Nhiệm kỳ 2021-2026, Nghệ An có 13/13 ứng cử viên trúng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 04 đại biểu nữ, chiếm 30,77%; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 83/83 đại biểu trúng cử, trong đó có 23 đại biểu nữ, chiếm 27,71%; Hội đồng nhân dân cấp huyện có 736/737 đại biểu trúng cử, trong đó có 230 đại biểu nữ, chiếm 31,25%; Hội đồng nhân dân cấp xã có 10.885/10.991 đại biểu trúng cử, trong đó có 3.262 đại biểu nữ, chiếm 29,97%. Điều này minh chứng sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác cán bộ nữ nói chung và cán bộ nữ tham gia cơ quan dân cử nói riêng.
Và thực tế cho thấy, trong các nhiệm kỳ, các nữ đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh đã thể hiện được trí tuệ, tài năng và bản lĩnh của những người đại diện cho tiếng nói của nhân dân. Dù ở bất kỳ cương vị, cơ quan công tác, địa phương nào, họ cũng cố gắng học tập nâng cao trình độ, giữ vững phẩm chất người đại biểu nhân dân, gần gũi, gắn bó với cử tri, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến với Quốc hội và HĐND tỉnh; đóng góp tích cực vào hoạt động của cơ quan dân cử, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương và sự nghiệp bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Tại huyện Con Cuông, nhiệm kỳ 2021-2026 có 12 nữ đại biểu HĐND huyện, 95 nữ đại biểu HĐND xã, đảm bảo cơ cấu ngành, độ tuổi, lĩnh vực, thành phần dân tộc. Trong đó, có những xã tỷ lệ đại biểu nữ khá cao như xã Môn Sơn, Chi Khê có 10/25 đại biểu là nữ. Theo ông Nguyễn Thế Mạnh – Phó Chủ tịch HĐND huyện: Các nữ đại biểu cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, có độ “chín” trong từng lời nói, hành động. Một số chị ở cấp xã đã có nhiều nhiệm kỳ làm đại biểu dân cử, đồng thời là người đứng đầu ở địa phương nên có nhiều kinh nghiệm giải quyết kiến nghị của cử tri trong phạm vi thẩm quyền, như chị Lô Thị Mậu – Chủ tịch UBND xã Lục Dạ, chị Lô Thị Thủy – Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, chị Lương Xu Ly – Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Cam Lâm.
Nhiều nữ đại biểu ở cơ sở đã tạo dấu ấn tốt với cử tri và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Điển hình như chị Lô Thị Hoa – Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xã Yên Khê, đại biểu Hội đồng nhân dân huyện Con Cuông khoá XX. Là nữ đại biểu dân cử người dân tộc Thái, chị không chỉ tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng nhân dân tại nơi bầu cử, tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, các cuộc giám sát, tích cực phát biểu trong các phiên thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện, kịp thời phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri đến Hội đồng nhân dân huyện và các cơ quan có thẩm quyền, mà còn có nhiều hoạt động đóng góp cho địa phương.
“Chị Hoa và Hợp tác xã du lịch cộng đồng luôn tích cực hỗ trợ các thôn, bản như chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn… đặc biệt là việc phục hồi, giữ gìn, phát huy và truyền dạy nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát mây tre đan. Dưới sự dẫn dắt của chị Hoa, điểm du lịch cộng đồng, sinh thái bản Nưa, xã Yên Khê được UBND tỉnh Nghệ An công nhận điểm du lịch cấp tỉnh…”, chị Lương Thị Hương – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND huyện Con Cuông nhận xét.
Tại thị xã Hoàng Mai nhiệm kỳ 2021 – 2026, có 9/32 đại biểu HĐND thị xã là nữ, chiếm tỷ lệ 28,1%. Ở cấp xã, phường có 71/235 đại biểu nữ, chiếm 30,2%. Trong đó có nhiều nữ đại biểu là Bí thư cấp ủy, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường; trưởng các ban, ngành các cấp. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện thì chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ứng cử nhiệm kỳ này có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt về năng lực, trình độ. Các nữ đại biểu HĐND các cấp đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm người đại biểu Nhân dân, “nói cho cử tri nghe” và “lắng nghe cử tri nói”; đề xuất nhiều giải pháp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh ở địa phương và giúp cho việc ban hành các Nghị quyết của HĐND cùng cấp có tính khả thi.
Tại các phiên thảo luận và chất vấn ở các kỳ họp, nhiều đại biểu nữ với tinh thần trách nhiệm cao, mang tính xây dựng đã thẳng thắn chất vấn, phản biện tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền lợi sát sườn của cử tri, được cử tri quan tâm như: nước sinh hoạt nông thôn, chất lượng các tuyến đường giao thông, tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng giáo dục, ô nhiễm môi trường, nguyên nhân giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt thấp, tình trạng chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hệ thống lưới điện xuống cấp… Nhiều ý kiến sau đó đã được các cấp, ngành giải quyết dứt điểm, nhanh chóng, góp phần tạo niềm tin của cử tri vào các đại biểu dân cử.
Để tạo diễn đàn cho các nữ đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh có cơ hội, điều kiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động đại biểu, hỗ trợ cho các đại biểu hoạt động tốt hơn, phát huy hiệu quả hơn vai trò đại diện của mình, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, ngày 2/12/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Quyết định số 116 về việc thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021 -2026 gồm 26 thành viên. Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khoá XVIII, vào tháng 12 năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh Nghệ An đã công bố Quyết định thành lập và ra mắt nhóm nữ đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Nghệ An nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ban Văn hóa – xã hội (Hội đồng nhân dân tỉnh) là đơn vị được giao phối hợp với nhóm tổ chức các hoạt động, kinh phí hoạt động của nhóm được bố trí từ ngân sách của HĐND tỉnh và nguồn xã hội hóa.
