Giữa tâm điểm của cuộc chiến…
… đầy cam go với dịch Covid-19, giữa bao nỗi lo làm sao bảo vệ an toàn cho sức khỏe, tính mạng của nhân dân, các cơ quan chức năng càng thêm vất vả vì nạn tin giả (fake news) đang tràn lan trên mạng xã hội. Hành vi lan truyền thông tin thất thiệt trên mạng xã hội làm gia tăng tâm lý sợ hãi, hoang mang cho người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội.
Lợi dụng khả năng ẩn danh trên mạng xã hội, một số người đã không ngần ngại đăng tải những thông tin bịa đặt, ác ý về tình hình dịch bệnh. Có người vì nhanh nhảu đoảng, muốn đưa thông tin sớm nhất đến mọi người về những điều mình quan tâm, lo lắng về dịch bệnh để cùng phòng tránh. Sự lo lắng thái quá đã khiến họ mất cảnh giác, vô tình phát tán thông tin chưa qua kiểm chứng, khiến mọi người thêm hoang mang.
Còn nhớ, những ngày đầu dịch bùng phát, trên mạng xã hội, các dòng tin tức thật giả lẫn lộn về sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 hay số lượng người chết về dịch bệnh này khiến cộng đồng vô cùng sợ hãi. Tại Hà Nội, vừa nghe Chính phủ công bố dịch, người dân đã đổ xô tới các nhà thuốc tranh nhau mua khẩu trang và nước sát khuẩn, nhiều người phải xếp hàng từ 2 giờ sáng. Lợi dụng tình thế này, các đối tượng đầu cơ đã tăng giá 2 mặt hàng này lên gấp nhiều lần ngày thường để trục lợi, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Những tưởng sau khi bệnh nhân thứ 16 được chữa khỏi bệnh, cả nước đang vui mừng với những thành công bước đầu trong công tác phòng chống dịch, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và muốn được chia sẻ kinh nghiệm thì những thông tin thất thiệt về dịch bệnh, những luận điệu xuyên tạc về đường lối, chủ trương của Đảng, các giải pháp trong phòng, chống dịch của Chính phủ sẽ không còn đất sống trên mạng xã hội. Nhưng không, những tin đồn thất thiệt vẫn cứ nhan nhản với đủ thứ luận điệu, nhất là khi Hà Nội xuất hiện bệnh nhân thứ 17 là một cô gái 26 tuổi trở về sau khi đi du lịch một số nước ở châu Âu.
Việc có người lây nhiễm dịch Covid-19 từ nước ngoài về Việt Nam chúng ta đã dự đoán trước. Có điều là chúng ta đã có phần bị động với ca bệnh này, khi đối tượng không trung thực trong khai báo y tế. Phải mấy ngày sau khi về Hà Nội, tiếp xúc với nhiều người và tình trạng ho, sốt không giảm cô mới đi khám và được kết luận mình bị nhiễm virus SASR- CoV-2.
Tâm lý lo sợ của người dân đã bị các đối tượng xấu lợi dụng để tung thêm những thông tin thất thiệt, gây hoang mang trong xã hội. Điển hình là chị K.P.T (SN 1984; trú tại Đống Đa – Hà Nội) đã đăng lên Facebook cá nhân thông tin nữ bệnh nhân số 17 đã tham dự sự kiện khai trương của Uniqlo tại Vincom Phạm Ngọc Thạch và đến một quán bar ở Tạ Hiện trước khi đưa vào cơ sở y tế để cách ly bắt buộc do dương tính với Covid-19. Những thông tin kiểu này khiến mọi người tưởng như “Hà Nội chỗ nào cũng có dịch”! Cảnh hỗn loạn vì Covid-19 đã tái diễn, khi người dân đổ xô đến các siêu thị vét sạch các nhu yếu phẩm để dự trữ.
Không dừng lại ở đó, việc tung tin giả về số ca dương tính, số người chết ở những chỗ nọ, chỗ kia cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân khu vực đó, khiến họ bất an, thậm chí bị khu vực khác kỳ thị, xa lánh vì sợ nhiễm bệnh.
