Khẳng định vai trò nữ đại biểu dân cử – Bài cuối: Quan tâm công tác tạo nguồn

Trong tham luận chia sẻ kinh nghiệm kết nối, phát huy vai trò đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An thông qua hoạt động nhóm Nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh đã thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù đã có nhiều sự quan tâm nhưng đại biểu nữ tham gia cơ quan dân cử nhiệm kỳ 2021- 2026 trên địa bàn Nghệ An còn gặp phải những khó khăn nhất định. Đó là: Tỷ lệ nữ đại biểu tái cử thấp, chủ yếu tham gia nhiệm kỳ đầu nên chưa có kinh nghiệm, lúng túng trong thực hiện vai trò đại diện cho người dân; một số ý kiến, kiến nghị tại các diễn đàn, các kỳ họp, các cuộc tiếp xúc cử tri chưa thực sự đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cử tri; một số đại biểu nữ còn có tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn tham gia phát biểu tại các diễn đàn…

Ông Nguyễn Thế Mạnh – Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông cho biết: Các nữ đại biểu dân cử cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn và sau khi trúng cử phần lớn đã thực hiện tốt chức năng, vai trò của mình. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực cụ thể, ví dụ y tế, giáo dục… nếu đại biểu Hội đồng nhân dân không phải là lãnh đạo ngành thì việc bao quát vấn đề còn hạn chế, nên đại biểu chưa có nhiều ý kiến tham vấn cho ngành để giải đáp những vấn đề cử tri còn băn khoăn, chưa mạnh dạn phát biểu hoặc phát biểu chưa sát với thực tế, chưa đúng trọng tâm.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri và dự Ngày hội Đại đoàn kết tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh: Đặng Cường
Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri và dự Ngày hội Đại đoàn kết tại xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Ảnh: Đặng Cường

Đồng tình với ý kiến trên, ông Vi Văn Cường- Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũng cho biết, đối với nữ đại biểu HĐND, nhất là những người không phải là lãnh đạo đơn vị, địa phương, không phải là lãnh đạo ngành còn có một số hạn chế. Bởi công tác trong một lĩnh vực, các đại biểu sẽ khó dành thời gian để tìm hiểu, nắm bắt tình hình ở các lĩnh vực khác. Chưa kể, nếu không phải là lãnh đạo thì tầm bao quát cũng như tác động đến tiến độ giải quyết vấn đề người dân phản ánh cũng sẽ chậm hơn và đối với những nội dung có “đụng chạm” đôi khi các nữ đại biểu còn e ngại trong phản ánh, kiến nghị.

“Một số nữ đại biểu là thành viên các ban của HĐND huyện nhưng do họ cũng là lãnh đạo địa phương phải gánh vác nhiều việc nên có những cuộc giám sát, khảo sát họ không thể tham gia. Một số nữ đại biểu ở thôn, bản tuy có uy tín, kinh nghiệm hoạt động ở cơ sở, được người dân tín nhiệm nhưng trình độ, năng lực hạn chế nên phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động”, bà Lô Thị Hưng – Phó Trưởng ban Pháp chế (HĐND huyện Tương Dương) cho hay.

Chị Vi Thị Ánh - đại biểu HĐND huyện Tương Dương trao đổi với người dân bản Phồng. Ảnh: H.T
Chị Vi Thị Ánh - đại biểu HĐND huyện Tương Dương trao đổi với người dân bản Phồng. Ảnh: H.T

Mặt khác do cùng lúc kiêm nhiệm nhiều chức danh nên một số nữ đại biểu bày tỏ còn lúng túng trong việc sắp xếp hài hòa giữa việc gia đình, việc xã hội và việc hoàn thành vai trò của một đại biểu dân cử. Chị Vi Thị Ánh, người Tày Poọng, đại biểu HĐND huyện Tương Dương khoá XX, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Hợp, Bí thư Chi bộ bản Phồng cho hay: Được tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND huyện là niềm vinh dự và trách nhiệm lớn đối với một phụ nữ người dân tộc thiểu số như tôi. Vì vậy, tôi luôn cố gắng trau dồi kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng, tích cực nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của Nhân dân để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri địa phương. Tuy nhiên, do đặc thù địa bàn khó khăn,  việc cập nhật thông tin, chính sách chưa kịp thời, bản thân lại kiêm nhiệm nhiều chức danh nên đôi lúc còn lúng túng trong việc sắp xếp, bố trí thời gian để hoàn thành tốt các vai trò của mình. Đặc biệt là vai trò “cầu nối” gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của cử tri và người dân đến các cơ quan chức năng cao nhất.

