏi, xay nhỏ đem ngâm rượu. Cứ mỗi tuần đều đặn 2 lần, họ cho gà uống rượu tỏi để phòng bệnh, giúp tăng sức đề kháng, nhất là khi thời tiết thay đổi, giao mùa. Nhờ vậy, việc chăn nuôi đã triệt để theo hướng an toàn sinh học, hạn chế tối đa dùng thuốc kháng sinh; việc sử dụng men vi sinh trong thức ăn cũng cải thiện rất tốt môi trường chăn nuôi. Ít ruồi, ít mùi, phân khô và nhanh hoai mục, làm phân bón hữu cơ có giá trị. “Kết quả thử nghiệm tại Viện Dinh dưỡng đã chứng minh các chỉ số dinh dưỡng cao hơn hẳn trứng gà nuôi thông thường…” – anh Nguyễn Văn Luật cho biết.

Trong những sản phẩm OCOP của huyện Quỳ Hợp, hội đủ các yếu tố ngon – độc – lạ phải kể đến sản phẩm quýt Nghệ HT-01 của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ. Cái sự ngon, độc, lạ cũng đã từng được Báo Nghệ An thông tin tại bài viết “Quái kiệt Phủ Quỳ và đường về ly kỳ của quýt Nghệ HT-01”. Đây là giống quýt có nguồn gốc từ đảo Jeru (Hàn Quốc), được doanh nhân Nguyễn Giang Hoài tìm cách đưa về, sau đó, nhờ các chuyên gia có tên tuổi ròng rã mấy năm trời kỳ công lai ghép mới thành công. Quýt Nghệ HT-01 có mẫu mã đẹp với màu vàng hồng, vị ngọt đậm, thơm, rất ít hạt, thời điểm chín rộ vào đúng dịp Tết Nguyên đán cho đến tiết thanh minh. Về giá trị kinh tế, nếu như các dòng quýt thông thường dao động giá bán bình quân từ 15 – 30 nghìn đồng/kg thì với quýt HT-01 là từ 80 – 120 nghìn đồng/kg.

Vườn quýt Nghệ HT-01 của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ..
Vườn quýt Nghệ HT-01 của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ..

Khẳng định về sự vượt trội của dòng quýt Nghệ HT – 01, cần phải nhắc lại lời của Tiến sỹ Hà Quang Dũng – Giám đốc Trung tâm Khảo, kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia phát biểu dịp cuối năm 2020, khi ông về huyện Quỳ Hợp đánh giá kết quả khảo nghiệm lần cuối. Tiến sỹ Hà Quang Dũng đã phân tích các ưu điểm của quýt Nghệ HT-01, khẳng định về tính vượt trội so với các dòng quýt đã nổi tiếng của Việt Nam như cam bù Hương Sơn (Hà Tĩnh), cam đường Canh (Hòa Bình)… Rồi nhấn mạnh: “Tôi có 25 năm nghiên cứu về giống cây có múi và 15 năm làm Giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm để có thể nói rằng, cho đến thời điểm hiện nay không có giống cây có múi nào ở Việt Nam có nhiều điểm ưu việt hơn giống quýt này. Qua theo dõi liên tục trong 3 năm, từ năm 2018 đến năm 2020, tôi đánh giá đây là một giống quýt mới có nhiều tiềm năng, phát triển tốt tại vùng đất Nghệ An. Giống quýt này có chất lượng rất tốt và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong nước, kể cả nước ngoài…”.

Bột chè Matcha của Công ty Hasafood cũng là một sản phẩm hết sức độc đáo, bởi thực sự mới lạ trên thị trường. Nguyên liệu làm nên bột chè Matcha là những cây chè đặc sản của vùng Minh Hợp. Để có nguyên liệu, Hasafood đã đầu tư liên kết với người nông dân Minh Hợp tổ chức sản xuất, với cam kết mang đến những sản phẩm sạch, có nguồn gốc tự nhiên, không sử dụng hóa chất, chất bảo quản; áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và chăm sóc cây theo đúng quy trình nghiêm ngặt. Từ lá trà xanh sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên thông thường được xay mịn đã tạo ra sản phẩm bột chè Matcha Hasafood. “Bột trà xanh chứa nhiều thành phần chống oxy hóa, các vitamin B, C, và khoáng chất thiết yếu. Có thể sử dụng pha trà uống, làm trà sữa matcha, làm bánh, kem, pha chế đồ uống, đắp mặt nạ… Bột trà xanh được sử dụng thông dụng ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản. Nhưng ở Việt Nam, dù rất sẵn nguyên liệu nhưng còn chưa được biết đến nhiều. Đây cũng là một nguyên nhân khiến Hasafood quan tâm sản xuất…” – Nguyễn Sơn Tin – người sáng lập Công ty Hasafood trao đổi.