Thực tế cho thấy, trong dòng chảy thông tin về dịch bệnh, rất nhiều người muốn được tham gia, thể hiện mình là người nhạy cảm với thời cuộc, có tác động đến xã hội. Điều đáng nói, đối tượng tung tin giả, tin thất thiệt không chỉ là người kém hiểu biết, trẻ em hiếu kỳ hay những người “câu views” vì mục đích thương mại (bán hàng online) mà có cả những người có trình độ, hiểu biết, thậm chí có cả nhiều người trong giới showbiz cũng đã nhanh nhảu đoảng đăng thông tin chưa được kiểm chứng về dịch bệnh, gây tâm lý lo lắng cho cộng đồng.
Đàm Vĩnh Hưng đăng thông tin “hai người Trung Quốc bị nhiễm virus Corona đã chết tại Bệnh viện Chợ Rẫy; Cát Phượng chia sẻ trên trang cá nhân: “Dịch bệnh đã đến Q.1, rồi sẽ lan tràn đến Q.3, Q.5, Q.7…” và kêu gọi khán giả “mua và dùng khẩu trang lọc khí thông minh AirPlus cho an toàn”; Còn người mẫu Ngô Thanh Vân thì lại cập nhật trạng thái trên fanpage về tình trạng hãng hàng không vẫn có chuyến bay từ Vũ Hán về Việt Nam giữa đại dịch virus Corona, trong khi Cục Hàng không trước đó đã dừng cấp phép các chuyến bay từ Việt Nam đi Vũ Hán và ngược lại…
Dân mạng các địa phương trong tỉnh cũng không chịu thua chị kém em, đăng nhiều thông tin không chính xác về dịch Covid-19. Một thanh niên ở thị xã Sơn Tây đăng tin “Việt Nam có thuốc đặc trị virus Corona là… ketamin và vài ngày tới, Việt Nam sẽ “từ thiện” 10 tấn ketamin sang Trung Quốc, rồi tin “Nhà nước Việt Nam sẽ cho máy bay phun thuốc khử trùng từ trên trời xuống trên khắp cả nước đêm nay” đã được chia sẻ nhanh với tốc độ chóng mặt trên Facebook. Một MC bóng đá ở Thạch Thất (Hà Nội) lên Facebook cá nhân tung tin về việc có bệnh nhân nhiễm virus Corona điều trị tại Bệnh viện huyện Thạch Thất để câu like.
Hay mới đây, Trần Văn H (SN 1989, trú tại Thanh An, huyện Thanh Chương) đã đăng tải trên trang Facebook cá nhân nội dung: “Bây giờ thằng giàu cũng như thằng nghèo. Dịch Corona đã về Nghệ An, Thanh Chương 3 ca tử vong”.
Từ đầu mùa dịch đến nay, đã có 350 trường hợp đăng tin sai bị ngành chức năng xử lý. Nhưng những tin tức chết chóc gây hoang mang, hỗn loạn trong dân chúng vẫn cứ lan truyền, chia sẻ rất nhanh. Các tin thất thiệt còn có khả năng tạo các tâm lý phản đối, gây mâu thuẫn trong xã hội, khiến người dân không tin tưởng vào các cơ quan chức năng, chính quyền. Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báo, việc xuất hiện tin giả trên mạng xã hội cũng tương tự như sự lây lan của virus, bởi nó sẽ tác động trực tiếp đến “sức đề kháng” của người dùng. Một thống kê mới đây cho thấy, có đến 80% người dùng internet bị ảnh hưởng của tin giả. Với 60 triệu người dùng Facebook ở Việt Nam, số người bị tác động bởi tin giả, tin thất thiệt kiểu này, rõ ràng là rất lớn, tác hại do nó gây ra cũng vô cùng nguy hại.
Xu hướng để trở thành một Facebooker nổi tiếng bằng cách phải chọn hình ảnh hay viết một cái gì đó thật giật gân để thu hút người đọc đang hình thành nơi phát tán những tin giả, tin không đúng sự thực trên mạng xã hội. Dù vô tình hay cố ý trục lợi, gây hoang mang, chia rẽ cộng đồng thì đây vẫn là vấn đề nóng, ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe người dân, rất cần có sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Dịch bệnh sẽ không đáng lo ngại quá mức nếu cộng đồng thật sự hiểu và chủ động biết cách phòng, chống mà không hoang mang, lo lắng thái quá.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, người dùng mạng xã hội phải là “người đọc thông minh” khi trang bị cho mình khả năng xác định tin thật – giả. Không nên chia sẻ những tin tức mà mình chưa thực sự tin cậy.
Kỹ thuật: Thành Cường