Gương mặt tri thức trẻ toàn cầu Đinh Ngọc Khang: “Nếu không có thứ ta yêu, hãy yêu thứ ta có”

Chào Khang, tôi được biết Khang vừa trở về từ “Diễn đàn tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019”. Cảm giác thế nào khi mình là một trong những thành viên trẻ nhất và Khang đem gì đến với diễn dàn này?

Em thực sự rất bất ngờ khi là một trong những đại biểu trẻ nhất của diễn đàn trí thức trẻ lần này. Trước lúc nộp hồ sơ, em được biết chỉ có trên dưới 100 đại biểu đến từ mọi nơi trên thế giới và tầm ảnh hưởng mà Diễn đàn tạo ra vào năm ngoái là không thể phủ nhận với chất lượng chuyên môn, học thuật cao cũng như nhiều sáng kiến đóng góp để thay đổi đất nước đã được đưa ra. Vậy nên lúc nộp hồ sơ, dù rất mong muốn được góp thêm tiếng nói nhỏ bé của mình, em cũng không dám đặt nhiều hy vọng sẽ được chọn.

Về với Diễn đàn Tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần này, từ những kiến thức học được ở Singapore cũng như Úc, em trình bày về giải pháp chuyển hóa năng lượng tái tạo (gió, mặt trời), vốn rất dồi dào ở Việt Nam, thành dạng nhiên liệu mới có thể dễ dàng sử dụng 1 cách rộng rãi.

Đến thời điểm này, Khang đã có 18 bài báo quốc tế và 7 bài khác đang trong quá trình phản biện. Trong đó, bài báo đăng trên tạp chí Small (chỉ số ảnh hưởng >10) cách đây 2 năm hiện vẫn là bài báo nằm trong top 1% có lượng trích dẫn cao nhất thế giới. Điều gì là khó khăn nhất với một người nghiên cứu?

Nghiên cứu luôn là một công việc đầy áp lực và khó khăn – nhất là đối với những nhà nghiên cứu trẻ, khi họ chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng cho điều này. Với chuyên ngành của em, thí nghiệm hỏng là việc xảy ra gần như hằng ngày và có thể nói là quá sức đối với những sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ tốt nghiệp ở môi trường ít được thực hành như Việt Nam.

Bạn bè em bỏ dở giữa chừng cũng không ít, kể cả những bạn giỏi hơn em rất nhiều. Một phần lý do mà có lẽ mọi người ít ngờ đến lại chính là đến từ gia đình. Những câu nói như “Cố lên! Con, em, cháu là niềm tự hào của gia đình”, “cháu là thần tượng của mấy đứa…”… tưởng chừng chỉ là lời động viên, khích lệ, nhưng nó tạo áp lực khủng khiếp cho những bạn “có chút thành tích ban đầu” như em. May cho em, gia đình và mẹ em luôn là người hiểu chuyện, thậm chí lúc em muốn bỏ dở chương trình học tiến sĩ, mẹ cũng chỉ động viên: “Nếu con thấy bế tắc, nếu con quá mệt mỏi, hãy về với mẹ. Mẹ chỉ cần con”.

Điều khó khăn nhất đối với một người nghiên cứu trẻ như em chính là làm thế nào để biến ước mơ thành hiện thực. Ước mơ thuở nhỏ của em tưởng chừng rất đơn giản: nghiên cứu, phát minh ra gì đấy giúp ích cho xã hội. Nhưng giờ lớn rồi, nhìn ra xung quanh, thấy những gì mình làm được chỉ như hạt cát nhỏ trên sa mạc. Nên ước mơ ấy vẫn luôn là nỗi trăn trở trong em.

Dường như những năm tháng phổ thông của Khang đã diễn ra không dễ dàng khi có quá nhiều biến cố? Hiện tại, Khang của bây giờ chắc khác với ngày xưa rất nhiều. Điều gì đã làm em thay đổi?

Sau những năm học ở bậc THCS ở Trường THCS Hồ Xuân Hương (Quỳnh Lưu) và Trường THCS Đặng Thai Mai (thành phố Vinh), em thi đỗ vào Trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Thời gian đầu, em đã huyễn hoặc bản thân rằng vào được ngôi trường giàu truyền thống, thành tích như Phan Bội Châu đã là một thành công lớn rồi. Vì thế, em tự cho phép mình được “xả hơi” bằng… điện tử và những môn thể thao yêu thích là bóng đá, cầu lông. Và hậu quả đã đến với em ngay trong những năm tháng đó khi thành tích học tập của em sa sút hẳn, em chỉ xếp ở nửa dưới của lớp.

Mọi chuyện thay đổi vào giữa kỳ 1 lớp 11, khi 3 người bạn thân của em đã hắt cho em “1 gáo nước lạnh”, cho em biết em đang ở đâu. Em giật mình nghĩ đến điều đơn giản mà em đã nghe bố nói rất nhiều lần rằng: Không được bằng lòng với những thứ mình đang có, phải “cố vươn tới mặt trời, vì nếu không, bạn vẫn sẽ rơi giữa những vì sao”. Từ đấy, em bỏ hết tất cả mọi sở thích, lao đầu vào việc học.

Chỉ sau mấy tháng, sóng gió ập đến với gia đình em. Em cảm thấy mình may mắn vì đã thoát khỏi sự cám dỗ của game để sống và học tập tử tế trước khi bố em qua đời, nếu không, em sẽ ân hận cả đời.

