Nhiều vướng mắc
Kết luận của Bí thư Tỉnh ủy tại phiên tiếp dân định kỳ tháng 3/2020 ngày 20/3/2020 được thể hiện tại Công văn số 168/CV-BNCTU do Ban Nội chính Tỉnh ủy ban hành. Cụ thể là: “Giao UBND TP. Vinh thành lập Tổ công tác (do một đồng chí lãnh đạo UBND thành phố làm Tổ trưởng) rà soát kỹ lưỡng, trung thực, chính xác hồ sơ đất đai của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh; tổ chức đối thoại và trả lời bằng văn bản cho các hộ dân theo quy định (nêu rõ đủ điều kiện được cấp hay không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lý do?). Hoàn thành trước ngày 20/6/2020”.
Thực hiện kết luận của Bí thư Tỉnh ủy, từ ngày 8/4/2020, Chủ tịch UBND TP. Vinh, ông Trần Ngọc Tú ban hành Quyết định số 1713/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác (thành phần là UBND phường Cửa Nam, các phòng Quản lý đô thị (QLĐT), Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Thanh tra…) kiểm tra, rà soát hồ sơ đất đai của các hộ dân trú tại 8 khu tập thể bị ảnh hưởng bởi Quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh.
Ngày 11/5/2020, UBND phường Cửa Nam có Báo cáo số 121/BC-UBND dày 17 trang, báo cáo về kết quả kiểm tra, rà soát, trong đó nêu rõ hiện trạng của từng khu tập thể; giấy tờ, hồ sơ đất và thanh lý, hóa giá nhà tập thể; giấy tờ của các hộ gia đình; về các quy hoạch liên quan… Tại đây, UBND phường Cửa Nam không quên mổ xẻ những khó khăn trong giải quyết kiến nghị của người dân từng khu tập thể.
Ví dụ, với khu tập thể Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh (gồm 29 hộ gia đình, cá nhân), khó khăn được xác định đến từ quy hoạch và về giấy tờ nguồn gốc. Về quy hoạch, đối chiếu các quy hoạch xây dựng năm 2004, quy hoạch điều chỉnh năm 2008, quy hoạch phân khu năm 2019 hiện có tại phường Cửa Nam thì các khu đất tập thể này không phù hợp quy hoạch đất ở. Nhưng đối chiếu thời gian sử dụng đất theo Khoản 1, Điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc sử dụng nhà tập thể theo các biên bản hóa giá và giao nhà tập thể là có trước thời điểm được phê duyệt quy hoạch. Bên cạnh đó, nếu đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt đến năm 2020 thì lại phù hợp với đất ở. Về giấy tờ nguồn gốc, giấy tờ hóa giá không đầy đủ, một số hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng lại không có giấy tờ nộp tiền mua nhà hóa giá nên không thể xác định được việc hộ gia đình, cá nhân đã hoàn thành việc nộp tiền mua nhà hóa giá tại thời điểm hay chưa…
Với khu tập thể Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, đối chiếu các quy hoạch xây dựng năm 2004, quy hoạch điều chỉnh năm 2008, quy hoạch phân khu năm 2019 hiện có tại phường Cửa Nam thì các khu đất tập thể này không phù hợp quy hoạch đất ở. Nhưng đối chiếu thời gian sử dụng đất theo Khoản 1, Điều 20, Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì việc sử dụng nhà ở tập thể gồm gian nhà 8 gian và gian nhà 12 gian theo các biên bản định giá thanh lý nhà cấp 4 tập thể. Quyết định hóa giá nhà ở tập thể của Bảo tàng, phiếu tổng hợp điều tra giao dịch dân sự về nhà ở được thiết lập năm 1991 thì việc sử dụng nhà tập thể có trước thời điểm được phê duyệt quy hoạch. Bên cạnh đó, nếu đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt đến năm 2020 thì lại phù hợp với đất ở. Về giấy tờ nguồn gốc, các hộ gia đình, cá nhân không có hồ sơ hóa giá riêng từng hộ gia đình, cá nhân. Có 7 hộ năm 2001 được Bảo tàng cho mượn đất tư đầu tư xây dựng, do vậy việc xác nhận tính pháp lý đất không có cơ sở…
Hay như khu tập thể Công ty Thực phẩm (có 45 hộ gia đình, cá nhân), khu đất này được xác định là không phù hợp đất ở dân cư theo Quy hoạch điều chỉnh chi tiết xây dựng Bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2008 tại Quyết định số 4312/QĐ-UBND.CN; Quyết định số 4386/QĐ-UBND ngày 28/10/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phường Cửa Nam (TP. Vinh). Trong khi đó, về giấy tờ nguồn gốc được UBND phường Cửa Nam xác định là “Đất đai không có giấy tờ thanh lý, hóa giá, hiện nay chưa làm việc được với cơ quan chủ quản”…
