Định vị “Du lịch Nghệ An” – Bài cuối: Đi từ khát vọng và quyết tâm mới

Ngày 23/5/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1439/QĐ.UBND phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu chiến lược là: Phát huy tiềm năng, lợi thế vị trí địa lý – văn hóa, tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa phong phú để tạo bước phát triển đột phá cho du lịch Nghệ An, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đến năm 2030, Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ và là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với các sản phẩm du lịch đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa Nghệ An. Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9-10%.

Du khách về chiêm bái Đền Hoàng Mười. Ảnh: Công Kiên
Du khách về chiêm bái Đền Hoàng Mười. Ảnh: Công Kiên

Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch châu Á và thế giới, một điểm sáng, đi đầu về phát triển kinh tế di sản và du lịch của Việt Nam, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng cao để nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế; đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 10-12%.

Theo Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 được phê duyệt tại Quyết định số 1439/QĐ.UBND của UBND tỉnh, thương hiệu du lịch đặc trưng của tỉnh Nghệ An là du lịch chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước và con người Xứ Nghệ. Trong đó, định hướng phát triển sản phẩm du lịch gồm 7 nhóm cơ bản là du lịch văn hóa – lịch sử (du lịch văn hóa, tâm linh, tham quan di tích, danh thắng, tôn giáo, thăm viếng, hành hương, về nguồn, ẩm thực, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe (biển, đảo; núi; vùng khí hậu đặc biệt); du lịch sinh thái, khám phá, thám hiểm (sông – hồ; nghiên cứu thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới; lặn biển, leo núi); du lịch cộng đồng, trải nghiệm; du lịch đô thị, mua sắm, thể thao, giải trí, du lịch quá cảnh (cửa khẩu, tàu biển); du lịch MICE; du lịch chuyên đề, danh nhân.

Về đầu tư phát triển du lịch của tỉnh sẽ gồm có 4 hướng: Hướng phát triển 1 (TP. Vinh, Cửa Lò, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghi Lộc) tập trung đầu tư xây dựng, phát triển du lịch Nam Đàn, thành phố Vinh trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ với nhiều loại hình dịch vụ sản phẩm du lịch chất lượng cao. Trong đó, chú trọng phát triển du lịch chuyên đề văn hóa – lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh, du lịch đô thị thành phố Vinh (mở rộng)…

Hướng phát triển 2 (Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Quỳnh Lưu, TX. Hoàng Mai) chú trọng phát triển du lịch đô thị duyên hải và văn hóa lịch sử hiện đại; du lịch chuyên đề văn nhân, nữ sĩ Hồ Xuân Hương, du lịch văn hóa dân gian các làng chài, làng làm muối.

Hướng phát triển 3 (Nghĩa Đàn, TX. Thái Hòa, Tân Kỳ, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn) chú trọng phát triển loại hình du lịch chuyên đề địa chất và văn hóa – lịch sử; du lịch sinh thái, cộng đồng và nghỉ dưỡng vùng núi cao du lịch sinh thái khu dự trữ sinh quyển tại Vườn Quốc gia Pù Mát và du lịch mạo hiểm tại đỉnh Puxailaileng…

Hướng phát triển 4 (Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong) chú trọng phát triển các loại hình du lịch văn hóa bản địa, khám phá, thám hiểm, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn tại các bản làng cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Điểm du lịch xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuyên
Điểm du lịch xã Yên Hòa (Tương Dương). Ảnh: Đình Tuyên

Lộ trình thực thi chiến lược theo 2 giai đoạn: Giai đoạn I (2023-2030), giai đoạn II (2031-2035). Chiến lược cũng đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể; phân công rõ nhiệm vụ thực hiện chiến lược cho Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh, các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan.

Có thế nói, Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã thể hiện quyết tâm cao đưa du lịch Nghệ An phát triển xứng tầm. Trợ lực cho chiến lược này, ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 39- NQ/TW về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 39-NQ/TW nêu rõ phát triển “du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Nghệ An trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, là điểm đến hấp dẫn của cả nước”.

Bãi tắm Cửa Lò. Ảnh: Hồ Đình Chiến
Bãi tắm Cửa Lò. Ảnh: Hồ Đình Chiến

Từ Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và đặc biệt là Nghị quyết số 39-NQ/TW, các chuyên gia du lịch hàng đầu trong cả nước đã có thêm các ý kiến góp ý để nghị quyết và chiến lược sớm đi vào cuộc sống, trở thành thực tế sinh động.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam: Trước mắt, Nghệ An cần lấy Kim Liên và du lịch biển làm hạt nhân để phát triển du lịch. Với du lịch biển, Nghệ An phải có thêm những khu nghỉ dưỡng biển cao cấp, hướng tới phục vụ những đối tượng khách lưu trú dài ngày, du khách quốc tế và có mức chi tiêu cao.

Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Hội.
Khu nghỉ dưỡng cao cấp Vinpearl Cửa Hội.

Ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: Di tích lịch sử văn hóa, công trình văn hóa tâm linh ở Nghệ An rất nhiều nhưng không phải di tích nào chúng ta cũng khai thác mà hãy tập trung vào trọng điểm mà ai cũng biết, đó là Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Nghệ An cần tập trung đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Liên xứng tầm với giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch về nguồn, tâm linh tại đây.

Có chuyên gia góp ý: Nghệ An nên ưu tiên tập trung mạnh cho khu vực Cửa Lò – Vinh – Nam Đàn. Riêng với khu vực miền Tây, cần học tập cách làm du lịch của 2 tỉnh Cao Bằng và Hà Giang – “ngôi sao đang lên” của du lịch Việt Nam (có điều kiện tự nhiên, thời tiết cơ bản tương đồng khu vực miền Tây Nghệ An). Bài học từ 2 tỉnh này đó là sự nhất quán trong cách làm du lịch, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch thật sự bài bản, nhanh chóng khẳng định chất lượng điểm đến hấp dẫn từ đó mới đem lại hiệu quả to lớn khi tăng cường công tác quảng bá, lan tỏa trên mạng xã hội.

Lễ cầu ngư tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: Thành Cường
Lễ cầu ngư tại Lễ hội Đền Cờn. Ảnh: Thành Cường

Ông Trương Quốc Hùng – Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng: Nghệ An cần xây dựng các chuỗi, gói sản phẩm du lịch trong đó có sự kết nối giữa các vùng miền như Thanh Hóa, Hà Tĩnh để từ đó tạo thuận lợi cho du khách, tăng tính cạnh tranh; đồng thời đẩy mạnh hợp tác với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương khác. Để làm tốt chức năng của trung tâm vùng, Nghệ An phải giữ vững các đường bay nội địa, mở thêm đường bay quốc tế. Bên cạnh đó, quan tâm đến việc kết nối sang Lào, Thái Lan, khu vực ASEAN.

Liên quan đến sản phẩm du lịch, tiến sĩ Nguyễn Bảo Thoa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam tham mưu: Đến nay Nghệ An khá đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch từ nông nghiệp. Đó là nông sản tươi sống, nông sản chế biến, đồ uống có cồn và không có cồn, thảo dược, vải và may mặc từ bông sợi, đồ lưu niệm từ gỗ, sợi, mây tre. Câu chuyện bây giờ là Nghệ An cần phát triển thương hiệu hơn nữa; “thổi hồn” vào sản phẩm bằng những câu chuyện…

Hiện ngành Du lịch Nghệ An đã và đang tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có thế mạnh; thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu; tăng cường công tác hợp tác, liên kết phát triển du lịch; đẩy mạnh phát triển thị trường; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch gắn với chuyển đổi số; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách khi đến Nghệ An.

Ông Nguyễn Mạnh Lợi – Phó Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ: Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc. Để Nghệ An trở thành trung tâm du lịch vùng Bắc Trung Bộ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì rất cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ từ các ngành khác cũng như của các địa phương, doanh nghiệp và mọi người dân theo đúng tinh thần của Nghị quyết 39-NQ/TW “đổi mới tư duy, khơi dậy khát vọng phát triển toàn diện, nhanh, mạnh hơn”.

Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc-Nam của cả nước. Ảnh: Nhật Thanh
Nghệ An nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung bộ, trên trục giao thông huyết mạch Bắc-Nam của cả nước. Ảnh: Nhật Thanh

Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về du lịch theo sự phân cấp; triển khai tốt các quy hoạch, chiến lược, đề án, kế hoạch về phát triển du lịch; làm tốt công tác quy hoạch vùng huyện, kế hoạch sử dụng đất; tăng cường thu hút các nhà đầu tư, cũng như đồng hành tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tiếp tục tăng cường công tác tái đầu tư để nâng cao chất lượng cơ sở vật chất và dịch vụ, đồng thời thường xuyên làm mới sản phẩm; làm tốt công tác quảng bá sản phẩm du lịch của mình; đầu tư ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh dịch vụ du lịch; thường xuyên bồi dưỡng nguồn nhân lực; đổi mới toàn diện nhận thức, tư duy và cách làm du lịch, thay đổi cung cách phục vụ khách và nắm bắt tốt thị hiếu của du khách.

Về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục hỗ trợ tỉnh Nghệ An trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường nước ngoài mà ngành Du lịch Nghệ An đang hướng đến như: Các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Nga; hỗ trợ kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, quốc tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ; tổ chức các sự kiện du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế tại tỉnh Nghệ An.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tham quan gian trưng bày sản phẩm du lịch của Nghệ An tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: Công Kiên
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh tham quan gian trưng bày sản phẩm du lịch của Nghệ An tại Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Hà Nội, tháng 4/2023. Ảnh: Công Kiên