Khai thác lợi ích kép từ rác thải – Bài cuối: Đồng bộ chính sách, chọn cách làm hiệu quả

Với tiêu chí phát triển kinh tế song song với phát triển xã hội và môi trường sinh thái, vấn đề ô nhiễm môi trường được quan tâm hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội. Một trong những tác động chính đến môi trường là sức ép về xử lý nước thải và chất thải rắn. Ở Nghệ An hiện nay, mặc dù các cấp, ngành đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn rác thải phục vụ lợi ích kinh tế, song chưa có sự đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và các cách làm, dẫn đến hiệu quả thấp, sức lan tỏa chưa cao.

Hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom hàng ngày đang ngày càng nhiều và chưa được phân loại tại nguồn; các hộ cá nhân còn để lẫn chất thải nguy hại và chất thải xây dựng cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Mặt khác, nhiều hộ gia đình vẫn còn thói quen đổ rác bừa bãi ra vườn, ven đường giao thông, ao, hồ, sông, suối,… dẫn đến lượng rác sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng nhiều gây khó khăn cho công tác thu gom, xử lý, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, nhân dân lo lắng, bức xúc.

Hội Phụ nữ xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thực hiện phân loại rác thải tại gia.
Hội Phụ nữ xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) thực hiện phân loại rác thải tại gia.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, hiện nay, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn tỉnh là khoảng 1.121,36 tấn/ngày, bằng 75,4% lượng rác thải ra. Cụ thể, tại khu vực các đô thị lượng thu gom đạt 533,01 tấn/ngày (96,5%), khu vực nông thôn đạt 588,35 tấn/ngày (63%). Tại khu vực nông thôn, việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu đang do hợp tác xã tự tổ chức. Các địa phương đang tích cực thực hiện các tiêu chí về môi trường trong chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND các huyện đã và đang triển khai xây dựng các điểm tập kết chất thải rắn tại các xã, thành lập các tổ hợp tác xã dịch vụ môi trường. Việc phân bố dân cư khá xa nhau dẫn đến việc thu gom rác chưa triệt để, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, việc thu gom rác thải hầu như chưa thực hiện, rác thải thường được đốt tại gia đình. Rác thải ở nông thôn chiếm 69 – 70% tổng lượng rác thải phát sinh toàn tỉnh.

Đồ họa: H.Q
Đồ họa: H.Q

Hiện có nhiều hộ dân ở cấp xã, nhất là các xã miền núi tự tiêu hủy chất thải tại gia đình bằng các hình thức như chôn lấp, làm chất độn chuồng và phổ biến nhất là đốt thủ công ngay trong vườn nhà; hoặc chất thải rắn được đổ tại các bãi rác tạm. Đã có một số địa phương hướng dẫn nhân dân ở khu vực nông thôn xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học – biogas (như tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn) hoặc ủ sinh học làm phân hữu cơ compost (xã Nghi Liên, TP. Vinh) nhưng số lượng còn rất khiêm tốn. Tình trạng này khiến các bãi rác, nhất là các bãi rác nông thôn ngày một lớn hơn và là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ, tạo áp lực lớn cho cả người dân và chính quyền địa phương.

Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tại bãi rác tập trung xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh tư liệu: P.V
Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt tại bãi rác tập trung xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Ảnh tư liệu: P.V

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 15 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được đầu tư xây dựng và đang hoạt động. Trong đó, 9 khu xử lý chất thải rắn được xây dựng theo đúng quy hoạch; 4 khu xử lý đầu tư xây dựng chưa đồng bộ, sử dụng phương pháp chôn lấp/bán chôn lấp hoặc đốt tự phát; 2 khu xử lý chất thải rắn được xây dựng theo quy hoạch nông thôn mới. Bên cạnh đó, hiện đang có 2 dự án được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đầu tư mới. Song, con số này chưa đáp ứng đủ nhu cầu thu gom, xử lý hàng ngày lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường, nhất là khu vực nông thôn (chỉ mới thu gom được khoảng 63%).

Hơn nữa, mặc dù nhiều địa phương đã thực hiện thu gom, phân loại rác thải, điển hình như các phong trào của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, song dù được phân loại tại nguồn, nhưng khi thu gom thì lại chưa có hệ thống xử lý riêng, dẫn đến khập khiễng, giảm tác dụng, ý nghĩa của việc xây dựng thói quen phân loại rác trong nhân dân.

