Gắn kết và lan tỏa di sản Dân ca ví, giặm

P.V: Thưa bà, hát ví, hát giặm xưa kia đã ăn sâu vào mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh và làm nên những nét riêng biệt của người xứ Nghệ không thể lẫn vào đâu được. Vậy bà có thể khái quát về Dân ca ví, giặm cũng như những giá trị cốt lõi của loại hình này trong dòng chảy văn hóa của người dân xứ Nghệ?

NSND Trịnh Thị Hồng Lựu: Không gian khởi xướng cho tất cả các loại hình dân ca đều xuất phát từ lao động, sản xuất và ví, giặm ở xứ Nghệ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Trong lao động, sản xuất, người Nghệ chịu thương, chịu khó, tự lập, tự cường, cần cù, sáng tạo và đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, vươn tới xây dựng cuộc sống. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên tính cách người Nghệ Tĩnh kiên cường, thẳng thắn, quyết liệt nhưng cũng vô cùng bao dung… Những đức tính, những cung bậc tình cảm đó được người dân xứ Nghệ gửi gắm vào những làn điệu ví, giặm với ngôn từ “đặc sản” đã tạo nên sự đặc sắc cho Dân ca ví, giặm.

Hát ví trên sông Lam. Ảnh tư liệu: Sỹ Minh
Hát ví trên sông Lam. Ảnh tư liệu: Sỹ Minh

Ví, giặm là hai kiểu hát khác nhau nhưng đều có không gian diễn xướng gắn liền với lao động, sản xuất, trong các làng nghề truyền thống, hoặc những lúc nông nhàn, lúc chèo thuyền, thả lưới ven sông, lên rừng lấy củi, hay mỗi dịp lễ hội… Mới đầu, Dân ca ví, giặm xứ Nghệ còn thô sơ, mộc mạc, giản dị, xuất phát từ lời ca của những cô gái kéo sợi, đi cấy, dệt vải… nhưng sau đó, theo thời gian thì ví, giặm phát triển lên một tầm cao mới với lề lối, bố cục chặt chẽ và hình thành nên những vần điệu dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người.

Vượt qua rào cản về thời gian, sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh, sự biến đổi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa… Dân ca ví, giặm xứ Nghệ vẫn khẳng định được sức sống trường tồn của mình. Những nét tinh túy trong Dân ca ví, giặm xứ Nghệ trở thành nguồn cội của các ca khúc đương thời, là nơi để những bài hát về Nghệ An, Hà Tĩnh được cất cánh.

P.V: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cũng như dân ca các vùng, miền khác trong cả nước có một số hình thức bảo tồn và phát huy. Xin bà cho biết các hình thức bảo tồn và phát huy Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh hiện nay?

NSND Trịnh Thị Hồng Lựu: Từ khi ví, giặm trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy ví, giặm được đẩy mạnh trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, việc xây dựng mạng lưới câu lạc bộ dân ca trên địa bàn dân cư ở các địa phương là việc làm hết sức thiết thực. Hệ thống các câu lạc bộ được thành lập đã tạo nên một mạng lưới hát dân ca rộng khắp từ tỉnh đến các cơ sở. Hoạt động câu lạc bộ dân ca đã được nâng lên một bước, trở nên bài bản, có tổ chức và chọn lọc hơn, trở thành hoạt động có tính chuyên nghiệp hơn và không ngừng được nhân rộng trên khắp các địa bàn dân cư. Và nghệ nhân là những người đóng vai trò nòng cốt trong việc phát huy và nhân rộng mạng lưới dân ca trong cộng đồng. Nhiều nghệ nhân đã tuổi cao, sức yếu nhưng vẫn tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, nhiệt tình truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ.

Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu đứng lớp truyền dạy cho các câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu đứng lớp truyền dạy cho các câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Có thể khẳng định, các câu lạc bộ dân ca ví, giặm thực sự là mô hình sinh hoạt tập thể, hướng tới việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng cho nghệ thuật truyền thống, nhất là thế hệ trẻ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 130 câu lạc bộ dân ca với hàng nghìn người tham gia sinh hoạt. Hằng năm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh cũng tổ chức các lớp truyền dạy dân ca ví, giặm cho các câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh.

