Ghi ở rẻo cao Kỳ Sơn

Vượt qua cung đường đồi núi uốn lượn hơn 70 km từ trung tâm thị trấn Mường Xén với nhiều con dốc, khúc cua lớn nhỏ, đoàn chúng tôi mới vào tới trung tâm xã Keng Đu. Cùng đi còn có đồng chí Lỳ Bá Thái – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy và phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Sơn. Sau những cái bắt tay nồng hậu, những lời chào đón niềm nở, thân tình, nghe TBT Ngô Đức Kiên đề xuất lên thăm bà con ở bản xa, khó khăn nhất của xã, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Keng Đu Lương Văn Ngam nói ngay: “Vậy thì đến bản Keng Đu đi – bản người Thái duy nhất cách trung tâm xã khoảng 7 cây số, đường khó đi lắm!”. Nghe vậy, nhưng chúng tôi cũng không hình dung được quãng đường 7 cây số đó, đi ô tô lại mất khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ với vô số ổ voi, ổ gà, trồi lên, trụt xuống như đang đánh võng.

Biết đường khó đi nên xe của Đồn Biên phòng Keng Đu đã đi trước dẫn đường và đi chậm hết mức có thể để chờ đoàn, “đường này mà gặp mưa to thì chịu không vào được đâu, trơn lầy lắm”, lãnh đạo xã Keng Đu cho hay. Tới đầu con đường dẫn lên bản đã thấy nữ trưởng bản xinh xắn, năng động Lô Thị Hồng, 29 tuổi đứng đón. Theo lời giới thiệu của cán bộ xã thì đây là nữ trưởng bản duy nhất, trẻ nhất của xã, đã đi học đối tượng đảng, chuẩn bị kết nạp. Ở nơi xa xôi, khó khăn như xã Keng Đu nói riêng, huyện Kỳ Sơn nói chung, việc một phụ nữ dân tộc thiểu số làm người đứng đầu thôn, bản là chuyện hiếm nhưng Hồng lại làm rất tốt.

Tuy diện tích ruộng còn nhỏ lẻ nhưng cũng phần nào đủ để đảm bảo cuộc sống cho người dân Khơ mú ở Keng Đu; Những thửa ruộng bậc thang đổ nước trắng xoá trên các triền đồi ở xã Keng Đu; Đoàn công tác của Báo Nghệ An và Huyện ủy Kỳ Sơn ghé thăm bản Keng Đu - bản xã nhất ở xã Keng Đu. Ảnh tư liệu Đào Thọ - Khánh Ly
Tuy diện tích ruộng còn nhỏ lẻ nhưng cũng phần nào đủ để đảm bảo cuộc sống cho người dân Khơ mú ở Keng Đu; Những thửa ruộng bậc thang đổ nước trắng xoá trên các triền đồi ở xã Keng Đu; Đoàn công tác của Báo Nghệ An và Huyện ủy Kỳ Sơn ghé thăm bản Keng Đu - bản xã nhất ở xã Keng Đu. Ảnh tư liệu Đào Thọ - Khánh Ly

Trao đổi với chúng tôi, nữ trưởng bản vui vẻ cho biết: Bản có 40 hộ, 180 khẩu, ngoài chăn nuôi bà con chủ yếu trồng lúa, trồng ngô. Bản xa nên bà con chủ yếu tự cung, tự cấp, rau cỏ tự trồng, gà, lợn tự chăn nuôi, cá thì xuống sông quăng chài thả lưới. Cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng bình yên, bà con đoàn kết lắm. Những năm gần đây, một số hộ đã mạnh dạn khoanh vùng chăn nuôi lớn như hộ anh Vi Văn Hằng 40 con trâu, bò, hộ anh Lương Văn Khăm trên 30 con trâu, bò…

Câu chuyện của chúng tôi ngắt quãng bởi những tiếng leng keng rộn rã khi anh Lương Văn Xốm – một trong những hộ chăn nuôi lớn trong bản lùa đàn bò trở về trong ráng chiều. Hỏi chuyện anh Xốm bảo: “Treo chuông như vậy để lỡ bò bị lạc trong rừng còn dễ tìm!” Đàn bò béo mẩy của anh Xốm có tới 19 con, ngoài ra, anh còn nuôi thêm 4 – 5 con trâu, vài con lợn. “Mỗi năm tôi chỉ bán tầm 2 – 3 con trâu, bò, kết hợp làm rẫy, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn so với trước đây nhiều rồi, gần đây còn có một trạm biên phòng, cán bộ trạm cũng hướng dẫn thêm cho mình về kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh nên cũng yên tâm hơn”, anh Xốm nói.

