Hành trình 20 năm tín dụng chính sách tại Nghệ An

Phà Đánh (Kỳ Sơn) là xã nghèo, đời sống đồng bào còn gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở vì vậy cũng rất gian nan. Trong bối cảnh chung đó, trước đây hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Piêng Phô gặp rất nhiều khó khăn, ý thức chấp hành của tổ viên còn thấp, thường xuyên để nợ quá hạn, lãi tồn cao, 100% tổ viên không tham gia gửi tiết kiệm. Thay đổi bắt đầu từ năm 2009, khi chị Xã Thị Viên – người dân tộc Thái đảm nhiệm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản. Được tổ viên tin tưởng và làm theo, Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Piêng Phô thay đổi nhanh chóng, chất lượng quản lý ngày càng được cải thiện, đến cuối năm 2010 không còn nợ quá hạn, 100% hộ vay trả hết lãi tồn đọng và chấp hành nghiêm túc nộp lãi hàng tháng, 100% hộ tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng. Đến nay, dư nợ toàn tổ đạt trên 2 tỷ đồng, tiền gửi tiết kiệm toàn tổ đạt trên 150 triệu đồng. Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp 16 hộ nghèo của bản thoát nghèo bền vững; một số hộ nghèo đặc biệt đã vươn lên, có cuộc sống ấm no, trở thành những hộ điển hình vay vốn hiệu quả để bà con trong bản học tập, noi theo.

Ngân hàng CSXH Con Cuông giải ngân tại xã Thạch Ngàn; Ngân hàng CSXH Quỳ Châu giải ngân cho hộ vay tại xã Châu Tiến; Cán bộ Ngân hàng CSXH Quỳ Hợp thăm gia đình chị Vi Thị Đào (xóm Thái Quang, xã Châu Thái) - hộ vay vốn hiệu quả; Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông thăm vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.
Ngân hàng CSXH Con Cuông giải ngân tại xã Thạch Ngàn; Ngân hàng CSXH Quỳ Châu giải ngân cho hộ vay tại xã Châu Tiến; Cán bộ Ngân hàng CSXH Quỳ Hợp thăm gia đình chị Vi Thị Đào (xóm Thái Quang, xã Châu Thái) - hộ vay vốn hiệu quả; Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông thăm vùng nguyên liệu của doanh nghiệp.

Đơn cử, chị Lương Thị Hương hoàn cảnh con nhỏ, chồng bị bệnh mất sớm, gia đình rất nghèo, được vay 5 triệu đồng từ vốn chương trình dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để mua 1 con bò, năm 2010, được vay bổ sung thêm 30 triệu đồng để tăng đàn, đến nay, chị đã có tổng đàn trên 20 con bò, xây được nhà mới khang trang, trở thành hộ có điều kiện kinh tế khấm khá của bản. Hay trường hợp chị Lô Thị Lan thuộc hộ nghèo nhất, nhì trong bản, được vay vốn chương trình hộ nghèo, sau đó là chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hiện chị đã thoát nghèo, đang đầu tư chăn nuôi, cung cấp gà thịt và gà giống hiệu quả.

Lên xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu – xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, ở đây chủ yếu là bà con ở vùng xuôi di cư lên xây dựng vùng kinh tế mới. Nhớ lại ngày đầu “dựng nghiệp”, chị Tô Thị Hương ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình cho biết: Gia đình thuộc diện hộ nghèo trong bản với 5 khẩu; 2 vợ chồng là lao động chính và 3 con đang tuổi ăn học. Đầu năm 2016, trong khi khó khăn chồng chất, bữa cơm gia đình còn bữa đói, bữa no thì may mắn tôi được kết nạp vào Tổ tiết kiệm và vay vốn và được bình xét để vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 25 triệu đồng của chương trình cho vay hộ nghèo về nhà ở. Nhờ đó, gia đình tôi đã sửa chữa lại căn nhà tạm bợ để có nơi an cư lạc nghiệp. Sau đó, gia đình chị tiếp tục vay vốn để chăn nuôi trâu bò, đào ao thả cá và trồng rừng.

Hộ chị Tô Thị Hương ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình (Quỳ Châu) chăn nuôi gia cầm từ vốn vay ngân hàng CSXH; Chị em Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) phát triển nghề dệt thổ cẩm từ vốn vay ngân hàng; Hội viên tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Châu Thái (Quỳ Hợp) xem thông tin vay vốn tại trụ sở UBND xã; Ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) chọn gà đen bản địa để phát triển kinh tế.
Hộ chị Tô Thị Hương ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình (Quỳ Châu) chăn nuôi gia cầm từ vốn vay ngân hàng CSXH; Chị em Tổ tiết kiệm và vay vốn bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) phát triển nghề dệt thổ cẩm từ vốn vay ngân hàng; Hội viên tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Châu Thái (Quỳ Hợp) xem thông tin vay vốn tại trụ sở UBND xã; Ông Vừ Tồng Pó ở bản Mường Lống 1, xã Mường Lống (Kỳ Sơn) chọn gà đen bản địa để phát triển kinh tế.

Đến nay, gia đình chị Hương đã thoát nghèo vươn lên trở thành hộ khá của xã, của huyện. Hoạt động chăn nuôi, sản xuất kinh doanh phát triển giúp gia đình chị có đủ điều kiện để lo cho con cái ăn học tử tế. Đặc biệt, con gái đầu đạt học sinh giỏi tỉnh, hiện nay đang tiếp tục theo học Trường cấp 3 Quỳ Châu. “Để có được như ngày hôm nay thực sự là cả một giấc mơ, giấc mơ mà trước kia tôi chưa từng mơ tới. Trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu, cán bộ hội phụ nữ xã Châu Bình và tổ tiết kiệm và vay vốn nơi bản làng tôi đang sinh sống là những người có công rất lớn – đồng hành tiếp sức cho ước mơ của gia đình tôi trở thành hiện thực” – chị Hương chia sẻ.

Cho đến nay, khó có thể kể hết bao nhiêu tấm gương vượt khó vươn lên, bao nhiêu học sinh sinh viên có tiền để theo đuổi việc học, bao nhiêu ngôi nhà ấm áp được dựng lên từ đồng vốn tín dụng chính sách… Kết quả đó, là nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, có mô hình tổ chức phù hợp, cùng với mạng lưới điểm giao dịch trải khắp toàn tỉnh xuống tận các xã và hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản được ví như “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách. Với phương thức hoạt động sáng tạo thông qua ủy thác một số khâu công việc cho 04 tổ chức chính trị – xã hội, kết nối với mạng lưới tổ tiết kiệm vay vốn đến tận 100% thôn, bản và tổ chức giao dịch tại xã; hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Nghệ An đã được cả hệ thống chính trị tham gia một cách tích cực, đảm bảo công khai, dân chủ.

Dư nợ ủy thác của 4 hội đoàn thể đến ngày 31/8/2022. Đồ họa: Hữu Quân
Dư nợ ủy thác của 4 hội đoàn thể đến ngày 31/8/2022. Đồ họa: Hữu Quân

Chẳng hạn, tại huyện Đô Lương, các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác cho vay trên địa bàn đã làm tốt công tác ủy thác, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, qua đó, góp phần giúp hàng ngàn đối tượng có nhu cầu vay vốn được tiếp cận nhanh nhất với nguồn vốn ưu đãi. Đoàn Thanh niên xã Giang Sơn Tây được đánh giá là đơn vị thực hiện tốt nhất công tác ủy thác cho vay. Hiện nay, tổng dư nợ đang quản lý là 4,5 tỷ đồng với 85 hộ vay đang còn dư nợ tại 2 tổ vay vốn. Nhờ có nguồn vốn ưu đãi, trải qua 15 năm hoạt động kể từ ngày chia tách xã Giang Sơn thành 2 xã Giang Sơn Đông và Giang Sơn Tây các đơn vị ủy thác cấp xã đã giúp cho trên 400 hộ vươn lên thoát nghèo, trong đó, có trên 150 hộ do Đoàn Thanh niên quản lý đã thoát nghèo. Để giúp hộ nghèo sử dụng đồng vốn có hiệu quả, Đoàn Thanh niên rất coi trọng việc hướng dẫn các hộ vay vốn về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, kiến thức kinh doanh. Hàng năm, Đoàn xã phối hợp với ngành Nông nghiệp để tổ chức chuyển giao khoa học, kỹ thuật theo mùa vụ hoặc theo từng loại cây trồng, con nuôi, loại hình sản xuất, kinh doanh nhằm tạo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách nắm rõ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật để vận dụng vào thực tiễn. Sau 15 năm thực hiện hoạt động ủy thác cho vay từ nguồn vốn vay của Ngân  hàng Chính sách xã hội kể từ ngày tách xã, Đoàn xã đã giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, xã nhà được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.

Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng tặng quà hộ vay vốn và học sinh nghèo vượt khó nhân chuyến thăm ở Tà Cạ (Kỳ Sơn).
Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Dương Quyết Thắng tặng quà hộ vay vốn và học sinh nghèo vượt khó nhân chuyến thăm ở Tà Cạ (Kỳ Sơn).

Nguồn vốn của các chương trình tín dụng chính sách đã có sức mạnh to lớn, tác động lên nhiều mặt của đời sống xã hội. Ông Trần Khắc Hùng – Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết: “Hành trình 20 năm qua tại Nghệ An khẳng định sự phù hợp, kịp thời trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách đã gia tăng hiệu quả nguồn vốn; trách nhiệm, quyết tâm của những người tham gia trong dòng chảy tín dụng chính sách đã biến đồng vốn nhỏ thành động lực cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên, làm chủ cuộc sống. Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào thành quả phát triển kinh tế, mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh”.

Từ 3 chương trình tín dụng ngày đầu hoạt động, đến nay Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đã triển khai cho vay 22 chương trình tín dụng. Doanh số cho vay 20 năm đạt 32.451 tỷ đồng với 1.280 ngàn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ đến ngày 31/8/2022 đạt 10.524 tỷ đồng, tăng 10.217 tỷ đồng so với khi mới thành lập (tăng 34,31 lần), với 277,8 ngàn khách hàng còn dư nợ. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo có doanh số cho vay 20 năm cao nhất, đạt 8.284 tỷ đồng, với trên 294,4 ngàn lượt hộ nghèo vay vốn. Tiếp đó là các chương trình cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ thoát nghèo. Nghệ An cũng là địa phương có dư nợ Chương trình cho vay học sinh, sinh viên thuộc tốp lớn nhất cả nước: 20 năm qua, doanh số cho vay 4.475 tỷ đồng với hơn 250 ngàn lượt hộ gia đình vay vốn cho 625 ngàn học sinh, sinh viên đi học. Dư nợ đến ngày 31/8/2022 là 285 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 2,71% tổng dư nợ, với 8,04 ngàn hộ đang vay vốn.

Tổng nguồn vốn của ngân hàng đến ngày 31/8/2022. Ảnh: Hữu Quân
Tổng nguồn vốn của ngân hàng đến ngày 31/8/2022. Ảnh: Hữu Quân

Đồng chí Lê Hồng Vinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đánh giá, chặng đường 20 năm thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP chưa phải là dài nhưng đạt được kết quả, ý nghĩa rất lớn. Cùng với việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo của Nghệ An từ năm 2002 là 14,79% đến nay giảm còn 2,74% (theo chuẩn cũ). Tỉnh đã triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình tín dụng, có những cách làm để đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh cũng tranh thủ nguồn vốn lớn từ Trung ương kết hợp với việc giao chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thành, thị để triển khai thực hiện. Đến thời điểm ngày 30/6/2022, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 235,2 tỷ đồng.

“Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi; quản lý và giám sát chặt chẽ nguồn vốn này; triển khai thực hiện tốt hơn nữa nội dung Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách; đồng thời, tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn cho hộ nghèo các đối tượng chính sách. Tỉnh cũng sẽ nghiên cứu bố trí tăng dần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện các đề án về giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động, nhằm đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn” – đồng chí Lê Hồng Vinh nhấn mạnh.

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Thành ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất do dịch Covid-19; Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc (Diễn Châu) được vay gần 800 triệu đồng với 173 lao động được hỗ trợ.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Thành ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn phục hồi sản xuất do dịch Covid-19; Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc (Diễn Châu) được vay gần 800 triệu đồng với 173 lao động được hỗ trợ.