Đồn Biên phòng Mỹ Lý đóng chân ở xã biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Kỳ Sơn, có đường biên giới đất liền dài 46,28 km (trong đó, có 20km đường bộ và 26,28km đường sông), 9 mốc quốc giới. Đây là nơi sinh sống của 3 dân tộc là Thái, Mông, Khơ mú, với tổng dân số 1.214 hộ/5.586 khẩu. Điều kiện địa hình hiểm trở, phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường liên quan đến tội phạm ma túy, xuất, nhập cảnh, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới… Để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, Đồn Biên phòng Mỹ Lý đã đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Trung tá Hoàng Thế Tài – Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho hay: Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tự giác tham gia bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, đấu tranh ngăn ngừa, phòng, chống với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Đồn đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tập trung xây dựng quy chế, thành lập tổ tự quản đường biên, cột mốc phù hợp với điều kiện cụ thể của từng thôn, bản và tổ chức cho các cá nhân, hộ gia đình đăng ký tham gia. Đến nay, đã duy trì, củng cố 25 tổ an ninh, trật tự thôn, bản, 3 tổ và 5 hộ gia đình tự nguyện đăng ký tự quản đường biên, cột mốc. Bên cạnh đó, Đồn Biên phòng Mỹ Lý còn xây dựng mô hình “Đội thuyền tự quản trên sông, suối biên giới” với 3 tổ/12 cá nhân tham gia.
Kể từ khi thành lập đến nay, các thành viên “Đội thuyền tự quản trên sông, suối biên giới” đã cung cấp cho Đồn Biên phòng Mỹ Lý 10 nguồn tin, trong đó, có 5 tin về hoạt động vi phạm quy chế biên giới. Nhờ đó, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt, khởi tố 1 vụ/2 đối tượng tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 vụ/4 đối tượng, với số tiền 12 triệu đồng về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lô Văn Sơn ở bản Xiềng Tắm, xã Mỹ Lý – Tổ trưởng tổ 1, Đội thuyền tự quản trên sông, suối biên giới chia sẻ: “Trước khi tham gia đội thuyền, chúng tôi chưa hiểu biết được hết những quy định về quốc gia, quốc giới. Hiện nay, được sinh hoạt trong đội thuyền, thường xuyên tiếp thu kiến thức mới, các thành viên hiểu rõ về quốc gia, quốc giới; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”.
Thượng tá Nguyễn Văn Hậu – Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh cho hay: Nghệ An có đường biên giới trên bộ dài 468,281 km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay) và 82 km bờ biển; có 61 xã, phường thuộc 11 huyện, thị biên giới, ven biển, dân số trên 46 vạn người, với 5 thành phần dân tộc sinh sống là: Kinh, Thái, Mông, Khơ mú, Thổ (gồm cả tộc người Đan Lai, Tày Poọng). Khu vực biên giới của tỉnh là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Do điều kiện địa lý xa trung tâm, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng nhìn chung chưa đồng bộ; mức sống của nhân dân khu vực biên giới còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí còn thấp, một số hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị một số xóm, bản không đều, có nơi còn yếu kém. Bên cạnh đó, tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép; hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, mua bán người, mua bán bào thai; hoạt động tuyên truyền, phát triển đạo Tin lành trái pháp luật; vi phạm quy chế biên giới; tranh chấp đất đai; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn xảy ra ở một số địa bàn. Tình hình thiên tai, dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.
Vì vậy, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các tập thể, hộ gia đình, cá nhân ở khu vực biên giới, ven biển tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới, tự quản an ninh, trật tự xóm, bản, các tổ tàu thuyền an toàn, bến bãi an toàn. Hiện nay, trên địa bàn khu vực biên giới của tỉnh có 88 tập thể, 916 hộ gia đình, 2.102 cá nhân tự quản 468,281 đường biên giới; 105 mốc quốc giới; 944 tổ/17.810 cá nhân tự quản an ninh, trật tự xóm, bản.
Với tinh thần “Mỗi người dân là một cột mốc sống”, các tổ tự quản đường biên, cột mốc, đặc biệt là các tập thể, hộ gia đình, các cá nhân thường xuyên làm ăn, sản xuất ở các khu vực sát biên giới hoặc có mối quan hệ thân tộc hai bên biên giới đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, kịp thời phát hiện, cung cấp cho các lực lượng chức năng nhiều thông tin liên quan đến hoạt động xâm phạm lãnh thổ và tham gia giải quyết các vụ việc phức tạp trên biên giới, góp phần giữ vững chủ quyền, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cụ thể, trong những năm qua, các tập thể và cá nhân tự quản đã tích cực tham gia cùng BĐBP và các lực lượng thường xuyên tuần tra biên giới 200 đợt/1.767 lượt người tham gia; phát hiện, xử lý 191 vụ/ 371 đối tượng, vi phạm quy chế biên giới, vượt biên, xuất nhập cảnh trái pháp luật, thu nộp ngân sách Nhà nước 1.357.500.000 đồng. Còn tại khu vực biên giới biển, với 137 tổ/1.464 tàu, thuyền/5.495 thành viên tổ tàu thuyền an toàn; 21 bến bãi/262 thành viên bến bãi an toàn, ngư dân đã cung cấp hơn 50 tin, trong đó, có hơn gần 20 tin liên quan đến hoạt động xâm phạm chủ quyền, vùng biển nước ta của tàu thuyền nước ngoài. Qua đó, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, vùng biển, đảo, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.
