PV: Xin chào ông Bùi Công Vinh! Năm nay chúng ta tiến hành kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 – 28/6/2021), vậy chủ đề hướng tới ngày kỷ niệm là gì, thưa ông?
Ông Bùi Công Vinh: Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm làm ngày Gia đình Việt Nam. Sự ra đời của ngày Gia đình Việt Nam nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ phụ nữ, người già, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt, trong suốt 20 năm qua, ngày Gia đình Việt Nam đã và đang được các địa phương tổ chức theo hướng là một ngày hội với nhiều hoạt động có ý nghĩa tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam trong thời kỳ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế…
Đây cũng là ngày các thành viên trong gia đình thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, nhất là tình yêu thương dành cho con trẻ.
Chủ đề nhân kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam năm nay là “Gia đình bình an – Xã hội hạnh phúc”. Thông thường, từ “bình an” được hiểu là không gặp những biến cố trở ngại cho đời sống, không bệnh tật, không tai nạn.Theo quan niệm của Phật giáo, bình an được hiểu đó là tâm an ổn, trong không bị sự phiền não, tham lam, ganh ghét, đố kỵ, kiêu mạn, sân hận… chi phối. Bình an là nền tảng của hạnh phúc, không bình an thì không có hạnh phúc.
Nhiều khi hoàn cảnh an mà tâm chẳng an, hoàn cảnh vui mà tâm chẳng vui cũng không có hạnh phúc. Từ thực tiễn hiện nay, khi dịch Covid -19 đang hoành hành, chúng ta có thể thấy chính sức khỏe, sự bình an và hạnh phúc của mỗi gia đình luôn là điều mọi người mong ước. Gia đình có bình an, mạnh khỏe sẽ đem lại những điều hạnh phúc, từ đó mới an tâm tạo dựng những giá trị khác trong cuộc sống, giúp xã hội phát triển.
PV: Với việc lấy ngày 28/6 hằng năm làm ngày Gia đình Việt Nam chứng tỏ Chính phủ luôn xác định rõ vai trò của gia đình đối với xã hội cũng như công tác gia đình. Vậy xin ông cho biết công tác gia đình được tỉnh Nghệ An triển khai như thế nào trong thời gian qua?
Ông Bùi Công Vinh: Xác định được vai trò quan trọng của gia đình, thời gian qua Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành, triển khai nhiều văn bản quan trọng. Đồng thời, huy động hệ thống chính trị – xã hội tham gia, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện có hiệu quả các hoạt động về công tác gia đình.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức phát động nhiều hoạt động, phong trào thi đua thiết thực gắn với công tác gia đình, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.Tất cả hướng tới mục tiêu duy trì, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ; xây dựng gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc; phòng, chống bạo lực gia đình; bài trừ các hủ tục, tập quán lạc hậu.
Nhiều mô hình, CLB về công tác gia đình được thành lập nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về giáo dục đạo đức, lối sống. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhiều gia đình đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; giúp đỡ cộng đồng, phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa. Tỷ lệ Gia đình văn hóa ngày càng tăng. Năm 2005, tỷ lệ Gia đình văn hóa mới đạt mức 72,9%, năm 2010 tăng lên 77,6% và đến năm 2020 đạt 83,84%.
Đặc biệt, năm 2012, Nghệ An triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020, tầm nhìn năm 2030” đã đạt được những kết quả nổi bật. Từ đó, nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò của gia đình, trách nhiệm của cá nhân đối với các vấn đề liên quan đến gia đình được nâng cao một bước. Công tác giáo dục đời sống gia đình, trang bị những kỹ năng cần thiết cho các thế hệ, thành viên được quan tâm đúng mức.
Mới đây, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 319/KH-UBND ngày 09/6/2021 về Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025. Mục đích hướng tới là tiếp tục tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy giá trị đạo đức, cách ứng xử trong gia đình, góp phần xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội…
PV: Trở lại với dịp kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam, xin ông cho biết kế hoạch và các hoạt động kỷ niệm được triển khai như thế nào?
Ông Bùi Công Vinh: Từ đầu tháng 5, ngành Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, hướng dẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam và hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình”. Trong đó, dự kiến tổ chức nhiều hoạt động như mít tinh, tôn vinh các gia đình tiêu biểu, giao lưu nghệ thuật, triển lãm ảnh… nhưng do dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp nên không thể triển khai.
Tuy vậy, chúng tôi vẫn đẩy mạnh tuyên truyền trực quan thông qua hệ thống pa nô, khẩu hiệu, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các phương tiện truyền thông. Hiện tại, ngành đã ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi ảnh online “Khoảnh khắc gia đình hạnh phúc”… Hy vọng các hoạt động này sẽ góp phần vun đắp không khí vui vẻ, đầm ấm và hạnh phúc cho mỗi gia đình để cùng vững tâm chiến đấu với đại dịch Covid-19.
PV: Có thể nói, 20 năm qua Nghệ An đã có bước tiến dài nhưng không tránh khỏi những hạn chế, khó khăn trong công tác gia đình. Theo ông, thời gian tới chúng ta phải làm gì để phát huy kết quả đạt được, khắc phục khó khăn và nâng cao hiệu quả công tác gia đình?
Ông Bùi Công Vinh: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác gia đình ở Nghệ An vẫn còn những hạn chế như công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự sâu sát, chưa đồng đều dẫn đến hiệu quả chưa cao.Việc theo dõi và đánh giá công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Một số nơi ở vùng sâu, vùng xa còn tồn tại các quan niệm, hủ tục lạc hậu…
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn trong công tác gia đình, thời gian tới các cấp, các ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể nhất là ở cơ sở trong công tác gia đình, xem đây là việc làm thường xuyên, liên tục gắn liền với công việc hàng ngày.
Đặc biệt, ra sức củng cố, ổn định gia đình trên cơ sở thừa kế, phát huy giá trị truyền thống, thực hiện quy mô gia đình ít con; nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện chính sách, pháp luật. Phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, loại bỏ hủ tục lạc hậu trong hôn nhân, gia đình; nâng cao mức sống trên cơ sở phát triển kinh tế gia đình, nhất là gia đình chính sách, vùng sâu, vùng xa…
Để đạt được mục tiêu đề ra, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của riêng ngành Văn hóa mà còn là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, mỗi gia đình và người dân. Nghĩa là cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương và của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về giữ gìn giá trị đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa gia đình, những quy tắc ứng xử chuẩn mực giữa các thành viên gia đình…
“Gia đình bình an – Xã hội hạnh phúc” là chủ đề được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai rộng khắp trên toàn quốc. Đây cũng là thông điệp nhấn mạnh đến vị trí, vai trò của gia đình trong sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Quang Nguyễn
Rất hay và ý nghĩa
Quang Nguyễn
quá tuyệt với