Mùa Xuân năm 2021, bà Vi Thị Lợi cũng như nhiều hộ dân ở bản Lìm, xã Châu Phong (Quỳ Châu) đã trải qua một cái Tết đặc biệt, bà con gọi là “Tết điện”. Bởi đây là lần đầu tiên lưới điện quốc gia về đến xã vùng sâu Châu Phong. Nhờ có điện, người dân nô nức mua sắm các thiết bị như: tủ lạnh, ti vi, quạt máy, nồi cơm điện… Và như cách nói của người dân miền núi, có điện lưới bà con cũng có thêm chút “hưởng thụ” tiện ích của cuộc sống.
Thực ra vấn đề đưa điện lưới về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên khu vực biên giới là vấn đề bức bách, cấp thiết mà thực tiễn đặt ra ngay từ nhiều năm qua. Cho đến đầu năm 2020, vẫn còn hàng ngàn hộ dân ở các bản làng miền núi Nghệ An chưa có điện lưới; ngoài các hoạt động sản xuất, sinh hoạt đều thủ công, thắp sáng bằng điện “cù” (thủy điện mini) ở khe suối và đèn dầu hỏa, thì việc tiếp cận văn hóa, tri thức càng khó khăn hơn.
Thực tiễn này chính là một trong những vấn đề nhức nhối được các đại biểu dân cử nhiều lần đề cập tại nghị trường, từ Quốc hội đến HĐND tỉnh. Riêng HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã 2 lần đưa vấn đề điện và an toàn điện ra chất vấn lãnh đạo các ngành Công Thương và Điện lực Nghệ An. Đó là chưa kể tại nhiều kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu đã yêu cầu các cá nhân, đơn vị liên quan phải làm rõ “chân tướng” sự việc. Cùng với công tác giám sát tại nghị trường, các Ban và đại biểu HĐND tỉnh cũng giám sát việc thực hiện nghị quyết HĐND tỉnh, chính sách của UBND tỉnh trên thực địa, điều này có ý nghĩa đốc thúc, gây sức ép để ngành Điện lực nỗ lực, khắc phục khó khăn triển khai chương trình, kế hoạch theo đề án phủ lưới điện quốc gia của Chính phủ.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, trong năm 2020, Điện lực Nghệ An đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng cấp điện nông thôn cho 32 thôn, bản, cụm dân cư trên địa bàn 12 xã thuộc 4 huyện: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong và Quỳ Châu, với tổng mức đầu tư hơn 72,1 tỷ đồng giai đoạn 2 của dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Nghệ An theo Quyết định số 9781/QĐ-BCT của Bộ Công Thương. Dự kiến năm 2021, cấp điện cho thêm khoảng 49 thôn, bản thuộc giai đoạn 2 của dự án với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng và hiện đang thực hiện thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành đóng điện trong năm 2021.
Xây dựng công trình thủy điện và việc tái định cư cho hộ dân bị mất đất ở, đất sản xuất do nhà máy thủy điện cũng là một trong những vấn đề “nóng” trong một thời gian dài. Thậm chí cho đến thời điểm này những hệ lụy của việc hình thành các nhà máy thủy điện vẫn chưa kết thúc. Tuy vậy, nhìn nhận một cách khách quan cho thấy, những vướng mắc liên quan đến các công trình thủy điện, quyền lợi hợp pháp của người dân đã được chủ đầu tư quan tâm giải quyết.
Dư luận ở Nghệ An từng rất quan tâm việc đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hữu Cầu – nguyên Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra làm rõ vụ việc Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn (Tương Dương) xả lũ không báo trước gây chết người vào tháng 5/2019. Ngay sau đó đích thân đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đã đến tận hiện trường, gặp gỡ gia đình nạn nhân, đồng thời yêu cầu Công ty CP Tổng Công ty Phát triển năng lượng Nghệ An, chủ đầu tư Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân.
Đó chỉ là một trong rất nhiều vấn đề mà các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Tây Nghệ An tác động đến đời sống dân sinh. Nhất là vấn đề bồi thường, đền bù cho người dân bị mất nhà, trôi tài sản, khánh kiệt do các nhà máy thủy điện xả lũ. Chỉ tính dọc tuyến Quốc lộ 7A từ huyện Anh Sơn lên Kỳ Sơn, đã có hàng chục công trình thủy điện. Nhà máy có công suất lớn có thể kể: Bản Vẽ, Nậm Nơn, Khe Bố; nhỏ hơn có: Nậm Mô, Chi Khê; nhỏ hơn nữa có Xoóng Con, Khe Thơi, Khe Choăng… Trong bối cảnh nhà máy thủy điện được xây dựng gối nhau từ địa hình cao xuống thấp nhưng việc vận hành xả lũ và xả lũ liên hồ không đúng quy trình đã gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân, nhất là các hộ sinh sống gần khu vực lòng hồ. Chỉ từ năm 2016 – 2019, liên tục các vụ xả lũ không đảm bảo an toàn đã cuốn trôi hàng trăm ngôi nhà, làm mất mát rất nhiều tài sản của người dân. Và dư luận sẽ khó mà quên được đợt xả lũ cuối tháng 8/2018 của một loạt nhà máy thủy điện ở khu vực miền Tây đã khiến cho đời sống dân sinh chịu một phen điêu đứng.
