P.V: Xin ông cho biết thực trạng và nguyên nhân của tình trạng nhiều cán bộ, viên chức y tế ở Nghệ An nghỉ việc hoặc chuyển sang làm việc tại các cơ sở y tế ngoài công lập?
PGS. TS Dương Đình Chỉnh: Trong và sau dịch Covid-19, cũng như tình hình chung của cả nước, Nghệ An cũng có nhiều cán bộ, viên chức y tế xin nghỉ việc, chuyển việc sang cơ sở y tế ngoài công lập. Cụ thể tính từ đầu năm 2021 đến tháng 6/2022, có tổng cộng 119 người, trong đó có 53 bác sĩ.
Nguyên nhân chính do thu nhập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở. Tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập này, nguồn kinh phí hoạt động chủ yếu từ ngân sách nhà nước, nguồn thu sự nghiệp thấp… Tại các đơn vị sự nghiệp y tế được giao tự chủ kinh phí chi thường xuyên, do giá dịch vụ y tế cho người có thẻ Bảo hiểm y tế thấp vì chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, nên nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị cũng thấp. Các đơn vị này không đủ khả năng chi trả một cách xứng đáng cho người lao động…
Tại các địa phương, chính sách thu hút nhân viên y tế chưa đủ mạnh, chưa thực sự tạo được động lực để giữ chân cán bộ y tế và tạo sức hút để đội ngũ cán bộ viên chức y tế trẻ, có trình độ và năng lực yên tâm làm việc.
Trong khi đó, các cán bộ, viên chức y tế cũng phải lo cho cuộc sống gia đình, bảo đảm điều kiện sống tối thiểu về ăn – mặc – ở, các chi phí về điện nước, học hành ngày càng cao do sự gia tăng giá cả. Đồng thời, ở Nghệ An, hệ thống các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân rất phát triển. Tại đây, môi trường làm việc ngày càng thuận lợi, hiện đại, thân thiện; có nhu cầu tuyển bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật y nhất là cán bộ nhân viên y tế có trình độ cao, chuyên môn sâu và những viên chức y tế đã có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế tư nhân sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút nhân viên y tế, trong khi các cơ sở y tế công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng viên chức y tế có trình độ chuyên môn giỏi.
Quay trở lại câu chuyện, tại sao ngày xưa tuy lương cũng thấp như vậy nhưng lại có rất ít cán bộ, viên chức y tế nghỉ việc, chuyển việc? Câu trả lời là, bây giờ áp lực công việc đối với cán bộ, viên chức y tế là rất lớn. Ở các đơn vị tự chủ thường phải tiết kiệm nhân lực, không có biên chế tuyển dụng trong khi lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều. Đồng thời, nhu cầu đòi hỏi của bệnh nhân về dịch vụ y tế, môi trường y tế, tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ và nhân viên y tế ngày một cao. Bản thân cán bộ, viên chức y tế nếu có một thời điểm nào đó làm không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến đơn vị, toàn ngành. Nếu không có sự cảm thông của người dân, người bệnh thì thực sự tư tưởng của cán bộ, viên chức y tế lúc nào cũng nặng trĩu.
Một nguyên nhân khác nữa đó là môi trường làm việc. Đối với các bác sĩ môi trường làm việc là rất quan trọng. Trước đây bác sĩ thích vào làm ở bệnh viện công lập để có nhiều cơ hội nâng cao tay nghề. Nhưng bây giờ, do ảnh hưởng của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế trong thời gian qua, dẫn đến điều kiện môi trường làm việc của viên chức y tế bị ảnh hưởng: thiếu thiết bị hiện đại để triển khai các kỹ thuật cao, thiếu thuốc, thậm chí thiếu cả các vật tư tiêu hao, các dụng cụ, trang thiết bị thông thường kể cả thiếu thiết bị bảo hộ cần thiết đã làm hạn chế việc phát huy trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, viên chức y tế nên viên chức y tế có xu hướng dịch chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân có điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn.
P.V: Việc có nhiều cán bộ, viên chức y tế xin nghỉ, chuyển sang khu vực y tế ngoài công lập có ảnh hưởng đến tổng thể công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân hay không?
