Hành trình gieo hạt yêu thương của cựu nữ sinh trường Phan bị mắc K máu

Diệu Thuần sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, là cô con gái chăm ngoan, học giỏi, niềm tự hào của gia đình. Những tưởng tương lai tươi sáng chờ đón phía trước, nhưng tất cả đã vỡ vụn vào cái ngày nhẽ ra phải hạnh phúc nhất đời: Thuần biết tin mình bị ung thư máu khi vừa nhận được giấy báo đỗ đại học!

Năm 2005 trở thành một năm đầy tuyệt vọng với Thuần. Trong ký ức chưa xa, tháng ngày của cô gái tuổi 18 ấy là biết bao lần làm bạn với giường bệnh, với những cơn đau do truyền hóa chất và xạ trị. Cơ thể suy kiệt, gầy rộc gần như chỉ còn da bọc xương, sự sống gần như lụi dần trước mặt. Thuần nói rằng: Đã có lúc tôi muốn buông bỏ vì quá mệt mỏi đau đớn. Nhưng nghĩ đến gia đình, đến những tấm lòng của bạn bè hàng xóm, cả những người không quen, những người chỉ mới vài lần gặp mặt, nên tôi đã chọn cách chiến đấu, đương đầu.

“Không thể kể hết những xúc cảm khi ngày đầu tôi nhận được tin mình sẽ có cơ hội sống nếu được ghép tủy” – Thuần kể. Thế nhưng, tiền đâu ra, khi vào thời điểm đó, 500 triệu đồng là số tiền khổng lồ mà gia đình cô có thể vay mượn hay cầm cố để có được. Tuy rất may mắn vì được Quỹ hỗ trợ “Vì Ngày mai tươi sáng” tài trợ một phần, nhưng nguồn kinh phí còn thiếu vẫn còn quá lớn. Thế rồi, một cuộc vận động lớn trong toàn bệnh viện và cộng đồng mạng xã hội hòng níu giữ sự sống cho Thuần được diễn ra. Người ít 50 nghìn đồng, người nhiều 500.000 – 1 triệu đồng. Có những cô lao công, bác xe ôm trước cửa bệnh viện nghe tin Diệu Thuần có cơ hội ghép tủy để khỏi bệnh đã nhịn ăn sáng, lên tận phòng bệnh trao tiền ủng hộ. Nghĩa cử đó khiến Diệu Thuần nghẹn ngào vì xúc động, tự hứa với lòng mình sẽ phải kiên cường hơn, lạc quan hơn và sống thật có ý nghĩa để tri ân cuộc đời. Và trời đã thấu lòng người, ca ghép tủy của Diệu Thuần thành công ngoài mong đợi.

“Những ngày điều trị sau ghép tủy, tôi thường đi loanh quanh trong viện, mới biết nơi đây có rất nhiều “chiến binh nhí” cũng đang từng ngày chiến đấu với các bệnh về máu. Những cô bé, cậu bé có cái đầu trọc lóc nhưng vô cùng hồn nhiên. Tôi tự nhủ, khi mình khỏe mạnh hơn, nhất định sẽ trở lại đây, tiếp thêm nghị lực cho các bệnh nhi” – Thuần kể lại.

Ngay khi đỡ bệnh, Diệu Thuần ngay lập tức đã hiện thực hóa lời hứa với lòng mình. Cô lập trình cho mình con đường mới, con đường hướng đến những trẻ em mắc bệnh ung thư, đưa đến cho các em niềm tin yêu, lạc quan bằng sự đồng hành và những món quà có ý nghĩa.

“Tôi mang đến lời ca, tiếng hát, những câu chuyện cuộc sống, những bức tranh đẹp, những cuốn sách hay… để bầu bạn với trẻ nhỏ” – Thuần cho hay. Từ những cuộc trò chuyện làm quen, dần dà trở thành những buổi sinh hoạt đều đặn hàng tuần tại Viện. Ở đây, cô được chung sức với những thành viên trong Tổ công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hỗ trợ tinh thần cho các bệnh nhi ung thư, lắng nghe các em tâm sự, cùng các em vượt qua những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Điều này không chỉ nhằm chia sớt những khó khăn cho các bạn nhỏ mà còn khiến tinh thần Thuần phấn chấn gấp bội, khiến những quyết tâm làm những điều lớn lao hơn cho trẻ mắc ung thư máu càng đầy lên trong cô.

Những ngày đầu vào viện làm tình nguyện viên tại lớp học kỹ năng sống cho trẻ, Diệu Thuần đã đặt tất thảy sự chăm chú, ân cần của mình vào không gian ấy, vào những đứa bé mà cô gọi là “chiến binh nhí” ấy. Thông qua những giờ học mà Thuần và các anh chị trong Tổ công tác xã hội tổ chức, bọn trẻ có cơ hội được nói lên những tâm tư, những ẩn ức chất chứa. Những câu chuyện của các bạn nhỏ đặc biệt ấy đã truyền động lực để Thuần viết nên “Muôn ánh mặt trời” – cuốn sách viết về bệnh nhi mắc ung thư máu.