Trong thời gian qua, từ Báo cáo số 121/BC-UBND của UBND phường Cửa Nam, Tổ công tác do UBND TP. Vinh thành lập tại Quyết định số 1713/QĐ-UBND đã 2 lần có văn bản đề nghị Sở TN&MT hướng dẫn xử lý các nội dung vướng mắc (Công văn số 2408/TCT ngày 14/5/2020 và Công văn số 2025/TCT ngày 22/5/2020). Tuy nhiên, theo một cán bộ có trách nhiệm của Sở TN&MT, việc xử lý các nội dung mà UBND TP. Vinh đề nghị là rất phức tạp; có những nội dung cần phải làm rõ, vì vậy, để trả lời được cần phải có thời gian…
Tháo nút thắt quy hoạch
Trước đầy rẫy những khó khăn thực tế đặt ra, để giải quyết được kiến nghị của người dân về quyền sử dụng đất, một trong những nội dung UBND P. Cửa Nam quan tâm đề xuất kiến nghị tìm giải pháp tháo gỡ là về vấn đề quy hoạch. Cụ thể, tại Báo cáo số 121/BC-UBND, UBND P. Cửa Nam đề nghị UBND TP. Vinh, Tổ Công tác theo Quyết định số 1713/QĐ-UBND giao Phòng QL&ĐT xem xét làm rõ quy hoạch điều chỉnh chi tiết xây dựng Bảo tồn, tồn tạo di tích Thành cổ Vinh là điều chỉnh từ quy hoạch nào, năm nào, để có cơ sở xem xét yếu tố người dân đã sử dụng đất trước quy hoạch hay sau quy hoạch. Đồng thời, song song nghiên cứu quy hoạch và khảo sát thực tế để có đánh giá chính xác về tính khả thi của quy hoạch, qua đó tham mưu UBND TP. Vinh báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh sang quy hoạch đất ở dân cư, để giải quyết đồng bộ tất cả các hộ dân đang sống trong các khu tập thể Thành cổ Vinh.
Một lãnh đạo UBND P. Cửa Nam đã dẫn ra thực tế bất hợp lý của quy hoạch chi tiết xây dựng Bảo tồn, tồn tạo di tích Thành cổ Vinh khi sắp đặt, bố trí công viên vườn tượng, cây xanh tại khu đất của các khu tập thể Trung tâm văn hóa tỉnh, Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Công ty Phát hành sách. Vị này trao đổi: “Hệ thống các nhà trưng bày của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Nghệ An là không thể di dời đi nơi khác. Vậy nếu xây dựng công viên vườn tượng, cây xanh nằm khuất lấp sau đó thì đạt được lợi ích? Trong khi đó, nguồn lực của tỉnh, của thành phố còn khó khăn, để xây dựng công viên vườn tượng, cây xanh cần phải tái định cư hàng trăm hộ dân…”.
Tại UBND TP. Vinh, Trưởng phòng QL&ĐT Nguyễn Việt Đức là cán bộ từng tham gia thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng Bảo tồn, tồn tạo di tích Thành cổ Vinh (được thực hiện trong giai đoạn năm 2007 – 2008). Trưởng phòng QL&ĐT thành phố Vinh trao đổi, giai đoạn đó, ông đã nghiên cứu thực tế và căn cứ thực trạng nền tảng kinh tế của tỉnh và của thành phố, để đề xuất giải pháp không thực hiện di dời, tái định cư người dân sang nơi ở mới.
Mà thực hiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng tổ chức lại các khu dân cư; đồng thời tổ chức thiết kế mẫu kiến trúc công trình nhà ở dân cư sao cho phù hợp với di tích Thành cổ để vận động người dân xây dựng nhà ở theo mẫu. Để nhằm qua đó, song song giải quyết được hai mục tiêu lớn là đảm bảo được quyền sử dụng đất của người dân; đồng thời, góp phần thúc đẩy việc bảo tồn, tôn tạo và phát di tích Thành cổ Vinh gắn với phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Việt Đức trao đổi: “Giai đoạn đó, ý kiến của tôi không được chấp thuận. Việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Bảo tồn, tồn tạo di tích Thành cổ Vinh sau đó đã giữ lại trong thành một bộ phận dân cư; một số thì di dời, tái định cư nhưng quy hoạch điều chỉnh năm 2008 đến nay vẫn không thực hiện, để lại những tồn tại, vướng mắc, trong đó có cả sự mất công bằng giữa các hộ dân về quyền sử dụng đất…”.
Hỏi về quan điểm, ông Nguyễn Việt Đức nhấn mạnh: “Tôi vẫn bảo lưu ý tưởng của mình như cách đây hơn 10 năm. Tức là cần điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết xây dựng Bảo tồn, tồn tạo di tích Thành cổ Vinh, giữ dân ở lại trong Thành cổ Vinh; thực hiện quy hoạch lại các khu dân cư, thiết kế mẫu nhà phù hợp với di tích Thành cổ Vinh; sau đó vận động người dân xây dựng công trình nhà ở theo quy hoạch, theo thiết kế… Làm như vậy, vừa phù hợp hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của tỉnh, của thành phố, vừa giải quyết được kiến nghị nhiều năm của người dân. Đồng thời, tạo ra sự gắn kết giữa công trình nhà ở dân cư với Di tích lịch sử cấp Quốc gia Thành cổ Vinh, giúp cho trung tâm lịch sử – văn hóa của thành phố Vinh có sức sống và sự hấp dẫn…”.