Công nhân Công ty Thái Bình Nguyên thu gom rác về bãi tập kết của công ty tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) để phân loại. Ảnh: Nguyễn Hải
Công nhân Công ty Thái Bình Nguyên thu gom rác về bãi tập kết của công ty tại xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) để phân loại. Ảnh: Nguyễn Hải

Những ngày cuối cùng của đợt nắng đầu tháng 4/2023, sau khi gieo cấy lúa xuân hè, cán bộ nông dân Thịnh Sơn (Đô Lương) triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh ứng dụng công nghệ sinh học vừa được Hội Nông dân tỉnh tập huấn. Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Sơn Lê Văn Dũng là người xung phong thực hiện đầu tiên bằng việc bắt tay vào nuôi sâu canxi và ủ rơm tại ruộng bằng men vi sinh.

Tại một góc của khu vực chăn nuôi của gia đình ở xóm Vạn Phúc, xã Thịnh Sơn, anh Lê Văn Dũng vui vẻ giới thiệu về thành phẩm sâu canxi mà mình đã nuôi được hơn 10 ngày. Sản phẩm sâu trưởng thành có thể cho gia cầm ăn trực tiếp, hoặc vỏ kén sâu có thể dùng cho gia súc, gia cầm ăn bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là canxi rất tốt cho sự phát triển của vật nuôi. Đồng thời, đây cũng là giải pháp giúp xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường.

Nông dân Đô Lương tiên phong thực hiện mô hình nuôi sâu canxi. Ảnh: P.V
Nông dân Đô Lương tiên phong thực hiện mô hình nuôi sâu canxi. Ảnh: P.V

Dẫn chúng tôi ra thửa ruộng lúa xanh mơn mởn của gia đình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thịnh Sơn dẫn chứng thêm bằng mẻ rơm vàng óng đã được ủ mềm bằng men vi sinh. Sau khi gặt lúa, trước đây người dân thường đốt rơm tại ruộng rất lãng phí. Một số thì thu gom về phơi khô. Với cách làm ủ rơm bằng men vi sinh ngay tại bờ ruộng vừa giúp phân huỷ, biến rơm thành nguồn phân bón xanh cho cây trồng vụ tiếp theo, lại giảm được ô nhiễm môi trường từ việc đốt rơm rạ.

Việc áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, “quay vòng” tận dụng các sản phẩm, phế phẩm không chỉ giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, mà còn nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Trước mắt, sau khi thí điểm thành công mô hình nuôi sâu canxi và ủ rơm tại ruộng ở xóm Vạn Phúc, Hội sẽ triển khai nhân rộng ra địa bàn toàn xã, rồi toàn huyện.

Nông dân xã Thịnh Sơn (Đô Lương) ủ rơm tại ruộng bằng men vi sinh.
Nông dân xã Thịnh Sơn (Đô Lương) ủ rơm tại ruộng bằng men vi sinh.

Cách làm của nông dân Đô Lương là một trong những biện pháp vừa giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, vừa bắt nhịp được xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn vốn được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công, mang tính bền vững. Kinh tế tuần hoàn là mô hình biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hay tuần hoàn trong nội tại của bản thân một cơ sở kinh tế, doanh nghiệp; là các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ nhằm kéo dài tuổi thọ vật chất, loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Chính vì vậy, phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị, giảm khai thác tài nguyên hữu hạn, giảm chi phí xử lý rác thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo việc làm mới…

Theo ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Luật Bảo vệ môi trường, Quốc hội thông qua năm 2020, chính thức luật hóa quy định về kinh tế tuần hoàn.

Huyện đoàn Nghĩa Đàn tặng thùng gom rác cho tổ liên gia ở xã Nghĩa Khánh. Ảnh tư liệu: Minh Thái
Huyện đoàn Nghĩa Đàn tặng thùng gom rác cho tổ liên gia ở xã Nghĩa Khánh. Ảnh tư liệu: Minh Thái

Ở Nghệ An, đã có nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tổ chức sản xuất sản phẩm từ các phụ phẩm, phế phẩm của ngành nông nghiệp như: thu mua rơm chế biến thức ăn cho bò sữa ở Tập đoàn TH, xây dựng hầm biogas cung cấp chất đốt cho nông dân, tái chế nhựa, giấy loại, đặc biệt là sử dụng chế phẩm Comfort Maker sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm phế thải của nông nghiệp, rác thải hữu cơ đang được nông dân, phụ nữ hưởng ứng…

Vì vậy, các cấp ngành cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm môi trường từ rác thải, cũng như ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt để giảm thiểu tối đa việc xả thải rác ra môi trường, từ đó thực hiện phân loại rác tại nguồn. Cùng với đó, cần quy hoạch xây dựng tổ hợp xử lý rác một cách đồng bộ theo tư duy kinh tế tuần hoàn để tận dụng “kho” tài nguyên rác, biến rác thải thành nguyên liệu cho các ngành kinh doanh, sản xuất mang lại lợi nhuận, hoặc giúp giảm chi phí sản xuất cho chính ngành phát sinh ra rác thải như cách Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đã và đang triển khai hiệu quả.