Nguyễn Sơn Tin và sản phẩm cam sấy lạnh, sẽ chế biến làm tinh bột cam.
Nguyễn Sơn Tin và sản phẩm cam sấy lạnh, sẽ chế biến làm tinh bột cam.

Khi tìm hiểu về quả trứng gà OCOP, tôi đã tò mò muốn biết vì sao HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Quỳ Hợp có được chế phẩm sinh học để phối trộn vào thức ăn cho gà. Anh Nguyễn Văn Luật không ngại ngần “bật mí” rằng vợ anh có được sự giúp đỡ của thầy, cô  ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Các thầy, cô đã chuyển giao cho các chủng vi sinh vật bản địa dòng thuần, có hoạt lực cao và có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện nuôi cấy. Anh cũng nói rõ ra rằng, hai vợ chồng đã sử dụng chuối chín xay nhỏ, rỉ đường, cám gạo, tinh bột, dịch chiết nấm men… trộn đều cùng các vi sinh gốc trên trong điều kiện yếm khí để tạo ra chế phẩm vi sinh. Nhờ men vi sinh, quy trình chăn nuôi của hai vợ chồng là một vòng tuần hoàn khép kín, hoàn hảo. Gà sinh trưởng và phát triển tốt mà không cần phải bổ sung thêm bất kỳ chất hóa học nào. Anh Nguyễn Văn Luật nói: “Chúng tôi đang cố gắng mở rộng quy mô chuồng trại, tập trung quảng bá giá trị sản phẩm để ngoài tiêu thụ sản phẩm thì còn hướng người tiêu dùng cách nhận biết sự khác biệt của một nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao, để sử dụng sản phẩm sạch, an toàn…”.

Chủ nhân quả trứng gà an toàn sinh học, chị Trần Thị Thúy Hồng trước ống kính phóng viên; Gà nuôi thả tại trang trại Luật Hồng.
Chủ nhân quả trứng gà an toàn sinh học, chị Trần Thị Thúy Hồng trước ống kính phóng viên; Gà nuôi thả tại trang trại Luật Hồng.

Với doanh nhân Nguyễn Giang Hoài, sở dĩ anh công phu mày mò tìm kiếm đưa giống quýt Jeju từ xứ lạnh Hàn Quốc về Quỳ Hợp lai ghép, tạo nên dòng cây có múi chất lượng cao là bởi mong muốn thành toàn ý nguyện của bậc sinh thành. Anh tâm sự: “Cha tôi người Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh nhưng lập nghiệp ở Quỳ Hợp. Ông từng là Trưởng phòng Nông nghiệp thời kỳ đầu của huyện. Khi còn sống, ông từng tha thiết muốn tìm một số dòng cây ăn quả có múi chất lượng cho vùng đất này. Nhưng ý nguyện chưa thực hiện được thì ông qua đời. Đau đáu về ý nguyện của ông, nên tôi luôn khát khao chuyển hướng sang làm nông nghiệp, tìm kiếm một số giống cây ăn quả để đền đáp vùng đất gia đình tôi nặng nghĩa ân tình…”.

Doanh nhân Nguyễn Giang Hoài (trái) cùng Giám đốc Sở KHCN Trần Quốc Thành bên cây quýt Nghệ HT-01.
Doanh nhân Nguyễn Giang Hoài (trái) cùng Giám đốc Sở KHCN Trần Quốc Thành bên cây quýt Nghệ HT-01.

Về hướng trong tương lai, doanh nhân Nguyễn Giang Hoài cho biết, sau khi thực hiện đầy đủ quy trình khảo nghiệm, năm 2021, giống quýt HT-01 đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chấp thuận. Vì vậy, từ năm 2022, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Phủ Quỳ sẽ đầu tư sản xuất cây giống để cung ứng cho người dân có nhu cầu. “Tôi đã hình dung về những vườn quýt Nghệ HT-01 trên những triền non, lũng núi, thay thế những vườn cam bị phá bỏ. Và hy vọng quýt Nghệ HT-01 sẽ góp phần giúp người dân không chỉ giảm nghèo mà còn có thể làm giàu trên đồng đất của mình…” – doanh nhân Nguyễn Giang Hoài nói.

