Sản xuất vụ đông đối mặt với không ít khó khăn khi thời tiết bất lợi; đầu ra sản phẩm bấp bênh… Tuy nhiên, nhờ chủ động lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và thực hiện liên kết trong sản xuất, ở nhiều địa phương đã có những cách làm hay, sáng tạo, nhiều chính sách mang tính “đòn bẩy” để khuyến khích người dân bám đồng, bám ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ vụ đông.
Các năm trước, xã Thanh Liên được đánh giá là điển hình của huyện Thanh Chương trong sản xuất vụ đông, nhất là cây bí xanh hàng hóa. Có thời điểm, cây bí xanh chiếm vị trí độc tôn trong sản xuất vụ đông, là cây trồng chủ lực, cây xoá nghèo, “làm giàu” ở địa phương này. “Có những năm, bí xanh được mùa, được giá, mỗi ha thu về cả trăm triệu đồng; trừ chi phí lãi ròng 40-50 triệu đồng. Vì thế, cây bí xanh được coi là cây “chủ lực” với giá trị kinh tế vượt trội”, anh Phan Bá Thắng, một hộ sản xuất bí xanh ở xóm Liên Khai, xã Thanh Liên cho biết.
Thế nhưng, năm 2021, bí xanh rớt giá thê thảm, không có nơi tiêu thụ. Bí đến kỳ thu hoạch, già nẫu trên giàn nhưng dân không buồn thu hái vì giá quá thấp và không có người thu mua. Nhiều nhà, thu hoạch xong xếp thành hàng, thành dãy trên bờ; có gia đình chở về xếp vào kho, vào sân tìm đủ mọi cách cũng không bán được. Cuối cùng, người dân phải lên mạng xã hội kêu gọi “giải cứu”.
Vụ vừa rồi, gia đình anh Phan Bá Ngọc (xóm Liên Khai) trồng hơn 1ha bí xanh, chi phí hết hơn 70 triệu đồng. Vậy nhưng, đến kỳ thu hoạch, bí được mùa nhưng lại rớt giá thê thảm, giá bán có thời điểm xuống “chạm đáy” chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg. 1ha bí thu về 25 tấn quả, giá bán 2.500 đồng/kg bán hết cũng chỉ được hơn 60 triệu đồng, tính ra lỗ cả chục triệu đồng chưa kể 3 tháng trời ròng rã chăm sóc, tưới nước, thụ phấn cho bí. Do đó, vụ đông này, anh Ngọc chuyển đổi phần lớn đất trồng bí sang trồng ngô.
Không chỉ riêng anh Ngọc, anh Hậu, anh Thắng mà rất nhiều hộ trước đây có diện tích trồng bí xanh lớn (từ 0,5ha-1,5ha) trên địa bàn xã năm nay đều chuyển sang trồng ngô hoặc các loại rau màu khác. Ông Lưu Công Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết: “Bí xanh là cây trồng thế mạnh, cây chủ lực trong sản xuất vụ đông ở địa phương. Tuy nhiên, do phụ thuộc hoàn toàn đầu ra, giá cả bấp bênh nhất là 2 vụ bí gần đây, giá bí xanh rớt mạnh khiến người dân thua lỗ. Do đó, vụ đông này, cây bí xanh giảm mạnh diện tích”.
Ngoài khó khăn về thị trường tiêu thụ thì “rào cản” trong sản xuất vụ đông chính là thời tiết cực đoan, mưa lũ dồn dập. Đầu tháng 10 năm nay, do hoàn lưu sau bão số 4, Nghệ An có mưa to đến rất to khiến nhiều diện tích vụ đông vừa xuống giống đã bị nhấn chìm trong nước lũ. Theo thống kê, đợt mưa lũ do hoàn lưu bão số 4 gây ra đã khiến hơn 6.000ha cây trồng vụ đông mất trắng hoàn toàn, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại nặng nề nhất là các địa phương: Quỳnh Lưu, TX Hoàng Mai, Thanh Chương, Nam Đàn… Liên tiếp sau đó là ảnh hưởng của các cơn bão số 5, số 6 nên đất ướt, nhiều nơi, người dân phải làm đi làm lại đến 3-4 lần.
