Giải “bài toán” tu bổ di tích – Bài 1: Di tích “kêu cứu”

Theo các tài liệu, Đền Làng Danh ở xã Lăng Thành (Yên Thành) được xây dựng vào năm 1816 và đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo. Đền thờ Bạch Y công chúa, và các vị thần công hộ quốc. Tương truyền đây là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất quê lúa, được nhân dân trong và ngoài vùng thường xuyên lui tới chiêm bái, cầu an. Đền gồm nghi môn, hạ điện, thượng điện, quy mô không lớn, nhưng có giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ cao. Các đề tài con giống được khắc họa trên các vì kèo và cổng đình thể hiện sự độc đáo, tài nghệ bậc nhất của các nghệ nhân thời kỳ bấy giờ. Năm 2017, đền được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh.

Thế nhưng trải qua thời gian với sự khắc nghiệt của thiên tai hiện Đền Làng Danh đang xuống cấp nghiêm trọng, trong đó thượng điện bị hư hỏng nặng nhất. Đặc biệt, đợt ngập lụt vào tháng 10/2022 đã khiến ngôi đền vốn đã xuống cấp lại càng yếu hơn sau những ngày tháng ngâm mình trong nước lũ, có nguy cơ bị sập đổ lúc nào không hay. “Mái ngói đã trồi lên sụt xuống, các vì kèo đã bị mối mọt ăn lủng, nhìn phía trong có thể thấy những lỗ hổng lớn, chỉ cần một trận gió mạnh thì mái ngói có thể bị hất tung. Chính quyền địa phương và các sở ban ngành đã nhiều lần xuống xem xét, khảo sát về việc đầu tư các hạng mục chống xuống cấp cho đền nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”, ông Trần Văn Liêu – người trông coi Đền Làng Danh, nói.

Đền Làng Danh, xã Lăng Thành (Yên Thành) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: M.Q
Đền Làng Danh, xã Lăng Thành (Yên Thành) đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: M.Q

Ông Phạm Xuân Tuyết – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Yên Thành cho biết: “Trên địa bàn huyện Yên Thành hiện có 250 di tích, trong đó có 92 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh nhưng nhiều công trình trong số đó xuống cấp nghiêm trọng do sự tàn phá của thời gian, thiên tai như Đền Làng Danh, Đình Mõ (xã Hậu Thành), Đình Phụng Luật (xã Hợp Thành)… Tuy nhiên, để có được kinh phí cho từng ngôi đình, đền thì rất khó vì hằng năm huyện chỉ được bố trí kinh phí cho hạng mục này tầm từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng, như muối bỏ bể”.

Ở huyện Hưng Nguyên, Đền Rậm trên địa bàn xã Châu Nhân cũng trong tình trạng xuống cấp nặng nề. Đây là ngôi đền cổ có từ đời nhà Nguyễn, được khởi công xây dựng vào năm 1831, hoàn thành vào năm 1832; sửa chữa lần gần đây nhất vào năm 1922. Đây là nơi hợp tự thờ các nhân vật lịch sử, có công với đất nước, nhân dân như vua Lê Thái Tổ, cụ Nguyễn Quang Hợp, hay các thiên thần như Cao Sơn Cao Các… Đầu thế kỷ 20, các sỹ phu yêu nước, những thanh niên ưu tú trước khi xuất dương hoạt động cách mạng như Phạm Hồng Thái, Lê Hồng Phong đã từng bí mật hội họp tại đền. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và Cách mạng tháng Tám, Đền Rậm là nơi tập hợp lực lượng để nghe diễn thuyết về cách mạng, đấu tranh cướp chính quyền. Những năm kháng chiến chống Mỹ, Đền Rậm là nơi để vũ khí, trung chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam bằng đường thuỷ trên sông Lam… Năm 2008, đền Rậm được công nhận là di tích lịch sử kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Đền Rậm ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) cũng đang chịu cảnh xuống cấp. Ảnh: M.Q
Đền Rậm ở xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) cũng đang chịu cảnh xuống cấp. Ảnh: M.Q

Đền Rậm gồm đền Rậm trong và đền Rậm ngoài với nhiều nhà ngang dãy dọc, khuôn viên di tích có tổng diện tích 10.401m2. Tuy nhiên, vì nằm ở vị trí ngoài đê nên từ xa xưa năm nào đền cũng chịu cảnh ngâm mình trong nước lũ, theo thời gian đến nay Đền đã có những vị trí bị hư hỏng nặng, như nhà tứ quan của đền Rậm ngoài, cấu kiện gỗ đã mục, ngói bị vỡ gây dột khi có mưa. Hạ điện của đền Rậm ngoài bị hư hỏng nhiều chỗ, đặc biệt là phần hồi bên phải bị gãy tung cả phần gỗ và đường bờ. Bà Hoàng Thị Hoài Thanh – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Nguyên cho biết: “Nhiều năm qua chứng kiến cảnh Đền Rậm bị xuống cấp mà chúng tôi không khỏi xót xa. Phòng Văn hóa – Thông tin cũng như chính quyền địa phương đã nhiều lần kêu gọi con em xa quê, các mạnh thường quân để có kinh phí tu sửa đền. Vì thực tế để tu sửa được những phần đã hư hỏng rất tốn kém, với kinh phí được cấp chỉ khoảng 250 triệu đồng thì không làm nổi”.