Lãnh đạo HĐND xã Lạng Khê (Con Cuông) trao đổi với PV về vai trò của các nữ đại biểu dân cử. Ảnh: H.T
Lãnh đạo HĐND xã Lạng Khê (Con Cuông) trao đổi với PV về vai trò của các nữ đại biểu dân cử. Ảnh: H.T

Còn ở huyện biên giới Kỳ Sơn, nói về những khó khăn khi các cán bộ hội, đoàn thể, lãnh đạo các xã, bản đảm nhận thêm vai trò là đại biểu HĐND các cấp, ông Xeo Văn Nam – Phó Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn cho biết: Nhiệm kỳ 2021-2026, Kỳ Sơn có 8 đại biểu nữ HĐND huyện; 87 nữ đại biểu HĐND xã, trong đó 34 nữ đại biểu nữ ở  thôn bản. 100%  chị em đều là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở nhiều địa bàn xa của huyện. Ngoài việc đảm nhận vai trò là Bí thư chi bộ, hoặc Chủ tịch UBND xã, hoặc tham gia Chi hội phụ nữ, Ban công tác Mặt trận… họ gánh thêm nhiều đầu việc, thường xuyên phải đi cơ sở. Song do địa hình đặc thù của huyện Kỳ Sơn nhiều đồi núi cao, đường đi hiểm trở, các địa bàn lại cách xa nhau hàng chục cây số nên các chị em rất vất vả, thậm chí có lúc gặp nguy hiểm khi đi những cung đường dốc, quanh co, trơn trượt khi trời mưa, khi gặp thiên tai bất ngờ.

Ngoài ra, với mặt bằng đời sống còn khó khăn, các chị em kiêm nhiệm nhiều vai trò nên việc có thêm cơ hội, thời gian để học tập nâng cao trình độ, để nghiên cứu các văn bản pháp luật, bổ sung kiến thức còn rất hạn chế. Ví như đại biểu HĐND các xã Đoọc Mạy, Bảo Thắng, Na Loi… Ở các địa phương này, các nữ đại biểu HĐND còn đảm nhận vai trò là Chủ tịch UBND xã, Chi hội trưởng, Chi hội phó Hội Phụ nữ thường xuyên phải đi về các thôn, bản, rồi đi họp ở huyện với quãng đường đến các bản 15-30km, hoặc 50-70km nếu ra trung tâm huyện, nên ảnh hưởng khá lớn đến sức khoẻ cũng như tiến độ triển khai công tác.

Một góc xã Bắc Lý (Kỳ Sơn).
Một góc xã Bắc Lý (Kỳ Sơn).

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng và Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ…”.

Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của nữ đại biểu HĐND các cấp, giải pháp căn cơ là việc tạo nguồn, xây dựng được đội ngũ nữ đại biểu HĐND đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đủ tâm, đủ tầm đảm đương nhiệm vụ. Bên cạnh đó, quan tâm tạo cho các nữ đại biểu dân cử môi trường làm việc thuận lợi, trang bị kiến thức, kỹ năng mềm và kinh nghiệm thực tế để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Các nữ đại biểu dự phiên họp thường kỳ tháng 3 của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy
Các nữ đại biểu dự phiên họp thường kỳ tháng 3 của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: Thành Duy