Thông qua các lớp học, các học viên không chỉ được hướng dẫn thực hành các làn điệu dân ca mà còn được bồi dưỡng, nâng cao khả năng viết và dàn dựng, giúp họ có thể tự hoạt động vững vàng, phát huy sự lan tỏa dân ca đến từng nhà, từng xóm hướng tới mục tiêu lâu dài là trả dân ca về với người dân và môi trường sống của nó. Đồng thời, đây cũng là dịp để các nghệ nhân được gặp gỡ, chia sẻ mô hình hoạt động tốt, cách làm hay nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.

Nghệ nhân nhân dân Võ Thị Hồng Vân (CLB dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) truyền dạy dân ca cho các em học sinh. Ảnh: Diệp Phương
Nghệ nhân nhân dân Võ Thị Hồng Vân (CLB dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) truyền dạy dân ca cho các em học sinh. Ảnh: Diệp Phương

Một hình thức bảo tồn, phát huy giá trị Dân ca ví, giặm khác cũng được chú trọng, đó là đưa dân ca vào trường học. Trong trường học, hơn 20 năm nay đã thực hiện có nề nếp chương trình dạy hát dân ca theo chương trình ngoại khóa. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đưa dân ca trở thành môn học chính thức, đã dạy thử nghiệm tại một số trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh, tiến tới nhân rộng mô hình này và phổ cập trong toàn tỉnh. Hàng năm, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh phối hợp với các câu lạc bộ dân ca tập huấn cho các giáo viên dạy môn âm nhạc của các trường, để từ đó dạy lại cho học sinh. Hai năm một lần, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Liên hoan hát dân ca trong các trường phổ thông trên toàn tỉnh, từ đó, tạo thành phong trào hát dân ca rộng khắp, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy Dân ca ví, giặm xứ Nghệ.

Ngoài ra, không thể không kể đến hình thức đưa Dân ca ví, giặm lên sân khấu hay nói đúng hơn là sân khấu hóa Dân ca Nghệ Tĩnh. Từ năm 1973, tức là qua 50 năm, chúng ta đã thể nghiệm đưa Dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu, từ những vở kịch ngắn (1 màn) đến kịch dài (4 màn), từ những đề tài dân gian, truyền thống đến lịch sử, giả sử, hiện đại… Đưa Dân ca Nghệ Tĩnh lên sân khấu vừa làm nhiệm vụ bảo tồn và phát huy những giá trị gốc được tái hiện trên sân khấu, đồng thời, vừa làm nhiệm vụ cải biên, phát triển đáp ứng yêu cầu phục vụ cuộc sống của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, của thời kỳ hội nhập và phát triển.

Các em thiếu nhi tham gia chương trình trải nghiệm dân ca ví, giặm tại Bảo tàng Nghệ An.
Các em thiếu nhi tham gia chương trình trải nghiệm dân ca ví, giặm tại Bảo tàng Nghệ An.

Bên cạnh đó, thực hiện đề án bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca ví, giặm, từ năm 2022, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã tiến hành tổ chức các hoạt động diễn xướng dân ca ví, giặm nhằm đưa hoạt động dân ca vào môi trường diễn xướng sống động của đời sống nhân dân. Đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 15 buổi diễn xướng dân ca tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ngoài việc giao lưu, đưa ví giặm trở về “không gian sinh tồn” của nó còn có ý nghĩa bổ sung vào kho tàng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh những lời ca mới.

P.V: Được biết, bên cạnh các hình thức trên, còn có các hoạt động như dạy hát dân ca trên sóng phát thanh, truyền hình, tổ chức các hội thi, hội diễn, Liên hoan dân ca, và đến nay, Nghệ An đã tổ chức, phối hợp tổ chức 4 kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cấp tỉnh và liên tỉnh, mỗi kỳ Liên hoan thu hút hàng chục câu lạc bộ và hàng trăm nghệ nhân, diễn viên tham gia sáng tác, diễn xướng. Bà có thể cho biết, vai trò của các Liên hoan Dân ca ví, giặm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này?

NSND Trịnh Thị Hồng Lựu: Kể từ Liên hoan Dân ca ví, giặm xứ Nghệ lần thứ nhất vào năm 2012, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã tổ chức thêm 3 kỳ Liên hoan vào các năm 2014, 2016 và 2018. Trước khi diễn ra Liên hoan cấp tỉnh, cấp liên tỉnh, đã diễn ra Liên hoan ở cấp cụm, với sự tham gia của các câu lạc bộ Dân ca ví, giặm ở các địa phương. Đây là một hoạt động quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị vốn có và giá trị tiêu biểu của các thể hát và trò diễn xướng; tạo cơ hội để các câu lạc bộ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; tiếp tục đẩy mạnh phong trào hát Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh trong các ngành, tổ chức, đoàn thể, địa phương.

