Ghi ở vùng quê cách mạng

Về thăm thôn 4, xã Lĩnh Sơn, ấn tượng đầu tiên là những con đường bê tông sạch đẹp, nhà văn hóa với tường xây kiên cố, sân lợp mái tôn, khuôn viên rộng rãi, đầy đủ thiết chế, sân chơi thể thao, cờ Tổ quốc và cờ đỏ búa liềm bay phấp phới… Ông Trần Hữu Đào – Bí thư Chi bộ thôn 4 (làng Dương Xuân) tự hào nói với chúng tôi: Đó là kết quả của ý Đảng – lòng Dân trên dưới một lòng đoàn kết, thống nhất đấy các cô ạ.

Đường giao thông, sân vận động ở thôn 4 (xã Lĩnh Sơn) được xây dựng sạch đẹp, phong quang.
Đường giao thông, sân vận động ở thôn 4 (xã Lĩnh Sơn) được xây dựng sạch đẹp, phong quang.

Thôn 4 được sáp nhập từ thôn 6 và thôn 7, có 2 cụm dân cư là vùng làng và vùng đồi với 270 hộ, 1.050 nhân khẩu, trong đó, có 280 hộ sản xuất nông nghiệp. Chi bộ có 56 đảng viên luôn phát huy vai trò gương mẫu đi trước để làng nước theo sau. Ví như trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, bên cạnh sự tiên phong của đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên trong quân đội, công an, cán bộ chủ chốt của địa phương nghỉ hưu, đảng viên nơi cư trú, chi ủy chi bộ đã tuyên truyền, vận động con em xa quê và nhân dân xã hội hóa làm 3 tuyến đường bê tông với chiều dài 172m, tổng kinh phí 42 triệu đồng; xây dựng bờ rào khuôn viên nhà văn hóa, sân bóng chuyền, lợp mái tôn, khoan giếng với tổng kinh phí 142 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng thôn, xóm “xanh, sạch, đẹp, sáng thân thiện”, người dân trong thôn đã tích cực góp công, góp của xây bồn hoa, mua giống trồng hoa và làm đường viền cây xanh tại nhà văn hóa, xây dựng 6 cổng chào /22 tổ tự quản. “Để có được sự đoàn kết, đồng thuận của bà con trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, việc phát huy dân chủ rất được quan tâm, cấp ủy, ban quản lý thôn đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng nội dung cần làm, dự kiến kinh phí, sau đó, đưa ra dân họp bàn, thảo luận, thông suốt rồi mới triển khai. Đảm bảo tính công khai, minh bạch trong từng công đoạn để nhân dân kịp thời nắm bắt, kiểm tra, giám sát”, Trưởng thôn 4 ông Nguyễn Hồng Phi cho biết thêm.

Người dân thôn 4 luôn phát huy dân chủ, đoàn kết trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương.
Người dân thôn 4 luôn phát huy dân chủ, đoàn kết trong mọi phong trào, hoạt động ở địa phương.

Bên cạnh đó, xác định nông thôn mới trước hết phải có tư duy mới, nếp nghĩ, cách làm mới, không chỉ trong đời sống sinh hoạt hàng ngày mà cả trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Thôn 4 cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đưa các loại giống lúa lai, ngô lai có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh vào sản xuất. Nhờ vậy, tổng diện tích lúa toàn thôn hiện có 17,43 ha, năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha. Bên cạnh đó, chi bộ, ban quản lý bản cũng chỉ đạo các chi hội, đoàn thể, nhất là hội nông dân tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư vào cây mía trên bãi sông Lam, cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, mít, ổi, na. Đặc biệt, thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, vì vậy, tổng đàn chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh, với 240 con trâu, bò, 150 con dê, 340 lợn nái, lợn thịt; 25.000 con gia cầm. Một số hộ đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, thu nhập cao như hộ các anh Tuấn Hà, Thành Lam… Phong trào trồng cây nguyên liệu giấy cũng phát triển mạnh trong các hộ dân. Nhiều hộ đã bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê máy móc đào xới khu vực vườn đồi để trồng cây nguyên liệu giấy, chè với diện tích trồng mới từ 15-20 ha.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Lĩnh Sơn về chuyển đổi diện tích, tích tụ ruộng đất để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, Chi ủy Chi bộ thôn 4 đã tập trung lãnh đạo và chỉ đạo chuyển đổi một số vùng hóc chọ, các diện tích mặt nước sau khi thu hoạch lúa hè thu để nuôi cá vụ 3 cho năng suất cao… Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ như tổ mộc, tổ xây, dịch vụ ăn uống, sản xuất gạch không nung, dịch vụ vận tải, xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, bình quân thu nhập đầu người trong thôn đạt gần 40 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 14 hộ.