Ngoài sự cố gắng của bản thân, những gì em có được như ngày hôm nay còn là nhờ có sự tận tụy trong dạy dỗ, sự quan tâm, thấu hiểu và đồng cảm của các thầy cô. Em vẫn nhớ như in bài kiểm tra đầu tiên của những năm THPT, sau giờ kiểm tra em đã đoán được điểm của mình chỉ khoảng 2 đến 3 điểm. Nỗi sợ phải chịu xấu hổ với bạn bè trong em chưa bao giờ lớn đến thế. Em sợ hôm thầy trả bài, đưa cho 1 bạn nào đấy phát cho cả lớp. Nhưng rồi, thầy tận tay phát bài cho từng bạn, đến em, thầy không chấm. Đưa bài cho em, thầy vỗ vai, xoa đầu bảo: “Tự tin lên em nhé”. Đó là thầy Hải, người thầy dạy Toán mà em không bao giờ quên. Đó còn là thầy Sanh dạy Lý, người mà tới 1-2h sáng vẫn gửi bài cho em làm thêm, vẫn cần mẫn, kiên nhẫn chỉ bài cho em qua mạng; là cô Quỳnh Anh và thầy Lân dạy Hóa, những người đã truyền cho em niềm đam mê Hóa học để em được như ngày hôm nay…

Thời điểm này, khi em nhắc đến những kỷ niệm này, nhiều gương mặt của rất nhiều thầy cô dạy các môn khác bỗng ùa về trong em. Mỗi người một phương pháp dạy học, mức độ nghiêm khắc dành cho em cũng khác nhau, nhưng đều xuất phát từ một mục đích chung là muốn em nên người.

Vậy từ một nam sinh khá cá tính và mê chơi game, Khang bắt đầu đến với khoa học như thế nào?

Từ những năm tiểu học, em đã được bố mẹ cho đọc những cuốn sách về cuộc đời của các nhà khoa học như Thomas Edison, Issac Newton, Alfred Nobel, Galileo Galilei, Nicolaus Copernicus…. Điều đó đã nhen nhóm trong em ước mơ về việc nghiên cứu, phát minh ra gì đấy giúp ích cho xã hội sau này.

Sau này, tuy đã có những thời điểm em quên đi mục tiêu, ước mơ thuở bé của mình do ham chơi. Nhưng may mắn là em đã biết dừng, dù hơi muộn. Nhưng cũng vì ý thức được rằng đã muộn nên em tự nhủ lòng phải cố gắng gấp nhiều lần. Em cũng thực sự là một người may mắn khi được học lớp cử nhân tài năng của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nơi em được tiếp cận với chương trình đào tạo chuẩn quốc tế ngay tại Việt Nam, được học tập và nghiên cứu cùng những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành.

Tất nhiên, không phải ai cũng có những cơ hội tốt. Em biết ở Việt Nam có rất nhiều người trẻ tài năng và nhiệt huyết, họ cũng có những giáo sư hướng dẫn giỏi và kinh nghiệm, nhưng do điều kiện kinh phí và trang thiết bị thí nghiệm còn nghèo nàn, lạc hậu nên những ý tưởng và ước mơ của họ khó có thể được thực hiện.

 

Hiện tại, Khang được biết đến với khá nhiều vai trò khác nhau. Hãy chia sẻ về công việc của một “học giả” và những chuyến đi tới nhiều trường đại học khác nhau trên thế giới của Khang.

Công việc của một người tham cứu như em, chủ yếu là đóng góp những kỹ năng đang có của mình. Thời gian qua, ngoài việc chính là tập trung hoàn thành luận án tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Nanyang, em còn tham gia các dự án hợp tác cùng với Viện Khoa học Công Nghệ Singapore và Đại học Sydney. Mỗi chuyến đi của em, bên cạnh sự may mắn còn ghi dấu một chặng đường của sự nỗ lực phấn đấu.

Song song với việc học tập, nghiên cứu, em sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Hiện, em là Phó Chủ tịch Quỹ học bổng Đồng Hành Singapore. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận, mọi đóng góp của các thành viên trong ban điều hành đều xuất phát từ tinh thần tự nguyện và mong muốn được cống hiến cho cộng đồng, cho quê hương đất nước. Sau 5 năm đi vào hoạt động, Quỹ đã trao hơn 210 suất học bổng, tương đương khoảng 765 triệu đồng, cho các sinh viên khó khăn tại 3 trường đại học ở Việt Nam (ĐH Kinh tế Luật – ĐHQG TPHCM; ĐH Công Nghệ và ĐH Ngoại Ngữ – ĐHQGHN). Sắp tới chúng em dự định sẽ mở rộng ra miền Trung và có thể là Trường Đại học Vinh.

Thỉnh thoảng, em vẫn thường đọc lại những bức thư xin học bổng của các em sinh viên nghèo và cả những bức thư, những tin nhắn cảm ơn từ gia đình có các em nhỏ mà em may mắn được gặp trong chương trình phẫu thuật nụ cười cho trẻ em sứt môi, hở hàm ếch. Những dòng chia sẻ ấy giúp em nhận ra mình may mắn đến nhường nào, khó khăn trước mắt của mình nó quá nhỏ bé so với những gì các em đang phải đối mặt hằng ngày. Điều đó cũng giúp em thêm biết ơn và quý trọng những gì mình đang có và thêm tích cực hơn trong cuộc sống. Như ai đó đã từng nói “Nếu không có những thứ ta yêu, hãy yêu những thứ ta có”.

Cảm ơn Khang và chúc em sẽ có nhiều thành công hơn nữa trong năm 2020!