Học giả Nguyễn Trần Bạt: Làm sao để người Nghệ duyên dáng, hấp dẫn hơn

Những năm làm báo, tôi có đến 3 lần may mắn được gặp, làm việc và phỏng vấn ông. Có lẽ vì nể tình đồng hương mà lần nào tôi cũng được ông tiếp đón chu đáo, lịch thiệp, ân cần. Lần nào cũng nguyên vẹn cảm nhận mình thật nhỏ bé trước một người khổng lồ, thông tuệ nhiều lĩnh vực: Văn học, luật, kinh tế, tư vấn đầu tư… Và lần nào ông cũng cởi mở, thẳng thắn chia sẻ những quan điểm, triết lý, những ưu tư đầy trách nhiệm với đất nước, quê hương.

Doanh nhân, luật gia, nhà tư vấn, học giả Nguyễn Trần Bạt sinh ngày 5/4/1946 trong một gia đình trí thức ở huyện Hưng Nguyên. Xa quê gần trọn cuộc đời, nhưng ông luôn nhận mình là “một người Nghệ bẩm sinh”. Cha ông tham gia hoạt động cách mạng từ sớm, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Những sóng gió của thời cuộc làm ông phải rời quê từ lúc 9 tuổi, cùng gia đình ra Hà Nội kiếm sống bằng bán dạo nước chè ở ga Hàng Cỏ. Có lần ông chia sẻ: Chính từ nghề thu gom giấy loại của mẹ, từ nền tảng trí thức của cha, mà ngay từ tuổi thơ khó nhọc, ông đã sớm tiếp cận được cả kho tàng văn hóa Đông Tây nhờ hàng ngàn cuốn sách quý mà cha lựa ra từ những gánh giấy loại mưu sinh của mẹ.

Học đến lớp 9, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và cảm thấy trường học quá chật chội với khát vọng tìm tòi của mình, ông xin vào thanh niên xung phong. Một thời gian sau, ông tình nguyện vào bộ đội với niềm tin môi trường quân ngũ sẽ giúp ông thực hiện được hoài bão của tuổi trẻ. Năm 1967 bị thương và không đủ sức khỏe để tại ngũ, ông trở về học bổ túc phổ thông trung học, rồi học Đại học Xây dựng Hà Nội. Cùng thời gian đó, ông học xong hàm thụ Khoa Toán, học tại chức Khoa Ngữ văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trước khi xin thôi việc nhà nước, ông là quyền Chủ nhiệm bộ môn Nền móng và Công trình ngầm của Viện Khoa học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Luồng gió đổi mới từ Đại hội VI (1986), Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên của Việt Nam và các chính sách mở cửa của Đảng là cơ hội lớn để bản lĩnh, trí tuệ của Nguyễn Trần Bạt được tỏa sáng. Trong bối cảnh đất nước chập chững những bước đầu hội nhập với kinh tế thế giới, Nguyễn Trần Bạt đã khởi xướng thành lập Văn phòng Xúc tiến các hoạt động sở hữu công nghiệp Việt Nam. Năm 1989, dưới sự bảo trợ của Viện Khoa học Việt Nam, ông cùng với một số đồng nghiệp đã thành lập Công ty Tư vấn Đầu tư và Chuyển giao Công nghệ (tên giao dịch là InvestConsult Ltd). Kể từ đó, InvestConsult Ltd chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những tổ chức đầu tiên của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này và ông là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc.

Học giả Nguyễn Trần Bạt và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Hội thảo về toàn cầu hóa tại Mỹ.
Học giả Nguyễn Trần Bạt và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Hội thảo về toàn cầu hóa tại Mỹ.

