Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (1.648.650ha), trong đó diện tích đất nông nghiệp 1.485.456ha, chiếm 90,1% diện tích đất tự nhiên, là điều kiện khá thuận lợi để phát triển nông nghiệp; việc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững là rất phù hợp.
Trên địa bàn tỉnh hàng năm có khoảng gần 1 triệu tấn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp phong phú về chủng loại và trữ lượng để làm nguyên liệu sản xuất phân bón vi sinh như: Than bùn; bãi thải mía, đường, phế thải ngô, lạc, rau; phân lợn, trâu, bò gà; bùn đáy ao nuôi thủy sản. Biến phụ phẩm, rác thải thành phân bón hữu cơ là cách làm đã được nông dân khắp các vùng miền xứ Nghệ triển khai nhiều năm nay. Ủ rác thải hữu cơ thành phân bón không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải sinh hoạt thải ra môi trường hàng ngày, mà còn giúp người nông dân tiết kiệm chi phí mua phân bón, lại vừa giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng, từ đó nguồn thu nhập cũng tăng theo.
Tại huyện Hưng Nguyên, mô hình ủ rác thải hữu cơ thành phân bón được triển khai đem lại hiệu quả thiết thực và từng bước được nhân rộng trên địa bàn. Gia đình ông Hoàng Đức Lệnh – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm 9A, xã Hưng Trung làm 8 sào lúa, 1 sào vườn trồng các loại rau hàng hóa phục vụ thị trường. Ông Lệnh chia sẻ: Trước đây lượng rác thải sinh hoạt của gia đình tương đối nhiều, các loại rác hữu cơ như rau, lá cây; rác thải vô cơ như túi nilon, vỏ chai nhựa… để chung một chỗ. Trong khi đó, rác chưa được thu gom hàng ngày mà mỗi tháng chỉ 3 lần thu gom nên gây mùi hôi, ảnh hưởng môi trường. Được tuyên truyền, tập huấn, gia đình thực hiện phân loại và ủ rác làm phân hữu cơ bón cho cây trồng nên lượng rác thải ra giảm hẳn, đỡ ô nhiễm nhiều. Không chỉ dùng phân để bón cho cây ăn quả, mà còn bón cho vườn rau xanh, cây sinh trưởng và phát triển tốt, tạo nguồn rau an toàn phục vụ nhu cầu cho gia đình”.
Gia đình chị Hoàng Thị Hương ở xóm Bùi Thượng, xã Hưng Trung cũng ủ rác làm phân bón cho cam. Chị Hương cho biết: “Gia đình tôi trồng 3 sào cam Xã Đoài với hơn 100 gốc; bình quân mỗi vụ phải đầu tư gần 10kg lân và kali/gốc, sau đó bón thúc phân hữu cơ với lượng 10kg/gốc. Trước đây khi chưa có phân hữu cơ thì chủ yếu sử dụng phân vô cơ với chi phí cao (mỗi lần chăm bón chi phí 150.000 đồng/gốc); từ khi ủ và chăm bón thêm bằng phân hữu cơ thì lượng phân vô cơ được hạn chế, đỡ sâu bệnh, đất tơi xốp, và đặc biệt là đỡ chi phí mà môi trường cũng được cải thiện. Chúng tôi còn sử dụng loại phân này để chăm bón cho 3 sào bưởi da xanh. Năm nay, chi phí đầu vào để sản xuất đều tăng, từ làm đất, nhân công đến giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, giá phân bón tăng quá cao, nhẩm tính phải gấp đôi năm ngoái. Rất may là gia đình đã ủ được phân để bón cho cam, giảm được đáng kể chi phí mua phân bón”.
Chị Đinh Thị Kiên – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hưng Trung chia sẻ: Quy trình ủ phân hết sức đơn giản, theo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn; gia đình đào hố ủ, sau đó lót bạt phần đáy; mỗi lớp rác hữu cơ thì tưới một lượt chế phẩm sinh học rồi phủ kín để ủ rác. Bắt đầu thực hiện trong năm 2022, hiện toàn xã có 15 hộ thực hiện có hiệu quả. Tới đây, chúng tôi đang có kế hoạch nhân ra diện rộng, dự định chọn xóm 9A để triển khai.
Nói thêm về lợi ích ủ rác thải thành phân hữu cơ, ông Phạm Hồng Tiến – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên cho biết: Từ mô trình thu gom, phân loại, xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh phục vụ cho trồng trọt, đến nay, Hưng Nguyên có 18 xã, thị trấn và 4 hộ gia đình với 990 lượt hội viên nông dân tham dự. Số lượng sau khi thành phẩm được 35 tấn phân hữu cơ vi sinh trị giá 140,8 triệu đồng. Điều quan trọng nhất của mô hình là từng bước góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn lâu nay người dân và chính quyền các cấp đang trăn trở lo lắng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và giá cả phân bón tăng cao, tại nhiều địa phương, bà con nông dân có cách làm hay để thích ứng. Bà con nông dân huyện Tân Kỳ đã sản xuất đại trà phân bón hữu cơ vi sinh từ phân chuồng, cây xanh, rỉ mật với chế phẩm sinh học. Được biết, trung bình mỗi năm, bà con nông dân Tân Kỳ sản xuất ra khoảng 3.000 tấn phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng; khoảng 80% hộ dân sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh. Hàng năm, Hội Nông dân huyện Tân Kỳ phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân các xã trên địa bàn huyện.