Tại nhiều địa phương, đến thời điểm hiện tại, đất vẫn chưa ráo hẳn để xuống giống vụ đông, do không kịp thời vụ nên bà con phải chuyển đổi sang các giống cây ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, sau mưa lũ, nạn chuột phá hoành hành khiến bà con gặp không ít khó khăn trong sản xuất vụ đông. Ông Nguyễn Văn Chương, nông dân xã Nam Anh (Nam Đàn) cho biết: “Lượt đầu, xuống giống 2 sào bắp cải, tốn cả mấy triệu đồng. Bắp cải vừa lên khỏi mặt đất thì gặp lụt, thối úng cả. Nước rút, đất ráo, xuống giống tiếp đợt 2, dồn sức chăm sóc, bón phân vậy mà đến giai đoạn vừa cuốn bắp thì chuột phá hoại, cắn ngang gốc, 2 sào cải bắp héo rũ, tan nát. Giờ, chỉ có thể gieo các loại rau ngắn ngày để kịp thời vụ”.
Ngoài những khó khăn về điều kiện thời tiết thì về mặt chủ quan, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong cách chỉ đạo, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ nhằm tìm thị trường ổn định và nâng cao giá trị cho cây trồng vụ đông. Ông Nguyễn Xuân Dinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu thừa nhận, trên địa bàn, mặc dù một số xã có điều kiện khá thuận lợi nhưng kết quả tổ chức sản xuất cây vụ đông, nhất là trồng trên đất 2 lúa thấp so với diện tích đất canh tác. Một số mô hình quy mô nhỏ, manh mún, thâm canh chăm sóc chưa đảm bảo, liên kết sản xuất hàng hóa chưa mạnh, khó nhân rộng. Trong khi người dân có tâm lý lo sợ thiệt hại do thiên tai, đầu ra của sản phẩm không ổn định, thì việc xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu diện tích chưa sát với thực tế, công tác chỉ đạo sản xuất còn thiếu quyết liệt và thường xuyên, nên phong trào sản xuất vụ đông giảm rõ rệt.
Theo bà Võ Thị Nhung – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đến nay trên địa bàn tỉnh, sau nhiều lần dồn điền đổi thửa, quy mô ruộng đất vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc xây dựng vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn cũng như liên kết sản xuất. Cùng nhiều nguyên nhân khác, đây cũng là một lý do dẫn đến việc áp dụng sản xuất an toàn, liên kết sản xuất theo chuỗi với sự tham gia của doanh nghiệp còn yếu và thiếu.
Đồng thời, ảnh hưởng đến việc đưa cơ giới hóa khâu làm đất còn hạn chế, trong khi nhân lực lao động sản xuất vụ đông ngày càng thiếu, do có xu hướng chuyển dịch sang công việc khác và ngày càng già hóa, nên ảnh hưởng đến tiến độ, mở rộng diện tích sản xuất vụ đông cũng như tiếp cận áp dụng KHKT mới vào sản xuất. Vấn đề cơ giới hóa và hiệu quả một số mô hình chưa cao, chưa đủ sức hấp dẫn với nông dân nên hạn chế mở rộng diện tích, nhất là các mô hình trồng ngô, rau trên đất 2 lúa.
Không để bị động về thị trường tiêu thụ, những năm qua, bên cạnh sự kết nối của tỉnh, của huyện và địa phương về liên kết đầu ra, nhiều nông dân đã tự mình tìm kiếm “bạn hàng”, sản xuất các sản phẩm theo đơn đặt hàng để có đầu ra ổn định, sản xuất có lãi. Anh Nguyễn Kim Nam, nông dân trồng rau ở xã Nam Anh (Nam Đàn) cho biết: “Trước hết là tuân thủ sản xuất sạch, hướng hữu cơ để cung ứng nguồn rau sạch cho thị trường. Đồng thời, chủ động tìm kiếm bạn hàng, tìm kiếm nơi tiêu thụ để sản xuất theo đơn đặt hàng của các cửa hàng thực phẩm. Do đó, chủ động được phần nào đầu ra cho sản phẩm”. Hiện nay, ngoài 5.000m2 rau hữu cơ ký kết với một doanh nghiệp ở TP. Vinh, gần 2ha rau an toàn anh đã chủ động kết nối với các cá nhân, gia đình có nhu cầu ăn rau sạch để cung ứng.