Nghề tư vấn cùng năng lực phân tích trời phú cho ông cơ hội tiếp xúc với rất nhiều nhà chính trị, ngoại giao như Henry Kissinger, James Goldsmith, Gary Hart, Paul Keating,… làm việc với nhiều lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn từ New York (Mỹ), Canbera (Úc), tới Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc). Ở đâu, lúc nào ông cũng nỗ lực làm cho thế giới hiểu hơn về đất nước từ các vấn đề về chính trị, kinh tế, pháp lý và văn hóa, góp phần rất đáng kể để xây dựng lòng tin cho giới chính trị, kinh doanh, mở đường cho nhiều tập đoàn phương Tây như: Coca Cola, CitiBank, IBM, ANZ… đầu tư vào Việt Nam. Hành trình như một sứ mệnh ấy đã đem lại cho ông cùng các đồng sự của mình những thành công lớn trong kinh doanh dựa trên nền tảng lớn của tri thức và lòng tự tôn dân tộc.

Phóng sự về học giả Nguyễn Trần Bạt trong chương trình Khách mời VTV3 của Đài TH Việt Nam năm 2012.

“Làm việc cật lực như một người xúc than”, Nguyễn Trần Bạt ngày càng nổi tiếng với vai trò là nhà nghiên cứu chính trị, một học giả giàu bản lĩnh, am tường nhiều lĩnh vực. Ông luôn có tiếng nói đầy trách nhiệm trước những vấn đề khó khăn, trọng yếu, nóng bỏng của đời sống. Ông nói về lịch sử dân tộc và trách nhiệm của hiện tại: “Bất chấp tất cả những thất bại, bất chấp tất cả mọi khủng hoảng hiện nay, dân tộc chúng ta vẫn đáng được kính trọng bởi chính những giá trị đặc trưng của nó là một nền văn hóa lâu đời và một lịch sử dũng cảm. Vấn đề của chúng ta, những người thừa kế là làm gì để tiếp nối những giá trị ấy”. Trước vụ một đại biểu Quốc hội có hộ chiếu nước ngoài, ông thẳng thắng: Tại sao phải đổi giá trị của đất nước mình để lấy một giá trị của ai đó. Nếu có tài thì hãy làm cho mình trở thành người Việt Nam sang trọng hơn. Con người mà không tin cha mẹ mình có giá trị, không tin tổ tiên họ hàng có giá trị thì tin đảo Sip để làm gì?

Học giả Nguyễn Trần Bạt trao đổi với tác giả.
Học giả Nguyễn Trần Bạt trao đổi với tác giả.

Được Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu ủng hộ, ông đã thành lập viện nghiên cứu trong công ty của mình. Trong quá trình nghiên cứu, ông đã cho ra nhiều tác phẩm bày tỏ những tư duy độc lập, mới mẻ, sắc sảo về những vấn đề xoay quanh mục tiêu đưa đất nước phát triển trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Ông có những nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đưa ra nhiều ý kiến sắc sảo về những vấn đề như cải cách thể chế, rèn luyện và nâng cao nền dân chủ trong bối cảnh Việt Nam, về Nhà nước pháp quyền, về quan hệ với các cường quốc… Tất cả đều hướng đến một chủ đề là vì sự tiến bộ xã hội, vì sự phát triển của đất nước. Ông nói về kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa: “Điều chỉnh được, làm chủ được tốc độ của quá trình tư bản hóa, hay nói cách khác là “dắt” chủ nghĩa tư bản đi theo tốc độ phù hợp mà không làm phá vỡ các nguyên lý của chủ nghĩa xã hội chính là kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Ông cắt nghĩa: “Nếu không có một quá trình cải cách liên tục cả về chính trị và kinh tế để thay đổi dần các lực lượng trong cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, và thay đổi dần các khái niệm liên quan đến chế độ sở hữu thì không có phát triển.

Rất đồng tình với mục tiêu xây dựng nước ta thành nước có công nghiệp hiện đại được nêu trong Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng, ông nêu quan điểm: “Phát triển công nghiệp là cách duy nhất để kiến tạo mức thu nhập cao của người dân… Nếu tổ chức lại, sắp xếp lại cho hợp lý các tốc độ phát triển công nghiệp cao thấp khác nhau hiện nay của xã hội thì sẽ thành công nghiệp phát triển và mang lại thu nhập cao. Nguyên tắc của công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay là không làm nhỏ lẻ manh mún. Nhưng cũng không nên tiến hành ào ào”. Ông đúc rút: “Quyền lợi đối với con người là động lực của con người, mà con người không có động lực thì không thể phát triển. Không có sự phát triển quốc gia nào nằm ngoài sự phát triển của con người”. Có thể đã và đang có những ý kiến khác nhau về các quan điểm, triết lý gắn liền với phát triển của Học giả Nguyễn Trần Bạt, song có một điều chắc chắn như ông nói: “Khi thuyết phục các nhà lãnh đạo về những vấn đề sống còn của đất nước, tôi luôn có lòng tin về sự lương thiện trong mục đích công việc của mình”.