Được tập huấn và thực hành quy trình kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ sinh học từ chế, phụ phẩm nông nghiệp quy mô hộ gia đình, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã làm được phân hữu cơ từ rác phục vụ sản xuất. Phương pháp này tốn rất ít chi phí, tiền mua chế phẩm, bạt lót đáy và đậy ủ và có thể sử dụng nhiều năm sau đó. Tùy theo lượng rác của gia đình mà có thể chia hố ủ thành 2 ngăn để bổ sung rác tiếp theo trong quá trình sinh hoạt. Bằng việc tận dụng các loại rác thải hữu cơ trong gia đình, như: Rau, cơm thừa, trái cây hư, đầu cá, rơm rạ… cho vào hố chôn lấp và đậy kín nắp để tránh nước mưa, các sinh vật vào đẻ trứng, ủ thành phân để bón cho cây trồng.
Dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành ở Nghệ An đã phối hợp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và vận động nông dân sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, mở các lớp tập huấn để trang bị kiến thức cho người dân về ứng dụng chế phẩm sinh học vào quy trình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; phát động và xây dựng các mô hình điểm sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh trong từng nhóm hộ nông dân, hộ gia đình. Nhờ vậy, tính từ năm 2017 đến 2022, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh sản xuất đạt 5.000 – 6.000 tấn phân bón hữu cơ mỗi năm từ rác thải.
Huyện Đô Lương có địa bàn khá rộng với 33 đơn vị hành chính, gồm 32 xã và 1 thị trấn; diện tích tự nhiên hơn 353km2 với dân số hơn 223.000 người. Năm 2023, huyện Đô Lương đang từng bước hoàn thiện chuẩn bị đón Bằng công nhận huyện nông thôn mới. Cùng với các cấp ngành, hội, đoàn thể, Đoàn Thanh niên ở Đô Lương cũng góp nhiều cách làm thiết thực xây dựng huyện nông thôn mới, trong đó có công tác bảo vệ môi trường, biến rác thải thành vật có ích, thành nguồn lợi kinh tế. Ở trung tâm các xã, thôn, xóm lượng rác thải sinh hoạt thải ra hàng ngày không nhỏ.
Cụ thể, Huyện đoàn Đô Lương trong nhiều năm đã đưa phong trào “Tuổi trẻ Đô Lương chung tay xây dựng nông thôn mới”, “xây dựng văn minh đô thị” lan tỏa rộng khắp 33 xã, thị với nhiều cách biến nguồn rác thải thành vật có ích, phục vụ cuộc sống như mô hình “Lốp xe cứu hộ”, “Lốp xe biển cảnh báo”, tận dụng các lốp xe ô tô, xe máy, xe đạp đã hư hỏng để chế tác thành các biển cảnh báo, phao ngăn chặn va đập giao thông… Hoặc như mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa”, với sự tiên phong của các đoàn viên thanh niên trong sử dụng các loại túi vải, vật liệu thiên nhiên như lá chuối, giỏ mây tre khi đi chợ, hạn chế dùng túi nilon.
Bên cạnh đó, tuổi trẻ huyện Đô Lương cũng bền bỉ thực hiện mô hình “Đổi phế liệu lấy quà tặng” gây quỹ thiện nguyện. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các tổ chức cơ sở đoàn ở huyện Đô Lương đã thu gom được 39.600 lon bia các loại; 72,6 tấn giấy loại, bìa cát tông để bán, lấy tiền mua 231 suất quà trị 115 triệu đồng tặng các hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn và các em học sinh nghèo học giỏi trên địa bàn.
Tuổi trẻ tiên phong bảo vệ môi trường cũng là nội dung mà Tỉnh đoàn Nghệ An đã triển khai đều đặn nhiều năm nay. Bởi vậy, ở khắp 21 huyện, thành, thị của tỉnh, các cơ sở đoàn đều có những cách làm lan tỏa lối sống xanh hữu ích.
Tại huyện Tân Kỳ, từ nhiều năm nay, các cơ sở đoàn duy trì mô hình “Chợ dân sinh – khu dân cư nói không với rác thải nhựa”, “Đổi rác thải nhựa lấy quà”. Hàng tháng, tại các khu dân cư, các chợ dân sinh, lực lượng đoàn viên thanh niên lại tổ chức đổi quà. Mỗi điểm đổi quà lấy rác thải như ở xã Kỳ Sơn, mỗi lần thực hiện thu được 50kg giấy loại, 30kg nhựa, 2000 lon chai các loại. Số rác thải này bán được khoảng 2 triệu đồng, dùng để “quay vòng” mua các loại quà để đổi rác cho lần tiếp theo. Rác thải nhựa đổi lấy các loại quà: Chai nước thủy tinh, cây xanh, túi đi chợ bằng vải, túi đựng rác phân hủy, giống hoa, nhu yếu phẩm,… Mỗi năm tuổi trẻ Tân Kỳ tạo được nguồn thu khoảng 20 triệu đồng từ hoạt động này.
Anh Chu Quang Huy – Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn cho biết, nhận thức rõ những ảnh hưởng tiêu cực của rác thải đối với thiên nhiên và con người, đặc biệt là rác thải nhựa, từ nhiều năm đến nay, Tỉnh đoàn đã hướng dẫn các cơ sở thành, thị đoàn phát động và duy trì nhiều phong trào bảo vệ môi trường.