Nhiều địa phương cơ sở trên địa bàn Nghệ An nhờ phát huy tốt vai trò của các tổ hòa giải, đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân theo hướng “đúng sai phân minh – lý tình trọn vẹn”, góp phần gắn kết khối đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thúc đẩy triển kinh tế – xã hội.
Anh em gây gổ do “rượu vào, lời ra”, vợ chồng mâu thuẫn, cha mẹ, con cái bất hoà, hàng xóm xích mích chỉ vì lối đi chung hay cái tường rào… đủ thứ chuyện xảy ra trong cuộc sống hàng ngày làm sứt mẻ tình cảm gia đình, tình làng, nghĩa xóm. Trước những “ngổn ngang” đó, đòi hỏi các tổ hoà giải cơ sở phải vào cuộc tích cực. Bằng hiểu biết về pháp luật, sự kiên nhẫn, vốn sống và kinh nghiệm trong đối nhân xử thế, khéo léo kết hợp giữa lý và tình, các tổ hoà giải đã dần tháo gỡ những mối bất hòa, khiến các bên bình tĩnh nhận ra những thiếu sót, hành xử chưa đúng của mình.
Đơn cử, tình huống hy hữu xảy ra ở xóm Bùi Thượng, xã Hưng Trung (Hưng Nguyên) khi một gia đình trong xóm sinh con trai nhưng vô tình đặt tên bé trùng tên với một ông tổ trong dòng tộc, do vậy giữa dòng họ và gia đình thường xuyên xảy ra xích mích, lời qua tiếng lại. Khi nắm rõ được nguyên nhân, tổ hòa giải đã đến tận nhà phân tích và khuyên nhủ gia đình đổi tên khác phù hợp hơn. Cuối cùng, gia đình đồng ý đổi lại tên cho con. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không được giải quyết sớm có thể gây mất đoàn kết cả một dòng họ.
Ông Hoàng Đăng Thắng – Trưởng Ban công tác Mặt trận kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm Bùi Thượng cho hay: ở nông thôn tình cảm hàng xóm láng giềng rất dạt dào, nhưng cũng dễ xảy ra va chạm kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Bởi vậy, hoạt động hòa giải phải lấy cái lý, cái tình để thuyết phục, không nên “đao to, búa lớn”, không định kiến với sự việc và con người.
Ông Lê Đình Quế – Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải xóm Hải Bắc, xã Diễn Bích (Diễn Châu) nêu ví dụ về tình huống bất ngờ mà tổ hoà giải phải nhanh chóng vào cuộc. Ấy là khi hai gia đình trong xóm xảy ra mâu thuẫn vì cái gờ tường. Nguyên nhân là nhà ông B xây ki-ốt cho thuê nhưng khi làm cửa sổ thì có một phần gờ chìa sang phía nhà ông L; ông L yêu cầu ông B phải gỡ nếu không ông L sẽ đập bỏ. Điều khá khó xử là ông B vốn là chi hội trưởng một chi hội đoàn thể, đồng thời là thành viên tổ hòa giải xóm. Sau khi tìm hiểu sự việc và xem xét thực tế, cùng với việc tuyên truyền, làm công tác tư tưởng cho ông L, Tổ hòa giải xóm Hải Bắc đã họp ngay trong nhà ông B. phân tích cho ông thấy bản thân là thành viên tổ hòa giải thì phải gương mẫu, giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Cuối cùng ông B đã hiểu ra và thuê thợ đến cắt gờ xi măng chìa sang phần đất nhà ông L.
Từ thực tiễn ở cơ sở, bà Đậu Thị Sơn – cán bộ tư pháp xã Diễn Bích cho rằng: Thành viên tổ hòa giải ở cơ sở không đặt nặng về trình độ học vấn, nhưng đòi hỏi phải là những người có kinh nghiệm sống, uy tín, nhiệt tình, am hiểu pháp luật, gương mẫu, được cộng đồng tín nhiệm. Nhờ hội tụ những yếu tố này mà nhiều tổ hòa giải đã trở thành “giềng mối”, giúp chính quyền hóa giải các tranh chấp, ổn định tình hình khu dân cư.
