Đưa vụ đông thực sự trở thành vụ sản xuất chính: Bài 1: Hiệu quả và giá trị

Ở Nghệ An, những năm qua, tại nhiều địa phương vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm; nhiều mô hình sản xuất giá trị cao được nhân rộng và vụ đông được bà con nông dân đón đợi để tích cực đầu tư sản xuất tạo sản phẩm mới từ những cây trồng mới.

Những ngày này, trên cánh đồng Cồn Gồ, xóm Làng Đông, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên), bà con đang tất bật xuống giống cây tỏi tía. Đây là cây trồng vụ đông chủ lực của bà con làng Đông trong 3 năm trở lại nay.

Ông Phan Thanh Hà – Xóm trưởng xóm Làng Đông cho biết: “Diện tích trồng tỏi của 30 hộ dân Làng Đông là 2ha. Trước đây, trên đất này, người dân chủ yếu làm rau màu song đầu ra khá bấp bênh khi vào chính vụ thu hoạch, rau dư thừa nhiều, khó tiêu thụ, có những năm ế ẩm phải đổ bỏ. Năm 2019, một số hộ dân trong làng đưa giống tỏi tía vào trồng, thấy loại cây trồng này hợp đất, hợp khí hậu, giá bán cao, dễ tiêu thụ nên bà con học hỏi nhau rồi nhân rộng dần”.

Đến năm 2020, nhận thấy hiệu quả kinh tế vượt trội của cây tỏi tía nên chính quyền đã chỉ đạo bà con trồng đồng loạt. Năm 2021, mô hình này được huyện hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới phun sương tự động; vụ đông năm 2022, được UBND tỉnh hỗ trợ 50% chi phí phân bón, giống.

Trồng dưa vụ đông trong nhà lưới ở Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương
Trồng dưa vụ đông trong nhà lưới ở Hưng Nguyên. Ảnh: Phú Hương

Là một trong những hộ tiên phong sản xuất tỏi tía ở xóm Làng Đông, trên diện tích hơn 1 sào, bà Nguyễn Thị Thanh thu về 15-17 triệu đồng/vụ. Theo bà Thanh, nếu so với các loại cây trồng khác thì cây tỏi tía có những ưu điểm vượt trội. “Thứ nhất, dễ trồng, ít công chăm sóc, ít sâu bệnh; thứ hai, dễ tiêu thụ, sau hơn 2 tháng xuống giống thì cho thu hoạch, trước là bán tỏi cây, sau là bán tỏi củ. Tỏi nhổ xong, bán ngay tại ruộng cho thương lái, không phải mang về sơ chế, không phải phơi phóng gì nên cũng khỏe.

Năm được mùa, được giá, trừ chi phí đầu tư ban đầu, mỗi sào lãi khoảng 15 triệu đồng. Sau khi thu hoạch tỏi là làm lạc xuân, trước đó thì làm rau màu nên luân canh, đất không bị chai, thu nhập từ sản xuất cao…”.

Bén đất Diễn Phong (Diễn Châu) đã 3 năm nay, khoai tây được đánh giá là cây trồng vụ đông hiệu quả nhất trên đồng đất nơi này. Vụ đông năm 2022, Diễn Phong mở rộng diện tích lên 40ha. Đặc biệt, sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sau khi thu hoạch với mức giá đã được ký kết từ trước.

Thu hoạch cải bắp vụ đông tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng
Thu hoạch cải bắp vụ đông tại huyện Diễn Châu. Ảnh: Xuân Hoàng

Để khuyến khích bà con nông dân duy trì ổn định diện tích trồng khoai tây vụ đông, HTX Nông nghiệp Diễn Phong đã tham mưu UBND xã làm tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, bố trí cơ cấu giống lúa mùa hợp lý để chủ động về thời vụ. Tập trung quy hoạch vùng sản xuất khoai tây giống sạch bệnh, vùng sản xuất khoai tây thương phẩm an toàn.

Với định hướng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững, vụ đông năm 2022, Diễn Châu ổn định diện tích 4.200ha, trong đó có 300ha trồng khoai tây và 1600ha ngô sinh khối theo mô hình liên kết.