Cán bộ thôn 4 (xã Lĩnh Sơn) trao đổi về tình hình xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Cán bộ thôn 4 (xã Lĩnh Sơn) trao đổi về tình hình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Trong câu chuyện vui vẻ và ấm áp bên ấm chè xanh với những người có thâm niên hàng chục năm “vác tù và” của thôn 4, chúng tôi được nghe nhiều về truyền thống cách mạng của thôn, của xã. Nói rồi, cán bộ thôn đưa chúng tôi đến thăm Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân – nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Nghệ An vào năm 1929. Đó là một ngôi nhà 2 tầng làm bằng gỗ, lợp ngói vẩy, cầu thang cũng bằng gỗ, trong nhà có treo 2 câu đối rất ấn tượng “Bán mật, bán đường không bán nước – Buôn ngàn, buôn vạn chẳng buôn quan”.

Ông Cao Xuân Đáo – nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lĩnh Sơn, cũng là công dân thôn 4, hiện đang giúp xã bảo quản kiêm luôn vai trò thuyết minh viên ở Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân cho biết: Vào năm 1922, một nhóm “Tâm giao” gồm những thanh niên yêu nước của làng Dương Xuân và Yên Lĩnh như: Hoàng Khắc Bạt, Phan Thái Ất, Cao Xuân Ủy, Phan Hoàng Thiềm… đã góp vốn mở một cửa hiệu lấy tên là: Hiệu Yên Xuân, bán thuốc Bắc, tạp hóa, may mặc; đồng thời làm nơi đi lại, tuyên truyền, nuôi dưỡng nguồn cán bộ cho cách mạng và xây dựng quỹ cho việc nghĩa.

Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân.
Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân.

Năm 1926, hội đã bắt liên lạc với tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội (gọi tắt là Thanh niên). Nhận thấy Yên Xuân là cơ sở cách mạng quan trọng, Tổ chức Thanh niên đã cử đồng chí Dương Đình Thúy về xây dựng cơ sở, tập hợp những người tiến bộ giác ngộ, lập tiểu tổ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội đầu tiên ở Anh Sơn tại Hiệu Yên Xuân. Các cơ sở của Hội Thanh niên được xây dựng mạnh trong 2 năm (1928-1929). Hiệu Yên Xuân trở thành đầu mối liên lạc của tổ chức Thanh niên ở Anh Sơn.

Tháng 9/1929, phong trào cách mạng ở Anh Sơn phát triển mạnh, đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Ủy viên Trung ương Đảng, phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ đã về đây triệu tập một cuộc hội nghị bí mật tuyên bố thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng đầu tiên ở Anh Sơn. Đến tháng 11/1929, cũng tại Hiệu Yên Xuân, Tổng Nông hội Nghệ An được thành lập, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Ông là một người con của làng Dương Xuân, xã Lĩnh Sơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ngày càng phát triển. Hiệu Yên Xuân trở thành cơ quan liên lạc và cơ sở kinh tài của Đảng, nơi tổ chức chỉ đạo phong trào của nhân dân trong thời kỳ Xô viết Nghệ – Tĩnh. Những hoạt động của chi bộ được đồng chí Nguyễn Phong Sắc – Ủy viên Trung ương Đảng, phụ trách Xứ ủy Trung Kỳ ghi nhận và đánh giá cao. Tên của đồng chí Phan Thái Ất cũng là tên một ngôi trường cấp 2, ngay cạnh ở trụ sở UBND xã Lĩnh Sơn hiện nay.