PGS. TS Dương Đình Chỉnh: Việc cán bộ, viên chức y tế ở Nghệ An xin nghỉ, chuyển sang làm việc tại cơ sở ngoài công lập sẽ có những ảnh hưởng, khó khăn cục bộ tại các cơ sở công lập, tuy nhiên nó không lớn. Thực tế đã cho thấy, số cán bộ, viên chức đó tương đối cá biệt, không phải là quá xuất sắc, không phải là không thể thay thế, mà hoàn toàn có thể sắp xếp được. Về tổng thể, ảnh hưởng này lại càng nhỏ bởi thực tế y tế công – tư đều có mục tiêu là triển khai công tác khám chữa bệnh, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân. Tất nhiên, cơ sở y tế công lập có nhiệm vụ nặng hơn, tiên phong hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh và đào tạo, hỗ trợ các tuyến dưới.
Ở thời điểm này, trong hệ thống công lập của ngành Y tế Nghệ An, nguồn nhân lực chất lượng cao là rất lớn; với hơn 4.100 bác sĩ. Tỷ lệ 12,2 bác sĩ/vạn dân, cao hơn bình quân chung của cả nước. Mỗi năm ngành thực hiện tuyển dụng thêm rất nhiều nhân lực, đơn cử năm 2021 đã tuyển dụng 740 cán bộ nhân viên y tế, trong đó có 358 bác sĩ. Dự tính đến năm 2025, ở Nghệ An, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 13 bác sĩ/vạn dân.
Trong số hơn 4.100 bác sĩ thì có trên 1.100 người có trình độ sau đại học, bác sĩ chuyên khoa 2 là gần 150 người, tiến sĩ là 25 người (hiện đang đào tạo thêm 25 người). Hiện nay, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành Y tế đang rất được UBND tỉnh và các ban ngành quan tâm, hỗ trợ. Các lớp đào tạo sau đại học được mở ra rất nhiều. Mỗi năm, ngành lại có thêm khoảng 300 người được đào tạo sau đại học.
So sánh tỷ lệ giữa cán bộ, viên chức y tế nghỉ việc, chuyển việc với tỷ lệ cán bộ, viên chức y tế được tuyển dụng và đào tạo, thì có thể thấy rằng: Trong 5 năm nữa, việc cán bộ, viên chức y tế nghỉ và chuyển việc sang khu vực ngoài công lập ít gây ra những ảnh hưởng. Với lực lượng hiện tại, với chính sách đào tạo thu hút của ngành, sự hỗ trợ của tỉnh thì lượng chuyển dịch thậm chí có nhiều hơn gấp 2-3 lần nữa, thì cũng không ảnh hưởng tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung.
P.V: Ông có thể cho biết, cần có những giải pháp như thế nào để “giữ chân” cán bộ, viên chức y tế ở lại cơ sở y tế công lập? Cũng như đảm bảo sự hoạt động hiệu quả, ổn định của hệ thống y tế công lập?
PGS. TS Dương Đình Chỉnh: Như đã nói, để đảm bảo hoạt động hiệu quả, ổn định của hệ thống y tế công lập, thì công tác đào tạo chính là giải pháp căn cơ nhất để đối phó với sự chuyển dịch này. Tuy nhiên, cũng cần có thêm nhiều giải pháp tốt nhằm hài hòa giữa y tế công – tư, vận hành hệ thống y tế công lập như đảm bảo sự công bằng trong lương bổng, thu nhập tăng thêm, cải thiện môi trường làm việc, động viên và sẻ chia áp lực của các cán bộ, viên chức y tế.
Cũng như bao nhiêu người khác, cán bộ, viên chức y tế cũng cần “có thực mới vực được đạo”. Vì thế mà cần sửa đổi các chính sách để các cơ sở y tế công lập có thể tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức.
Bên cạnh đó, cần cho phép Bộ Y tế tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế làm cơ sở để động viên khuyến khích các đơn vị sự nghiệp y tế tăng cường cung ứng dịch vụ có chất lượng, tăng nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, góp phần tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức y tế…
Các địa phương cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút đủ mạnh nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là bác sĩ về công tác tại địa bàn; đầu tư, cải thiện điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế trên địa bàn, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở nhằm cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở, góp phần đảm bảo sự công bằng, hiệu quả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tiếp đó, cần đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế, thực hiện việc mua sắm đủ trang thiết bị, vật tư, thuốc theo nhu cầu sử dụng của viên chức y tế, giúp cho nhân viên y tế có thể cung cấp các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phát triển chuyên môn kỹ thuật. Người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp cần tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, công khai, minh bạch, dân chủ, xây dựng văn hóa công sở tạo điều kiện cho viên chức y tế gắn bó, tự hào về nghề nghiệp và tự hào về đơn vị công tác. Trong môi trường đó, cán bộ viên chức ngày càng được hoàn thiện mình thì chắc chắn việc “giữ chân” sẽ bền vững hơn rất nhiều.
P.V: Xin cảm ơn ông!