Ông Phan Xuân Vinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết: “Nếu như trước đây, người dân Diễn Châu sản xuất vụ đông nhỏ lẻ, chưa hình thành các vùng hàng hóa, còn diễn ra tình trạng ế ẩm, tồn đọng các sản phẩm thì những năm gần đây, thông qua các mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông – Nhà nước – nhà khoa học và doanh nghiệp) nên sản phẩm tiêu thụ ổn định, giá trị vụ đông được nâng cao. Đến nay, Diễn Châu đã xây dựng được 30 mô hình mới, từ đó hình thành được 7 vùng chuyên canh vụ đông có diện tích từ 6- 40ha, với thu nhập từ 100 – 250 triệu đồng/ha như mô hình trồng ớt cay, khoai tây, bí đỏ, dưa chuột, hành tỏi, rau cao cấp… Khi tham gia các mô hình mới nông dân Diễn Châu đều được hưởng các cơ chế hỗ trợ về giống, phân bón, thuốc BVTV, nhất là được bao tiêu về đầu ra và giá thu mua sản phẩm, bà con yên tâm sản xuất”.

Còn tại xã miền núi Thanh Nho (Thanh Chương), người dân lại gắn bó với cây ngô ngọt đã 5 năm nay. Với vùng này, đây là loại cây trồng khá mới lạ; tuy nhiên, nhờ có sự liên kết chặt chẽ giữa Hội Nông dân xã và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đồng Giao nên bà con đã mạnh dạn trồng; được cung ứng theo hình thức trả sau giống, phân bón; được hướng dẫn, tập huấn KHKT… Nhờ đó, đến nay, trên địa bàn đã có 10,3ha ngô ngọt với sự tham gia của 46 hộ dân.

Cây bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương
Cây bí xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương

Theo tính toán, 1 sào ngô cho năng suất 700kg, giá bán theo cam kết là 4.800 đồng/kg, doanh nghiệp thu mua ngô tươi ngay tại ruộng. Từ hiệu quả mô hình mang lại, nhiều hộ dân khác trong xã cũng đã mạnh dạn đưa cây ngô ngọt vào trồng trên đất màu, đất bãi và bán lẻ ra thị trường”.

Đối với Nghệ An nói riêng và các tỉnh phía Bắc nói chung, thì vụ đông là một vụ sản xuất đặc thù và lợi thế. Trong 3, 4 tháng mùa Đông thời tiết lạnh, với sự chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ nên có thể sản xuất đa dạng về chủng loại cây trồng. Bắt đầu phát triển từ những năm 1986, 1987 của thế kỷ trước, sản xuất vụ đông ở Nghệ An ban đầu chủ yếu trồng khoai lang, rau ăn lá, rau ăn củ, trong đó chủ yếu là khoai lang, bình quân mỗi vụ trồng từ 18.000 – 20.000ha, chiếm từ 80 – 85% tổng diện tích.

Giá trị sản xuất vụ đông của Nghệ An không ngừng gia tăng trong thời gian qua. Ảnh: PV-CTV
Giá trị sản xuất vụ đông của Nghệ An không ngừng gia tăng trong thời gian qua. Ảnh: PV-CTV

Từ sau năm 2000, mỗi năm bình quân toàn tỉnh gieo trồng khoảng hơn 46.000ha, cây trồng khá đa dạng với đủ các loại ngô, khoai lang, cà chua, rau ăn lá các loại, rau ăn củ, đậu, lạc, bầu, bí, hành, tỏi,… Có thời kỳ, phong trào sản xuất vụ đông phát triển rầm rộ là “cứu cánh” cho phát triển chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm tăng thu nhập cho người nông dân, tạo nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu người dân về rau màu các loại. Điển hình như năm 2006, diện tích cây trồng vụ đông của Nghệ An đạt 53.518ha, trong đó 33.528ha ngô.

Cánh đồng bí xanh đem lại thu nhập cao trong vụ đông tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Phú Hương
Cánh đồng bí xanh đem lại thu nhập cao trong vụ đông tại xã Thanh Lĩnh (Thanh Chương). Ảnh: Phú Hương

Hiện nay, cây trồng vụ đông có thị trường tiêu thụ rất tiềm năng, nhiều loại rau màu có giá trị kinh tế cao, đặc biệt trong đó một số loại có thể đưa vào chế biến như: Dưa bao tử, cần tây, bí, khoai tây, khoai lang…. Bên cạnh đó, ở một số vùng, nông dân đã có truyền thống và trình độ thâm canh cao, trên cùng đơn vị diện tích, giá trị sản xuất vụ đông cao gấp nhiều lần so với 2 vụ lúa. Chính vì vậy, nhiều năm nay vụ đông ở Nghệ An được xác định là vụ sản xuất chính thứ 3 trong năm, không chỉ góp phần đảm bảo mục tiêu sản xuất lương thực của tỉnh, mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập cho nông dân, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, dù đạt nhiều kết quả, nhưng vụ đông là vụ sản xuất luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn thậm chí rủi ro, trong khi về mặt chủ quan, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong cả cách chỉ đạo, tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ nhằm tìm thị trường ổn định và nâng cao giá trị.