Thành danh trong kinh doanh, ngoài tuổi 60, ông dành nhiều thời gian cho niềm đam mê nghiên cứu, viết sách. Lần giở lại những cuốn:“Không gian tinh thần”, “Con người là tinh hoa của nhau”, “Suy tưởng”, “Tình thế và giải pháp”, “Đối thoại với tương lai”… với hàng nghìn trang sách tập hợp nhiều bài viết, nhiều cuộc nói chuyện ở nhiều địa phương, bộ ngành, trả lời phỏng vấn báo chí trong và ngoài nước; tất cả là sự trăn trở suy tư, khát vọng của người trí thức luôn đau đáu tìm lời giải cho bài toán lớn làm thế nào để đất nước phát triển trong bối cảnh hội nhập với thế giới nhiều biến động. Thế nhưng, khi nói về việc viết và xuất bản sách, ông khiêm nhường: “Tôi không viết sách để kiếm tiền. Tôi muốn đóng góp kinh nghiệm của mình với đời sống, con người và đất nước. Ai nhặt được điều gì có ích trong những cuốn sách của tôi là quyền của họ”.

Nhà văn Tạ Duy Anh – người trực tiếp biên tập, giới thiệu nhiều tác phẩm của học giả Nguyễn Trần Bạt chia sẻ: “Những trang viết của ông vừa có sự mơ mộng trí tuệ vừa như cuốn theo cả cái nóng hổi, bức bối của đời sống với biết bao vấn đề hàng ngày đòi hỏi phải được đối thoại, xem xét tìm ra câu trả lời. Ông cố gắng đi theo một con đường riêng trong tiếp cận, lý giải những vấn đề vốn đã bị nhiều người làm cho nhàm chán, thổi vào đó niềm đam mê của chính mình và vì thế kích thích mối quan tâm của người khác”.

Một số tác phẩm của học giả Nguyễn Trần Bạt.
Một số tác phẩm của học giả Nguyễn Trần Bạt.

Nhiều lần trong các cuộc tọa đàm, phỏng vấn về Nghệ An, Học giả Nguyễn Trần Bạt đều nhấn mạnh: Phát triển chính là làm gia tăng các giá trị đã có. Muốn vậy phải cần có trí tuệ, và giáo dục là việc đầu tiên để tạo ra sự gia tăng các giá trị xã hội đó. “Giáo dục là quan trọng nhất, là điểm quyết tử mà nếu Nghệ An tiên phong được thì tỉnh sẽ có một tương lai chính trị cực kỳ sáng sủa”. Tại cuộc tọa đàm với lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp do Trường Chính trị tỉnh tổ chức ngày 18/10/2009, ông đặt câu hỏi: “Người Nghệ học rất giỏi, người Nghệ xuất sắc ở mọi điểm trên đất nước này, nhưng giáo dục Nghệ An chưa phải là một nền giáo dục tỏa sáng?”…

Và dường như lần nào trong cuộc trao đổi, phỏng vấn, ông cũng đều nhắc đến việc Nghệ An phải dũng cảm để cải cách, cải tạo về văn hóa. Cần tạo được sự thay đổi có chất lượng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người xứ Nghệ. Nguyễn Trần Bạt khái quát về nét đẹp đặc trưng của người Nghệ: “Không chỉ có truyền thống cách mạng, mà còn có truyền thống lãng mạn, những giá trị tinh thần sâu sắc, thú vị và rất độc đáo”. Cạnh đó, ông cũng thẳng thắn chỉ ra những yếu điểm của người quê mình đó là “rất không khéo”, là “ngay thẳng một cách thô bạo”, đặc điểm này hoàn toàn không thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, du lịch. Ông nêu câu hỏi: Làm thế nào để thật mà không thô, khéo mà không giả, đấy là điều quan trọng nhất trong việc xây dựng, “đô thị hóa” phong cách, ngôn ngữ của người Nghệ. Muốn thành công, muốn biến Vinh thành một trung tâm của sự phát triển ở vùng này thì buộc phải làm như thế, dù đây là việc vô cùng khó.