Anh Lương Văn Xốm là một trong những hộ chăn nuôi giỏi ở bản Keng Đu với đàn bò 19 con; Người dân Keng Đu canh tác ở ruộng bậc thang; Nhiều hộ đồng bào Khơ mú đã bắt đầu đưa máy móc vào để sản xuất lúa nước Ảnh: Khánh Ly - tư liệu của Đào Thọ
Anh Lương Văn Xốm là một trong những hộ chăn nuôi giỏi ở bản Keng Đu với đàn bò 19 con; Người dân Keng Đu canh tác ở ruộng bậc thang; Nhiều hộ đồng bào Khơ mú đã bắt đầu đưa máy móc vào để sản xuất lúa nước Ảnh: Khánh Ly - tư liệu của Đào Thọ

“Đúng thế, cách bản chừng 3 – 4 cây số có một trạm biên phòng trực thuộc đồn, đây là trạm biên phòng xa nhất của huyện Kỳ Sơn và của tỉnh”, Trung tá Trịnh Văn Nghĩa – nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng Keng Đu xác nhận. Nghe vậy, đoàn công tác quyết định lên thăm, trao tặng món quà nhỏ động viên cán bộ, chiến sỹ trên Trạm Kiểm soát Biên phòng Keng Đu. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến trạm là màu xanh mướt mắt của các loại cây trái, rau xanh trong vườn tăng gia, khu trồng thuốc Nam và sự gọn gàng, quy củ từ khu vực chăn nuôi, bếp đến khu nhà chính. Càng bất ngờ hơn khi hội ngộ Trạm trưởng, Đại úy trẻ tuổi Phạm Đức Tính – một người quen cũ mà chúng tôi đã gặp ở chốt số 2 – chốt biên phòng đường sông thuộc Đồn Biên phòng Thông Thụ (Quế Phong). Điều dễ nhận thấy là tuy đóng quân ở nơi xa xôi nhưng cán bộ, chiến sỹ trên trạm vừa bám địa bàn, bám cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa tích cực tăng gia sản xuất đảm bảo “thực túc binh cường” vấn đề lương thực, thực phẩm sạch cho cuộc sống hàng ngày. Trong câu chuyện chân tình, đầm ấm, vui vẻ, chúng tôi còn may mắn được anh em ở trạm mời thưởng thức những múi mít Thái thơm ngon vừa chín tới do cán bộ, chiến sỹ tự trồng trong khuôn viên trạm.

Đoàn công tác Báo Nghệ An  và Huyện ủy  Kỳ Sơn chụp ảnh lưu niệm trước Đồn Biên phòng Keng Đu; Cán bộ chiến sỹ Trạm Kiểm soát biên phòng Keng Đu trò chuyện với lãnh đạo Báo Nghệ An và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn; Bộ đội Đồn Biên phòng Keng Đu hướng dẫn người dân canh tác rau, củ trong vườn nhà; Tặng quà cho Trạm kiểm soát biên phòng Keng Đu. Ảnh: Khánh Ly
Đoàn công tác Báo Nghệ An và Huyện ủy Kỳ Sơn chụp ảnh lưu niệm trước Đồn Biên phòng Keng Đu; Cán bộ chiến sỹ Trạm Kiểm soát biên phòng Keng Đu trò chuyện với lãnh đạo Báo Nghệ An và Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kỳ Sơn; Bộ đội Đồn Biên phòng Keng Đu hướng dẫn người dân canh tác rau, củ trong vườn nhà; Tặng quà cho Trạm kiểm soát biên phòng Keng Đu. Ảnh: Khánh Ly

