Hành trình thắp sáng niềm tin

60 năm hoạt động, với những nỗ lực của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, Điện lực Nghệ An đã đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Những năm gần đây, nhiều dự án đưa điện lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền biển được thực hiện, phục vụ các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, thực sự “thắp sáng niềm tin” của nhân dân, doanh nghiệp các vùng miền.

ách đây 60 năm, ngày 4/5/1959, Nhà máy Điện Vinh do Liên Xô giúp đỡ đã chính thức khánh thành, đem ánh sáng tỏa khắp thành thị. Nhà máy có công suất đạt 8.000kW, đóng góp một phần quan trọng vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội ở Nghệ An trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Trong quá trình xây dựng Nhà máy, ngày 15/6/1957, cán bộ công nhân Nhà máy điện Vinh vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Gặp gỡ, nói chuyện với đông đảo cán bộ công nhân nhà máy, Bác đã căn dặn: “Các cô, các chú được giao quản lý tài sản quí báu này, các cô, các chú hãy cố gắng lên, đừng để cảnh nghèo nàn lạc hậu trở lại trên quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh chúng ta”.

Toàn cảnh Nhà máy Điện Vinh; Nhà máy được xây dựng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô; Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ về thăm Nhà máy Điện Vinh.
Toàn cảnh Nhà máy Điện Vinh; Nhà máy được xây dựng với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô; Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ về thăm Nhà máy Điện Vinh.

Từ đó đến nay, các thế hệ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) Công ty Điện lực Nghệ An luôn nỗ lực thi đua làm theo lời Bác, vượt qua mọi khó khăn gian khổ từ trong thời kỳ chiến tranh phá hoại đến những thách thức đặt ra phải đáp ứng trong thời kỳ đổi mới của đất nước, giữ gìn, xây dựng và phát triển đưa công ty lớn mạnh, làm tốt vai trò nhiệm vụ được giao, tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển toàn diện về mọi mặt của đất nước nói chung và Nghệ An nói riêng.

Trong suốt những năm dài kháng chiến, Nhà máy Điện Vinh đã trở thành túi bom do giặc Mỹ trút xuống. Với khẩu hiệu “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, toàn nhà máy đã anh dũng kiên cường bám lò, bám máy duy trì nguồn điện phục vụ sản xuất và chiến đấu. Nhà máy đã bị phá đi, khôi phục lại tới 26 lần trong gian khổ, khó khăn, hy sinh, mất mát… Nhưng “Địch đánh ta phục hồi, địch lại đánh ta lại phục hồi, bám trụ kiên cường, thề quyết tử cho dòng điện quyết sinh”. Những ngày đó, người dân thành phố Đỏ luôn hướng về Nhà máy với niềm tin và hy vọng “Nhà máy điện vẫn còn hoạt động”. Nó thực sự trở thành niềm tin, niềm kiêu hãnh của những người thợ điện trên quê Bác, xứng đáng với lá cờ thêu 12 chữ vàng “Chiến đấu dũng cảm, lao động sáng tạo, chiến thắng vẻ vang” do Liên hiệp Công đoàn Nghệ An trao tặng. Cũng trong giai đoạn chiến tranh ác liệt này, 14 chiến sỹ Nhà máy Điện Vinh đã hy sinh anh dũng. Họ đã lấy máu mình tô thắm cho trang sử vàng lịch sử Nhà máy Điện Vinh…

Ống khói Nhà máy điện bị bom Mỹ tàn phá; Cán bộ, nhân viên Nhà máy điện với tinh thần
Ống khói Nhà máy điện bị bom Mỹ tàn phá; Cán bộ, nhân viên Nhà máy điện với tinh thần "Quyết chiến hy sinh đảm bảo nhiều điện cho quê hương Xô viết.

Đến ngày 13/8/1984, Nhà máy Điện Vinh đổi tên thành Sở Điện lực Nghệ Tĩnh. Lưới điện Nghệ An đã được kết nối vào lưới điện Quốc gia. Sở Điện lực đã mở rộng, xây dựng và phát triển hệ thống lưới điện trung thế, hạ thế, trực tiếp phục vụ người tiêu dùng trong địa bàn. Các Chi nhánh điện được hình thành để quản lý lưới điện theo vùng đã được hoạch định, nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định cho khách hàng và thuận tiện cho việc kinh doanh.