Lần gần đây nhất, ông nhắc lại: “Tỉnh cần kiên nhẫn hướng dẫn liên tục các yếu tố tích cực của văn hóa, từng bước làm cho người Nghệ duyên dáng hơn, hấp dẫn hơn trong đời sống hội nhập”. Về vấn đề này chắc sẽ có những người không đồng thuận, theo quan điểm: “chửi cha không bằng pha tiếng”. Nhưng xuất phát từ một học giả nổi tiếng người Nghệ – người từng được một số tạp chí có uy tín quốc tế vinh danh là một trong những “Nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới”, “500 nhà lãnh đạo toàn cầu cho thế kỷ mới”, thì những ý kiến tâm huyết của Học giả Nguyễn Trần Bạt rất đáng để cho bao người Nghệ hôm nay tiếp tục suy ngẫm.

Với chủ đề Nghệ An làm gì để trở thành một tỉnh khá tại cuộc tọa đàm của NTV vào cuối năm 2019, ông thẳng thắn trao đổi với đồng chí Thái Thanh Quý, lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Không thể sốt ruột được, lãnh đạo tỉnh cần kiên nhẫn và dũng cảm vượt qua khó khăn. Nghệ An cần nhanh chóng lập một Viện Nghiên cứu chiến lược về kinh tế – xã hội, tốn cũng nên làm. Trong bối cảnh hội nhập, nền kinh tế Nghệ An không chỉ cạnh tranh với 63 tỉnh thành phố, mà là cạnh tranh với rất nhiều quốc gia. Để chủ động hợp tác, đối thoại và hội nhập thì năng lực dự báo của ban lãnh đạo là trước hết và rất quan trọng. Và ông cởi mở: “Khi nào tỉnh cần gì thì điện cho tôi, tôi sẵn sàng giúp đỡ”. Khi đồng chí Thái Thanh Quý cho biết: Tuy chưa thành lập được Viện Nghiên cứu, nhưng tỉnh đã thành lập Tổ Tư vấn với các chuyên gia có uy tín về kinh tế – xã hội và hoạt động khá hiệu quả, ông bày tỏ sự vui mừng, khích lệ.

Học giả Nguyễn Trần Bạt (bìa trái) trong một chương trình đối thoại do Đài PTTH Nghệ An tổ chức.
Học giả Nguyễn Trần Bạt (bìa trái) trong một chương trình đối thoại do Đài PTTH Nghệ An tổ chức.

Vào tuổi 76, trông ông vẫn khỏe mạnh, thông tuệ và giàu nhiệt huyết. Vậy mà khối óc uyên bác, trái tim luôn nóng hổi, thao thiết với cuộc sống ấy đã mãi ngừng nghỉ từ 19h30p ngày 15/12/2020 sau cơn đột quỵ quá nặng, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho bao người.

Tròn một năm ngày mất của doanh nhân, luật sư, nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng Nguyễn Trần Bạt, xin chia sẻ những điều bé nhỏ mà tôi biết và hiểu qua những lần được gặp gỡ ông, đọc sách của ông, qua những bài viết của nhiều người về ông, như một nén hương thành kính tưởng nhớ ông. Một người Nghệ “có ảnh hưởng lớn trên thế giới” đã đi xa, song nhân cách, tư tưởng và niềm tin yêu mãnh liệt về con người, về tương lai tươi sáng của đất nước, quê hương trong ông tin rằng sẽ còn được người đời nhớ mãi./.

Đường vô xứ Nghệ. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải
Đường vô xứ Nghệ. Ảnh tư liệu: Nguyễn Thanh Hải