Tên gọi Hưng Nguyên có từ năm 1469, khi Vua Lê Thánh Tông ra chỉ dụ định lại bản đồ cả nước. “Hưng” nghĩa là phát triển, thịnh vượng và “Nguyên” là nguồn nước, là khởi nguồn. Gắn với tên đất, trong từng giai đoạn lịch sử, những con người sinh sống trên mảnh đất này luôn thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên. Khát vọng trở thành huyện nông thôn mới của Hưng Nguyên hôm nay chính là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; xây dựng bộ mặt Hưng Nguyên khang trang, hiện đại. Từ khát vọng tạo động lực to lớn cổ vũ quyết tâm khắc phục khó khăn, biến cái không thuận lợi thành lợi thế riêng của mình để phát triển. Điều này được thể hiện rõ trong sản xuất nông nghiệp của huyện.
Đồng chí Lê Phạm Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Dù đồng đất thấp trũng, cuối nguồn nước, song với lợi thế phụ cận thành phố Vinh nhiều tiềm năng về thị trường, thời gian qua, Hưng Nguyên kiên trì theo đuổi định hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá có hàm lượng khoa học công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Với cây lúa, địa phương đưa vào khảo nghiệm nhiều giống lúa mới có chất lượng gạo ngon, vừa kháng bệnh và chịu hạn tốt. Huyện đã xây dựng được vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao với hơn 3.300 ha và từng bước xây dựng thương hiệu gạo Hưng Nguyên.
Trên đồng đất Hưng Nguyên đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, như mô hình nhà màng, nhà lưới tại xã Hưng Thành, Hưng Mỹ; mô hình trồng cây dược liệu kết hợp chăn nuôi an toàn tại xã Long Xá; mô hình rau an toàn theo hướng VietGAP tại các xã Hưng Thành, Long Xá, Châu Nhân. Hình thành được một số mô hình chanh không hạt, cam Xã Đoài, bưởi, ổi… Trong chăn nuôi có những mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học có quy mô 1.000 – 1.500 con lợn/lứa và nuôi gà trên 10.000 con ở xã Hưng Nghĩa và xã Hưng Tân; nuôi gà đen ở xã Hưng Tân; nuôi tôm càng xanh ở xã Hưng Phúc và thị trấn; nuôi ếch, lươn, ba ba, ốc bươu đen ở thị trấn và các xã Châu Nhân, Hưng Tân; nuôi cá lồng trên sông Lam tại xã Hưng Thành; nuôi dê, gà Dabaco, gà Mông tại xã Châu Nhân…
Khát vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Hưng Nguyên còn được thể hiện bằng sự hy sinh lợi ích cá nhân, quyết tâm dồn sức, dồn lực đóng góp xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông, thuỷ lợi, trường học, trạm y tế, các công trình văn hoá, thể thao, điện chiếu sáng, hệ thống cây xanh, vệ sinh môi trường… Kết thúc năm 2021, Hưng Nguyên có 16/17 xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã Hưng Tân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. 9 tiêu chí nông thôn mới cấp huyện cũng được cấp uỷ, chính quyền Hưng Nguyên lần lượt tháo gỡ khó khăn, triển khai quyết liệt, đảm bảo về đích huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Khát vọng phát triển cũng trở thành động lực thôi thúc cấp uỷ, chính quyền nỗ lực; người dân sẵn sàng nhường đất, tài sản để thu hút các dự án đầu tư công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Hiện tại khu công nghiệp VSIP đang tiếp tục được mở rộng đầu tư và đã có 28 dự án vào đầu tư (12 nhà đầu tư FDI, 16 nhà đầu tư trong nước), thu hút hơn 37.000 lao động; trong đó đã có 20 dự án đi vào hoạt động, 3 dự án đang triển khai, 8 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư…
Cùng với khát vọng trước mắt là đích đến huyện nông thôn mới vào năm 2023, Đảng bộ và Nhân dân Hưng Nguyên đang nung nấu khát vọng phát triển ở một tầm cao hơn. Khát vọng đó được định hướng rõ thông qua quy hoạch vùng huyện Hưng Nguyên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 được huyện xây dựng và đang trình tỉnh phê duyệt.
Đồng chí Lê Phạm Hùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Hưng Nguyên có các tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ I, Quốc lộ 46, 46B, 46C, đường cao tốc Bắc – Nam đang thi công, đường sắt Bắc – Nam và gần sân bay Vinh. Bên cạnh đó, yếu tố thiên thời, địa lợi mà người xưa thường nói: “Nhất cận thị, nhì cận sông”, Hưng Nguyên có đủ hai yếu tố, đó là liền kề đô thị Vinh được định hướng phát triển trở thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ và dòng sông Lam đi qua các xã Hưng Lĩnh, Long Xá, Xuân Lam, Hưng Thành, Châu Nhân, Hưng Lợi. Hưng Nguyên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, chiến lược quan trọng của tỉnh với khu công nghiệp VSIP đang được đầu tư, mở ra cơ hội cho địa phương phát triển thành khu vực phát triển công – nông nghiệp công nghệ cao, đô thị dịch vụ – du lịch theo hướng bền vững. Và sự phát triển của địa phương thời gian qua cũng đã tạo được những nền tảng, động lực quan trọng cho chặng đường phát triển tiếp theo.
Trên cơ sở những lợi thế và cơ hội phát triển nêu trên, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết thêm về mục tiêu của huyện nhà: Định hướng phát triển vùng Hưng Nguyên trở thành vùng kinh tế tổng hợp trọng điểm của tỉnh về công nghiệp; dịch vụ thương mại – du lịch; nông lâm ngư nghiệp công nghệ cao. Theo đó, Hưng Nguyên định hướng 3 vùng không gian lãnh thổ tương ứng 3 chức năng phát triển kinh tế tập trung gắn 3 vùng đô thị với 4 đô thị “hạt nhân” tạo động lực lan toả cho từng vùng, gồm: Đô thị Hưng Yên Bắc; đô thị trung tâm thị trấn; đô thị Hưng Thông – Long Xá; đô thị Hưng Phúc. Yêu cầu đặt ra trong phát triển phải đảm bảo hài hòa giữa các vùng đô thị và nông thôn, các vùng chức năng, phù hợp với từng vùng; tôn trọng tự nhiên, ứng phó với các vấn đề về biến đổi khí hậu để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Mặt khác phát triển vùng huyện Hưng Nguyên phải đảm bảo kết nối, gắn chặt, tạo thể thống nhất về không gian kinh tế đô thị Vinh và các huyện Nghi Lộc, Nam Đàn.
Với định hướng phát triển vùng huyện Hưng Nguyên, Đảng bộ và Nhân dân trên quê hương cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đang đặt ra quyết tâm chung tay, đoàn kết mở ra thời kỳ phát triển mới nhanh hơn, vững chắc hơn, phấn đấu xây dựng huyện vững mạnh toàn diện trong chặng đường mới.
Thái Huy Bích
Rất đẹp và rất ý nghĩa, nhất là đúng thời điểm. Cám ơn người Biên tập bài và ảnh.