Chủ nhân của sản phẩm bột chè Matcha Hasafood là anh Nguyễn Sơn Tin và anh Nguyễn Trọng Sinh. Đây là những người trẻ từng có thời gian học tập, làm việc với người Hàn Quốc, thu nạp được những tri thức bổ ích. Họ cùng sinh ra và lớn lên ở xã Minh Hợp, hiểu quê hương có bề dày truyền thống về cây ăn quả. Nhưng cũng nhận thấy các sản phẩm từ cây ăn quả chưa phong phú, trong khi người nông dân bán sản phẩm thì thường bị tư thương ép giá, nợ tiền. Bởi quê hương nhiều những tiềm năng nhưng chưa được khai mở, nên họ đã trở về.

Bột chè Matcha, các sản phẩm dứa, xoài sấy lạnh của Công ty Hasafood.
Bột chè Matcha, các sản phẩm dứa, xoài sấy lạnh của Công ty Hasafood.

Công ty Hasafood đã ra đời năm 2019 với hệ thống công nghệ sấy lạnh hiện đại nhất, sản xuất ra các dòng sản phẩm chủ lực gồm chuối sấy giòn Hasafood, mít sấy giòn Hasafood, chuối tiêu hồng sấy lạnh Hasafood và bột chè Matcha Hasafood. Những dòng sản phẩm này được nhiều người ưa chuộng bởi độ giòn, độ ngọt vừa phải, dễ ăn, phù hợp với khẩu vị người lớn và trẻ em. Ưu điểm của các sản phẩm còn ở chỗ được sản xuất bằng phương pháp tiên tiến, chú trọng khâu vệ sinh, hoàn toàn sạch, không lẫn tạp chất, không sử dụng các chất phụ gia, chất bảo quản có thể làm hại tới sức khỏe người dùng. “Chúng tôi đang phấn đấu mở rộng quy mô sản xuất để góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương. Giải quyết vấn đề đầu ra cho các nhà vườn trong khu vực, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương…” – anh Nguyễn Sơn Tin trao đổi.

Làm nghề báo khiến tôi đã không ít lần lên Quỳ Hợp – vùng đất của những mỏ đá trắng, thiếc. Ở đó, đã rất nhiều lần nghe những cán bộ chủ chốt tâm sự, mong “thoát ly” khỏi những đá trắng, thiếc, bởi những hệ lụy từ khai thác trái phép khoáng sản và ô nhiễm môi trường. Giữa năm 2021, trong một lần lên làm việc, thì được nghe Phó Chủ tịch UBND huyện Quán Vi Giang trao đổi nhiều về lĩnh vực nông nghiệp, nói về việc huyện đang tìm, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tham gia cuộc thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Từ đây, đã thường xuyên có sự kết nối, nên khi có kết quả cuộc thi thì anh Quán Vi Giang đã thông tin.

Sản phẩm của Công ty Hasafood.
Sản phẩm của Công ty Hasafood.

Ngày Xuân mới Nhâm Dần 2022, tôi đã liên hệ, nhắc lại những sản phẩm OCOP cùng những khát vọng của doanh nhân Nguyễn Giang Hoài, Nguyễn Văn Luật, Nguyễn Sơn Tin… với Phó Chủ tịch UBND huyện Quán Vi Giang. Anh tâm tư, dù Quỳ Hợp là vùng đất của đá trắng và thiếc, nhưng kinh tế nông nghiệp là nền tảng, kể cả thời điểm hiện tại hay trong tương lai. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền Quỳ Hợp luôn mong mỏi thúc đẩy một nền nông nghiệp chất lượng cao, phát triển bền vững; ấp ủ, tạo dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc sản của địa phương.

“Năm 2022, Quỳ Hợp đã lên kế hoạch phấn đấu có thêm từ 10 – 15 sản phẩm dự thi Chương trình OCOP của tỉnh. Vì vậy, cùng với những chính sách mà tỉnh đã ban hành thúc nhằm đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy Chương trình OCOP, Quỳ Hợp cũng đang tìm hướng hỗ trợ giúp những người có tâm huyết thực hiện khát vọng một cách thiết thực nhất. Để từ đó, sẽ nhiều thêm những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân quan tâm, xây dựng sản phẩm đặc sản của địa phương, lan tỏa được Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” mà tỉnh đã phát động…” – Phó Chủ tịch UBND huyện Quán Vi Giang tâm huyết.

Thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh: Sách Nguyễn
Thị trấn Quỳ Hợp. Ảnh: Sách Nguyễn