Ông Cao Xuân Đáo, thôn 4, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) giới thiệu về Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân; Nhiều hiện vật được lưu giữ ở Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân.
Ông Cao Xuân Đáo, thôn 4, xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) giới thiệu về Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân; Nhiều hiện vật được lưu giữ ở Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân.

“Trước đây, tầng dưới của Hiệu Yên Xuân dùng làm nơi bán hàng tạp hóa, thuốc Bắc, may mặc. Tầng trên dùng để khám bệnh và đó cũng là nơi họp bàn việc bí mật. Hiện trong di tích còn lưu giữ một số hiện vật của cửa hiệu như: tủ đựng thuốc Bắc, hòm đựng tiền quỹ, máy khâu… ảnh chân dung những nhà hoạt động cách mạng năm 1930-1931. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”, ông Cao Xuân Đáo cho biết thêm.

Với riêng những người dân thôn 4 (làng Dương Xuân), xã Lĩnh Sơn – Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân là biểu tượng, niềm tự hào về vùng quê cách mạng. Bởi vậy, theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Chủ tịch MTTQ xã Lĩnh Sơn: Trước đây, tuyến đường vào Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân nhỏ hẹp, xuống cấp nên đi lại rất khó khăn. Khi UBND huyện Anh Sơn có chủ trương tập trung nguồn lực, ưu tiên làm tuyến đường vào Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân (làng Dương Xuân) với chiều dài 990m, số vốn lên tới 4 tỷ đồng. Đảng bộ, chính quyền xã Lĩnh Sơn xác định sẽ mở rộng tuyến đường vào Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân từ 3,5m lên 7,2m, lề đường mỗi bên 1m, người dân làng Dương Xuân đã đồng lòng hiến đất, tự “phá” tường rào làm đường vào “địa chỉ đỏ”. Điển hình như gia đình ông Trần Hữu Cường hiến 44 m2 đất ở, 14m bờ rào xây, cùng nhiều công trình được xây dựng kiên cố…

Người dân hiến đất làm tuyến đường vào Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân. Ảnh tư liệu: Thái Hiền
Người dân hiến đất làm tuyến đường vào Di tích Lịch sử Quốc gia Hiệu Yên Xuân. Ảnh tư liệu: Thái Hiền

Theo các bậc lão thành trong thôn thì truyền thống cách mạng của cha ông cũng là động lực để người dân thôn 4 (làng Dương Xuân) hôm nay đoàn kết, chung sức xây dựng, kiến thiết quê hương. Đây cũng là thôn có số lượng đảng viên đông nhất, nhì xã Lĩnh Sơn, có nhiều con em đã và đang làm cán bộ. “Hiện tại, có 7 cán bộ là lãnh đạo xã, lãnh đạo các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội cấp xã là công dân thôn 4 (làng Dương Xuân). Con em trong thôn 4 có phong trào thi đua học tập tốt, số học sinh tiên tiến trở lên hàng năm có khoảng 205 cháu, đặc biệt, năm học 2022-2023, có 6 cháu đậu các trường đại học với số điểm cao, trong đó có Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội…” – Bí thư chi bộ Trần Hữu Đào hồ hởi cho biết.

Thôn 4 cũng là thôn có phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, phong trào thể thao phát triển mạnh, giành được nhiều thành tích cao. Toàn thôn có 84% gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa; an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tình làng, nghĩa xóm được vun đắp, người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và năng lực điều hành, lãnh đạo của chi bộ, ban quản lý thôn. “Đây cũng là thôn duy nhất trên địa bàn xã Lĩnh Sơn và 1 trong 2 thôn của huyện Anh Sơn được chọn để xây dựng mô hình “ tổ hòa giải cơ sở điểm”, ông Nguyễn Văn Khánh – cán bộ Tư pháp xã Lĩnh Sơn cho biết thêm.

Rời thôn 4, đi trên những con đường bê tông hóa phẳng lì, cờ hoa rực rỡ… chúng tôi cảm nhận rõ sức mạnh của sự đồng thuận ý Đảng – lòng Dân đã tạo nên sinh khí mới, diện mạo mới cho vùng quê cách mạng này.