Nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh Nghệ An có 91 đại biểu, trong đó tăng thêm 4 đại biểu chuyên trách, gồm 1 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và 3 lãnh đạo chuyên trách các ban HĐND tỉnh. Theo bà Cao Thị Hiền – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, việc tăng đại biểu chuyên trách HĐND tỉnh thực sự tăng “sức mạnh” cho HĐND tỉnh khi có thêm những đại biểu mà thời gian làm việc, sự tâm huyết, trí tuệ được dành toàn bộ cho các hoạt động của HĐND tỉnh, hoàn toàn không bị chi phối bởi các công việc khác.
Cùng với việc tăng đại biểu, HĐND tỉnh đã ban hành, triển khai đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, trong đó việc theo dõi, đánh giá, xếp loại nghiêm túc, khách quan hoạt động của các Ban, tổ và từng đại biểu HĐND tỉnh thực sự tác động đến hoạt động của HĐND tỉnh, của Thường trực và các ban, Văn phòng HĐND tỉnh và từng tổ, từng đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên nghiệp, trí tuệ, trách nhiệm cao hơn đối với tỉnh, với cử tri và nhân dân.
Mỗi kỳ họp HĐND tỉnh đi qua, cử tri và Nhân dân lại ghi nhận những chuyển động mới mang dấu ấn về sự điều hành khoa học, chặt chẽ, quyết liệt nhưng cũng vô cùng linh hoạt, sáng tạo của chủ toạ kỳ họp. Ngoài báo cáo kinh tế – xã hội của tỉnh và hoạt động của một số ngành như tòa án, viện kiểm sát được “chốt” những vấn đề cơ bản nhất; thì tùy từng thời điểm, thực tiễn đặt ra những vấn đề, lĩnh vực ách yếu, được cử tri quan tâm. Mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh lựa chọn đưa vào báo cáo chuyên đề nhằm thông tin đến cử tri và nhân dân nắm bắt một cách đầy đủ, thấu đáo hơn từng vấn đề, đưa nghị trường đến gần với nhân dân. Như công tác cải cách hành chính, công tác bảo vệ môi trường, công tác giảm nghèo, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh lao động, công tác phòng, chống tham nhũng…
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Bởi nội dung chất vấn được HĐND tỉnh bám sát thực tiễn những vấn đề ách yếu của tỉnh và bức xúc của cử tri, nhân dân. Điều này lý giải, trong nhiệm kỳ, có những ngành, lĩnh vực liên tiếp nhiều kỳ họp có nội dung chất vấn. Như ngành Công Thương qua nhiều kỳ họp, HĐND tỉnh đã đưa vào chất vấn về việc cải tạo, nâng cấp hệ thống lưới điện; kéo điện lưới về các xã vùng sâu, biên giới; công tác hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn; công tác quản lý các dự án thủy điện, giải quyết các vấn đề tồn tại trong công tác tái định cư thuỷ điện; tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Hay ngành Lao động, Thương binh và Xã hội liên tục phải giải trình và trả lời chất vấn về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; thực hiện chính sách người có công; công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; tình trạng tảo hôn ở miền núi, trẻ em bị đuối nước, bạo hành, mua bán trẻ em… Không khí chất vấn sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi sắc sảo, hỏi đúng bản chất nội dung, có tranh luận, đi đến cùng vấn đề, buộc người trả lời chất vấn không thể vòng vo, né tránh…
Sau chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND tỉnh “đeo bám” vấn đề; các nội dung được nêu nhưng chưa khắc phục sẽ tiếp tục đôn đốc thực hiện; nội dung nào chưa tạo ra chuyển biến thì HĐND tỉnh tái chất vấn. Như tình hình quản lý, sử dụng đất đô thị, việc quy hoạch, xây dựng, quản lý các chung cư cao tầng; các vấn đề liên quan đến điện và thuỷ điện; công tác đảm bảo an toàn giao thông; công tác giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số…
Năm 2020, tại kỳ họp thường lệ cuối nhiệm kỳ, HĐND thay đổi cách thức chất vấn, từ theo nhóm vấn đề, lĩnh vực cụ thể sang chất vấn “mở” về trách nhiệm của UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề; báo cáo kết luận giám sát của Thường trực HĐND tỉnh và thông báo kết luận các phiên chất vấn trong nhiệm kỳ. Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn – Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, chất vấn “mở” tiếp tục khẳng định tính trách nhiệm của HĐND tỉnh theo đuổi đến cùng các vấn đề xã hội và đời sống đặt ra, liên quan trực tiếp đến cử tri và Nhân dân.
Các phiên thảo luận thông qua nghị quyết tại kỳ họp mang tính trao đổi thẳng thắn, tranh luận cao với một tinh thần “đốt nóng nghị trường”, nhưng không để “cháy nhà”. Đại biểu Trần Văn Hường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cũng cho rằng, sự tranh luận tại kỳ họp đều thể hiện trí tuệ, trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương nhằm tạo sự thống nhất chung về những chủ trương mà HĐND tỉnh đưa ra để đem lại hiệu quả trong thực tiễn.
Trong nhiệm kỳ, hoạt động giám sát chuyên đề được thực hiện ở 3 cấp độ với tổng 43 cuộc, bao gồm giám sát của HĐND, của Thường trực HĐND và các ban HĐND. Riêng giám sát của HĐND là hoạt động giám sát mới được thực hiện trong nhiệm kỳ này và là giám sát “cao nhất”, bởi kết quả giám sát được HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, tạo “sức nặng” để UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai thực hiện. Cho nên HĐND tỉnh kỳ công lựa chọn nội dung giám sát là những vấn đề khó, có tính vĩ mô.
Theo đó, 6 cuộc giám sát của HĐND tỉnh liên quan đến dự án đất đô thị; thu ngân sách nhà nước; công tác giảm nghèo; chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, an toàn, vệ sinh lao động và chế độ, chính sách đối với người lao động của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp; công tác tổ chức bộ máy và biên chế, hợp đồng lao động trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Điều quan trọng, thông qua giám sát, HĐND tỉnh đã phản ánh “bức tranh” toàn diện, sâu sắc các vấn đề, làm cơ sở cho việc kiến nghị đúng trọng tâm, “đúng người, đúng việc”, làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo chuyển biến sau giám sát. Nhiều vấn đề khó được HĐND tỉnh kiến nghị trực tiếp và thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ.
Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh (cũng một hình thức giám sát mới theo Luật giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015) được tập trung vào những vấn đề “gai góc” liên quan đến công tác phòng, chống cháy nổ; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khai thác cát, sỏi trái phép; giải quyết các tồn tại từ các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh và thực hiện chính sách tái định cư dự án thủy điện Hủa Na; tiến độ thực hiện các dự án di dân khẩn cấp. Đồng chí Hoàng Viết Đường – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: 5 phiên giải trình trong nhiệm kỳ đều đã làm rõ, trả lời một cách công khai, minh bạch, đúng bản chất các vấn đề mà chủ thể giải trình là Thường trực HĐND yêu cầu đối với UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan; gắn với việc nhận trách nhiệm, chịu trách nhiệm và đề ra giải pháp giải quyết sau giải trình một cách cụ thể, tạo tác động thực sự sau giải trình.
Việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri được HĐND tỉnh phân loại theo lĩnh vực và nhóm mức độ cấp thiết, bức xúc cần giải quyết kịp thời, nhóm cần quan tâm giải quyết để “đeo bám”, đốc thúc UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương giải quyết. Thông qua giải quyết kiến nghị cử tri đã tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, được cử tri ghi nhận, như xử lý xe quá khổ, quá tải, khai thác cát sỏi trái phép được các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn; giải quyết chế độ chính sách cho người có công giảm số tồn đọng; chính sách hỗ trợ xi măng xây dựng nông thôn mới được quan tâm; quản lý tốt hơn các dự án đô thị, nhà chung cư…
(Còn nữa)