Đoàn kết quyết tâm xây dựng huyện Nghi Lộc thành trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh

P.V: Thưa đồng chí Bí thư, nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Nghi Lộc đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, đạt được nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn những thành quả đó?

Đồng chí Phạm Hồng Quang: Nghi Lộc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020 trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt việc cắt giảm đầu tư công; yêu cầu về tiến độ, khối lượng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án; tình hình an ninh nông thôn, an ninh vùng đặc thù; vấn đề giải quyết việc làm cho lao động vùng thu hồi đất đã chi phối nhiều thời gian và nguồn lực.

Nhưng với sự quyết tâm và đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự quyết liệt và linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành, Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Lộc đã giành được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực.

Một góc thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) hôm nay. Ảnh: Thành Cường
Một góc thị trấn Quán Hành (Nghi Lộc) hôm nay. Ảnh: Thành Cường

Nhịp độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 – 2020 ước đạt 12,53%, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 (giá SS 2010) ước đạt 17.596 tỷ đồng.

Đồ họa: Lâm Tùng
Đồ họa: Lâm Tùng

Hai là, từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lớn, sản xuất nông nghiệp sạch gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm ở nhiều xã.

Nhiều mô hình phát triển kinh tế ứng dụng KHKT và sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Bà con xã Nghi Kiều thu hoạch nghệ tươi; Sản xuất môi muỗm xuất khẩu tại xã Nghi Lâm; Bà con xã Nghi Lâm thu hoạch hành tăm). Ảnh: Lâm Tùng
Nhiều mô hình phát triển kinh tế ứng dụng KHKT và sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: Bà con xã Nghi Kiều thu hoạch nghệ tươi; Sản xuất môi muỗm xuất khẩu tại xã Nghi Lâm; Bà con xã Nghi Lâm thu hoạch hành tăm). Ảnh: Lâm Tùng

Ba là, chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo được bước đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Dự kiến cuối năm 2020, có 28/28 xã đạt chuẩn. Đây chính là điểm sáng và dấu ấn rất quan trọng của nhiệm kỳ.

Bốn là, công nghiệp – xây dựng phát triển nhanh. Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt kết quả tốt. Giai đoạn 2015 – 2020 có 47 dự án được chấp thuận đầu tư, với tổng số vốn đăng ký trên 8.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.300 tỷ đồng.

Nhiều dự án được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động có hiệu quả như: Tổng kho xăng dầu DKC, Trung tâm dịch vụ Logistics tại xã Nghi Thuận; Nhà máy may tại xã Nghi Diên; Nhà máy gạch Trung Đô tại xã Nghi Văn…

Tổng kho xăng dầu DKC. Ảnh: Lâm Tùng
Tổng kho xăng dầu DKC. Ảnh: Lâm Tùng

Năm là, thu ngân sách trên địa bàn đạt kết quả cao. Năm 2019 thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt trên 1.850 tỷ đồng, chiếm 13,7 % tổng thu ngân sách trên địa bàn của tỉnh.

Sáu là, trong điều kiện khó khăn nhưng chúng ta đã huy động tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Bảy là, toàn hệ thống chính trị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án. Trong 5 năm đã thực hiện giải phóng mặt bằng 84 dự án với tổng diện tích đất thu hồi trên 1.165 ha, gần 9.720 hộ dân bị ảnh hưởng; thực hiện giải ngân chi trả kịp thời cho các tổ chức, hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án là 1.441 tỷ đồng.

Tám là, văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đến hết năm 2019, tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 88%, vượt 8% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội; Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87,9%; Tỷ lệ làng văn hóa đạt 83,85%; 80% xã, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn.

Huyện tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 550 năm ngày thành lập huyện và 125 năm danh xưng Nghi Lộc được các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá cao.

Chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ảnh: Thành Cường
Chương trình văn nghệ chào mừng lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Ảnh: Thành Cường

Chín là, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội ổn định, không để xảy ra các điểm nóng, các vụ việc phức tạp.

Mười là, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy Nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác cải cách hành chính có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, huyện Nghi Lộc là đơn vị đầu tiên thực hiện cấp Giấy chứng nhận QSD đất qua dịch vụ bưu chính công ích. Năm 2019, chỉ số cải cách hành chính của huyện được xếp hạng 4 trong tổng số 21 đơn vị cấp huyện, thành, thị trực thuộc tỉnh. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân được phát huy, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động.