Cùng với đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy BĐBP Nghệ An đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo triển khai thực hiện Đề án “Bộ đội Biên phòng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở các xã, khối, xóm, thôn, bản khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022 – 2026”. Đồng thời lựa chọn, giới thiệu 6 cán bộ BĐBP tỉnh tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện biên giới; tiếp tục triển khai 27 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, 73 đảng viên chuyển sinh hoạt Đảng tạm thời về các chi bộ thôn, bản; phân công 579 đảng viên phụ trách 2.671 hộ gia đình khu vực biên giới.
Đội ngũ cán bộ tăng cường xã, đảng viên chuyển sinh hoạt tạm thời và đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ đã tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, duy trì nền nếp sinh hoạt và củng cố kiện toàn các tổ chức chính trị – xã hội vững mạnh; bổ sung, hoàn thiện các quy ước, hương ước, các thiết chế văn hóa ở địa phương. Chỉ tính riêng trong năm 2022, đội ngũ này đã tham mưu và giúp các địa phương củng cố, kiện toàn 172 chi bộ, 93 tổ chức chính trị, xã hội khác; tham mưu địa phương kết nạp 69 đảng viên mới.
Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị 681 được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 882-NQ/ĐU của Đảng ủy BĐBP tỉnh “về phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách hộ gia đình ở khu vực biên giới”, đội ngũ đảng viên biên phòng được phân công phụ trách hộ đã thường xuyên quan tâm giúp dân phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và thực hiện có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Anh La Văn Tâm, dân tộc Đan Lai sinh sống ở thượng nguồn Khe Khặng thuộc xã Môn Sơn (Con Cuông) cho hay: “Trước đây cuộc sống của tôi cũng như bà con trong bản vất vả lắm, nhờ đảng viên biên phòng hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống chăn nuôi, trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh mà gia đình tôi đã vươn lên thành hộ khá trong bản với mô hình trồng lúa nước, trồng rau, nuôi lợn, gà, vịt và 8 con trâu, bò”. Hay hộ ông Và Chứ Rùa, ở bản Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn trước đây vốn là hộ nghèo của xã đã được Đồn Biên phòng Nậm Càn phối hợp với địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. “Trước đây khoảng 1 ha ruộng bậc thang trồng lúa của gia đình chủ yếu dùng giống của đồng bào Mông nên năng suất chưa cao. Nay được BĐBP hướng dẫn gia đình sản xuất giống lúa mới, đưa từ dưới xuôi lên. Tất cả các hoạt động ngâm, ủ giống, làm đất, gieo mạ đều có sự hướng dẫn của cán bộ biên phòng, cho mùa bội thu, hạt chắc, khỏe. Đến vụ thu hoạch lại được tổ công tác của bộ đội hỗ trợ, gia đình tôi biết ơn nhiều lắm” – ông Và Chứ Rùa chia sẻ.
Những hoạt động thiết thực vì dân của các đảng viên quân hàm xanh phụ trách hộ đã góp phần thắt chặt tình quân – dân, củng cố thế trận lòng dân nơi biên giới. Cùng với việc tham gia củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân hai bên biên giới. Thông qua việc triển khai tốt Đề án “Nâng cao hiệu quả hợp tác, giúp đỡ các Đại đội Biên phòng (Lào) phía ngoại biên đối diện tiếp giáp biên giới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 – 2022 và những năm tiếp theo”; duy trì hiệu quả hoạt động kết nghĩa 21 cặp bản – bản hai bên biên giới; 8 cặp đồn biên phòng của tỉnh với lực lượng bảo vệ biên giới của các tỉnh thuộc nước bạn Lào.
Để tạo được “nhịp cầu” nối tình hữu nghị ấy là nỗ lực rất lớn của những người lính luôn coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Hơn ai hết, họ hiểu rằng, điều quan trọng nhất là phải tạo dựng được “biên giới lòng dân”, lòng dân yên thì biên giới sẽ ổn định, chủ quyền lãnh thổ sẽ được giữ vững.