Hay như Đình Trung Cần – Trung Phúc Cường (Nam Đàn) được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 18 để làm nơi sinh hoạt cộng đồng và thờ thành hoàng Nghĩa Quận công Tống Tất Thắng, đình được giới chuyên môn đánh giá có kiến trúc nghệ thuật đặc sắc ở Nghệ An. Đình được xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996. Tuy nhiên, hiện ngôi đình này cũng đang chịu cảnh xuống cấp trầm trọng. Ông Hồ Thanh Bình – người trông coi Đình Trung Cần cho biết, đến nay, mái ngói đã bị dột rất nhiều điểm khiến nước mưa thấm xuống rui, kèo, cột và các khung gỗ chạm trổ bên trong đình. Lá mái bằng gỗ phía sau tòa hạ điện bị hỏng, kéo theo mái ngói bị oằn xuống.

Những vết gãy, đổ của đình Trung Cần, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Huy Thư
Những vết gãy, đổ của đình Trung Cần, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Bà Trần Thị Kim Phượng – Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: “Nghệ An có địa bàn rộng, di tích nhiều nhưng phân bố không đều ở các vùng miền, gây khó khăn cho công tác bảo vệ, quản lý, phát huy. Các công trình của di tích chủ yếu được làm bằng gỗ, có thời gian hình thành và tồn tại đã lâu, liên tục bị thiên tai (nóng ẩm, bão lũ), chiến tranh và con người tác động nên đang bị hư hỏng, xuống cấp. Nhiều di tích được cấp kinh phí tu bổ một số hạng mục, nhưng khi tiến hành tháo dỡ để sửa chữa thay thế thì phát sinh ra yêu cầu thay thế các bộ phận kiến trúc cấu thành liên quan, vì lý do kinh phí có hạn nên dẫn đến tình trạng tu sửa “tạm thời”, nhỏ giọt, chờ hỗ trợ kinh phí mới tiến hành sửa tiếp. Cách tu bổ thiếu đồng bộ này dẫn đến tình trạng các di tích mặc dù được cấp kinh phí nhiều lần nhưng vẫn trong tình trạng xuống cấp”.

Ví như Đình Sừng trên địa bàn xã Lăng Thành (Yên Thành) có niên đại 500 năm, được công nhận di tích quốc gia năm 2004. Đây là một trong những kiến trúc cổ có quy mô nghệ thuật trang trí, điêu khắc, chạm trổ vào loại bậc nhất ở Nghệ An hiện đang được nhân dân gìn giữ. Do thượng điện bị hư hỏng nặng nên những năm gần đây huyện đã ưu tiên đầu tư sửa chữa, xây mới trên nền kiến trúc cũ. Tuy nhiên, trái ngược với sự mới mẻ của ngôi nhà thượng điện thì ngôi trung điện và hạ điện lại bị xuống cấp nặng nề với những cột gỗ to bằng vòng tay ôm bị mối và nước lũ làm cho mục ruỗng. Ông Nguyễn Bá Nhàn – người trông coi Đình Sừng cho biết: “Đến bây giờ mỗi khi có hội họp hay lễ, Tết, chính quyền vẫn tổ chức cho nhân dân sinh hoạt tại đền, như tổ chức các trò chơi dân gian, hay ngày hội cho chữ đầu xuân, rất ý nghĩa. Thế nhưng, với sự xuống cấp thấy rõ này, khuôn viên đình trở nên nham nhở, do sự đối lập của cũ và mới. Rất cần sự tu bổ đồng bộ để trả lại vẻ đẹp cho đình làng nổi tiếng này”.

Đình Sừng ở xã Lăng Thành (Yên Thành) được sửa chữa, xây mới thượng điện (ảnh trên), đối lập với sự xuống cấp ở hạ điện. Ảnh: M.Q
Đình Sừng ở xã Lăng Thành (Yên Thành) được sửa chữa, xây mới thượng điện (ảnh trên), đối lập với sự xuống cấp ở hạ điện. Ảnh: M.Q

Hay như đình Võ Liệt ở xã Võ Liệt (Thanh Chương), một di tích văn hóa có kiến trúc khá độc đáo, là một trong những địa điểm thành lập chính quyền Xô viết đầu tiên ở Nghệ Tĩnh, cách đây 15 năm đã được UBND tỉnh cho phép tu bổ tại Quyết định 1940/QĐ.UBND-CN ngày 26/05/2008 về việc: “Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo và xây mới di tích lịch sử văn hóa đình Võ Liệt, huyện Thanh Chương”, với nguồn vốn 9,5 tỉ đồng. Thế nhưng, nhiều hạng mục sau đó nhanh chóng xuống cấp. Mới đây đình đã được cấp thêm 80 triệu đồng để chống thấm dột và vá víu một vài chi tiết hỏng. Hiện xã cũng lên kế hoạch xin được sửa chữa một số hạng mục của đình.

Gác mái hư hỏng ở đình Võ Liệt ở xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: M.Q
Gác mái hư hỏng ở đình Võ Liệt ở xã Võ Liệt (Thanh Chương). Ảnh: M.Q