Phát biểu tại Lễ công bố, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh: Việc các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh đã bàn bạc, góp tiếng nói đề xuất thành lập nhóm là sự khởi đầu rất tốt, thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của các nữ đại biểu dân cử. Tuy nhiên, làm sao để sau khi thành lập nhóm trở thành diễn đàn của các nữ đại biểu dân cử thiết thực, có hiệu quả, tôn vinh được trí tuệ, tài năng, bản lĩnh, tiếng nói của người đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND tỉnh khóa XVIII trong nghị trường, xã hội và cả công tác đối nội, đối ngoại mới là điều quan trọng.
Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý trong quá trình hoạt động, nhóm cần chú ý tập trung nhiều vào những vấn đề của phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới; những vấn đề đang nóng như buôn bán phụ nữ, trẻ em, mất cân bằng giới tính; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, nhất là trẻ em gái… Người đứng đầu Tỉnh uỷ cũng đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, ban, ngành liên quan trong tỉnh tạo mọi điều kiện cho hoạt động của nhóm hiệu quả, thiết thực, đúng theo tôn chỉ, mục đích, định hướng.
Theo đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh: Nghệ An là địa phương đầu tiên trong nhiệm kỳ 2021-2026 được Thường trực HĐND tỉnh ban hành quyết định thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh. Điều này thể hiện sự quan tâm, kỳ vọng của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh đối với nữ đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh nhiệm kỳ này và là một điểm mới trong hoạt động dân cử của tỉnh.
Sau lễ ra mắt, Thường trực nhóm đã xây dựng quy chế hoạt động trong cả nhiệm kỳ, tập trung vào 5 nội dung chính: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nữ đại biểu cả về kiến thức và kỹ năng nhằm phát huy vai trò của đại biểu trong hoạt động của Quốc hội, HĐND; phát huy sự tham gia của nữ đại biểu vào các hoạt động an sinh xã hội, nhất là trong hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tăng cường sự kết nối giữa nhóm với Hội LHPN tỉnh và các ngành trong tỉnh để thực hiện mục tiêu lồng ghép giới trong xây dựng các chương trình, kế hoạch, nghị quyết phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; kết nối, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm đối với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội và các Câu lạc bộ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh; tăng cường sự tương tác giữa các tổ nữ đại biểu với địa phương và cử tri nơi mình ứng cử.
Thực tế từ khi thành lập đến nay, nhóm đã tích cực, chủ động gắn bó hơn trong thực hiện nhiệm vụ đại biểu, đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt có nhiều hoạt động hướng tới cử tri là phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, nhóm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các diễn đàn, hội nghị nâng cao năng lực cho nữ đại biểu, tạo nên sự gắn bó, gần gũi mật thiết trong chị em. Như tổ chức Hội nghị tập huấn “Nhóm lãnh đạo nữ tự tin hội nhập”, Hội thảo chuyên đề “Lãnh đạo nữ truyền cảm hứng”; Gặp mặt, động viên đoàn đại biểu tỉnh Nghệ An tham dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII. Bên cạnh đó, chủ động thành lập trang Fanpage “Nữ đại biểu nhân dân Nghệ An” chuyển tải các hoạt động của nhóm lên trang Fanpage để tạo sự lan tỏa.
Hoạt động an sinh xã hội, vì cộng đồng cũng được nhóm nữ đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh quan tâm thực hiện. Nhóm đã kết nối với HĐND tỉnh, Hội LHPN tỉnh thăm, tặng quà cho 60 phụ nữ nghèo, trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2022, trị giá hơn 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu – Kết nối yêu thương”, hiện nay, nhóm đã đảm nhận đỡ đầu 04 cháu mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng nguồn tiền của các đại biểu nữ đóng góp. Mỗi cháu được hỗ trợ trong 5 năm, mỗi năm hỗ trợ 7 triệu đồng/cháu. Ngoài ra, đến thời điểm này, các nữ đại biểu trong nhóm đã nhận nuôi thêm 5 cháu với mức hỗ trợ từ 500.000 – 1.000.000 đồng/cháu/ tháng.
Điển hình như chị Lê Thị Kim Chung – Phó trưởng Ban Tuyên giáo, chính sách pháp luật (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An), đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã nhận nuôi cháu Ngô Ngọc Hân, sinh năm 2012 ở xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương. Cháu mồ côi mẹ đã ba năm, hiện ở với ông bà nội. “Không chỉ hỗ trợ bằng vật chất mà quan trọng hơn chúng tôi muốn bù đắp cho các cháu tình cảm thật sự, giúp các cháu có thêm động lực để vượt khó học giỏi, vươn lên trong cuộc sống”- Chị Chung chia sẻ.
Bên cạnh các hoạt động an sinh xã hội, nhóm nữ đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, năng động, sáng tạo, đồng thời có sự phân công, giao nhiệm vụ cụ thể để vừa tạo nên tiếng nói chung thống nhất trong tổ chức thực hiện hoạt động của nhóm, vừa phát huy sở trường, vai trò nhiệm vụ của từng thành viên. Qua đó, từng bước nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng của nữ đại biểu Quốc hội, HĐND trong quá trình xây dựng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật trong các diễn đàn, nghị trường của Quốc hội, HĐND tỉnh. Các nữ đại biểu dân cử cũng có những đóng góp tích cực trong tham gia các hoạt động giám sát, khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh; các diễn đàn góp ý dự thảo luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức, nhất là các vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực gia đình, công tác trẻ em, bình đẳng giới… Qua các hoạt động, đồng thời phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ nữ cho cấp ủy các cấp trong công tác quy hoạch cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh.