Dự án tổ hợp Sông Khuôn – “Làng quê bình yên” đậm hồn cốt văn hóa Việt

Là người sáng lập, tư vấn chiến lược của một tập đoàn lớn, là nữ doanh nhân tiêu biểu, khó kể hết chặng đường nỗ lực và những thành công được nhiều người biết đến của nữ Anh hùng Lao động Thái Hương. Thế nhưng như bà tự nhận, trước hết, mình là một người con của mảnh đất Đô Lương.

Bà đã chọn xã Hòa Sơn – quê hương của mình để xây dựng dự án tổ hợp Sông Khuôn, mở đầu cho chuỗi dự án rồi đây sẽ được triển khai trên địa bàn cả nước.

Anh hùng Lao động Thái Hương mong muốn sẽ xây dựng được một ngôi làng bình yên mang đậm hồn cốt Việt. Ảnh: Thành Duy
Anh hùng Lao động Thái Hương mong muốn sẽ xây dựng được một ngôi làng bình yên mang đậm hồn cốt Việt. Ảnh: Thành Duy

Từ khát khao lưu giữ truyền thống lâu đời của địa phương, lan tỏa các giá trị văn hóa đích thực tới du khách và người dân, bà mong mỏi sẽ xây dựng một dự án toàn vẹn, tổng hòa các công trình tiêu biểu, đầy đủ tiện nghi đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, dịch vụ, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực… để thực sự trở thành nơi trao trọn “Hạnh phúc đích thực” tới mỗi người, góp phần quan trọng tạo điều kiện phát triển kinh tế- xã hội, phát triển văn hóa đặc trưng của vùng miền, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương.

Từ quy hoạch tổng thể, các hạng mục xây dựng cho đến phong cách thiết kế và công năng sử dụng – dự án được kỳ vọng sẽ phục dựng và kiến tạo một “làng quê bình yên” bên dòng sông Khuôn mang đậm hồn cốt văn hóa Việt. Dự án cũng mở đầu cho chuỗi dự án do Ngân hàng TMCP Bắc Á tư vấn đầu tư theo hướng: Trang trại – du lịch nghỉ dưỡng – du lịch văn hóa, tạo điểm đến giao lưu lịch sử, văn hóa, tâm linh. Những ngôi nhà, làng quê, cây đa bến nước sân đình được tái hiện tinh tế trong chính lối kiến trúc hiện đại, đan xen sẽ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa quý giá của lịch sử 4.000 năm dân tộc Việt.

Phối cảnh Dự án. Ảnh: Thành Duy
Phối cảnh Dự án. Ảnh: Thành Duy

Năm nay 65 tuổi, bà Phan Thị Bình ở xóm Yên Sơn, xã Hòa Sơn là vị khách mời khá đặc biệt trong buổi lễ khởi công dự án. Hai chân bị tàn tật, bà đi lại khó khăn, nhưng đến đây, chứng kiến buổi lễ khởi công dự án, bà vui lắm. Nhiều năm qua, gần như lần nào doanh nhân Thái Hương về thăm quê, bà Bình cũng được biếu quà. “Nhiều lần đang đi trên đường, bà nhìn thấy cũng xuống xe, dúi cho ít tiền. Nhà tui có 1,5 sào ruộng, 6 sào đất đồi trồng keo, thu nhập cũng đủ một mình sống. Nhưng nếu doanh nghiệp muốn lấy đất để làm dự án, muốn lấy bao nhiêu tui cũng đồng ý, mặc dù chưa biết sẽ được đền bù bao nhiêu tiền nhưng tình cảm, ân tình bao năm nay quan trọng hơn nhiều”, bà Bình xúc động chia sẻ.

Với lợi thế về giao thông đi lại cũng như truyền thống con người ở đây, thị tứ Khuôn (Hòa Sơn) những năm qua phát triển khá mạnh về thương mại – dịch vụ. Tuy nhiên, theo ông Thái Bình Lộc – Xóm trưởng xóm Hồ Sen Khuôn, ngoài những người đã làm dịch vụ, đi xuất khẩu lao động hoặc vào làm ở các công ty may trên địa bàn, thì số lao động tự do làm những công việc nặng nhọc như phụ hồ, hoặc đi làm công nhân ở các tỉnh vẫn còn rất nhiều, với 178 lao động đi làm ăn xa, 220 lao động thời vụ tự do. Vì vậy, dự án tổ hợp Sông Khuôn được xây dựng trên địa bàn, ngoài niềm vui về một diện mạo quê hương mới, còn là hy vọng về cơ hội được tạo việc làm cho người dân. Chia sẻ về niềm vui trong ngày khởi công dự án, người xóm trưởng già này còn bày tỏ niềm mong ước của người dân nơi đây, về việc bà Thái Hương sẽ hỗ trợ xây dựng một làng nghề trên địa bàn, để con em địa phương có thể có việc làm ổn định.

Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, ông Thái Doãn An chia sẻ: Kinh tế chủ lực của xã những năm qua vẫn là sản xuất nông nghiệp và một số dịch vụ thương mại. Dự án sẽ mở ra một lối đi khả quan cho số lao động dôi dư trên địa bàn, tạo điều kiện để con em đang đi làm ăn xa có thể trở về, có việc làm và thu nhập ngay trên chính quê hương; đặc biệt tác động, tạo đà để địa phương có thể thu hút thêm những dự án mới, từ đó tạo đà phát triển kinh tế – xã hội một cách bứt phá và mạnh mẽ.

Toàn cảnh Lễ khởi công Dự án tổ hợp sông Khuôn tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Thành Duy
Toàn cảnh Lễ khởi công Dự án tổ hợp sông Khuôn tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh: Thành Duy

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An- ông Bùi Thanh An nêu rõ: Đô Lương nằm ở vị trí trung tâm, nối vùng đồng bằng ven biển và vùng miền núi Tây Nghệ An. Theo quy hoạch, Đô Lương sẽ trở thành thị xã theo hướng thương mại, dịch vụ trước năm 2030, và tỉnh đã có các cơ chế, chính sách phục vụ thực hiện mục tiêu này. Dự án sở hữu vị trí vô cùng đắc địa, nằm trên huyết mạch giao thông, thuận tiện kết nối liên vùng miền, tiệm cận với các khu vực dân cư đông đúc, mang tính ý nghĩa thực hiện cả hai nhiệm vụ trên, vừa phát triển đô thị vừa xây dựng nông thôn mới. Với ý tưởng thiết kế hết sức độc đáo về phục dựng một làng quê bình yên, dự án được kỳ vọng là điểm nhấn không chỉ cho du khách, mà còn có ý nghĩa quan trọng với người dân nơi đây.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Đô Lương và nhà đầu tư thực hiện nghi lễ khởi công dự án. Ảnh: Thành Duy
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Đô Lương và nhà đầu tư thực hiện nghi lễ khởi công dự án. Ảnh: Thành Duy

Với ý tưởng kiến tạo một dự án tổ hợp Sông Khuôn – một “Làng quê bình yên” – một điểm đến để khám phá và trải nghiệm văn hóa truyền thống, văn hóa làng Việt cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là để cho các lớp thanh thiếu niên, thế hệ trẻ tìm về và kết nối với cội nguồn, đơn vị tư vấn Landmark đã chọn phương pháp “Tiếp biến văn hóa” làm ý tưởng thiết kế chủ đạo cho dự án để tiếp cận, tái hiện và phục dựng văn hóa bản địa, kiến trúc truyền thống trong các công trình hiện đại và tiện nghi, khai thác những đặc trưng kiến trúc dân tộc với giếng làng, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà của vùng miền Trung đặc trưng, với mái dốc lớn giúp thoát nước mưa và chống nóng, những hàng hiên rộng để tránh hắt nắng kết hợp với cây xanh, mặt nước để điều hòa không khí…

Một ngôi làng bình yên sẽ được xây dựng trên nền tảng bảo tồn, phục dựng tinh hoa văn hóa và ẩm thực truyền thống làng Việt.

Công trình như một tuyến phố cổ thương mại nhưng với chức năng sử dụng hiện đại. Ảnh: Thành Duy
Công trình như một tuyến phố cổ thương mại nhưng với chức năng sử dụng hiện đại. Ảnh: Thành Duy

Trên tổng diện tích khu đất hơn 42.551m2, dự án sẽ có đầy đủ các hạng mục như khu phố thương mại, văn phòng cho thuê, shophouse; cụm siêu thị dịch vụ tổng hợp; Khu resort lưu trú với các phòng Bungalow đạt tiêu chuẩn 5 sao, nhà văn hóa, không gian cộng đồng, nhà vườn sang trọng và gần gũi với thiên nhiên; Khu nhà hàng, quầy bar giải trí, spa, thể thao… tạo thành tổ hợp cung cấp đa dịch vụ; cổng vào Dự án kết nối với khu Shophouse kết hợp không gian uống trà, nghỉ chân; mặt nước, cây xanh cảnh quan nội khu. Đặc biệt, tất cả villa, tòa nhà công năng đều có tầm nhìn hướng sông Khuôn hoặc các diện tích mặt nước nhân tạo, được bao quanh bởi không gian xanh, lấy sáng và thông gió tự nhiên, có kiến trúc hiện đại, bền vững về sinh thái.

Du khách sẽ được trải nghiệm và trở lại không gian truyền thống, trở lại những ngày “nghe hát câu đò đưa” khi xưa với cây đa, giếng nước, sân đình, khi chòm xóm tụ họp trò chuyện quây quần bên nhau. Những trải nghiệm văn hóa và nếp sinh hoạt vừa thân thương vừa mới lạ đó được cung cấp thông qua các dịch vụ lưu trú, ẩm thực, trà tửu tinh tế và đẳng cấp, để tâm hồn và thể chất được làm dịu, tái tạo và truyền cảm hứng vì một cuộc sống văn minh và hạnh phúc đích thực.

Các công trình tiêu biểu của dự án mang đậm dấu ấn của Làng quê Việt Nam với hình tượng cây đa, giếng nước, mái đình. Ảnh: Thành Duy
Các công trình tiêu biểu của dự án mang đậm dấu ấn của Làng quê Việt Nam với hình tượng cây đa, giếng nước, mái đình. Ảnh: Thành Duy