Diệu Thuần chia sẻ: Cuốn sách có rất nhiều câu chuyện đọc thấy rơi nước mắt. Đó là câu chuyện các em hồn nhiên chia sẻ về những nỗi niềm, những khao khát cho bản thân và người nhà. Có những em bé từ khi ra đời, lần đầu tiên mới được thổi nến sinh nhật bên chiếc bánh gato. Bạn nhỏ ấy bồi hồi hạnh phúc dưới ngọn nến lung linh rồi ước bù cho mười mấy năm không được ước. Và bạn ước ổn định sức khỏe, mơ lên cấp 3, bước chân vào đại học. Có những em chỉ ước cho người anh trai của mình có cuộc sống tốt đẹp hơn, bởi người anh trai đó đã vì em bị bệnh mà phải chịu bao nhiêu thiệt thòi…

Sau khi sách bán được, Thuần nghĩ nhiều đến những dự án lớn hơn, để gây được nhiều quỹ hơn nhằm giúp đỡ thêm cho các bạn nhỏ bị các bệnh về máu. Với suy nghĩ phải tạo điều kiện cho người nhà bệnh nhân được tham gia vào dự án và tạo sinh kế cho họ, Diệu Thuần khai sinh dự án sản xuất các sản phẩm thêu tay, gồm túi thêu, khăn thêu, vải bọc sách… Tham gia dự án này là các bà mẹ của những bệnh nhi, sản phẩm họ làm ra sẽ được Thuần bao tiêu. “Tôi nhận ra chỉ có thêu tay là nghề phù hợp nhất với các mẹ đang chăm con là các bệnh nhi bị ung thư máu. Bởi thêu vừa tạo nguồn thu nhập cho các mẹ, vừa là liệu pháp tinh thần khiến các mẹ được giải tỏa ít nhiều tâm lý lo nghĩ buồn chán và có khi là cả tuyệt vọng” – Thuần nói.

Những bà mẹ tham gia dự án sẽ được cung cấp chỉ thêu, khung thêu và các mẫu thêu; đồng thời các tình nguyện viên trong nhóm của Thuần sẽ dạy các mẹ thêu tay cho đến khi thành thạo. Sau một thời gian nhất định, các mẹ sẽ bàn giao thành phẩm cho nhóm của Thuần. Có những bà mẹ mỗi ngày thêu được 50 – 100 nghìn đồng, nhưng cũng có mẹ thành phẩm lên tới 200 – 300 nghìn đồng, tùy độ khéo léo và cả điều kiện khách quan. Sau khi nhận thành phẩm thêu, Diệu Thuần và các bạn trong dự án sẽ tìm cách kết nối với các đơn vị thu mua, nhiều người biết đến sản phẩm này và đã tình nguyện thu mua lâu dài. Nhiều người mua một vài sản phẩm nhưng ủng hộ thêm kinh phí cho dự án.

Những tháng ngày gắn bó với các hoạt động thiện nguyện tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Diệu Thuần xúc động trước ước mơ của nhiều bệnh nhi về mái tóc dày, dài óng mượt. Do đó, cô lại ấp ủ về một “Trạm tóc ước mơ”, mong sao sẽ kết nối được nhiều tấm lòng hướng đến trẻ em mắc căn bệnh quái ác này, hiện thực hóa ước mơ giản dị nhưng rất đỗi xa vời ấy. Thế rồi, sau nhiều sự hỗ trợ của Tổ công tác xã hội Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, bắt đầu từ ngày 8/10/2022, Thuần và các anh chị ở đây đã tổ chức ngày hội hiến tóc. Ngày hội đã thu hút 500 người tham gia, qua đó thu được khối lượng tóc tương đương 200 bộ tóc giả. Đến nay, đã có hơn 3.000 người hiến tóc và hàng trăm bộ tóc giả được trao đến tay các em nhỏ đang thực hiện các liệu trình truyền hóa chất.

Hướng trọn đời mình vào những hành trình gieo hạt yêu thương, Diệu Thuần đã thành lập công ty xã hội với tên gọi “Mạng lưới Vì trẻ em ung thư” và doanh thu có được từ các dự án sẽ phân chia cho nhiều hạng mục. Đến nay, Thuần đã thành lập thêm được quỹ học bổng “Em ước mong sao”, trao học bổng cho 22 trẻ em có bố mẹ bị mắc ung thư ở xã Diễn Kỷ (Diễn Châu), TP. Vinh, Quỳ Hợp và các em ở Quảng Ninh, Hà Nội, mỗi em 5 triệu đồng.

Ngày hội hiến tóc đã thu hút 500 người tham gia; Trao học bổng “Em ước mong sao” cho các em có bố mẹ bị mắc ung thư.
Ngày hội hiến tóc đã thu hút 500 người tham gia; Trao học bổng “Em ước mong sao” cho các em có bố mẹ bị mắc ung thư.