Trước thực trạng nhiều dự án được quy hoạch trên đất vàng đang đắp chiếu, người dân, chính quyền cơ sở càng nóng ruột vì lợi ích chưa thấy đâu mà hệ lụy thì hiện hữu hàng ngày. Còn doanh nghiệp thì mãi hứa suông, thậm chí dư luận và nhiều chuyên gia kinh tế còn phân tích rằng: các nhà đầu tư đang dùng chiêu trò vẽ dự án để “lách luật”, găm đất chờ thời cơ thuận lợi là chuyển nhượng, trao tay.
Trở lại với lão nông Nguyễn Văn Thương, xóm Phong Yên. Ông là một trong những người nuôi tôm đầu tiên của xã Hưng Hòa. “Cũng là làm cho có thêm chút ít thu nhập thôi, không ăn thua”. Diện tích vuông tôm của gia đình ông Thương là 5.000m2, trong đó diện tích mặt nước là 3.500m2, mỗi năm ông nuôi 2 vụ, nếu thời tiết thuận lợi sẽ nuôi 3 vụ, bình quân thu nhập 200 triệu đồng/năm. Vậy nhưng như ông dãi bày: “Dại chi mà đầu tư khi đã nằm trong quy hoạch dự án”.
Tương tự, ông Lê Văn Cư – cán bộ phụ trách thủy sản Hợp tác xã nông nghiệp 2 Hưng Hòa là người tiên phong trong chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng cói, lúa sang nuôi tôm từ năm 2002. Gia đình ông Cư hiện có 4 đầm tôm với diện tích toàn bộ vùng nuôi khoảng 8.000m2. Theo ông, con tôm mấy năm gần đây không gây “cơn sốt” như những năm đầu nhưng vẫn đều đặn cho thu nhập. “Riêng vụ tôm năm 2018 gia đình tôi thu lãi 300 triệu đồng” – ông Cư nói và cho biết thêm, hiện tại xã Hưng Hòa có 120 ha nuôi tôm và gần 200 hộ dân tham gia nghề này. Ông Cư cũng khẳng định rằng nếu không nằm trong dự án đã được phê duyệt quy hoạch thì thu nhập từ nghề nuôi trồng thủy sản còn cao hơn nhiều.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Lê Văn Thương – Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa cho hay, nghề nuôi tôm mang lại cho xã 20 tỷ đồng mỗi năm, cao điểm có năm gần 30 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án vào, ai dám đầu tư, việc nuôi con tôm chỉ “tạm thời” vụ nào hay vụ nấy, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp cũng vậy nên có những diện tích “bờ xôi, ruộng mật” mà chẳng mang lại giá trị là bao.
Còn ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, dự án “Tổ hợp sản xuất tinh dầu, dược liệu, thực phẩm chức năng công nghệ cao” do Công ty TNHH VN Nam Đàn Vạn An làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2013 đến nay vẫn “án binh bất động”. Còn nhớ, thời điểm đó, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cả hệ thống chính trị huyện Thanh Chương đã vào cuộc để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng 33 ha với tốc độ nhanh kỷ lục.
Nhưng đến nay, đã sang năm 2019, ngoài dãy tôn quây tròn đất thì dự án từng được kỳ vọng rất nhiều chẳng có gì hơn. Ông Phan Duy Trinh – Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho biết, đất bỏ hoang dân thấy tiếc xin vào làm thì doanh nghiệp không cho. Còn có một nhà văn hóa của xóm 8 đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch khu đất mới và theo cam kết chủ đầu tư sẽ xây dựng cho xóm, nhưng đến nay mới chỉ hoàn thành trên lời hứa. “Chúng tôi chỉ mong chủ đầu tư triển khai để không lãng phí tài nguyên đất đai, đồng thời giải quyết một số nhu cầu lao động địa phương tại chỗ, vì lúc vào đầu tư cho biết sẽ ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động bị mất đất khi dự án hoàn thành”.
Không chỉ có vậy, thực trạng dự án đăng ký, lập hồ sơ được duyệt nhưng không triển khai cũng để lại nhiều hệ lụy khác. Chẳng hạn như vấn đề vận động người dân bàn giao mặt bằng. Để có mặt bằng “sạch” bàn giao cho chủ đầu tư không đơn giản. Có những dự án, lực lượng chức năng phải tiến hành cưỡng chế, nhưng sau khi mặt bằng được bàn giao cho chủ đầu tư thì lại bỏ không, còn người dân thiếu đất sản xuất nên gây tâm lý bức xúc. Cùng với đó là những dự án giải phóng mặt bằng dở dang, chủ đầu tư không có năng lực tài chính để chi trả cho người dân theo quy định, dẫn đến khiếu nại tố cáo. Việc chậm thực hiện dự án đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Nhiều dự án để hoang hóa trở thành nơi đổ phế liệu, rác thải gây ô nhiễm môi trường…
Nóng nhất về dự án treo ở Nghệ An, chắc vẫn là xã Hưng Hòa, TP. Vinh. Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa Lê Văn Thương khá bi hài khi nói rằng, xã Hưng Hòa “tự hào” là địa phương nhiều dự án nhất thành phố Vinh nhưng tất cả đều treo.