Ngày 30/9/1991, Sở Điện lực Nghệ Tĩnh được tách ra làm hai đơn vị quản lý lưới điện theo địa bàn hành chính. Sau khi chia tách được gọi là Điện lực Nghệ An và Điện lực Hà Tĩnh. Lúc này chức năng quản lý nhà nước về điện được chuyển sang Sở Công Thương thực hiện. Điện lực Nghệ An thời điểm đó quản lý 2.446 km đường dây cao thế, 21 trạm trung gian và phân phối, 1.370 trạm biến thế với tổng dung lượng 531.935KVA. Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tăng cường với tốc độ nhanh. Bình quân hàng năm đưa vào vận hành hơn 80 trạm biến thế các loại, gần 200 km đường dây. Hệ thống lưới điện phát triển nhanh, trải dài vươn tới những địa bàn phức tạp. Đến tháng 1/1996, tất cả 19/19 huyện, thành, thị đã có lưới điện Quốc gia. 4 huyện miền núi cuối cùng của tỉnh là Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong đều đã có điện lưới.

Đóng điện công trình Trạm biến áp 110 kV Hưng Nguyên.
Đóng điện công trình Trạm biến áp 110 kV Hưng Nguyên.

Ngày 13/6/2007, tin vui đến với CBCNV Công ty Điện lực Nghệ An, Nhà máy Điện Vinh được Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành Quyết định số 16/2007/QĐ-BVHTT xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Ý thức được giá trị, ý nghĩa lịch sử của Nhà máy, Điện lực Nghệ An đã luôn quan tâm bảo vệ địa điểm di tích này.

Bên cạnh việc giữ nguyên một phần mặt bằng Nhà máy trước đây, Điện lực Nghệ An còn bảo tồn và tôn tạo một số hạng mục trên nền đất cũ của Nhà máy như ống khói, trung tâm điều hành sản xuất lò máy Liên Xô cũ, hệ thống hang hầm trong lòng núi Dũng Quyết và rất nhiều hiện vật được lưu giữ ở phòng Truyền thống. Cứ vào ngày 4/6 hàng năm, Điện lực Nghệ An đều tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì dòng điện không bao giờ tắt trên quê hương Xô Viết.

Phòng truyền thống với Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, các hiện vật của nhà máy từ những ngày đầu thành lập đến nay.
Phòng truyền thống với Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, các hiện vật của nhà máy từ những ngày đầu thành lập đến nay.

Ngày 14/4/2010, đã đánh dấu một mốc son mới trong lịch sử hình thành và phát triển của Công ty. Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quyết định đổi tên Điện lực Nghệ An thành Công ty Điện lực Nghệ An trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Việc chuyển đổi mô hình đã ghi nhận và đánh dấu một bước chuyển biến lớn của Công ty cả về số lượng và chất lượng.

Đây là mô hình ổn định, lâu dài và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước. Công tác sắp xếp cơ cấu tổ chức, kiện toàn bộ máy quản lý đạt nhiều bước tiến quan trọng theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, chuyên nghiệp, lấy hiệu quả công việc làm thước đo với mong muốn đem lại sự hài lòng cho tất cả khách hàng. Đây cũng là giai đoạn mà Công ty thực hiện các chương trình mục tiêu lớn mà Đảng, Chính phủ và tỉnh Nghệ An giao. Đó là thực hiện tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp khu vực nông thôn, trực tiếp bán điện đến các hộ dân, đảm bảo người dân được hưởng giá bán điện theo quy định của Chính phủ; hoàn thành chương trình đưa điện đến 100% các xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Giai đoạn 2 đến năm 2020 sẽ đưa điện đến tất cả các thôn bản chưa có điện lưới quốc gia, phục vụ đời sống nhân dân, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo; Cấp điện ổn định cho các khu công nghiệp lớn trong tỉnh nhằm phát triển công nghiệp và công tác đầu tư ở Nghệ An…

Việc cung ứng điện kịp thời đã góp phần vào phát triển KT-XH của tỉnh Nghệ An.
Việc cung ứng điện kịp thời đã góp phần vào phát triển KT-XH của tỉnh Nghệ An.

Công ty Điện lực Nghệ An đã làm tốt công tác tiếp nhận và cải tạo lưới điện hạ áp nông thôn; đạt mốc lịch sử: 100% xã có lưới điện Quốc gia sớm hơn dự kiến. Việc đưa điện đến các vùng nông thôn, miền núi đã mang lại diện mạo mới cho các địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng giá trị đời sống văn hóa tinh thần cho người dân các địa phương nói riêng cũng như nền kinh tế của toàn xã hội.

Được sự quan tâm của Tập Đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Nghệ An đã thực hiện đầu tư xây dựng các dự án nguồn điện, phát triển lưới điện truyền tải, phân phối, các dự án cấp điện cho khu kinh tế, khu công nghiệp, các nhà máy. Công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng phục vụ phát triển cho các khu công nghiệp Bắc Vinh, Nam Cấm, Hoàng Mai, Đông Hồi, VSIP, TH,.. với cơ chế đặc biệt “đưa điện đến chân hàng rào” các doanh nghiệp. Việc cung ứng điện kịp thời đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nghệ An.

Khách hàng giao dịch tại Điện lực TP. Vinh.
Khách hàng giao dịch tại Điện lực TP. Vinh.

Với phương châm khách hàng là động lực để phát triển, những năm qua Công ty Điện lực Nghệ An đã và đang triển khai nhiều giải pháp toàn diện, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng thành công hệ thống chăm sóc khách hàng đa dạng và hiện đại, các dịch vụ khách hàng tiện ích và nhanh chóng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu của người sử dụng điện.

Trong hành trình đó, Công ty Điện lực Nghệ An đã tự đổi mới, cải cách để vươn tới những mục tiêu cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước, phát triển quê hương, trên tinh thần “kiến tạo, phục vụ”, cũng như yêu cầu ngày càng cao của khách hàng sử dụng điện thông qua công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng, góp phần thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước trong xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Các dự án đưa điện lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền biển, các công trình điện phục vụ các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp… đã thực sự “thắp sáng niềm tin” của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An, vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta, và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Hành trình sắp tới, tuy vẫn còn nhiều khó khăn thách thức song tập thể CBCNV Công ty Điện lực Nghệ An sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy các thành quả hiện có, không ngừng phấn đấu, vượt qua thử thách, vươn tầm cao mới, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng với ngành Điện Việt Nam, phát triển vững mạnh toàn diện, ngang tầm với khu vực, giữ vững vai trò bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế – xã hội, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phồn vinh của quê hương, đất nước.

BẢNG VÀNG 60 NĂM CÔNG TY ĐIỆN LỰC NGHỆ AN

– Đảng, Nhà nước tuyên dương Đơn vị Anh hùng năm 1967.
– Tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho 2 đồng chí Huỳnh Ngọc Đủ, Trương Quang Thâm.
– 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.
– 7 Huân chương Chiến công (3 hạng Nhất, 4 hạng Ba).
– Hơn 20 Huân chương Lao động (2 hạng Nhất, 8 hạng Nhì, 11 hạng Ba).
– 2 Huân chương Độc lập (1 hạng Nhì, 1 hạng Ba)
– 624 cán bộ, công nhân viên được tặng thưởng Huân chương, Huy chương chống Mỹ cứu nước.
– 4 cán bộ, công nhân viên được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
– 9 cán bộ, công nhân viên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
– Nhiều Cờ thưởng luân lưu, Giải thưởng của:  Chủ tịch nước; Tổng Công đoàn Việt Nam;  Bộ Thủy lợi và Điện lực; Bộ Năng lượng; Cúp vàng Doanh nhân xứ Nghệ; Doanh nghiệp Vì người Lao động…
– Nhiều năm liền được Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác sản xuất, kinh doanh…
– 5 đồng chí là cán bộ, công nhân viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội qua các nhiệm kỳ.