Qua công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, bám sát thực tiễn, vấn đề hệ lụy của công trình thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ đã được các đại biểu Quốc hội của Đoàn Nghệ An đưa ra nghị trường Quốc hội. Lần lượt các đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – nguyên Giám đốc Công an Nghệ An; Lê Quang Huy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Văn Mão – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh… đã đưa vấn đề này ra yêu cầu các bộ, ngành liên quan làm rõ.
Nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết: “Khi chúng tôi làm hồ sơ để vận động cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội, tôi thấy bà con là rất bức xúc bởi mặt trái của thủy điện. Trở về, tôi yêu cầu các phòng chức năng của Công an tỉnh tập trung thu thập tài liệu, xác minh ý kiến của bà con. Tôi chỉ đạo xây dựng 1 phóng sự phản ánh những bất cập của các công trình thủy điện trên tuyến Quốc lộ 7. Sau đó, tôi chuyển toàn bộ ý kiến này ra Quốc hội, trong đó có 3 vấn đề mà Quốc hội cần quan tâm. Đó là: Hạn chế làm thủy điện trên lưu vực sông Cả đi qua tuyến đường 7 của Nghệ An; Hạn chế quy hoạch rừng phòng hộ để lấy đất cho bà con dân tộc sản xuất; phải tính một cách căn cơ cho đời sống đồng bào dân tộc miền núi để họ có điều kiện bảo vệ vững chắc biên cương của đất nước. Ở tỉnh, tôi cùng đại biểu Lê Quang Huy (thời điểm đồng chí Huy đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An) báo cáo với Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra thông báo việc lựa chọn thật chính xác các nhà máy thủy điện ở trên địa bàn và không cho làm tràn lan như trước đây”.
Ở phía tỉnh, thông qua giám sát nghị quyết của HĐND tỉnh, cũng đã nhiều lần “nóng” vấn đề hệ lụy của dự án thủy điện mà đại biểu đề cập tại các kỳ họp.
Từ tinh thần trách nhiệm, vì lời hứa trước cử tri và Nhân dân của đại biểu dân cử đã góp phần giải quyết một loạt tồn tại mà thực tiễn đặt ra. Các chủ đầu tư dự án thủy điện đã có các động thái bồi thường, đền bù, hỗ trợ người dân bị tác động do hoạt động của nhà máy; việc giải quyết quyền lợi cho hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp và hộ phát sinh liên quan đến hạ tầng công trình thủy điện cũng quan tâm thấu đáo hơn;… Đặc biệt, nhiều dự án công trình thủy điện nhỏ đã không được phê duyệt đầu tư. Từ hơn 50 dự án thủy điện đã rút xuống còn hơn 30 dự án.
Cũng như cử tri cả nước, cử tri Nghệ An trong nhiệm kỳ 2016-2021 đã rất nhiều lần bày tỏ ý kiến về những vấn đề có tính cấp bách của đất nước liên quan đến các bộ luật như: Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống ma túy, Luật An ninh mạng, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia… Các nội dung này được cử tri lên tiếng, phản ánh từ đại biểu HĐND tỉnh cho đến đại biểu Quốc hội. Có những thời điểm, từ đô thị đến nông thôn, miền núi đi đâu đại biểu cũng nghe cử tri phản ánh về vấn đề tham nhũng, tình trạng vi phạm các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tác hại, hậu quả của rượu bia…
Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Hữu Cầu cho hay: “Bây giờ chúng ta thấy ra Luật An ninh mạng cực kỳ chính xác,… nhưng thời điểm thảo luận luật này đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, trong đó một số người đặt ra câu hỏi chúng ta có đi quá sâu, can thiệp sâu vào lĩnh vực truyền thông thông tin hay không? Bộ Công an đảm nhận xây dựng dự luật này có đúng không? Nhưng rồi chúng ta từng bước thuyết phục, đưa ra những lập luận chặt chẽ, và từ đó Luật An ninh mạng được thông qua và đây là cơ sở pháp lý cho Nhà nước và xã hội đấu tranh chống lại hành vi lợi dụng mạng xã hội, không gian mạng để chống phá đất nước, làm mất trật tự xã hội”.
Nhấn mạnh thêm về Luật Phòng chống tác hại rượu bia, đại biểu Cầu chia sẻ: “Nhiều ý kiến cho rằng luật này ra đời thì các doanh nghiệp rượu bia hoạt động thế nào. Đại biểu Quốc hội, trong đó có đại biểu đoàn Nghệ An thảo luận, đấu tranh rất kỹ và thấy rằng, những cái lợi mà luật đưa ra lợi hơn rất nhiều so với hạn chế”.
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tác hại rượu bia, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định này đã mang đến hiệu quả lớn. Người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông bị xử lý rất nghiêm khắc. Nhờ vậy đã giảm số vụ tai nạn giao thông, giảm số người chết và người bị thương. Người dân có ý thức cao hơn khi tham gia giao thông.
Đối với vấn đề quy hoạch các khu đô thị mới, chung cư cao tầng trong nội thành Vinh, HĐND tỉnh đã yêu cầu UBND tỉnh, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan giải trình tại ít nhất 3 kỳ họp. Đại biểu HĐND tỉnh cũng tiến hành chất vấn, làm rõ trách nhiệm của các ngành chức năng khi để xảy ra hàng loạt tồn tại do xây dựng khu chung cư xen dắm trong đô thị. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra thông báo yêu cầu UBND tỉnh không tiếp tục quy hoạch chung cư trong khu vực nội thành thành phố Vinh.
(Còn nữa)