Theo vị Bí thư Đảng ủy xã Hưng Hòa, có chuyện hết sức bi hài là dự án không thấy triển khai, thậm chí liên hệ đến làm việc còn không được nhưng mỗi lần chuẩn bị đến kỳ xin gia hạn thì có chủ đầu tư lại làm lễ “cúng bái” thổ công, thổ địa rình rang. Điều này khiến cho cư dân trên địa bàn ai cũng chắc mẩm: “lần này có lẽ họ mần thật!”. Nhiều năm làm lãnh đạo xã, thấm hệ lụy dự án treo, ông Thương đặt câu hỏi như đúc kết: Doanh nghiệp làm thật thì ít mà chủ yếu dựa vào giấy tờ đầu tư để “găm đất đợi thời điểm hợp lý là sang nhượng” kiếm chênh lệch?.
Đây cũng là câu hỏi của nhiều người dân, lãnh đạo địa phương vùng dự án treo. “Trên địa bàn thị xã có dự án hàng chục năm vẫn không triển khai, gây bức xúc vì người dân lo lắng, nhưng dự án này chủ yếu là đầu cơ đất đai. Tôi đề nghị tỉnh, thị xã cần xem xét thu hồi các dự án treo để thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có hiệu quả, sớm xây dựng Cửa Lò trở thành đô thị du lịch biển” – ông Võ Thanh Lịch, khối 6, phường Thu Thủy (TX. Cửa Lò) nói.
Chủ tịch UBND phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò Lê Thanh Giang ngán ngẩm cho biết, chiêu lách của các dự án chậm tiến độ là xin điều chỉnh quy hoạch, trong đó có một số dự án đã xin điều chỉnh quy hoạch lần 2 như: Dự án Khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty CP Du lịch Hà Nội sau 13 năm đã xin gia hạn lần 2 nhưng đến nay chỉ xây bờ rào bao quanh. “Có nhiều dự án hàng chục năm nay được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết, thay đổi giấy chứng nhận lần này đến lượt khác nhưng đến nay trở thành nơi chăn thả gia súc, hết sức lãng phí. Thế nhưng, một số dự án khi có thông tin có đoàn kiểm tra thì triển khai theo hình thức chiếu lệ”.
Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai ở đô thị, mới đây Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có chương trình giám sát tại một số địa phương và sở, ngành liên quan. Qua giám sát, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trần Văn Mão nhận định: Trường hợp nhà đầu tư không triển khai mà cố tình giữ đất để chuyển nhượng dự án kiếm lợi nhuận, điều chỉnh quy hoạch phân lô, bán nền. Nhiều nhà đầu tư lợi dụng quy định để “lách luật” và tiếp tục xin gia hạn dự án, ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư khác.
Nói đến vấn đề này, một lãnh đạo thành phố tiếc nuối cho biết, vừa qua một doanh nghiệp bất động sản uy tín, hàng đầu Việt Nam ngỏ ý thành phố giới thiệu một khu đất khoảng 300 ha để đầu tư, và cam kết sau 3 năm sẽ xây dựng một khu đô thị đẳng cấp. “Chúng tôi rà đi, soát lại nhưng cả thành phố chỉ còn một khu đất diện tích 20 ha chưa quy hoạch dự án” – vị lãnh đạo thành phố Vinh nói.
Từ năm 2012 đến 2018, UBND tỉnh thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 500 lượt dự án (của 421 dự án, chiếm 35,5% số lượng dự án toàn tỉnh). Riêng trong năm 2018, UBND tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra đối với 106 dự án (89 dự án ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp, 17 dự án trong khu kinh tế và khu công nghiệp). Kết quả là 97 dự án chậm tiến độ bị chấm dứt hoạt động, thu hồi và hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan, chiếm 23,28% tổng số lượt dự án đã kiểm tra. Lũy kế số dự án đã bị thu hồi, hủy bỏ đến thời điểm hiện nay là 151 dự án với tổng diện tích đất là gần 36.000 ha. Riêng năm 2018, UBND tỉnh và Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam đã ban hành quyết định chấm dứt hoạt động và thu hồi, hủy bỏ các văn bản pháp lý của 18 dự án.