Một tiết mục tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm tỉnh Nghệ An, cụm II. Ảnh: Đình Tuyên
Một tiết mục tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm tỉnh Nghệ An, cụm II. Ảnh: Đình Tuyên

Là người tham gia vào Ban Tổ chức, Ban Giám khảo các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tôi cảm nhận được ngọn lửa đam mê của thành viên các câu lạc bộ dân ca luôn bùng cháy và được truyền đến nhiều người khác. Thành viên của các câu lạc bộ háo hức, nhưng khán giả cũng rất nhiệt tình, đến xem đông đảo. Có những người từ các huyện xa đã khăn gói xuống thành phố Vinh để cổ vũ cho đội nhà. Qua mỗi kỳ Liên hoan lại thấy sự hồi sinh mạnh mẽ của các loại hình dân ca cổ Nghệ Tĩnh trong trái tim nhân dân và cả trong sinh hoạt thường nhật. Đặc biệt, qua các kỳ Liên hoan đã phát hiện được nhiều gương mặt nhỏ tuổi tài năng, sở hữu chất giọng ngọt ngào, thể hiện nhuần nhuyễn các làn điệu ví, giặm như Hà Quỳnh Như (Yên Thành), Nguyễn Công Phước, Nguyễn Trà My, Lê Khánh Vy (thành phố Vinh), Lê Công Anh (Nam Đàn), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Thanh Chương)…, trong đó, nhiều em đã trở thành những diễn viên, ca sĩ chuyên nghiệp.

P.V: Năm 2023 này, Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh – sự kiện lần đầu tiên được tổ chức ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về điều này?

NSND Trịnh Thị Hồng Lựu: Festival là sự kiện văn hóa hiện đại có nguồn gốc từ phương Tây, được tổ chức để quảng bá hình ảnh của địa phương, đáp ứng yêu cầu của đời sống tinh thần, từ đó, phát triển du lịch. Mỗi kỳ Festival tập trung để tôn vinh một vài giá trị văn hóa của vùng, miền, làm nổi bật văn hóa, nghệ thuật đỉnh cao, văn hóa có tính chiều sâu mà vào những ngày thường không thể tổ chức. Việc tổ chức Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh mục đích chính là nhằm giao lưu, tôn vinh di sản, sau đó là quảng bá hình ảnh của địa phương, xây dựng thương hiệu cho du lịch xứ Nghệ.

Tái hiện không gian diễn xướng dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh). Ảnh: Minh Quân
Tái hiện không gian diễn xướng dân ca ví, giặm tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP. Vinh). Ảnh: Minh Quân

Ý tưởng tổ chức một Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã được hình thành từ nhiều năm trước, sau khi Dân ca ví, giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây được coi là một trong những giải pháp bảo tồn và phát huy môi trường diễn xướng của ví, giặm theo tinh thần Công ước của UNESCO. Tuy nhiên, phải đến năm 2023 này, hướng tới kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại (27/11/2014 – 27/11/2024), ý tưởng đó mới được cụ thể hóa thành Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023, với rất nhiều hoạt động phong phú như: Tổ chức Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cấp cụm (đồng thời tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh); Liên hoan cấp liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh lần thứ V có chủ đề “Đôi bờ ví, giặm” và tổ chức lưu diễn tại Nghệ An và Hà Tĩnh; Hội diễn đàn, hát dân ca 3 miền; Lễ hội đường phố với chủ đề “Sắc màu di sản”; Giải marathon “Về miền ví, giặm”…

Có thể nói, Festival sẽ là dịp để Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh hội tụ và tỏa sáng, khẳng định sự phong phú, đa dạng của di sản ví, giặm; đồng thời, thể hiện sự gặp gỡ, giao thoa, gắn kết và lan tỏa của loại hình nghệ thuật này giữa các vùng, miền, địa phương. Với niềm tự hào di sản, các đoàn tham gia Festival sẽ giới thiệu những tinh hoa của loại hình dân ca đặc biệt này tới đông đảo công chúng, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của di sản trong đời sống đương đại.

P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Một tiết mục dân ca ví, giặm tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2023. Ảnh: Minh Quân
Một tiết mục dân ca ví, giặm tham gia Liên hoan Tiếng hát Làng Sen năm 2023. Ảnh: Minh Quân