Hơn 1 năm nay, chị Nguyễn Thị Bình (xóm 1, xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc), phải nghỉ việc ở công ty điện tử, đi chăm chồng ở bệnh viện. Chị Bình cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần chị phải đưa chồng đến cầu cứu tại các bệnh viện, từ Nghệ An vào TP. Huế, rồi lại ra Hà Nội. Nhưng tất cả bác sĩ đều lắc đầu bởi căn bệnh bụi phổi của chồng chị đã quá nặng, không thể rửa được. Chị Bình vẫn không bỏ cuộc. Để có tiền trang trải, mỗi lần lo cơm nước cho chồng trên giường bệnh xong, chị Bình lại tất bật chạy tới các nhà hàng quanh bệnh viện để xin rửa bát thuê.
Chồng chị Bình, anh Hoàng Văn Sơn (47 tuổi), là một trong những công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến bị mắc bệnh bụi phổi. “Không ngờ cái bệnh này lại nguy hiểm tới vậy. Sức khỏe sa sút quá nhanh chú ạ”, chị Bình nói với phóng viên trong nước mắt. Dù mới phát hiện bệnh, nhưng nhiều tháng qua anh Sơn đã không còn đi lại được nữa, phải thở oxy, chống chọi với cái chết từng ngày.
Anh Sơn bắt đầu vào làm việc tại công ty này từ tháng 10/2019, với mức lương chỉ 6 triệu đồng/tháng, làm tại dây chuyền trộn bột đá. Theo anh Sơn, ở dây chuyền anh làm, có nhiều loại bột đá, trong đó chủ yếu vẫn là thạch anh. “Mỗi lần làm việc là bụi bay mù mịt, như khói. Tuy nhiên, công ty không sắm khẩu trang cho công nhân. Khi nào có đoàn kiểm tra sắp đến thì lãnh đạo công ty yêu cầu công nhân tắt máy, ngừng làm việc để không gây ra bụi”, anh Sơn nói thêm.
Làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến được gần 3 năm, đến tháng 6/2022, anh Sơn cảm thấy sức khỏe dần đi xuống. Cùng thời điểm này, anh nhận được thông tin anh Trần Hữu Quang (37 tuổi, cũng trú tại xã Nghi Hưng, Nghi Lộc), phát hiện bản thân bị bụi phổi nghiêm trọng trong một lần đi khám. Trước đó, anh Quang cũng có hơn 3 năm làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến. Thấy lo lắng, nhiều công nhân tại công ty này, trong đó có anh Sơn bắt đầu đi khám và đồng loạt phát hiện đã bị bệnh bụi phổi nặng, hầu hết không thể rửa được.
Dù phần lớn các công nhân đều có hợp đồng lao động, đều đóng bảo hiểm nhưng không hiểu sao, sau khi họ bị mắc bệnh bụi phổi, phía Công ty TNHH Châu Tiến vẫn không tổ chức giám định sức khỏe cho họ. Bởi bệnh bụi phổi thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp, nếu công nhân mắc phải sẽ được phía người sử dụng lao động bồi thường và được bảo hiểm trợ cấp hàng tháng. Chỉ trong vòng hơn 2 tháng, từ cuối tháng 9/2022 đến đầu tháng 12/2022, 3 công nhân lần lượt tử vong do bụi phổi. Trong đó, có trường hợp tử vong chỉ sau hơn 1 tháng nghỉ việc tại Công ty TNHH Châu Tiến. Thấy tình trạng nghiêm trọng, các công nhân bắt đầu làm đơn trình báo chính quyền địa phương.
Sau khi nhận được đơn trình báo của người dân, tháng 2/2023, UBND huyện Nghi Lộc có báo cáo gửi Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam để làm rõ. Theo báo cáo này, trên địa bàn huyện Nghi Lộc có đến 8 người bị bụi phổi từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến, trong đó 3 người đã tử vong. Tuy nhiên, sau đó có thêm nhiều công nhân trình báo họ cũng bị bụi phổi sau thời gian làm việc tại công ty này.
Vào cuộc kiểm tra, Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam yêu cầu phía công ty tổ chức thăm hỏi, động viên 8 gia đình có người lao động bị bụi phổi; tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho toàn bộ người lao động. Đến lúc này, phía công ty mới đến thăm hỏi, hỗ trợ các trường hợp đã mất 3 triệu đồng, các trường hợp bị bệnh nhận được 2 triệu đồng. Đến ngày 15/3, công ty tổ chức khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 28 công nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An. Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, kết quả cho thấy có thêm 3 công nhân bị bụi phổi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 8 trường hợp trong báo cáo hồi đầu năm, đến nay có thêm 6 trường hợp trên địa bàn huyện Nghi Lộc phản ánh cũng bị bụi phổi sau thời gian làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng có thêm một trường hợp đã mất. Đó là anh Hồ Đức Hùng (sinh năm 1990, xã Quỳnh Đôi). Theo các công nhân, đây là trường hợp đầu tiên tử vong.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nghệ An, vợ anh Hùng cho biết, chồng chị vào làm công nhân tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2017. Đến tháng 7/2020 thì sức khỏe dần sa sút, đi khám thì mới phát hiện ra bị bụi phổi. “Mỗi lần về thăm nhà, chồng cũng kể làm việc trong môi trường rất nhiều bụi, tôi vì thế chỉ có thể sắm thêm khẩu trang cho chồng. Do chồng ngủ lại công ty luôn nên thi thoảng tôi có ghé vào thăm và chứng kiến cảnh bụi bám khắp nơi”, vợ anh Hùng kể và cho hay, đến tháng 1/2021, chồng chị qua đời sau gần nửa năm phát hiện ra bệnh.
“Hồi anh Hùng bị bệnh chúng tôi có biết và đi thăm, nhưng lúc đó anh em công nhân chúng tôi không ai nghĩ nguyên nhân là do bụi”, anh Dương Văn Chính (34 tuổi, xã Nghi Đồng, Nghi Lộc) kể. Anh Chính cũng là một trong những công nhân mắc phải bụi phổi, nhưng may mắn đi khám sớm nên còn có thể rửa được. Anh Chính cũng vào Công ty TNHH Châu Tiến làm việc từ năm 2017 và cũng là tổ trưởng tổ tách hạt đá như anh Hùng. Dù ký hợp đồng lao động, có đóng bảo hiểm nhưng anh Chính nói rằng, trong suốt 5 năm làm việc tại đây, anh cũng như các công nhân chưa từng được công ty tổ chức cho đi khám sức khỏe định kỳ. Công ty này cũng không có tổ chức công đoàn.
“Ở trong đó bụi lắm, nhưng đến kiểm tra thì không phát hiện được đâu, vì mỗi lần như thế thì công nhân đã kịp tắt máy và dọn dẹp hết bụi rồi. Chỉ có xin vào làm công nhân như chúng tôi thì mới thấu hiểu được”, anh Chính nói và nhận định, các công nhân bị bụi phổi và sa sút sức khỏe nhanh chóng là do hóa chất được công ty sử dụng. Theo đó, dù trong giấy phép đăng ký là chế biến bột đá, nhưng theo các công nhân, hầu hết đều là bột thạch anh. Trước khi nghiền mịn, thạch anh được ngâm với loại hóa chất để chuyển qua màu trắng đẹp.
Trao đổi với báo chí, ông Hồ Viết Cầm – Giám đốc Công ty TNHH Châu Tiến cho rằng, những công nhân bị bụi phổi đã mất và đang điều trị đều đã nghỉ việc ở công ty này từ lâu, có người đã nghỉ hơn 1 năm. “Để mà khẳng định nguyên nhân do Công ty TNHH Châu Tiến, hay là nguyên nhân như thế nào nữa thì phía công ty không đủ khả năng để đánh giá mà phải dựa vào cơ quan chức năng”, ông Cầm nói.
Trong khi đó, theo các công nhân, hầu hết họ có dấu hiệu sức khỏe sa sút hoặc đi khám phát hiện bị bụi phổi, không thể làm việc được nữa mới xin nghỉ. Trong đó, có trường hợp chỉ mất sau khi nghỉ việc 1 tháng. “Lãnh đạo công ty nói thế thì vô tâm quá. Như tôi đây, làm việc hơn 5 năm, năm ngoái khi đang đi làm thì cảm thấy khó thở. Đi khám liền phát hiện ra mắc bụi phổi, ra Hà Nội rửa xong về nghỉ ngơi 1 tháng, cho rằng không nghiêm trọng nên tiếp tục xin vào công ty làm tiếp vì lãnh đạo công ty nói thiếu người. Nhưng làm thêm được 1 tuần thì không trụ được nữa”, anh Dương Đình Chính nói.