Đứng chân ở địa bàn biên giới có 29,498 km đường biên với 2 mốc giới (398 và 399), 9/10 bản đồng bào Khơ mú nên cán bộ, chiến sỹ ở Trạm Kiểm soát nói riêng, ở Đồn Biên phòng Keng Đu nói chung luôn giữ mối liên hệ gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc thiểu số, dựa vào dân để bảo vệ biên giới, thực hiện “3 bám, 4 cùng” với nhân dân. Từ việc cầm tay chỉ việc hướng dẫn nhân dân thay đổi tập quán canh tác, sản xuất đến giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ lương thực cho các hộ gia đình khó khăn. “Đầu năm 2022, Đồn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Keng Đu tổ chức cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng ngôi nhà thiện nguyện “Ai cần đến lấy – Ai có sẻ chia” với diện tích sử dụng khoảng 50m² với tổng trị giá khoảng 250 triệu đồng. Nhà được hoàn thành và đưa vào sử dụng với sự đóng góp, ủng hộ của nhiều tổ chức và cá nhân có lòng hảo tâm. Trong đó, xã Keng Đu cho mượn đất và góp 10 triệu đồng tiền mặt, Hội Đồng hương Nghệ An tại Hà Nội ủng hộ 100 triệu đồng; Báo Cựu chiến binh ủng hộ 2 bộ máy vi tính và sách, báo các loại; cán bộ, chiến sỹ đơn vị góp gần 1.500 bộ quần áo mới và đã qua sử dụng… Người dân địa phương có thể tự do vào lựa chọn quần áo và các vật dụng sinh họat cần thiết, phù hợp”, cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu vui vẻ cho biết.

Ngày hội đọc sách ở Trường Tiểu học Keng Đu.
Ngày hội đọc sách ở Trường Tiểu học Keng Đu.

Keng Đu là xã biên giới có 954 hộ với 4.578 khẩu, có 2 dân tộc Khơ mú và Thái cùng sinh sống, các bản chủ yếu sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, đồi núi, số hộ nghèo chiếm 70,51%, hộ cận nghèo chiếm 13,40 %. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số ở đây vẫn luôn trăn trở tìm hướng vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Keng Đu Lương Văn Ngam: Trong xây dựng kế hoạch phát triển KT – XH hàng năm, xã đều giao chỉ tiêu cho từng bản trong chỉ đạo nhân dân phát nương rẫy, gieo trồng, trỉa, thu hoạch kịp thời vụ. Trong năm 2021, tổng sản lượng lương thực, thực phẩm đạt 1.112,421 tấn, ước tính thu nhập bình quân đầu người 18.000.000 đồng/năm. Bên cạnh trồng trọt, mặc dù năm qua khó khăn do dịch bệnh nhưng nhờ công tác tuyên truyền, hướng dẫn chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh tốt nên tổng đàn cơ bản tăng.

Khu vực trung tâm xã Keng Đu cũng khá phát triển với nhiều loại hình dịch vụ. Tuy nhiên, điều chúng tôi cảm thấy vui nhất khi đến với Keng Đu lần này là sự học của con em đồng bào các dân tộc nơi đây được quan tâm chăm lo. Cơ sở vật chất được đầu tư hơn so với trước đây. Hiện trên địa bàn có 4 trường học với 117 cán bộ, giáo viên; 73 lớp học, 1.394 học sinh. Năm học 2020-2021, toàn xã có 30 em học sinh giỏi cấp huyện, 360 em học sinh giỏi cấp trường. Tỷ lệ học sinh bỏ học cũng giảm rõ rệt. “Tháng 3 năm 2022, sau đợt nghỉ dịch Covid-19, có 10 em học sinh từ lớp 7 – 9 ở bản Xuân Hòa nghỉ học đã được Đồn Biên phòng Keng Đu phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS, Ban Quản lý bản Hòa Xuân, xã Keng Đu tổ chức tuyên truyền, vận động quay trở lại trường”, lãnh đạo địa phương cho hay.

Tới thăm Trường PTDTBT THCS Keng Đu – nơi có 356 học sinh theo học, đoàn công tác Báo Nghệ An đã trao 2 suất quà, trị giá mỗi suất 5 triệu đồng cho 2 học sinh người Khơ mú hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt là em Moong Văn Kiệt – lớp 6B và em Lương Văn Quang – lớp 7C. Kinh phí được trích từ nguồn quỹ nhuận bút của đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Xúc động khi nhận được nguồn động viên ý nghĩa, với dáng vẻ rụt rè, em Lương Văn Quang đã bày tỏ sự cảm ơn đối với đoàn công tác và hứa sẽ vượt khó khăn vươn lên học tốt. Dịp này, đoàn cũng ghé thăm và tặng món quà nhỏ động viên Trường Mầm non Keng Đu, giao lưu với các thầy, cô giáo vùng cao với nhiều ấm áp ân tình.