Thuận lợi nhất hiện nay là khi mạng xã hội phát triển, ngoài thị trường tiêu thụ truyền thống là chợ và thương lái thu mua, thì nhiều nông dân đã tích cực vận dụng công nghệ để mở rộng thị phần cho nông sản. Trong đó, có các sản phẩm vụ đông như rau, củ, quả được quảng bá, tiêu thụ qua Zalo, Facebook, các hội chợ, nhóm online…
Ông Lê Diện, xã Diễn Hải (Diễn Châu) cho biết: “Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 1.500m2 dưa lưới trong nhà màng. Hiện tôi đã lên Facebook, các hội nhóm trồng, tiêu thụ dưa trong nước để kết nối tiêu thụ. Đã có những đơn hàng đầu tấn phục vụ thị trường Tết. Ngoài ra, tôi còn trực tiếp đến các cửa hàng thực phẩm sạch ở các địa phương trong tỉnh, đặt vấn đề kết nối tiêu thụ theo dạng ký gửi. Đồng thời, nhờ mối liên hệ với con em làm ăn xa, nhờ họ làm cộng tác viên bán dưa cho mình, nên đây cũng là kênh tiêu thụ hiệu quả. Mấy năm liền, dưa lưới làm ra chừng nào, tiêu thụ hết chừng đó”.
Để sản xuất vụ đông hiệu quả, ăn chắc, những năm qua, huyện Thanh Chương rất chú trọng đẩy mạnh liên kết. Ông Lê Đình Thanh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: “Ngoài việc lựa chọn cơ cấu chủ lực gồm các giống có khả năng chịu rét, chịu úng tốt, năng suất, sản lượng cao; sản xuất trên các chân đất cao, ít bị ảnh hưởng lũ lụt và bố trí lịch thời vụ phù hợp, thì đẩy mạnh liên kết sản xuất rất được coi trọng. Theo đó, Thanh Chương quy hoạch sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung, sản xuất theo vùng để có số lượng đủ lớn nhằm liên kết tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích các HTX ký hợp đồng bao tiêu trước khi tổ chức sản xuất đối với các sản phẩm đòi hỏi đầu tư lớn, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đến nay, đã có nhiều mô hình liên kết hiệu quả trong sản xuất bí xanh, khoai tây, tỏi…”.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã ứng dụng các tiến bộ về giống, công nghệ tưới, nhà lưới, nhà màng và sản xuất an toàn VietGAP, hữu cơ từ đó hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với các loại cây trồng có giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến: Vùng rau an toàn ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc; Khoai tây ở Nam Đàn, Diễn Châu; cây dược liệu ở Thanh Chương, Con Cuông; Ngô sinh khối ở các địa phương vùng bãi… Đặc biệt, công tác dự tính, dự báo thời tiết, thiên tai, thủy lợi, dịch hại cây trồng ngày càng chính xác và cập nhật thường xuyên, giúp các địa phương và người dân có thể chủ động sản xuất tốt hơn, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo đó, ngành Nông nghiệp cần căn cứ vào từng vùng đất cụ thể để có từng phương án sản xuất phù hợp. Ví như trên vùng đất 2 lúa, chỉ gieo trồng ở những diện tích chủ động tưới tiêu, thoát nước tốt; ở vùng đất màu ven biển Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, nông dân có trình độ, kinh nghiệm thâm canh rau hàng hóa, cần khuyến khích mở rộng diện tích các loại rau ăn lá, lấy củ, quả an toàn theo VietGAP, hữu cơ; riêng những vùng đất bãi ven sông dễ ngập lụt thì phải chờ hết mưa lụt mới gieo trồng các loại giống ngắn ngày… Đồng thời, có phương án chủ động thoát nước để chống úng cục bộ, nhất là lạc, rau màu và một số vùng ngô, rau trên đất 2 lúa trong mùa mưa bão, cũng như giải quyết tốt nhu cầu nước tưới cho cây rau và ngô trên đất 2 lúa, nhất là thời kỳ ngô trổ cờ, phun râu.