Bà Lô Thị Hưng – Phó trưởng Ban Pháp chế (HĐND huyện Tương Dương) cho hay: Nhiệm kỳ 2021-2026, Tương Dương có 12 nữ đại biểu HĐND huyện. Nhìn chung chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ứng cử nhiệm kỳ này có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt về năng lực, trình độ, độ tuổi. Bên cạnh làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho các đại biểu,cấp ủy, chính quyền cần chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện để các nữ đại biểu HĐND tích cực nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cơ chế, chính sách liên quan đến quyền lợi của Nhân dân, qua đó thể hiện tốt vai trò đại biểu dân cử của mình. “Để khắc phục tình trạng đại biểu ít tham gia phát biểu ý kiến, trước mỗi kỳ họp thường trực HĐND huyện Tương Dương đều yêu cầu nghiên cứu kỹ tài liệu để có ý kiến, đề xuất. Đồng thời, đưa vào quy chế đánh giá nên đã khuyến khích được chị em mạnh dạn tham gia thảo luận, chất vấn, bày tỏ chính kiến trước các vấn đề mà cử tri quan tâm”.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh phát huy vai trò của những đại biểu đương nhiệm, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện đội ngũ kế cận đóng vai trò cần thiết. Ngoài ra, rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện và “mở” hơn trong cơ cấu cán bộ nữ; có sự điều chỉnh cơ chế, chính sách về giới, tạo sự công bằng cũng như sự ghi nhận vai trò thực chất của phụ nữ từ cấp ủy, chính quyền các cấp để nâng tỷ lệ và chất lượng nữ đại biểu dân cử, tiến tới mục tiêu bình đẳng trong hoạt động chính trị.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ cơ sở tại kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Về phía Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết: Trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai các hoạt động trọng tâm sau: Tiếp tục tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho thành viên trong nhóm; giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Hội LHPN Việt Nam. Tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, nhất là chương trình “Mẹ đỡ đầu – Kết nối yêu thương”. Chú trọng nâng cao chất lượng tham gia ý kiến của nữ đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh trong và các diễn đàn của Quốc hội, HĐND tỉnh; hướng dẫn thành viên trong nhóm dành thời gian tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đồng thời tham gia các cuộc họp chi bộ tại thôn/xóm nơi ứng cử và nơi cư trú để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh tới nghị trường Quốc hội, HĐND tỉnh. Qua đó, phát huy vai trò, phẩm chất của nữ đại biểu gần gũi, gắn bó với Nhân dân, thể hiện vai trò của nữ đại biểu trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và bình đẳng giới.

Trước đó, tại lễ Công bố Quyết định thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An trong Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Thanh Quý cũng đã đề nghị thông qua hoạt động của mình, Nhóm nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh cần phát hiện các nhân tố nữ không chỉ riêng trong các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn ở trên tất cả các lĩnh vực của đời sống như: Lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh… để phối hợp với hội viên phụ nữ các cấp kèm cặp, hướng dẫn, giúp đỡ, động viên, phát huy tinh thần tự chủ, sức sáng tạo, vươn lên của nữ giới; đồng thời qua đó phát hiện được thêm các nhân tố nữ giới thiệu cho tổ chức, doanh nghiệp, bộ máy nhằm tăng cường thêm đội ngũ cán bộ quản lý là nữ trên tất cả các lĩnh vực.

Nữ đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tại Công ty Xăng dầu Nghệ An. Ảnh: An Quỳnh
Nữ đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tại Công ty Xăng dầu Nghệ An. Ảnh: An Quỳnh

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân các nữ đại biểu dân cử cần nỗ lực khắc phục khó khăn, không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm; thường xuyên nghiên cứu văn bản tài liệu, nắm bắt chính sách pháp luật; sâu sát thực tế, nâng cao kỹ năng tổng hợp, phân tích, so sánh đối chiếu các thông tin, dữ liệu; khả năng phát hiện vấn đề để kiến nghị, đề xuất, thảo luận, chất vấn, giám sát việc thực hiện những vấn đề cử tri quan tâm… Từ đó làm tốt vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử; khẳng định vai trò, bản lĩnh của phụ nữ trên chính trường; xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cử tri.