Trên đường rời Keng Đu, nghe lời giới thiệu của cán bộ Tuyên giáo Huyện ủy, chúng tôi ghé thăm Trường Tiểu học Keng Đu 2 – ngôi trường vùng cao có cảnh quan xinh đẹp với những thảm hoa rực rỡ đủ sắc màu như trong công viên cùng khu nội trú gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp. Đứng chân ở xã nghèo vùng biên, nhà trường đã biết tận dụng mọi nguồn lực, chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp dạy và học cũng như chăm lo đời sống cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Thầy Phan Đăng Vinh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Keng Đu 2 cho hay: Trường có 271 em dân tộc Khơ mú, trong đó, 85 em ở bán trú, đội ngũ giáo viên 30 người. Những năm trước đây, bên cạnh sự thiếu thốn bàn ghế, trang thiết bị, khó khăn hơn là người dân địa phương còn xem nhẹ việc học của con em mình. Hiện nay, việc học của con em đã được quan tâm hơn. Năm học vừa qua trường có 4 em học sinh giỏi huyện, 35 em học sinh giỏi cấp trường, 2 giáo viên đạt giáo viên giỏi cấp huyện. “Để đảm bảo điều kiện ăn, nghỉ, học tập cho học sinh, trường đã trích kinh phí kết hợp với sự giúp đỡ của nhà hảo tâm đóng giường tầng cho các em, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp tạo không khí “vui mà học”. Tuy nhiên, năm học tới triển khai theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đối diện khó khăn khi thiếu 2 phòng học văn hóa, phòng Tin học, Ngoại ngữ…”, thầy Phan Đăng Vinh trăn trở.

Đoàn công tác thăm rừng pơ mu, sa mu 7.000 cây của ông Vừ Vả Chống ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.
Đoàn công tác thăm rừng pơ mu, sa mu 7.000 cây của ông Vừ Vả Chống ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn.

Rời Trường Tiểu học Keng Đu 2, trên đường trở ra, chúng tôi ghé qua rừng pơ mu, sa mu 7.000 cây có mốc từ 15 – 20 năm tuổi của già Mông Vừ Vả Chống ở khu vực núi Trông Ta Già, thuộc xã Huồi Tụ. Dưới bóng những cây pơ mu, sa mu xanh thẫm, vút thẳng lên trời xanh, là những vạt chè shan tuyết, gừng, rau màu tạo nên bức tranh tuyệt đẹp giữa mây ngàn gió núi. Dẫn khách đi tham quan rừng pơ mu, sa mu, Vừ Vả Chống say sưa nói về khát vọng xây dựng điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng ở Trông Ta Già với niềm tin mãnh liệt: “Có người trả tôi 21 tỷ đồng để mua lại khu rừng này nhưng tôi không bán, đây là tâm huyết cả cuộc đời của tôi, tôi muốn xây dựng nơi đây thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng, vừa phát triển kinh tế, vừa tạo điểm nhấn cảnh quan cho miền biên viễn bốn mùa mây giăng này”. Không chỉ nói suông, Vừ Vả Chống đã bắt tay vào quy hoạch, xây dựng khu phục vụ ăn uống, dừng chân cho khách tham quan, dựng những túp chòi lá nhỏ xinh giữa rừng pơ mu, sa mu hơn 8 ha râm mát. Dẫu còn đơn sơ nhưng bước đầu đã thu hút khách du lịch đến thăm quan, nghỉ ngơi. Trong câu chuyện với chúng tôi, già Mông Vừ Vả Chống chân tình chia sẻ rằng, việc biến rừng pơ mu, sa mu thành điểm du lịch sinh thái không chỉ đơn thuần mục đích phát triển kinh tế mà còn để thay đổi nhận thức của đồng bào Mông về tầm quan trọng của việc trồng, bảo vệ và giữ rừng…”. Hiện tại, ở xã Huồi Tụ, đã có nhiều hộ học tập mô hình trồng pơ mu, sa mu của Vừ Vả Chống với hơn 15 ha.

Rời những cánh rừng pơ mu, sa mu, trên đường về xuôi, xe lướt qua bản làng thấp thoáng những nếp nhà gỗ nâu bình dị, thân thuộc khuất trong sương mây ở rẻo cao Kỳ Sơn, lòng chúng tôi cứ thổn thức nhớ về “ở một nơi xa xôi, xung quanh là núi đồi…”.

Ruộng bậc thang ở Keng Đu. Ảnh tư liệu Đào Thọ
Ruộng bậc thang ở Keng Đu. Ảnh tư liệu Đào Thọ