Đạt nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ qua, nhưng vẫn còn đó những trăn trở trong hoạt động của các cơ quan dân cử. Đồng chí Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII cho rằng, mấu chốt là chất lượng đại biểu. Bên cạnh các đại biểu có tinh thần trách nhiệm cao, sâu sát thực tiễn, thực hiện tốt chức trách của người đại biểu, thì cũng có nhiều đại biểu hạn chế về năng lực, kỹ năng hoạt động chưa đảm bảo, ý thức trách nhiệm hạn chế; có những đại biểu suốt nhiệm kỳ “nói không” với thảo luận, chất vấn tại kỳ họp, thậm chí không đặt câu hỏi chất vấn khi Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu. Liên quan đến giải quyết kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Thị Hiền cũng thừa nhận, mặc dù trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã rất tích cực phối hợp với các cấp, các ngành để giải quyết, nhưng có nhiều kiến nghị của cử tri, nhất là những kiến nghị cần nguồn lực để triển khai hoặc liên quan đến cơ chế chính sách thay đổi chưa được giải quyết dứt điểm; có nơi, có việc chưa thật sự quyết liệt, “đeo bám” đến cùng.
Cùng có ý kiến về việc giải quyết kiến nghị cử tri, đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, qua theo dõi cho thấy, quy trình giải quyết và trả lời ý kiến cử tri chưa thật sự bài bản, chưa trả lời đúng địa chỉ người có ý kiến phản ánh, đề xuất hoặc hỏi để làm thỏa mãn cử tri, Nhân dân mà mới trả lời thông qua chính quyền địa phương. Điều này dẫn đến cùng một vấn đề, cùng một cử tri gặp cấp nào, gặp cán bộ có trách nhiệm nào cũng phản ánh và khi không được trả lời đúng địa chỉ, cử tri dễ nản và giảm niềm tin vào cơ quan dân cử.
Bên cạnh hạn chế trong giải quyết kiến nghị của cử tri, đại biểu Trần Văn Hường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho rằng, một số chính sách mặc dù đã được HĐND quyết nghị và triển khai vào thực tiễn, nhưng chưa tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, Nhân dân và cả điều kiện đảm bảo để thực hiện tốt các chính sách có những khó khăn. Và trong báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh cũng đã thẳng thắn nêu: “Việc tham gia xây dựng, phản biện của các cơ quan HĐND tỉnh trong việc xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng của địa phương vẫn còn hạn chế. Cùng với đó là việc thực hiện một số nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND tỉnh, thông báo sau chất vấn và kết luận, kiến nghị sau giám sát, giải trình của Thường trực, các ban HĐND tỉnh chưa triệt để”.
Theo đồng chí Cao Thị Hiền, hiện đang thiếu một chế tài quy định xử lý các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt sau giám sát, chất vấn và HĐND tỉnh chỉ dừng lại ở việc phát hiện, kiến nghị; còn các cấp, các ngành thực hiện không nghiêm kết luận, kiến nghị của HĐND tỉnh thì cũng không thể làm gì được.
Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra yêu cầu cho HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 phải tiếp tục đổi mới, sáng tạo, vươn lên hoàn thành “sứ mệnh” cơ quan quyền lực cao nhất ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021, hoạt động của cơ quan dân cử nói chung, quan trọng nhất vẫn là chất lượng đại biểu. Hiện nay, chúng ta đang triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp, bởi vậy để đảm bảo chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2021 – 2026 tiếp tục được đổi mới, nâng cao, cần phải lựa chọn được những đại biểu vừa đảm bảo về cơ cấu đại diện cho các thành phần, lực lượng, cơ quan, đơn vị và quan trọng chú trọng chất lượng đại biểu, bao gồm kiến thức, kỹ năng, phương pháp hoạt động tốt, có nhiệt huyết, và có trách nhiệm trước sự phát triển của tỉnh, trước cử tri và nhân dân. Việc lựa chọn, bố trí đại biểu chuyên trách có chất lượng là vô cùng quan trọng cần phải quan tâm, bởi đây là đội ngũ nòng cốt, tham mưu, dẫn dắt cho HĐND tỉnh hoạt động chuyên nghiệp và chất lượng hơn.
Ngoài thực hiện tổ chức bộ máy chặt chẽ, đòi hỏi HĐND tỉnh cần bám sát chức năng, nhiệm vụ để làm và làm quyết liệt. Chẳng hạn trong thực hiện chức năng quyết định cần phải nghiên cứu kỹ cơ sở pháp lý và thực tiễn, thẩm tra kỹ nguồn lực khi ban hành các nghị quyết về cơ chế chính sách. Thực tế cho thấy nhiệm kỳ 2016 – 2021, nhiều nghị quyết HĐND tỉnh ban hành không cân đối được nguồn lực, hiệu quả không cao. HĐND tỉnh cũng cần tăng cường, đổi mới hoạt động giám sát, chất vấn, chất vấn theo nhóm, chất vấn “mở”. Việc giải quyết kiến nghị của cử tri cần được đổi mới theo hướng phân loại, nội dung nào có khả năng giải quyết thì “đeo bám” quyết liệt các ngành địa phương giải quyết; nội dung nào chưa thể giải quyết được thì trả lời thẳng. Đó còn là tăng cường mối quan hệ phối hợp, tạo thế “chân kiềng” giữa HĐND tỉnh với UBND, Ủy ban MTTQ và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Điều đáng mừng, liên quan đến công tác phối hợp giữa các cơ quan dân cử trong nhiệm kỳ qua, theo Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu – đại biểu Quốc hội khóa XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh phối hợp rất tốt và nhịp nhàng. Khi HĐND tổ chức kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đều tham dự. “Tất cả những thông tin, tài liệu của Đoàn đại biểu Quốc hội đều chuyển bằng văn bản tới HĐND tỉnh để biết kết quả kỳ họp. Đồng thời HĐND tỉnh cũng là nơi mà chúng tôi tiếp thu được toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội thực tế của tỉnh ta, trên cơ sở đó để chúng tôi lựa chọn vấn đề quan trọng khi tham gia kỳ họp Quốc hội. Mối quan hệ phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh có thể nói tuy hai mà là một. Hiện nay Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh đã sáp nhập làm một” – Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu chia sẻ.
Đề cập ở góc độ khác, đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, đất nước đang đặt ra yêu cầu phát triển mạnh về kinh tế số và hiện đa số người dân dùng mạng, điều này yêu cầu hoạt động của HĐND tỉnh cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thông qua xây dựng các phần mềm quản lý dữ liệu nhằm hỗ trợ, nâng cao chất lượng các hoạt động của HĐND tỉnh, kể cả theo dõi sát hoạt động của từng đại biểu HĐND tỉnh trên không gian điện tử, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh, để HĐND tỉnh đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”. Điều này cho thấy thế và lực Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Đặc biệt vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ 2016 – 2021, cả thế giới bị đảo lộn bởi đại dịch Covid-19, những đất nước được xem là tiên tiến nhất, hiện đại nhất, văn minh nhất đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế sâu sắc, các giá trị xã hội bị biến dạng thì Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương. Trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid – 19, Quốc hội và HĐND đã kịp thời đổi mới phương thức, trạng thái hoạt động. Các kỳ họp dù được tiến hành trực tuyến, online nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Các đại biểu dân cử vẫn tiếp tục cống hiến, đóng góp vì những kỳ vọng của cử tri, vì một Việt Nam phát triển vững mạnh và hùng cường.
Trước thềm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, cử tri tiếp tục mong đợi một giai đoạn phát triển mạnh mẽ của quê hương, đất nước, kỳ vọng về những người được bầu vào cơ quan dân cử sẽ đại diện xứng đáng cho quyền, lợi ích và nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.