P.V: Những thành quả đó thật sự rất ấn tượng. Nguyên nhân đạt được các thành công đó là gì, thưa đồng chí Bí thư?

Đồng chí Phạm Hồng Quang : Những thành công trong nhiệm kỳ là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu và quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Lộc. Tựu trung lại nhờ các nguyên nhân sau đây:

Một là, Đảng và Nhà nước tiếp tục có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện để các địa phương phát triển, nhất là trong xây dựng nông thôn mới, công tác giải phóng mặt bằng thu hút đầu tư; các chính sách an sinh xã hội.

Nghi Lộc đã và đang trở thành vùng kinh tế năng động. Ảnh: Tư liệu
Nghi Lộc đã và đang trở thành vùng kinh tế năng động. Ảnh: Tư liệu

Hai là, huyện Nghi Lộc tiếp tục được xác định là một trong những trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh nên tiếp tục có nhiều chương trình, dự án đầu tư vào địa bàn, nhất là các công trình hạ tầng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Huyện luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Ba là, cấp ủy, chính quyền có sự đổi mới và quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo, đặc biệt là xác định đúng các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là việc đảm bảo tốt tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới, thu ngân sách, công tác giải phóng mặt bằng các dự án, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên bám sát và chỉ đạo cơ sở triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị; Tăng cường làm việc với các ngành, các đơn vị khó khăn để tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Bốn là, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp tương đối đồng bộ, nhịp nhàng của các phòng, ban, ngành, đoàn thể trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Tập thể cấp ủy, Ban thường vụ, Thường trực Huyện ủy luôn có sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao, tạo được niềm tin, sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Cán bộ xã Nghi Hoa trao đổi với người dân; Giao dịch tại bộ phận một cửa xã Nghi Thạch; Phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Nghi Lộc; Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nghi Lộc kiểm tra mô hình kinh tế.
Cán bộ xã Nghi Hoa trao đổi với người dân; Giao dịch tại bộ phận một cửa xã Nghi Thạch; Phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Nghi Lộc; Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nghi Lộc kiểm tra mô hình kinh tế.

Năm, nhân dân huyện Nghi Lộc đoàn kết, đồng thuận, thay đổi tư duy, nỗ lực vượt khó, cùng nhau xây dựng quê hương Nghi Lộc ngày càng phát triển.

P.V: Nhiệm kỳ 2020 – 2025, huyện Nghi Lộc sẽ ưu tiên thực hiện những bước đột phá nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phạm Hồng Quang: Nhiệm kỳ 2020 – 2025 dự báo có nhiều thời cơ, thuận lợi cũng như những khó khăn, thách thức. Với quyết tâm xây dựng huyện Nghi Lộc trở thành địa phương có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hệ thống chính trị vững mạnh; trở thành một trong những huyện phát triển nhanh và toàn diện của tỉnh.

Người dân xã Nghi Long ứng dụng công nghệ nhà lưới trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lâm Tùng
Người dân xã Nghi Long ứng dụng công nghệ nhà lưới trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lâm Tùng

Để đạt được mục tiêu trên ngoài các nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể đối với từng ngành, từng lĩnh vực, huyện Nghi Lộc tập trung thực hiện tốt 3 khâu đột phá.

Phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021 – 2030 (tầm nhìn đến năm 2050); chú trọng quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Tăng cường công tác đối ngoại, thu hút đầu tư…

Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là đơn giản hóa và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tận tuỵ phục vụ nhân dân.

Tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện trên địa bàn.

Tuy nhiên, để các nhiệm vụ, giải pháp có tính khả thi, phát huy hiệu quả trong thực tiễn thì một “đột phá” hết sức quan trọng đó chính là sự đoàn kết, đồng thuận và quyết tâm chính trị trong toàn đảng bộ, toàn hệ thống chính trị; sự quyết liệt trong điều hành, chỉ đạo của các cấp, các ngành và vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, lãnh đạo các phòng, ngành, các cơ quan, đơn vị. Đây chính là điểm thắt của mọi đột phá, là điểm mấu chốt để chúng ta thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đại hội.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!