Kể từ khi Luật Hòa giải cơ sở có hiệu lực thi hành, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, hiệu quả trong công tác hòa giải. Tiêu biểu như mô hình tổ hòa giải điểm ở huyện Anh Sơn. Trong đó thôn 4, xã Lĩnh Sơn là một trong những thôn tiêu biểu cho công cuộc xây dựng nông thôn mới và cũng là điểm sáng về an ninh trật tự ở địa bàn huyện Anh Sơn nhờ giải quyết tốt các mâu thuẫn, tranh chấp tại cơ sở.
Ông Trần Hữu Đào – Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận kiêm Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn 4 chia sẻ: Thôn 4 có 2 cụm dân cư (vùng làng và vùng đồi) với 270 hộ, 1.050 nhân khẩu, trong đó có 280 hộ sản xuất nông nghiệp. Xác định “ đoàn kết là sức mạnh”, Chi bộ, Ban quản lý thôn luôn quan tâm chỉ đạo Tổ hòa giải sát sao, nắm bắt, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh ngay từ lúc mới manh nha. Nói rồi, ông nêu ví dụ về vụ việc mâu thuẫn xảy ra trong năm 2022, giữa gia đình hai gia đình có chung lối đi. Nhận thấy bờ móng hàng rào nhà mình bị úng nước nên gia đình bên này đổ ít đất xuống để bảo vệ hàng rào, nhưng gia đình bên kia lại cho rằng nhà bên này có ý xấu, cố tình đổ đất chắn đường vào nhà mình. Nắm được sự việc, tổ hoà giải của xóm đã nhiều lần tới cả 2 gia đình để tìm hiểu nguyên do. Sau đó mời 2 bên lên nhà văn hóa để giảng hòa, được phân tích cái lý, cái tình, hai hộ đồng ý bắt tay hóa giải mâu thuẫn.
Nói về việc xây dựng tổ hoà giải điểm, cán bộ thôn 4 cho biết: sau khi được huyện chọn để xây dựng điểm, mọi công việc đều được thực hiện quy lát, nề nếp hơn. Ngoài đảm bảo chế độ thù lao 200 nghìn đồng/vụ hòa giải thành, Tổ hòa giải điểm còn được huyện hỗ trợ kinh phí 3 triệu đồng/ năm để hoạt động. “Chúng tôi không đợi đến lúc có đơn đề nghị hòa giải mà khi xảy ra vụ việc tổ hoà giải sẽ nhanh chóng vào cuộc để tháo gỡ. Đối với những trường hợp khó khăn, tổ hoà giải sẽ vận dụng cả người lớn tuổi, trưởng các họ tộc để can thiệp, tác động. Nhờ vậy, các vụ mâu thuẫn cơ bản được giải quyết. Năm 2021, tổ hòa giải thôn 4 đã hòa giải thành công 4 vụ gồm 2 vụ mâu thuẫn đất đai, 2 vụ mâu thuẫn dân sự. Đầu năm 2022, tổ hòa giải thành công 2 vụ liên quan đến mâu thuẫn trong khu dân cư. Mỗi vụ hoà giải thành đều được hoàn tất hồ sơ, biên bản, ký xác nhận giữa các bên để gửi lên cho cán bộ tư pháp xã”- ông Trần Hữu Đào cho hay.
Nhờ làm tốt công tác hòa giải, tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong thôn xóm mà các phong trào, hoạt động ở thôn 4 đều được người dân đồng tình ủng hộ. Ví như trong xây dựng nông thôn mới, con em xa quê và nhân dân trong xóm đã xã hội hóa làm 3 tuyến đường bê tông với chiều dài 172m, tổng kinh phí 42 triệu đồng; xây dựng bờ rào khuôn viên nhà văn hóa, sân bóng chuyền, lợp mái tôn, khoan giếng với tổng kinh phí 142 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng thôn, xóm “xanh, sạch, đẹp, sáng thân thiện”, người dân trong thôn đã tích cực góp công, góp của xây bồn hoa, mua giống trồng hoa và làm đường viền cây xanh tại nhà văn hóa, xây dựng 6 cổng chào /22 tổ tự quản.
Ông Nguyễn Hồng Phi – Trưởng phòng Tư pháp UBND huyện Anh Sơn cho biết thêm: Anh Sơn là huyện đầu tiên trong tỉnh triển khai xây dựng mô hình tổ hoà giải cơ sở điểm, đến nay, các tổ hòa giải điểm ở xã Lĩnh Sơn và xã Hoa Sơn đều đi vào hoạt động có nề nếp, tỷ lệ hòa giải thành cao.
Tại huyện Diễn Châu, công tác hòa giải cũng được quan tâm, chăm lo, một số tổ hòa giải ở vùng có đông đồng bào có đạo đã thu hút được cả chức sắc tôn giáo tham gia, xây dựng mối đoàn kết lương – giáo. Điển hình như ở thôn 2, xã Diễn Kỷ với 372 hộ, trong đó 225 hộ đồng bào theo đạo. Bí thư Chi bộ Hoàng Thị Bích Thuỷ cho hay: Bà con lương giáo trong thôn rất đoàn kết, gắn bó. Cấp uỷ Chi bộ, Ban quản lý thôn cũng rất quan tâm đến công tác hoà giải, mọi mâu thuẫn phát sinh trong đời sống hàng ngày đều được tổ hoà giải của thôn nhanh chóng nắm bắt, vào cuộc. Tổ hòa giải có 5 người, trong đó có cả Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Bến Đén Nguyễn Trung Đức là thành viên. Ban quản lý thôn và Hội đồng mục vụ có sự kết hợp hài hòa, hỗ trợ nhau trong công việc.
Bình quân mỗi năm tổ hòa giải thôn hòa giải 3- 4 vụ việc, cơ bản đều hòa giải thành. Nhờ làm tốt công tác hòa giải, không để chuyện bé xé ra to, tạo gắn kết tình làng nghĩa xóm mà các phong trào hoạt động trong thôn phát triển mạnh. 100% đường làm ngõ xóm được bê tông hóa, khuôn viên sân vận động, nhà văn hóa rộng hơn 5.000m2 được đầu tư khang trang. Đầu năm 2023, người dân cũng tích cực tham gia trồng hơn 100 cây xanh nhân dịp Ban Chỉ đạo “Dân vận khéo” huyện Diễn Châu phối hợp giáo xứ Bến Đén xây dựng mô hình “giáo xứ văn minh – xanh, sạch, đẹp”.
Tại huyện Quỳ Hợp, thôn Đồng Tiến, xã Châu Quang cũng được nhắc đến là mô hình tiêu biểu trong công tác hòa giải cơ sở. Ông Vi Chiến Thắng – Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Đồng Tiến cho biết: Thôn có 114 hộ, 557 khẩu dân tộc Thái. Mỗi khi có tranh chấp, tổ hòa giải thôn đều nhanh chóng vào cuộc, tìm hiểu sự việc, mời các hộ gia đình đến để hoà giải theo hướng vừa bám các quy định của pháp luật vừa phù hợp với quy ước, hương ước và cái lý, cái tình theo phong tục tập quán của người Thái để giải quyết dứt điểm khi vụ việc mới phát sinh. Vì vậy, những năm qua, trong thôn không có đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3.816 tổ hòa giải cơ sở với số lượng mỗi tổ từ 5 đến 7 thành viên. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải, một số địa phương đã có sự chỉ đạo kịp thời để nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở. Điển hình như huyện Diễn Châu ra văn bản cụ thể về việc thực hiện mức chi hỗ trợ cho các tổ hòa giải gồm hòa giải thành 200.000 đồng/vụ; chi hỗ trợ công văn phòng phẩm là 100.000 đồng/1 tháng/1 tổ. Huyện Quỳ Hợp chỉ đạo in ấn hơn 1.400 cuốn tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở như “cẩm nang” hướng dẫn chi tiết cho 214 tổ 1.420 hòa giải viên trên địa bàn. Huyện Tân Kỳ tổ chức thi hòa giải viên cơ sở tạo diễn đàn giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; biểu dương tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải…